Giáo phận Saigòn phát động Tuần lễ di dân

để củng cố đức tin

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Giáo phận Saigòn phát động "Tuần lễ di dân" để củng cố đức tin.

Saigòn, Việt Nam (UCAN - VT01894.1431 Ngày 7-2-2007) - Mối quan tâm của Giáo hội Công giáo Việt Nam đến những người di dân đã thúc đẩy Tổng Giáo phận Saigòn dành ra một tuần lễ hoạt động mục vụ cho họ.

Ban Mục vụ Di dân của tổng giáo phận đã tổ chức "Tuần lễ di dân" từ ngày 14 đến 21/01/2007 "nhằm giúp các bạn trẻ làm ăn ở xa quê thấy được sự quan tâm của Giáo hội địa phương dành cho họ," linh mục Phêrô Phạm Ngọc Hảo, thành viên của ủy ban, phát biểu với UCA News.

Ðà phát triển kinh tế nhanh chóng ở Việt Nam đã buộc hàng trăm ngàn người, chủ yếu là từ các vùng nông thôn, phải di cư đến các thành phố lớn. Tại Thành phố Saigòn, trung tâm kinh tế lớn nhất nước, có chừng 120,000 người Công giáo trong số 1.2 triệu di dân trong thành phố, Cha Hảo cho biết.

"Giáo Hội là một gia đình và người di dân là các thành viên, nên chúng tôi phải giúp cho họ phát triển hòa nhập vào đời sống cộng đồng Công giáo địa phương", ngài nói.

Cha Hảo phục vụ tại giáo xứ Khiết Tâm và phụ trách mục vụ di dân. Giáo xứ, nằm ở quận Thủ Ðức của thành phố, có nhiều người di dân đang làm việc tại các khu công nghiệp.

Trong suốt "Tuần lễ di dân", các giáo xứ phục vụ người di dân đã tổ chức tĩnh tâm, thi Kinh Thánh, cầu nguyện Taize, chầu Thánh Thể và đọc kinh tối tại nhà trọ của người di dân.

Cha Hảo cho biết, có 7,000 người đã tham dự các hoạt động kết thúc tuần lễ đặc biệt này tại giáo xứ của ngài hôm 21-01-2007. Các tham dự viên đã tham gia các trò chơi, thi giáo lý, văn nghệ và Thánh lễ do Ðức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn và một số linh mục đồng tế.

Ðức Hồng y Mẫn tặng sách "Sống Lời Chúa Mỗi ngày" làm quà cho những anh chị em có đóng góp tích cực trong hoạt động mục vụ tại các giáo xứ. Sách có bài Tin Mừng, phần giải thích và lời nguyện mỗi ngày.

Anh Giuse Bùi Văn Liệu, 32 tuổi, quê Thái Bình, cho UCA News biết anh sẽ cố gắng mỗi ngày đọc một trang để suy gẫm và "đem thực hành vào đời sống của mình".

Anh Liễu, trưởng nhóm di dân tại giáo xứ Thánh Phaolô ở quận Bình Tân, cho biết anh thành lập một nhóm thu lượm ve chai gây quỹ để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Anh và 17 bạn trẻ thường đi nhặt bịch nilông, hộp giấy ngoài đường, các nhà trọ hoặc thùng rác ven đường. Họ kiếm được 50,000 đồng mỗi tuần và giúp học phí cho sinh viên nghèo, hoặc mua đường sữa đến thăm những thành viên trong nhóm khi ốm đau. "Chúng tôi cũng thăm và biếu quà những người dân túng thiếu", anh nói thêm.

Anh Liễu còn tình nguyện dạy luyện thi cho một số bạn di dân đang luyện thi vào đại học. Anh cho biết nhóm thường đọc kinh chung tại nhà trọ vào các tối thứ 2 và thứ 6. Với những người ở quê mới vào thành phố, nhóm giới thiệu họ đến khu nhà trọ giá rẻ và an toàn và nhờ bạn bè xin việc giúp.

Chị Anna Nguyễn Thị Năm, quê ở tỉnh Hà Nam, cho UCA News chị làm việc cho một công ty chế biến cá đông lạnh từ 7g sáng đến 9g tối, nhưng vẫn cố gắng dậy đi lễ sáng ở nhà thờ Khiết Tâm mỗi ngày.

Chị Năm, 26 tuổi, đến đô thị này vào năm 2005, cho biết nhà thờ chính là nơi chị lui tới nhiều nhất lúc rảnh rỗi để chị có thể học cách sống đạo và giữ mình trước nhiều thử thách trong cuộc sống.

Chị kể, chị yêu bạn trai thật lòng và anh ta đòi quan hệ tình dục, vì anh ta từng là chỗ dựa khi chị gặp khó khăn nên có nhiều lúc chị muốn đền đáp cho người yêu. Nhưng chị đã từ chối vì "Tôi còn nhớ trong một Thánh lễ, linh mục nói rằng Giáo hội không cho phép làm điều đó".

Maria Lê Thị Sơn, 21 tuổi, lao động di dân làm việc tại một công ty giày dép, cho UCA News biết, vì không có tiền và thời gian để đến rạp chiếu phim hay chương trình ca nhạc, "nên tôi tham dự những buổi sinh hoạt tại giáo xứ như là giải trí của tôi". Chị Sơn, 21 tuổi, tham gia một lớp giáo lý ở giáo xứ Khiết Tâm cho di dân. Học viên lớp giáo lý đóng 5,000 đồng mỗi tháng, để khi có ai ốm đau hay khó khăn thì giúp đỡ.

Người di dân còn đọc kinh tối ở nhà trọ của mình và việc này đã làm cho nhiều bạn trẻ không Công giáo đánh giá cao, Sơn cho biết. Giáo xứ còn có các hoạt động đặc biệt và các cuộc gặp gỡ cho người di dân vào các ngày lễ và dịp Tết. "Các hoạt động đó giúp tôi sống đạo tốt hơn trong lúc sống xa nhà," chị nói thêm.

Tại lễ kết thúc tuần lễ đặc biệt này, Ðức Hồng y Mẫn kêu gọi người di dân củng cố đời sống đức tin và giúp đỡ nhau. "Các bạn hãy là chỗ dựa của nhau để vượt qua văn hóa sự chết -- phá thai, mại dâm và ma túy -- để có thể bảo vệ niềm tin của mình và làm lan tỏa đến những người xung quanh", ngài nói.

Ðức Hồng y cũng kêu gọi giáo dân địa phương đón nhận và tôn trọng người di dân và làm việc với họ vì lợi ích chung.

 

UCAN

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page