Sứ Ðiệp Mùa Chay năm 2007

của Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Sứ Ðiệp Mùa Chay năm 2007 của Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI:

"Họ sẽ nhìn lên Ðấng họ đã đâm thâu qua" (Gn 19,37)

 

Anh chị em thân mến,

"Họ sẽ nhìn lên Ðấng họ đã đâm thâu qua" (Gn 19,37). Ðây là chủ đề kinh thánh hướng dẫn suy tư mùa chay của chúng ta trong năm nay (2007). Mùa Chay là thời gian thuận tiện để học đứng bên cạnh Ðấng đã hoàn tất hy tế mạng sống mình trên thập giá cho toàn thể nhân lọai (x. Gn 19,25), cùng với Mẹ Maria và thánh Gioan, người môn đệ được Chúa yêu thương. Với sự tham dự sống động hơn, trong thời gian đền tội và cầu nguyện này, chúng ta nhìn lên Chúa Kitô chịu đóng đinh, Ðấng mạc khải trọn vẹn cho chúng ta biết tình yêu của Thiên Chúa, khi chịu chết trên đồi Calvariô. Về chủ đề tình yêu, tôi đã trình bày trong thông điệp "Thiên Chúa là Tình Yêu" (Deus Caritas est), vừa làm nổi bật hai hình thức căn bản của tình yêu: agapê và êros, tình bác ái agapê và tình yêu êros.

Tình Yêu Thiên Chúa: tình bác ái agapê và tình yêu êros.

Từ ngữ "agapê" xuất hiện nhiều lần trong tân Ước và nói lên tình yêu có tính cách hy sinh của kẻ chỉ mưu tìm điều tốt cho kẻ khác mà thôi. Từ ngữ êros, ngược lại, nói lên tình yêu của kẻ muốn chiếm hữu điều mình không có và khao khát kết hiệp với người mình yêu. Tình thương của Thiên Chúa đối với chúng ta chắc chắn là tình bác ái agapê, tình bác ái hiến thân. Thật vậy, thử hỏi con người có thể dâng cho Thiên Chúa điều tốt nào mà Ngài không có chăng? Tất cả những gì mà tạo vật con người chúng ta là và có, đều là hồng ân của Thiên Chúa: thật ra, chính tạo vật mới cần đến Thiên Chúa trong tất cả mọi sự. Nhưng tình yêu của Thiên Chúa còn là tình yêu êros. Trong Cựu Ước, Ðấng tạo dựng vũ trụ chứng tỏ cho dân được ngài tuyển chọn một tình yêu vượt mọi lý lẽ con người. Tiên tri Osêa diễn tả sự đam mê này của Thiên Chúa, bằng những hình ảnh táo bạo, như hình ảnh tình yêu của người nam đối với người nữ ngoại tình (x. Osea 3,1-3); Còn tiên tri Ezêkiel, khi nói về tương quan của Thiên Chúa đối với dân Israel, đã không ngần ngại dùng ngôn ngữ nóng bỏng và mê say (x. chương 16, 1- 22). Những bản văn kinh thánh này cho thấy rằng tình yêu êros là thành phần của chính con tim của Thiên Chúa. Ðấng toàn năng chờ đợi lời thưa vâng của tạo vật do mình tạo thành, như vị hôn phu trẻ tuổi chờ đợi lời đáp trả của hôn thê của mình. Buồn thay, ngay từ khởi đầu, nhân loại bị mê hoặc bởi sự dối trá của thần dữ, trở nên đóng kín trước tình yêu của Thiên Chúa, với ảo tưởng về một sự tự mãn không thể nào có được (x. Stk 3,1-7). Ðóng kín trong chính mình, Ađam đã đi xa khỏi nguồn mạch sự sống là chính Thiên Chúa, và đã trở thành kẻ đầu tiên trong số "những kẻ vì sợ chết mà bị giữ trong cảnh nô lệ mãi mãi (Dt 2,15). Tuy nhiên, Thiên Chúa không chấp nhận mình là kẻ chiến bại; ngược lại, lời thưa không của con người lại là một thôi thúc có tính cách quyết định làm cho Thiên Chúa nhất quyết biểu lộ tình yêu của Ngài với trọn cả sức mạnh cứu rỗi của nó.

Thập Giá mạc khải trọn vẹn tình yêu của Thiên Chúa.

Chính trong mầu nhiệm của Thập Giá mà được mạc khải trọn vẹn quyền năng vô song của lòng nhân từ của Thiên Chúa Cha trên trời. Ðể chiếm lại tình yêu của tạo vật, Thiên Chúa đã chấp nhận trả giá cao nhất: là Máu của Con Một Ngài. Cái chết, mà đối với Ađam đầu tiên đã là dấu chỉ tột cùng của sự cô đơn và của sự bất lực, (cái chết đó) đã được biến đổi thành hành động tột cùng của tình yêu và của sự tự do của Ađam mới. Do đó người ta có thể quả quyết, cùng với thánh Massimo Hiển Tu rằng Chúa Kitô "đã chết --- nếu có thể nói như vậy --- một cách thần thiêng, bởi vì Ngài đã chết một cách tự do (Ambigua 91, 1956). Nơi thập giá, được biểu lộ tình yêu êros của Thiên Chúa đối với chúng ta. Thật vậy tình yêu êros --- như Ông Pseudo-Dionigi đã nói --- là sức mạnh "không cho phép người yêu sống đóng kín trong chính mình, nhưng thôi thúc người yêu kết hợp với người được yêu (De divinis nominibus, IV, 13; PG 3, 712). Thử hỏi có tình yêu êros nào điên khùng hơn tình yêu đã làm cho Con Một Thiên Chúa đến kết hiệp với chúng ta, cho đến độ mang lấy những hậu quả của tội lỗi chúng ta, dường như thể của riêng Ngài, hay không?

"Ðấng mà họ đã đâm thâu qua".

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy nhìn vào Chúa Kitô bị đâm thâu qua trên thập giá. Chính ngài là sự mạc khải lạ lùng nhất cho tình yêu của Thiên Chúa, một tình yêu mà trong đó tình yêu êros và tình bác ái agapê, thay vì đối nghịch nhau, thì lại soi sáng cho nhau. Trên Thập Giá, chính Thiên Chúa đến ăn mày tình thương của tạo vật của Ngài: Thiên Chúa khát khao tình thương của mỗi người chúng ta. Thánh tông đồ Tôma đã nhìn nhận Chúa Giêsu "là Chúa và là Chúa Trời", khi thánh nhân đặt bàn tay vào vết thương nơi cạnh sườn Chúa. Chúng ta không ngạc nhiên về sự kiện rằng nơi các vị thánh, có nhiều vị đã gặp thấy nơi Thánh Tâm Chúa Giêsu một diễn tả cảm động nhất cho mầu nhiệm tình yêu. Người ta có thể nói đúng rằng sự mạc khải về tình yêu êros của Thiên Chúa đối với con người quả thật là sự thể hiện tột cùng của tình yêu agapê. Thật vậy, chỉ tình yêu --- mà trong đó được hiệp nhất hai yếu tố: hồng ân nhưng không của chính mình và ước muốn mê say đáp ứng lẩn nhau --- (chỉ tình yêu như thế) mới trao ban sự mê say làm cho những hy sinh nặng nề nhất trở thành nhẹ nhàng. Chúa Giêsu đã nói: " Khi nào ta bị treo lên cao, Ta sẽ lôi kéo tất cả về cùng Ta". (Gn 12,32). Câu trả lời mà Chúa hết sức mong ước từ chúng ta, trước hết là việc chúng ta tiếp nhận tình yêu của Chúa, và để cho Ngài lôi kéo chúng ta đến với Ngài. Tuy nhiên, chỉ tiếp nhận tình yêu của Chúa thì không đủ. Còn cần đáp lại tình yêu Chúa và sau đó dấn thân thông truyền tình yêu này cho những kẻ khác: Chúa Kitô "thu hút tôi đến với Chúa, để ngài kết hiệp với tôi, ngõ hầu tôi học biết yêu thương anh chị em bằng chính tình yêu thương của Chúa.

Máu và Nước.

"Họ sẽ nhìn lên Ðấng mà họ đã đâm thâu qua". Chúng ta hãy tin tưởng nhìn vào cạnh sườn bị đâm thâu qua của Chúa Giêsu, mà từ đó "máu và nước" chảy ra (Gn 19,34)! Các giáo phụ của Giáo Hội đã nhìn những yếu tố nầy như là "những biểu tượng của các bí tích Rửa Tội và Thánh Thể. Với nướùc của bí tích Rửa Tội, nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, được biểu lộ cho chúng ta sự thân thiết của tình yêu Ba ngôi. Trên con đường Mùa Chay, nhớ lại bí tích rửa tội chúng ta đã lãnh nhận, chúng ta được khuyến khích ra khỏi cái tôi, để mở rộng chính mình, trong sự phó thác đầy tin tưởng. Máu, biểu tượng cho tình yêu của Vị Mục Tử Nhân lành, lưu thông trong chúng ta, một cách đặc biệt trong mầu nhiệm Thánh Thể: "Thánh Thể thu hút chúng ta vào trong hành động hiến dâng của Chúa Giêsu... chúng ta bị cuốn vào trong sức hiến thân của Chúa" (Thông Ðiệp "Thiên Chúa là Tình Yêu", số 13) Vậy chúng ta hãy sống Mùa Chay như là thời gian thánh thể, trong đó, nhờ tiếp nhận tình yêu của Chúa, chúng ta học biết phổ biến tình yêu này quanh chúng ta bằng mọi cử chỉ và mọi lời nói. Việc chiêm ngắm Ðấng họ đã đâm thâu qua, thôi thúc chúng ta đến độ mở rộng con tim cho kẻ khác, vừa nhìn nhận những vết thương đã gây ra cho phẩm giá con người; một cách đặc biệt, việc chiêm ngắm này thôi thúc chúng ta chiến đấu chống lại mọi hình thức khinh thường sự sống và lạm dụng con người, và làm nhẹ đi những thảm kịch của sự cô đơn và bị bỏ rơi của biết bao người. Ước gì mùa chay trở nên cho mỗi người kitô một kinh nghiệm mới về tình yêu của Thiên Chúa được ban cho chúng ta trong Chúa Kitô, tình yêu mà mỗi ngày đến phiên mình, chúng ta phải "trao ban lại" cho người lân cận, nhất là cho kẻ khổ đau nhất và đang cần dược trợ giúp. Chỉ như thế, chúng ta mới có thể tham dự một cách trọn vẹn vào niềm vui của lễ Phục Sinh. Nguyện xin Mẹ Maria, Mẹ của Tình Yêu tươi đẹp, hướng dẫn chúng ta trên con đường mùa chay, con đường của sự trở lại đích thực với tình yêu của Chúa Kitô.

Thưa anh chị em thân mến, tôi cầu chúc anh chị em một cuộc hành trình mùa chay nhiều sự lành; và với lòng mộ mến, tôi gởi đến tất cả anh chị em Phép Lành Toà Thánh.

Từ Vatican ngày 21 tháng 11 năm 2006

Bênêđitô XVI, giáo hoàng

 

(Bản dịch Việt ngữ của Ðặng Thế Dũng)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page