Tông Huấn Hậu Thượng Hội Ðồng Giám Mục

về Bí Tích Thánh Thể: Sacramentum Caritatis

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Tông Huấn Hậu Thượng Hội Ðồng Giám Mục về Bí Tích Thánh Thể: Sacramentum Caritatis.

(Radio Veritas Asia 15/03/2007) - Quý vị và các bạn thân mến. Tông Huấn Hậu Thượng Hội Ðồng Giám Mục về Bí Tích Thánh Thể, Bí Tích của Tình Thương, đã được giới thiệu cho giới báo chí tại Roma, trong cuộc họp báo lúc 11 giờ 30 phút trưa thứ Ba, ngày 13 tháng 3 năm 2007, tại Phòng báo chí toà thánh, Roma. Tựa đề đầy đủ của Tông Huấn như sau:

Tông Huấn Hậu Thượng Hội Ðồng Giám Mục "Sacramentum Caritatis" Bí Tích của Tình Thương, của Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI, cho hàng giám mục, giáo sĩ, những người sống đời tận hiến, những anh chị em giáo dân, về bí tích Thánh Thể, nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống và sứ mạng của Giáo Hội.

Toàn Văn của Tông Huấn được phân chia thành 97 số, và được phân chia thành ba Phần Chính, không kể phần nhập đề (1-5) và kết luận (94-97). Ba phần chính được xây dựng dựa trên ba ý lực chính: Tin Vào Mầu Nhiệm Thánh Thể, Cử hành Mầu Nhiệm ThánhThể, và Sống Mầu Nhiệm Thánh Thể. Tin, Cử hành và Sống, đó là ba hành động thiết yếu đối với Bí Tích Thánh Thể. Nhìn vào văn bản, Ba Phần của Tông Huấn được chuyển dịch sang tiếng Việt như sau:

 

Phần I: Bí Tích Thánh Thể, Mầu Nhiệm để được Tin.

Ðức Tin vào Bí Tích Thánh Thể của Giáo Hội ( 6):

Ba Ngôi Thiên Chúa và Bí Tích Thánh Thể.

Bí Tích Thánh Thể: Chúa Giêsu là thật Chiên Thiên Chúa bị hiến tế.

Chúa Thánh Thần và Bí Tích Thánh Thể.

Bí Tích Thánh Thể và Giáo Hội.

Bí Tích Thánh Thể và Các Bí Tích.

Bí Tích Thánh Thể và Cánh Chung Luận.

Bí Tích Thánh Thể và Ðức Nữ Ðồng Trinh Maria ( 33).

Phần II: Bí Tích Thánh Thể: Mầu Nhiệm để được Cử hành:

Việc cử hành Thánh Thể là hành động của Toàn Thể Chúa Kitô.

Nghệ thuật Cử hành.

Cơ cấu của việc cử hành thánh thể.

Sự tham dự hiện hành.

Việc cử hành được tham dự trong nội tâm.

Việc tôn thờ Thánh Thể và lòng đao đức thánh thể.

Phần III: Bí Tích Thánh Thể, mầu nhiệm để được Sống:

Cung Cách Thánh Thể của đời sống kitô.

Bí Tích Thánh Thể, mầu nhiệm để được rao giảng.

Bí Tích Thánh Thể, mầu nhiệm để được hiến dâng cho thế gian.

 

Giờ đây chúng ta hãy đọc ngay vào phần nhập đề của Tông Huấn như sau:

 

Nhập Ðề

1. Là Bí tích của Tình Thương, Bí Tích Thánh Thể rất thánh là món quà Chúa Giêsu Kitô trao ban chính mình, vừa mạc khải tình thương vô cùng của Thiên Chúa đối với mỗi người. Trong Bí Tích kỳ diệu này, được biểu lộ tình thương "cao cả hơn", một tình thương thôi thúc "trao hiến mạng sống cho bạn hữu" (Gn 15,13). Quả thật, Chúa Giêsu "đã yêu thương họ cho đến cùng" (Gn 13,1). Với cách nói nầy, Tác giả phúc âm giới thiệu cử chỉ vô cùng khiêm tốn đã được Chúa hoàn tất; đó là: trước khi chết trên thập giá vì chúng ta, và sau khi đã vấn tấm khăn quanh mình, Chúa rửa chân cho các môn đệ. Cũng vậy, trong bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu tiếp tục yêu thương chúng ta cho đến cùng, cho đến mức trao ban Mình và Máu Người. Trước những cử chỉ và lời nói của Chúa trong bữa Tiệc Ly, tâm hồn của các Tông Ðồ phải kinh ngạc biết là chừng nào! Mầu nhiệm Thánh Thể phải khơi dậy trong tâm hồn chúng ta sự khâm phục biết là chừng nào!

Của Ăn Sự Thật.

2. Trong Bí Tích bàn thờ, Chúa đến gặp con người, một con người được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa (x. Stk 1,27), vừa trở nên kẻ đồng hành với con người. Bởi vì chỉ sự thật mới có thể làm cho chúng ta được tự do thật (x. Gn 8,36), Chúa Kitô biến mình trở thành Của Ăn Sự Thật cho chúng ta. Với sự hiểu biết sâu sắc về thực tại con người, Thánh Agostinô đã làm nổi bật việc con người hành động cách tự nhiên như thế nào và không do sự ép buộc, khi con người bước vào trong tương quan với điều hấp dẫn mình và khơi dậy ước muốn nơi mình. Khi chất vấn chính mình về điều gì cuối cùng có thể chuyển động con người từ trong nội tâm, thì thánh Giám Mục Agostinô thốt lên như sau: "Thử hỏi có điều gì được linh hồn ao ước cách mạnh mẽ hơn là sự thật? (2). Quả thật, mỗi người có mang trong nội tâm niềm ao ước không thể nào huỷ diệt được hướng về sự thật, sự thật cuối cùng và không thay đổi. Vì thế, Chúa Giêsu, "Ðấng là đàng, là sự thật và là sự sống" (Gn 14,6), ngỏ lời với con tim khao khát của con người, một con người cảm thấy mình như là khách lữ hành và bị khát nước, với một con tim hướng về nguồn mạch sự sống, một con tim ăn mày Sự Thật. Quả thật, Chúa Giêsu Kitô là Sự Thật nhập thể làm người, là Ðấng lôi cuốn thế gian đến với mình. "Chúa Giêsu là ngôi sao bắc đẩu của sự tự do con người; không có Chúa Giêsu, tự do con người bị mất hướng, bởi vì nếu không biết sự thật, sự tự do bị mất bản tính, bị cô lập, và bị rút gọn thành sự tự quyết khô cằn. Với Chúa Giêsu, sự tự do được gặp lại chính mình" (3). Trong bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta biết một cách đặc biệt sự thật của tình thương, yếu tính của Thiên Chúa. Và sự thật phúc âm này có liên hệ đến mỗi người và trọn cả con người. Vì thế, giáo hội, một giáo hội gặp được trong bí tích Thánh Thể trung tâm của sức sống mình, liên lỉ dấn thân để rao giảng cho tất cả mọi người, vào "lúc thuận tiện cũng như khi không thuận tiện" (x. 2 tim 4,2), rằng Thiên Chúa là Tình Thương (4). Chính bởi vì Chúa Kitô đã trở nên cho chúng ta của ăn sự Thật, mà Giáo Hội ngỏ lời với con người, vừa mời gọi con người hãy đón nhận món quà của Thiên Chúa, theo cách thức phù hợp với sự tự do của mình.

(Còn Tiếp)

 

(Bản dịch Việt ngữ của Ðặng Thế Dũng)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page