Phỏng vấn Ðức TGM Nikola Eterovic

về Tông Huấn Hậu THÐGM

về Bí Tích Thánh Thể

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Phỏng vấn Ðức Tổng Giám Mục Nikola Eterovic về Tông Huấn Hậu Thượng Hội Ðồng Giám Mục về Bí Tích Thánh Thể.

(Radio Veritas Asia 34/03/2007) Quý vị và các bạn thân mến. Ðức Tổng Giám Mục Nikola Eterovic là Tổng Thư Ký của Thượng Hội Ðồng Giám Mục Thế Giới. Trưa ngày 13 tháng 3 năm 2007, ngài đã cùng với Ðức Hồng Y Angelo Scola mở cuộc họp báo tại Vatican, để giới thiệu tông huấn về Bí Tích Thánh Thể cho giới báo chí. Trong thời gian qua, mục thời sự đã trình bày với quý vị và các bạn từng phần bài thuyết trình này. Mục thời sự hôm nay kính mời quý vị và các bạn theo dõi cuộc trao đổi giữa ngài và hãng tin Zenit, về Tông Huấn hậu thượng hội đồng giám mục. Trong cuộc trao đổi này, chúng ta thấy Ðức Tổng Nikola Eterovic muốn nhấn mạnh đến phần thứ III của Tông Huấn, và làm nổi bật tương quan giữa bí tích thánh thể và tình thương phục vụ người nghèo. Ðây, kính mời quý vị và các bạn theo dõi cuộc phỏng vấn.

Hỏi 1: Thưa Ðức Tổng, có phần nào hay đoạn nào trong Tông Huấn về bí tích Thánh Thể được ngài chú ý đến nhiều hơn hay không?

Ðáp: Vâng, có chứ. Ðức Thánh Cha chỉ cho chúng ta biết như thế nào Bí Tích Thánh Thể là nguồn mạch cho đời sống và sứ mạng của Giáo Hội. Tại hai nơi trong Tông Huấn, ÐTC đã nhắc đến các vị thánh như là mẫu gương cho đời sống thánh thể.

Ngày 23 tháng 10 năm 2005, lúc kết thúc khoá họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục, đã có năm vị Chân Phước được tôn phong lên bậc hiển thánh. Và đây là lần phong hiển thánh đầu tiên của Ðức Bênêđitô XVI. Năm vị tân hiển thánh này có lòng sùng mộ bí tích Thánh Thể cách đặc biệt. Ðó là các tân hiển thánh sau đây: Thánh Giám Mục Josef Bilcwewski, người BaLan; ba tân hiển thánh linh mục, Cha Gaetano Catanoso, Cha Zygmunt Gorazdowski và cha Alberto Hurtado Cruchaga; và vị thánh thứ năm là Tu Sĩ Ca-pu-xin, thầy Felice da Nicosia. (số 4).

Cuối tông huấn, ÐTC nhắc đến nhiều vị Thánh, bắt đầu với những vị thánh thời các thế kỷ đầu --- (số 94) --- là những vị có thể được gọi là "những vị Thánh của Bí Tích Thánh Thể."

Hỏi 2: Thưa Ðức Tổng, sau khi đã chỉ cho biết như thế nào trong hai phần đầu của Tông Huấn, mọi người kitô đều được mời gọi "nội tâm hoá" đời sống thánh thể, qua việc đào sâu đức tin, cầu nguyện tự cá nhân, cử hành tốt mầu nhiệm tình thương Ba Ngôi Thiên Chúa trong Phụng Vụ, thì trong phần III, ÐTC đã dùng ngôn ngữ cụ thể và mạnh hơn. Phần thứ III của Tông Huấn chỉ cho chúng ta biết làm sao để thể hiện đời sống bí tích trong cảnh sống hằng ngày, trong cái nhìn toàn cầu, vừa nhắc đến chứng tá công khai của đức tin cho những giá trị không thể nhượng được. Số 87 của Tông Huấn mời gọi các tín hữu "hãy tố cáo những hoàn cảnh vô nhân" trong đó nhiều người phải chết vì đói, nạn nhân của bất công và của sự lạm dụng khai thác.

Thưa Ðức Tổng, có đúng như thế không?

Ðáp: Ðúng vậy. Mọi sư đến từ Bí Tích Thánh Thể. Những Hoa Trái ruộng đất, mà chúng ta dâng lên Chúa, là những hoa trái tự nhiên, từ thiên nhiên, và cũng là quà Thiên Chúa gởi đến. Các tạo vật đều tốt lành. Nhưng chúng ta luôn nhìn thấy những món quà này bị làm hư do bởi những lạm dụng và những bóc lột.

Ðây cũng là hoa trái của cuộc sống bí tích, một cuộc sống luôn cố gắng làm tất cả những gì có thể, để cống hiến cho thế hệ đến sau khả thể mang bánh và rượu lên dâng trên bàn thánh, để rồi nhờ ân sủng Chúa Thánh Thần và lời truyền phép của linh mục, bánh và rượu này được biến đổi thành Mình và Máu Chúa Kitô.

Hỏi 3: Như thế "môi sinh học của Kitô giáo" không thuộc loại "môi sinh học ý thức hệ", nhưng là một môi sinh mang tính cách thánh thể. Có đúng vậy không, thưa Ðức Tổng?

Ðáp: Ðúng vậy, bí tích ThánhThể phải cống hiến cho chúng ta một tu đức có sức chiếu sáng cuộc đời của mọi người nam nữ, trong mọi lãnh vực hoạt động.

Khía cạnh tiêu cực của việc toàn cầu hoá là người giàu càng ngày càng trở nên càng giàu thêm, trong khi đó người nghèo càng ngày càng không có đủ của ăn nuôi sống hằng ngày. Ðây là một gương mù. Nơi số 91 của Tông Huấn, ÐTC nhắc đến, như một thí dụ, rằng chỉ cần không bằng một nửa số tiền dành cho việc sản xuất vũ khí, để đủ nuôi sống người nghèo trên thế giới. (số 90). Ðây là trách nhiệm to lớn của người kitô. ÐTC kêu gọi mọi người kitô và tất cả mọi người thiện chí, hãy dấn thân làm sao để chấm dứt nạn đói trên thế giới.

 

(Ðặng Thế Dũng)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page