Tết Ðinh Hợi 2007 tại Saigòn

của Những Người Xa Quê

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Tết Ðinh Hợi 2007 tại Saigòn của Những Người Xa Quê.


Gian hàng bán hoa chưng tết của các bạn công nhân di dân không về quê nhưng ở lại Saigon ăn Tết.


Saigòn, Việt Nam (15/02/2007) - Sáng 28 Tết (15/02/2007), dạo quanh một vòng phố phường, bỗng phát hiện các bạn trẻ công nhân sở hữu đến ba gian hàng bán hoa chưng tết. Lân la hỏi chuyện, tôi được biết các bạn công nhân này Tết không về, ở lại Saigon ăn Tết, các bạn sinh hoạt trong nhóm công nhân của giáo xứ Xuân Hiệp do cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Minh Thiệu dòng Don Boscô phụ trách.

Khu vực Xuân Hiệp có rất đông nhà trọ công nhân vì đó là khu công nghiệp Linh Trung - Thủ Ðức. Bình thường mỗi tối các bạn đến nhà thờ Xuân Hiệp cùng nhau đọc kinh Mân Côi, cùng nhau học giáo lý, học đàn, học hát, học vi tính và cả học nghề như: may, chụp hình... Thầy giáo của các lớp học này là Quý Cha, Quý Soeur và những anh chị thiện nguyện viên, chỉ nghe biết cha Thiệu muốn giúp đỡ cho các bạn công nhân có thêm cái chữ, có thêm cái nghề với mong muốn thoát khỏi kiếp làm công cho người ta suốt đời và tương lai có thể trở về quê lập nghiệp.

Với mô hình tự quản lý nhau, các bạn trẻ công nhân này sống rất đoàn kết và có một sự tương trợ như trong một gia đình. Các bạn tự đặt tên cho khu nhà trọ của mình là "Nhà Mùi", "Nhà Lá" và "Nhà Nghèo". Gọi là nhà Mùi vì khu nhà trọ của các bạn nhân công này toạ lạc ngay sau trại heo giống cấp 1. Lúc nào cũng hôi, sáng trưa chiều tối và đặc biệt những ngày trời nóng một chút thì những cư dân chung quanh chỉ còn biết chịu trận. Nhà Mùi với gần 30 phòng trọ, các bạn ở với nhau như anh chị em. Khu nhà trọ rất đông người nhưng hàng xóm ít khi nào nghe tiếng la hét, gây lộn hay nhậu nhẹt say xỉn như những khu vực khác. Khi đến thăm, điều làm cho tôi cảm thấy nếp sống văn hoá của các bạn rất cao như những tờ giấy dán trên tường: "Một ngàn lần xin đừng rú ga hay nẹt pô". Câu nhắn nhủ này của cha Thiệu đấy, một bạn công nhân cho tôi biết khi thấy tôi tần ngần bên hàng chữ này hồi lâu. Còn "nhà Lá" và "nhà Nghèo" thì tự các bạn thấy "nhà Mùi" có tên thì tự nghĩ ra một cái tên để có với chị với em vậy thôi. Cha Thiệu cho biết thêm.

Công nhân ở khu vực này hầu như là người Quảng Trị, Quảng Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh... một số bạn trong năm gom góp được kha khá thì về thăm quê. Giá vé đến 450 ngàn, nhưng cha Thiệu đã thuê cho chúng em nguyên một chuyến xe để anh chị em về chung với nhau, giá chỉ có 400 ngàn mà không phải chen chúc hay va chạm với những người ngoài. Tôi mừng thầm cho các bạn, vì quá biết việc đi lại trong dịp tết ở Việt Nam vất vả đến nhường nào. Xe 25 chỗ thì chất khoảng 40 người, xe 50 chỗ thì ít ra trên xe cũng khoảng 80 đến 90 người... vậy mà vẫn có thể chất thêm người nữa nếu trên đường có thêm khách.

Ðể giúp các bạn ở lại bớt nỗi nhớ quê, những người trẻ không việc làm rồi sẽ về đâu? Cha Thiệu đã giải đáp lời thắc mắc của mình bằng cách chạy ngược chạy xuôi mua hoa cho các bạn bán Tết. chẳng phải để kiếm lời hay kinh doanh gì đâu nhưng để các bạn công nhân có công việc làm trong những ngày công ty nghỉ, không đàn đúm hay la cà trong các tiệm Internet, các quán nhậu, hoặc sa đà vào những bàn bida... chỉ có vậy thôi, chứ nếu có ý định kinh doanh thì chỉ có lỗ đến huề vốn mà thôi. Như hoa đây cha mua tận miền tây, tai các nhà vườn tổng cộng 18 triệu vậy mà tính đến thời điểm này (10 giờ đêm 27 Tết) trong tay mình mới thu về được 7 triệu. Rồi cha kết luận lời lỗ không quan tâm nhưng để tập cho các bạn biết buôn bán. Tôi cảm thấy các bạn công nhân tại khu vực Xuân Hiệp này thật hạnh phúc, có lẽ những sinh hoạt nơi đất khách quê người sẽ làm cho các bạn lớn lên và trưởng thành hơn, vững chãi hơn, tự tin hơn khi bước vào cuộc đời.

Không chỉ bán hoa, các bạn còn gói bánh chưng, một hoạt động mà bất cứ gia đình Việt Nam nào cũng không quên trong Tết. Bên mâm đậu, rá gạo hay từng tấm lá đều cóbàn tay chăm chút của mọi thành viên trong nhà. Con lau lá, mẹ đãi đậu, bố gói bánh... Hình ảnh đẹp này bây giờ đã mất dần vì thành phố có chỗ đâu mà đun với nấu... bánh chưng của các bạn công nhân gói không bán, nhưng để biếu những ân nhân đã giúp đỡ các bạn và một ít còn lại để ăn tết. Từng cái bánh dù không vuông hay cũng chẳng tròn trịa như cha mẹ gói nhưng lại mang nặng tình cảm của những con người tình nghĩa, sống có trước có sau có trên có dưới. Những đòn bánh tét tuy không đẹp, chưa chắc tay nhưng cái hồn dân tộc thì đầy tràn, truyền thống cha ông không mai một và không bao giờ mất.

Dù bận rộn như vậy nhưng chúng em vẫn không bỏ đọc kinh tối ngày nào hết. Lan, một bạn công nhân đã thỏ thẻ với tôi như thế khi tôi còn đang tròn mắt nhìn các bạn lần lượt rời khỏi nơi buôn bán hoà lẫn vào dòng người ngược xuôi trên đường hướng về nhà thờ Xuân Hiệp.

"Vui xuân nhưng không quên nhiệm vụ", đã đi rồi mà Hiếu còn ngoái lại nói thêm một câu nữa. Và tôi chợt hiểu những buổi tối đọc kinh, những giờ huấn đức của cha phụ trách đã tạo nên những bông hoa đang độ xuân thì như thế. Ước mong các bạn sẽ mãi là như những bông mai, bông đào tươi nở như mỗi dịp xuân về trong các nhà máy, các công ty mà người không công giáo rất nhiều. Một ước mong nữa của người viết sao cho có nhiều người như cha Thiệu, như quý cha, quý Thầy, quý Soeur và những người có lòng chung hướng về các bạn di dân, những người ăn tết xa nhà để các bạn hưởng một mùa xuân trong yêu thương của Giáo Hội và của truyền thống Việt Nam.

Chia sẻ với người viết về những bạn trẻ xa quê, cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Minh Thiệu nói: Tết là dịp những anh chị em vệ sinh - quét rác và những anh công an là những người làm việc nhiều nhất để đem lại an toàn, an ninh và sạch đẹp cho muôn người. Tôi cũng nghĩ mình như người chiến sĩ ấy, tôi chăm sóc về tinh thần cho các bạn trẻ công nhân được hưởng một mùa xuân trọn vẹn và đầy nghĩa yêu thương.

Nói rồi cha lại lên xe đến những điểm bán hoa của các bạn công nhân. Một hành trình mới lại bắt đầu cho cha và cho tất cả chúng ta.

 

Minh Nguyên

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page