Thư các Giám Mục Ba Lan

gửi tín hữu toàn quốc

về việc duyệt xét quá khứ

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Thư các Giám Mục Ba Lan gửi tín hữu toàn quốc về việc duyệt xét quá khứ.

Tin Vatican (Vat 14/01/2007) - Sáng thứ Sáu, ngày 12-1-2007, Hội Ðồng Giám Mục Ba Lan đã nhóm phiên họp ngoại thường tại Varsava để cứu xét tình hình Giáo Hội, sau khi Ðức Tổng Giám Mục Stanislaw Wielgus từ chức Tổng Giám Mục Varsava, vì đã cộng tác với công an mật vụ cộng sản Ba Lan khi còn là linh mục sinh viên.

Kết thúc phiên họp các Giám Mục đã gửi các tín hữu toàn nước một bức thư loan báo quyết định thành lập các Ủy Ban duyệt xét qúa khứ hàng giáo sĩ trong mọi giáo phận toàn nước và một Ủy Ban quốc gia của Giáo Hội đặc trách vấn đề duyệt xét qúa khứ hàng giáo sĩ dưới thời cộng sản. Trong thư các Giám Mục mời gọi toàn dân Chúa, giáo sĩ cũng như giáo dân duyệt xét lương tâm liên quan tới thái độ sống của mình dưới thời chế độ độc tài cộng sản và khuyến khích làm tất cả những gì có thể để đối chiếu sự thật của các sự kiện có thể xảy ra, và nếu cần thì chấp nhận chúng và xưng thú lỗi lầm.

Bức thư này đã được đọc trong các thánh lễ Chúa Nhật 14-1-2007 trong mọi nhà thờ trên toàn nước Ba Lan.

Sau đây chúng tôi xin gửi đến qúy vị và các bạn nội dung bức thư nói trên.

Mở đầu thư các Giám Mục Ba Lan đã nhắc lại các biến cố thê thảm mà mọi người đã phải sống trong những ngày vừa qua liên quan tới vụ Ðức Tổng Giám Mục Stalislaw Wielgus từ nhiệm trong chính ngày nhận chức Tổng Giám Mục Varsava, và các lời tố cáo Ðức Cha đã cộng tác với mật vụ cộng sản Ba Lan gây ra cảnh hoang mang, bất tín nhiệm và chia rẽ trong Giáo Hội. Các vị cám ơn quyết định của Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI đã giúp Giáo Hội Ba Lan đứng lên trong tình trạng khó khăn hiện nay và chuẩn bị nó can đảm đương đầu với thời điểm bất thường này. Các Giám Mục Ba Lan cũng cám ơn sự trợ giúp huynh đệ chuyên biệt của Ðức Tổng Giám Mục Josef Kowalczyk Sứ Thần Tòa Thánh tại Ba Lan.

Tiếp đến các Giám Mục Ba Lan nhắc đến sự kiện ngày mùng 5 tháng Giêng năm 2007 Ðức Tổng Giám Mục Wielgus xác nhận sự kiện cộng tác với cơ quan mật vụ cộng sản của ngài cũng như sự kiện ngài phủ nhận điều này trước các phương tiện truyền thông, đã gây thiệt hại cho Giáo Hội. Các vị tôn trọng quyết định của Ðức Tổng Giám Mục và không xét đoán một người anh em đã hăng say tận tụy phục vụ Giáo Hội như là giáo sư và viện trưởng đại học công giáo Lublin cũng như là chủ chăn giáo phận Plock. Hội Ðồng Giám Mục Ba Lan muốn hỗ trợ Ðức Cha Wielgus với lời cầu nguyện trong việc làm sáng tỏ sự thật. Ðồng thời các Giám Mục cũng lấy làm tiếc vì đã không chú ý đủ đến nội vụ, nên đã góp phần tạo ra một bầu khí áp lực chung quanh Ðức Tổng Giám Mục khiến cho ngài gặp khó khăn với dư luận công cộng.

Các Giám Mục Ba Lan viết tiếp trong thư như sau:

Một lần nữa chúng tôi tuyên bố rằng qúa khứ đen tối từ thời chế độ độc tài thống trị đất nước chúng ta trong bao thập niên đã ghi dấu sự hiện diện của nó. Như chúng tôi đã viết trong tài liệu ghi nhớ của Hội Ðồng Giám Mục liên quan tới sự cộng tác của một vài giáo sĩ với mật vụ Ba Lan trong các năm 1944-1989, Các ghi chép giữ trong Viện Ký Ức Quốc Gia mở cho thấy một phần các lãnh vực rộng lớn của xã hội Ba Lan bị mật vụ của nhà nước độc tài khống chế như nô lệ và trung lập hóa. Tuy nhiên nó không phải và không chỉ là sự ghi nhớ đầy đủ của thời qúa khứ. Chỉ có sự phân tích phê bình vững chắc tất cả các nguồn tài liệu có gía trị mới có thể cho phép chúng ta đến gần sự thật. Ðọc các tài liệu một chiều do các viên chức của cơ quan đàn áp của nhà nước cộng sản, thù nghịch với Giáo Hội, có thể gây phương hai nghiêm trọng cho dân chúng, phá hủy các mối dây tin tưởng xã hội và có hậu qủa như là bằng chứng cho sự chiến thắng sau khi chết của một hệ thống vô nhân, trong đó chúng ta đã chịu số phận phải sống.

Tài liệu ghi nhớ cũng tuyên bố rằng "Giáo Hội đang bị tố cáo che đậy sự thật khó khăn cho mình, mưu toan che chở những người chịu trách nhiệm vì cộng tác với mật vụ và lãng quên các nạn nhân của sự cộng tác đó. Hậu qủa là uy tín của Giáo Hội bị phá hủy, sự đáng tin cậy của Giáo Hội bị suy yếu. Tất cả đều đã quá dễ dàng quên đi rằng dưới thời của chế độ độc tài cộng sản toàn thể Giáo Hội tại Ba Lan đã liên lỉ chống lại việc nô lệ hóa xã hội và Giáo Hội đã là một ốc đảo tự do và chân lý".

Vì thế một lần nữa chúng tôi tuyên bố rằng: Giáo Hội không sợ sự thật, cả khi đó là sự thật khó khăn, đáng xấu hổ và đề cập đến sự thật đó đôi khi là điều rất đau đớn. Chúng tôi tin một cách sâu xa rằng sự thật giải thoát, vì chính Chúa Giêsu Kitô là sự thật giải thoát. Trong 2,000 năm Giáo Hội đã chiến đấu với tội lỗi trong chính mình và trong thế giới, nơi Giáo Hội được gứi tới. Tội lỗi hạ thấp phẩm giá con người và làm méo mó hình ảnh giống Thiên Chúa nơi con người. Giáo Hội không làm được việc đó nhờ sức lực của riêng mình, nhưng nhờ quyền năng của Ðấng duy nhất có thể giải thoát con người khỏi sự dữ. Chính vì thế chúng ta bắt đầu mỗi buổi cử hành Thánh Thể với việc xưng thú tội lỗi: "Tôi thú nhận cùng Thiên Chúa Toàn Năng..." Ðây không phải là một công thức trống rỗng, nhưng là việc đối diện sâu thẳm với sự yếu đuối và bất trung của chúng ta trước mặt Thiên Chúa Từ Bi. Cũng thế trong mỗi buổi cử hành Thánh Thể chúng ta cầu xin: Lậy Chúa Giêsu Kitô... xin đừng nhìn đến tội lổi chúng con, nhưng xin nhìn đến đức tin của Giáo Hội". Chúng ta không sợ thú nhận rằng Giáo Hội là một cộng đoàn gồm những người tội lỗi, nhưng đồng thời Giáo Hội cũng thánh thiện và được kêu mời sống thánh thiện, vì Chúa Giêsu Kitô là Ðầu sống và hoạt động trong Giáo Hội là Ðấng Thánh trên mọi người thánh. Chúng ta đứng trước mặt Người và xin Chúa Thánh Thần giải thoát chúng ta khỏi sự dữ, sợ hãi và hẹp hòi lòng trí.

Chúa nhật vừa qua (ngày 7/01/2007) lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa chúng ta đã nghe Phúc Âm kể Chúa Giêsu xếp hàng với người tội lỗi đứng trên bờ sông Giordan để nhận phép rửa thống hối. Chúng tôi mạnh mẽ tin rằng Chúa Giêsu đang đứng với chúng ta tất cả trên bờ sông Giordan Ba Lan. Và một lần nữa lời Chúa Giêsu đem lại cho chúng ta niềm hy vọng: "Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, nhưng người đau ốm mới cần; Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn" (Lc 5,31-32). Tình liên đới với dân tội lỗi đã dẫn đưa Chúa Giêsu đến Thập Giá. Nhờ thế mà chúng ta đã nhận lãnh Phép Rửa của Người, Phép Rửa của Thánh Thần và lửa để được ơn tha tội.

Thư của các Giám Mục Ba Lan viết tiếp như sau: Chúng ta hãy nhớ lại: Trong hai ngàn năm Giáo Hội đã chống lại sự dữ trong đường lối tin mừng, không hủy hoại phẩm giá tha nhân. Sự thật về tội lỗi sẽ dẫn đưa Kitô hữu tới chỗ thừa nhận lỗi lầm cá nhân, thống hối xưng thứ lỗi lầm - cả một cách công khai nếu cần - rồi sám hối và đền tội. Chúng ta không thể từ bỏ phương cách đối diện với sự dữ ấy của Tin Mừng (...). Giáo Hội của Chúa Kitô là một cộng đoàn hòa giải, tha thứ và từ bi. Bên trong Giáo Hội có chỗ cho mọi người tội lỗi, ước mong canh tân, như Phêrô đã làm, và mặc dù yếu đuối họ muốn phục vụ Tin Mừng.

Như vị tôi tớ Chúa Gioan Phaolô II đã tuyên bố: "Con người là con đường của Giáo Hội" (Redemptor hominis 14) - mọi người, kể cả linh mục và giám mục là con đường của Giáo Hội. Khi chu toàn các điều kiện hoán cải kitô, mọi người đều có quyền được tha tội và thương xót, và nối kết với sự sống của Giáo Hội là cộng đoàn và xã hội. Chúng tôi biết rằng nhiều người trước kia đã chịu sự nô lệ, làm câm điếc lương tâm và gây nguy hại cho phẩm giá của mình, đã sám hối vì sự yếu đuối ấy bằng các năm trung thành phục vụ. Họ là các anh chị em của chúng ta trong lòng tin! Chúng tôi cầu mong rằng thứ tư Lễ Tro ngày 21 tháng 2 năm 2007 này sẽ là ngày cầu nguyện và sám hối của toàn thể Giáo Hội Ba Lan. Trong mọi nhà thờ của tất cả các giáo phận chúng tôi đều cử hành các buổi phụng vụ xin Thiên Chúa Từ Bi tha thứ cho các lỗi lầm và các yếu đuối yếu đuối trong việc công bố Tin Mừng toàn vẹn... Như là giáo sĩ chúng tôi được "tách rời từ dân", nhưng chúng tôi là thành phần của xã hội Ba Lan, và như là tập thể Ba Lan cần từ bỏ sự dữ và hoán cải hoàn toàn.

Ngoài việc đứng trong sự thật trước mặt Thiên Chúa, Giáo Hội Ba Lan còn có nhiệm vụ hòa giải rất lớn. Chúng ta sẽ không thay đổi được qúa khứ, với những điều vinh quang cũng như điều đáng xấu hổ. Nhưng nhờ Chúa giúp, chúng ta có thể gói ghém mọi sự trong hiện tại và tương lai làm sao để quyền năng của Chúa Kitô được mặc khải trên gương mặt của Giáo Hội. Chúng tôi kêu gọi mọi thành phần Giáo Hội giáo sĩ cũng như giáo dân duyệt xét lương tâm mình liên quan tới cung cách sống dưới thời chế độ độc tài. Chúng tôi không muốn xâm phạm đền thờ lương tâm của mỗi người, nhưng chúng tôi khuyến khích làm mọi sự để đối chiếu sự thật của các sự kiện có thể xẩy ra và nếu cần chấp nhận và xưng thú lỗi làm một cách thích đáng.

Tiếp đến các Giám Mục cũng yêu cầu giới lãnh đạo và quốc hội Ba Lan bảo đảm để việc dùng các tài liệu qúa khứ không xâm phạm tới quyền của bản vị và làm sút giảm phẩm giá con người, cũng như làm sao để cho một tòa án độc lập duyệt xét các tài liệu đó. Ðàng khác cũng không được quên rằng các tài liệu ấy trước hết kết tội các tác giả của chúng.

Ý thức được lời Chúa Kitô mời gọi đừng xét đoán để khỏi bị xét đoán (Mt 7,1) các Giám Mục Ba Lan xin mọi người, đặc biệt là giới truyền thông, kìm hãm mọi phán xử phiến diện vội vã, vì chúng có thể gây thiệt hại. Các ngài cầu mong lương tâm Kitô và sự nhậy cảm nhân bản giúp giới truyền thông biết phải trình bầy cho dư luận biết những gì và trình bầy ra sao, luôn luôn trong sự tôn trọng phẩm giá con người quyền tự bênh vực và tiếng tốt, cả sau khi một người đã chết. Các Giám Mục cũng mời gọi các thế hệ trẻ, không có kinh nghiệm trực tiếp liên quan tới thời đại thế hệ cao niên đã phải sống, cố gắng học biết sự thật qúa khứ khó khăn và phức tạp. Mặc dù có các bóng mờ, chính nhờ các thế hệ đã sống thời đó bao gồm cả các thế hệ giáo sĩ và cuộc chiến đấu của các vị chống lại sự dữ mà Ba Lan đã chiếm lại được sự tự do sau các năm phải sống dưới ý thức hệ mác xít và các áp đặt chính trị xã hội của Liên Xô.

Các Giám Mục Ba Lan viết thêm trong thư gửi tín hữu toàn nước:

Giáo Hội tại Ba Lan đã luôn luôn sát cánh chia sẻ số phận với nhân dân Ba Lan, đặc biệt trong những thời kỳ đen tối nhất của lịch sử. Sự kiện này không thể thay đổi việc đưa ra ánh sáng, bao nhiêu năm sau, sự yếu đuối và bất trung của một vài thành phần Giáo Hội, kể cả hàng giáo sĩ.

Ước chi thời gian hiện tại là dịp tốt để chúng ta thanh tẩy chính mình và hòa giải với nhau, tái lập công lý đã bị vi phạm và tái chiếm được sự tin tưởng lẫn nhau và niềm hy vọng. Nhất là ước chi nó là thời gian cầu nguyện và đào sâu lòng tin nơi sự hiện diện của Chúa của Lịch Sử giữa các vấn đề phức tạp nhất của con người.

Tin tưởng nơi quyền năng của Tin Mừng như là các chủ chăn chúng tôi muốn tiếp tục và đã bắt đầu duyệt xét nội dung của các tài liệu được lưu giữ trong Viện Ký Ức Quốc Gia liên quan tới chúng tôi và tất cả hàng giáo sĩ.

"Dù phải đi trong thung lũng tối tăm, con cũng không sợ sự dữ, vì Chúa ở với con" (Tv 23,4). Ước chi lời này của thánh vịnh đồng hành với chúng ta trong những ngày này. Chúng tôi xin cám ơn anh chị em đặc biệt vì tinh thần cầu nguyện đã làm lắng dịu các xúc động, đem lại an bình cho con tim và trật tự của tình yêu thương. Chúng tôi cảm ơn anh chị em vì sự lo lắng và sự yểm trợ của anh chị em đối với Giáo Hội trong cơn thử thách này.

Chúng tôi tin rằng kinh nghiệm đang sống sẽ góp phần canh tân Giáo Hội để cho mọi thành phần Giáo Hội được trong sáng và trưởng thành hơn. Chúng tôi tin rằng kinh nghiệm này sẽ giúp Giáo Hội trung thành với Tin Mừng và nhìn vào Tin Mừng để tìm ra các giải pháp cho các vấn đề của chúng ta để được tái sinh từ Tin Mừng hầu có thể là men sự thiện và là tình yêu giữa thế giới.

Với tất cả các ước mong đó trong con tim chúng tôi cầu xin phép lành của Chúa xuống trên mọi người qua lời bầu cử của Ðức Bà Czestochowa, là Ðấng luôn nhớ đến chúng ta: "Hãy làm mọi điều Người truyền dậy" (Ga 2,5).

Ký tên:

Các Hồng Y, Tổng Giám Mục và Giám Mục của Ban Thường Vụ Hội Ðồng Giám Mục Ba Lan.

Varsava ngày 12 tháng Giêng năm 2007.

 

Linh tiến Khải (Radio Vatican)

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page