Cộng đoàn hiệp nhất

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Cộng đoàn hiệp nhất.

Kể từ năm 1968, Giáo hội Công giáo và một số Giáo hội Kitô giáo khác đã chính thức tổ chức tuần lễ cùng nhau cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô hữu từ ngày 18 đến ngày 25 tháng Giêng hàng năm. Hôm nay đang ở giữa tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất này và đây là dịp thuận tiện để chúng ta cùng nhau tìm hiểu tại sao lại phải cầu nguyện cho sự hiệp nhất?

Trở về nguồn chúng ta thấy: Chúa Giê-su đã chỉ sáng lập một Giáo hội và Người muốn tất cả các môn đệ kết hiệp với nhau trong Giáo hội duy nhất ấy. Và trước lúc chịu tử nạn, Chúa Giê-su đã khẩn thiết cầu xin: "Lạy Cha, xin cho mọi người nên một". Lời cầu này đã quá quen thuộc với tất cả mọi người Kitô hữu chúng ta.

Thế nhưng, trong dòng lịch sử đã xảy ra nhiều cuộc phân rẽ đau thương trong Giáo hội mà đôi khi tại lỗi của những người ở cả hai phía. Sự phân rẽ này rõ ràng là trái với ý muốn của Chúa Giê-su và là một gương xấu. Và đau buồn hơn, đã có những thời những người Công giáo coi các Giáo hội li khai như quân thù thể hiện qua những kiểu nói: nhóm Luthe, bọn thệ phản, những quân li giáo là xuống hỏa ngục hết... Rồi cũng đã có những cuộc xung đột đẫm máu giữa Công giáo và Tin lành. May mắn thay, Sắc lệnh về Hiệp Nhất của Công đồng Vatican II đã nói rõ: "Tất cả những ai được rửa tội đều hiệp thông với Chúa Giê-su và thật sự là anh em với nhau". Mọi Kitô hữu đều là những người chung một niềm tin, chung một phép rửa, những người cùng đọc chung lời kinh Chúa Giê-su dạy: Lạy Cha chúng con ở trên trời. Những đứa con cùng chung một người Cha có tên gọi là tình yêu mà tại sao lại không thương yêu nhau, tại sao lại cứ thù ghét, chia rẽ nhau? Vì thế, chúng ta phải khẩn thiết cầu nguyện cho sự hiệp nhất.

Chúng ta cầu xin điều gì là chúng ta muốn có điều đó. Như thế, những điều chúng ta cầu xin là những điều chúng ta thiếu vắng, hoặc có mà còn quá ít ỏi. Chứ đã có đầy đủ dư thừa rồi thì còn cầu xin làm gì nữa. Trong phạm vi bài này, người viết không dám bàn về chuyện hiệp nhất vĩ đại giữa các Giáo hội Kitô ở tầm cỡ thế giới, nhưng người viết muốn khởi đầu bàn về hiệp nhất ở ngay trong mỗi gia đình, trong mỗi cộng đoàn, mỗi giáo xứ nho nhỏ.

Trước hết, chúng ta cùng suy nghĩ: Thế nào là hiệp nhất?

Hiệp nhất có phải là đồng nhất, có phải là giống nhau y chang? Chắc chắn là không rồi, bởi vì từ nền tảng Thiên Chúa tạo dựng mỗi người là một chủ thể tự do, là một nhân vị với những nét độc đáo riêng biệt. Con người là hình ảnh của Thiên Chúa sống động chứ không phải những bức tượng vô hồn được đúc bằng một khuôn giống hệt nhau. Ấy vậy mà, thật đáng tiếc, trong cuộc sống, từ tôn giáo đến chính trị, nhiều khi chúng ta lại hay có xu hướng áp đặt ý kiến chủ quan của mình bắt người khác phải tuân theo, bắt người khác phải suy nghĩ giống mình, hành động giống mình. Ai mà suy nghĩ khác ta sẽ quy chụp họ đang có vấn đề! Bắt người khác giống mình là hủy diệt tự do và bản tính của người đó, càng bắt họ giống mình bao nhiêu thì sự hiện hữu của họ càng mất đi bấy nhiêu. Nhiệm vụ của những người lãnh đạo là để cho các thành viên lớn lên, là để cho đời họ thêm phong phú chứ không phải là làm nghèo nàn sự hiện hữu của họ. Hiệp nhất không là tất cả phải khoác trên mình một bộ đồng phục giống nhau như kiểu quân đội hay cảnh sát, nhưng đồng phục của hiệp nhất chính là tình yêu, chính là chung một tấm lòng để làm nên sức mạnh như câu truyện bó đũa. Khi dạy về hiệp nhất yêu thương, cha xứ lấy ra một bó đũa, rồi lần lượt đưa cho từng người trong nhà để xem ai có thể bẻ gẫy bó đũa. Ðầu tiên là một cô ca đoàn, cô cố gắng bẻ mà chẳng ăn thua gì, chỉ thấy đau tay mình. Tiếp đến, là ông trong hội thánh Giuse, lên gân lên cốt bẻ mà cũng chẳng ăn thua. Cuối cùng là một chàng thanh niên to khỏe nhất nhà thờ, xắn tay áo lên, vận nội công và bẻ. Bó đũa vẫn y nguyên, mà chàng trai thì đỏ mặt tía tai, thở phì phò. Cuối cùng, cha xứ đã tháo riêng rẽ từng chiếc đũa và đưa cho thằng bé giúp lễ, nó bẻ gãy một cách ngon lành. Một hình ảnh sống động và tuyệt vời về sức mạnh của hiệp nhất.

Hiệp nhất không phải là giống nhau hết mà là tổng hòa các sự khác biệt để làm nên một tập thể phong phú, nên một bằng hòa đồng chứ không phải đồng hóa. Sẽ thật buồn biết bao khi bức tranh chỉ có một màu đen tối hay một màu đỏ rực chói chang; bức tranh phải có nhiều màu sắc khác nhau trong một sự kết hợp hài hòa. Hiệp nhất đẹp như một bản hòa tấu du dương gồm các nốt nhạc cao thấp, mạnh nhẹ khác nhau chứ không phải là tiếng còi tàu một cung hú inh ỏi. Hiệp nhất như năm ngón tay chung một bàn tay, các ngón tay khác nhau, nhưng kết hợp với nhau thành một bàn tay sáng tạo, một bàn tay làm việc, một bàn tay trao ban. Thày là cây nho các con là cành nho. - Hiệp nhất hệ tại là cành nho liên kết với cây nho như ngón tay liên kết với bàn tay, chứ không phải là các cành nho hay các ngón tay giống hệt nhau.

Ðâu là điều kiện để hiệp nhất? Ðể "ta với mình tuy hai mà một".

Chắc nhiều người đã từng tham gia công việc xây dựng nhà cửa, một vật liệu quan trọng trong xây dựng ở Việt Nam hiện nay đó là bê tông. Bê tông gồm những gì? Ximăng, sắt, cát, đá sỏi. Ðiều kiện quan trọng để ximăng, sắt, cát, đá sỏi liên kết chặt chẽ với nhau đó chính là sự sạch sẽ. Cát sỏi mà không sạch thì có nhiều xi măng mấy đi nữa cũng không liên kết vững chắc được. Tương tự như thế, một cộng đoàn muốn hiệp nhất chặt chẽ thì các thành viên cần có tâm hồn trong sạch, có những ý hướng tốt lành, chứ 'sống bẩn' hay 'bẩn bụng' thì khó mà hiệp nhất được. Chính sắc lệnh Hiệp Nhất cũng viết: Không thể có sự hiệp nhất chính danh nếu không có sự thanh tẩy tâm hồn. Khi đã liên kết thành bê tông, thì chúng ta không nhìn thấy xi măng, sắt, cát sỏi riêng rẽ nữa mà chỉ còn thấy một màu xanh của bê tông mà thôi. Tương tự như thế, để hiệp nhất thì cái tôi của mỗi thành viên trong cộng đoàn phải chìm xuống, phải quên mình đi để cho ích chung được lớn lên, chứ cái tôi của mỗi người quá to, quá kềnh càng thì không thể hiệp nhất được. Có một điều tối quan trọng để liên kết xi măng, sắt, sỏi cát thành bê tông mà nhiều khi chúng ta không để ý, đó là Nước. Chính nước đã giúp liên kết chặt chẽ các vật liệu lại. Vậy cái gì có thể liên kết các thành viên trong một cộng đoàn: chẳng phải là y phục hay lề luật, nhưng chính là tình yêu thương như lời thánh Phaolô đã căn dặn: "Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo" (Cl 3,14). Có thể, một cộng đoàn có rất nhiều người sạch sẽ, rất nhiều người khiêm nhường nhưng vẫn không hiệp nhất được với nhau. Tại sao? Bởi vì giữa họ không có tình yêu thương.

Cuối cùng, chúng ta cùng đi tìm mẫu gương của sự hiệp nhất yêu thương.

Mẫu gương nào? Chúng ta cùng nhắc lại lời cầu của Chúa Giê-su: Lạy Cha, xin cho mọi người nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha. Như thế mẫu gương của hiệp nhất nên một chính là tình yêu Chúa Cha và Chúa Giê-su, đó chính là gia đình Thiên Chúa Ba Ngôi. Ba ngôi mà chỉ một Chúa. Một Chúa nhưng lại có Ba ngôi, mỗi Ngôi vẫn có những nét riêng của mình: Chúa Cha sáng tạo, Chúa con cứu chuộc, Chúa Thánh Thần thánh hóa. Lúc này, không còn ta với mình tuy hai mà một nữa, nhưng là tuy ba mà một, tuy một mà ba. Tại sao lại tuyệt vời và lạ lùng thế nhỉ. Thưa, vì Chúa chúng ta là Thiên Chúa của tình yêu. Tình yêu luôn làm cho mọi người nên một với nhau, nhưng đồng thời vẫn tôn trọng tự do của nhau, nhân vị của nhau: anh vẫn là anh, em vẫn là em.

Cuối cùng, xin mượn lời "Bài Ca Hiệp Nhất" của linh mục Thành Tâm như một lời cầu dâng Chúa:

"Xin hiệp nhất chúng con nên một trong tình yêu Chúa.

Xin hiệp nhất chúng con như Ngài liên kết với Cha.

Xin giải thoát chúng con xa điều bất hòa chia rẽ.

Xin kết liên muôn người trong lòng mến Chúa Cha muôn đời".

 

Nguyễn Xuân Trường

Hà Nội, ngày 23/01/2007

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page