Chuyến thăm Vatican của thủ tướng Việt Nam

được đánh giá là bước tiến quan trọng

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Chuyến thăm Vatican của thủ tướng Việt Nam được đánh giá là 'bước tiến quan trọng'.

Bài của Gerard O'Connell, Ðặc Phái viên tại Rôma

Vatican (UCAN - ZY01832.1429 Ngày 26-1-2007) - Vatican đã hoan nghênh chuyến viếng thăm Ðức Thánh cha Bênêđictô XVI của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng hôm 25-1-2007 như "một bước tiến mới và quan trọng hướng tới bình thường hoá quan hệ song phương".

Trong bản tuyên bố phát hành ngay sau cuộc trao đổi, Toà Thánh bày tỏ "sự hài lòng" về chuyến thăm mang tính bước ngoặt của ông Dũng dành cho Ðức Thánh cha, và sau đó là Ðức Hồng Y Tarcisio Bertone, Quốc vụ khanh Toà Thánh, và Ðức Tổng Giám Mục Dominique Mamberti, ngoại trưởng.

Ông Dũng, 57 tuổi, là lãnh đạo Việt Nam đầu tiên gặp gỡ Ðức Giáo Hoàng kể từ khi cộng sản thống nhất nước này tháng 4-1975. Theo bản tuyên bố của Toà Thánh, đây là "lần đầu tiên thủ tướng nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam gặp gỡ Ðức Thánh Cha và các giới chức cấp cao nhất của Văn phòng Quốc Vụ Khanh".

Thông cáo báo chí của Toà Thánh khẳng định chuyến thăm "đánh dấu bước tiến mới và quan trọng hướng tới bình thường hoá quan hệ song phương". Bản tuyên bố còn nói: "Quan hệ đó, trong vài năm qua, đã có tiến bộ cụ thể mở ra những không gian tự do tôn giáo mới cho Giáo hội Công giáo Việt Nam".

Thông cáo không mô tả những điều ông Dũng và phái đoàn của ông đã thảo luận với Ðức Thánh Cha và các giới chức cấp cao thuộc giáo triều của ngài, nhưng lịch sử Giáo hội Việt Nam trong các thập niên gần đây cung cấp nhiều chủ đề cho các cuộc thảo luận giữa họ.

Hơn sáu triệu trong 83 triệu người Việt Nam là người Công giáo. Khi lên nắm quyền ở miền Bắc Việt Nam năm 1954 và nắm quyền cả nước năm 1975, cộng sản đã đóng cửa các chủng viện, tịch thu các trường học, nhà thờ, bệnh viện, cơ sở dòng tu và các tài sản khác của Giáo hội, và trục xuất các thừa sai hải ngoại và các phái đoàn ngoại giao của Toà Thánh.

Tuy nhiên, cộng sản vẫn cho phép nhiều nhà thờ được tiếp tục mở cửa và linh mục dâng lễ, và mặc dù cố kiểm soát hầu hết mọi lĩnh vực hoạt động của Giáo hội, họ chưa bao giờ tiến hành kiểu đàn áp chống Giáo hội như ở Trung Quốc.

Từ giữa những năm 1980, khi chính sách đổi mới của Việt Nam bắt đầu cho phép các sáng kiến thị trường tự do và các hoạt động hợp tác xã bắt đầu bị xoá bỏ, tình hình Giáo hội đã được cải thiện. Năm 1989, chính phủ cho phép Ðức Hồng Y Roger Etchegeray, lúc đó đứng đầu Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hoà bình và Hội đồng Giáo hoàng Ðồng Tâm, viếng thăm Giáo hội Việt Nam.

Trong chuyến thăm này, Ðức Hồng Y còn gặp gỡ các bộ trưởng chính phủ. Ðiều này mở đường cho các cuộc gặp gỡ chính thức hơn giữa hai bên, quan hệ song phương tích cực phát triển từng bước một và các vấn đề được giải quyết dần dần, tất cả đều mở đường cho chuyến thăm của ông Dũng.

Thông cáo báo chí của Vatican nói: "Trong quá trình thảo luận, có chú ý đến các vấn đề tồn tại vốn nghĩ sẽ gặp phải và sẽ được giải quyết thông qua các kênh ngoại giao hiện có và sẽ tiến đến hợp tác có lợi giữa Giáo hội và Nhà nước, để người Công giáo có thể, ngày càng có hiệu quả hơn, đóng góp tích cực vào lợi ích chung của quốc gia, thúc đẩy các giá trị đạo đức, đặc biệt nơi giới trẻ, truyền bá văn hoá đoàn kết và trợ giúp nhân đạo cho những thành phần yếu kém trong dân chúng".

Thông cáo còn cho biết "có sự trao đổi ý kiến về tình hình quốc tế hiện nay, với quan điểm cùng cam kết ủng hộ hoà bình và các giải pháp được thương lượng để giải quyết các vấn đề nghiêm trọng trong thời đại hiện nay".

Sau chuyến bay dài 12 giờ từ Hà Nội, ông Dũng và phái đoàn gồm 60 người, trong đó có nhiều người thuộc các thành phần kinh doanh và tài chính, đã đến sân bay Rôma lúc 8 giờ sáng ngày 25-1-2007. Khoảng bốn giờ chiều, họ lên đường đến Davos, Thuỵ Sĩ, dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới.

Ba giờ sau khi đến Rôma, ông Dũng đến thành phố Vatican cùng với một phái đoàn gồm chín người trong đó có bốn bộ trưởng chính phủ - người đứng đầu nội các và các bộ trưởng thương mại, công nghiệp, kế hoạch và đầu tư.

Hơn chục người trong đội vệ binh danh dự của Toà Thánh chào đón ông Dũng tại Cortile di San Damaso, sân trong của Ðiện Tông Toà nơi Ðức Giáo Hoàng ở. Ðức Tổng Giám Mục James Harvey, Nhiếp Chính Tông Tòa Rôma, tiếp đón ông Dũng và đưa ông đi theo con đường trải thảm đỏ đến thang máy dẫn lên tầng hai của cung điện. Khi thủ tướng bước vào thư viện riêng của Ðức Giáo hoàng, Ðức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã dang tay chào ông. Họ bắt tay nhau cách nồng ấm trước khi đứng yên để quay video lưu lại giây phút lịch sử này.

Sau đó ông Dũng giới thiệu với Ðức Thánh Cha về ông Ngô Yến Thi, trưởng Ban Tôn giáo chính phủ, và ông Thi ở bên cạnh ông Dũng suốt cuộc hội kiến riêng dài 26 phút. Ông Dũng nói tiếng Việt nhưng ông có dẫn theo một thông dịch viên nói tiếng Ý lưu loát. Ðức Thánh Cha có thông dịch viên riêng của ngài là cha Trần Ðức Anh dòng Ða Minh, một người Việt sống ở Rôma.

Sau cuộc hội đàm, ông Dũng thân mật giới thiệu phái đoàn của mình và tặng Ðức Thánh Cha một món quà được mang đến từ Hà Nội, một chiếc bình bằng gốm sứ có hình quả dưa được làm bằng đất sét nung ở 1.300 độ C hồi năm 2000. Nó phát ra âm thanh nghe giống tiếng chuông.

Ðức Bênêđictô XVI đáp lại bằng cách tặng một bộ sưu tập những đồng tiền của triều giáo hoàng ngài cho ông Dũng và các thành viên trong phái đoàn. Sau khi đứng chụp hình tập thể dưới bức tranh "Phục sinh" của hoạ sĩ người Ý Pietro Perugino (năm 1446-1524), ông Dũng chào tạm biệt Ðức Thánh Cha và tiếp tục gặp gỡ Ðức Hồng Y Bertone và Ðức Tổng Giám Mục Mamberti.

Sau các cuộc viếng thăm, thủ tướng Việt Nam đến thăm Thủ tướng Ý Romano Prodi, người đã tổ chức tiệc chiêu đãi ông. Nước Ý đứng thứ chín trong các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu và thứ 31 trong các quốc gia đầu tư vào Việt Nam.

Hôm trước chuyến viếng thăm này, cha Giuse Nguyễn Công Ðoan, một người Việt phụ tá bề trên tổng quyền của Dòng Tên tại Rôma, nói với UCA News rằng ngài tin rằng các giới chức Việt Nam "muốn thiết lập quan hệ ngoại giao, nhưng không làm thế vì tôn trọng Trung Quốc, nước đàn anh".

Cha Ðoan, đứng đầu tỉnh dòng Tên Việt Nam khi cộng sản lên nắm quyền, giải thích: "Việt Nam sẽ không thiết lập quan hệ ngoại giao với Toà Thánh trước Trung Quốc, chỉ vì không gia nhập WTO (Tổ chức Thương mại Thế giới) trước Trung Quốc, mặc dù Việt Nam được mời trước".

Ngay trước khi ông Dũng gặp Ðức Thánh cha Bênêđictô XVI, Ðức Hồng Y Phạm Minh Mẫn, Tổng Giám Mục Saigòn, Việt Nam, nói với UCA News hôm 25-1-2007 trong khi tham dự một cuộc họp tại Bangkok: "Chúng tôi có hy vọng. Hai bên muốn có quan hệ chính thức và cuộc gặp gỡ (tại Vatican) là một bước tiến đến điều này".

Ðức Hồng Y lưu ý: "Việt Nam đã gia nhập WTO, và đã đăng cai tổ chức thành công hội nghị APEC (Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương) tháng 11 năm 2006, vì thế chúng tôi có hy vọng. Nhưng chúng tôi không biết sẽ phải mất bao lâu mới có quan hệ ngoại giao chính thức (với Toà Thánh). Ðối với người Công giáo chúng tôi ở Việt Nam, nếu có liên lạc, các thứ sẽ dễ dàng hơn cho Giáo hội Công giáo".

Ngài nói thêm: "Các thứ không thoải mái đối với người Công giáo. Giáo hội muốn đóng góp trong lĩnh vực giáo dục và y tế nhưng chúng tôi phải xem việc này tiến triển thế nào đã. Hệ thống vẫn còn đó, nhưng chúng tôi có hy vọng".

 

UCAN

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page