Huấn Ðức của ÐTC Beneđitô XVI

vào Trưa Chúa Nhật ngày 18/02/2007

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Những Lời Huấn Ðức của ÐTC Beneđitô XVI vào Trưa Chúa Nhật ngày 18/02/2007.

(Radio Veritas Asia 19/02/2007) - Quý vị và các bạn thân mến. Chúa nhật, ngày 18 tháng 2 năm 2007, đúng vào ngày Mùng 2 Tết Ðinh Hợi của Dân Tộc Việt Nam, và cũng là Ngày Ðầu Năm của vài dân tộc khác nữa tại Châu Á, nên liền sau khi đọc kinh Truyền Tin Trưa, ÐTC Bênêditô XVI đã nói vài lời chúc mừng như sau:

"Tại Vài Quốc Gia Phương Ðông, hôm nay được cử hành Ngày Ðầu Năm Âm Lịch, với niềm vui và tình thân trong các gia đình. Tôi chân thành gởi Lời Chúc An Bình và Thịnh Vượng đến tất cả mọi dân tộc vĩ đại này."

Và như thường lệ, trước khi xướng Kinh Truyền Tin, ÐTC đã nói vài lời huấn đức như sau:

 

Anh chị em thân mến,

Phúc Âm của Chúa nhật hôm nay, (tức Chúa Nhật, ngày 18 tháng 2 năm 2007), có tích chứa một trong những Lời đặc biệt nhất và mạnh mẽ nhất trong số những Lời Rao Giảng của Chúa Giêsu. Ðó là lời dạy: "Hãy yêu thương kẻ thù" (Lc 6,27). Ðây là lời trích từ Phúc âm theo thánh Luca chương 6 câu 27; nhưng chúng ta cũng gặp thấy lời dạy này trong Phúc âm theo thánh Mathêu nữa, nơi chương 5, câu 44, trong khung cảnh của bài Giảng Trên Núi, công bố hiến chương Nước Trời, được bắt đầu với những lời chúc phúc. Chúa Giêsu đã công bố lời dạy này tại Galilêa, vào khởi đầu đời sống công khai của Ngài: đây như là một "tuyên ngôn" gởi đến tất cả mọi người; nhưng Chúa yêu cầu các môn đệ hãy chấp nhận sống tuyên ngôn này, vừa đề nghị cho các ngài mẫu gương sống của Chúa, bằng những lời lẽ hết sức tận căn. Thử hỏi đâu là ý nghĩa của Lời dạy này của Chúa? Tại sao Chúa Giêsu yêu cầu yêu thương những kẻ thù của mình, một tình yêu vượt quá khả năng con người? Thật ra, lời đề nghị của Chúa Kitô có tính cách thực tế, bởi vì Chúa biết rõ rằng trong thế giới, có quá nhiều bạo lực, quá nhiều bất công, và con người không thể nào thoát ra khỏi tình trạng này nếu không dựa vào tình yêu nhiều hơn, nếu không có lòng tốt cao hơn. Ðiều "nhiều hơn" này đến từ Thiên Chúa: đó là tình thương nhân từ của Ngài, một tình thương được nhập thể nơi Chúa Giêsu, và là tình thương duy nhất có sức "giải thoát" thế giới khỏi sự dữ để làm cho thế giới tiến đến điều thiện, mà điểm khởi hành là "thế giới nhỏ bé và quyết định", là con tim con người.

Và đúng thật trang Phúc Âm này đã được nhìn như là đại hiến chương của tinh thần bất bạo động kitô, một tinh thần không đầu hàng trước sự dữ --- "đầu hàng" trước sự dữ là hiểu theo một giải thích sai lầm về việc "đưa má kia cho người ta tát vào" (x. Lc 6,29) --- nhưng hệ tại trong việc đáp lại sự dữ bằng sự thiện (x. Rm 12,17-21), và như thế bẻ gảy chuỗi dài những bất công. Người ta bấy giờ hiểu rằng sự bất bạo động, đối với người kitô, không phải chỉ là một thái độ có tính cách "chiến lược", nhưng là một hiện hữu của con người, một thái độ của kẻ đã xác tín tin vào tình yêu của Thiên Chúa và vào sức mạnh của tình yêu này, đến độ không còn sợ đương đầu với sự dữ, chỉ với vũ khí của tình thương và sự thật. Tình thương đối với kẻ thù là "hạt nhân" của cuộc cách mạng kitô, một cuộc cách mạng không dựa trên những chiến thuật của sức mạnh kinh tế, chính trị, hay sức mạnh của các phương tiện truyền thông. Ðây là cuộc cách mạng của tình thương, một tình thương không cậy dựa một cách quyết định vào những nguồn lực con người, nhưng là hồng ân của Thiên Chúa, mà chúng ta nhận lãnh nhờ chỉ tin tưởng một cách không do dự vào lòng tốt đầy nhân từ của Thiên Chúa. Ðó là sự mới mẽ của Tin Mừng, có sức biến đổi thế giới, mà không gây tiếng động ồn ào. Ðó là tính anh hùng của những kẻ bé nhỏ, những kẻ tin vào tình yêu của Thiên Chúa và phổ biến tình yêu này, cả với giá phải trả là chính mạng sống mình.

Anh chị em thân mến,

Mùa chay được bắt đầu vào thứ Tư Lễ Tro tới đây với nghi thức xức tro; Mùa Chay là thời gian thuận tiện trong đó tất cả mọi người kitô được mời gọi hãy ăn năn trở lại, mỗi ngày một sâu xa hơn, (trở lại) với tình yêu của Chúa Kitô. Chúng ta hãy khẩn xin Ðức Nữ Ðồng Trinh Maria, người môn đệ luôn vâng phục của Ðấng Cứu Ðộ, xin Mẹ giúp chúng ta biết để cho con người mình được chinh phục bởi tình yêu Chúa, một cách không dè giữ; xin Mẹ giúp chúng ta học biết yêu thương như Ðấng đã yêu thương chúng ta, để sống nhân từ như Cha chúng ta trên trời là Ðấng nhân từ.

 

Sau những lời trên, ÐTC xướng kinh Truyền Tin với mọi người hiện diện. Sau kinh Truyền Tin và phép lành, ÐTC đã nhắc đến và chúc mừng Năm Mới các dân tộc Á Ðông (như vừa nói trên). Sau đó, ÐTC nhắc đến tình hình tại Phi Châu với những lời như sau:

 

Tôi muốn nói lên sự gần gủi thiêng liêng của tôi với một quốc gia Phi Châu đang trải qua những giây phút thật khó khăn: quốc gia Guinêa. Các giám mục tại quốc gia này đã cho tôi biết những lo lắng của các ngài trước tình trạng tê liệt xã hội, với những tổng đình công và những phản ứng đầy bạo lực, đã gây ra nhiều nạn nhân. Trong khi yêu cầu tôn trọng những nhân quyền và những quyền dân sự, Tôi cầu xin Chúa ban cho việc dấn thân chung trên con đường đối thoại được mang lại hoa trái là vượt qua được cuộc khủng hoảng.

Bằng tiếng Pháp, ÐTC kêu gọi các tín hữu hãy hướng về Chúa, để yêu mến Ngài mỗi ngày một hơn và yêu thương anh chị em, kể cả yêu thương những ai làm khổ mình. "Chính do đó mà anh chị em được nhìn nhận như là những môn đệ của Chúa."

Bằng tiếng Anh, ÐTC kêu gọi hãy nhìn nhận những tội lỗi và những yếu đuối của bản thân, và hãy đào sâu thêm ước muốn thực hiện sự tha thứ và lớn lên trong sự cảm thông.

Bằng tiếng BaLan, ÐTC nhắc rằng thứ Tư lễ tro là ngày trên toàn quốc BaLan, toàn thể hàng giáo sĩ BaLan cầu nguyện và đền tội. Lời cầu nguyện cho sự thánh thiện của các linh mục làm cho mọi tín hữu BaLan được tràn đầy tinh thần tha thứ, hoà giải, và tin tưởng lẫn nhau.

 

(Ðặng Thế Dũng)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page