Diễn Văn của Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI

khi tiếp Ngoại Giao Ðoàn Cạnh Toà Thánh

đến chúc mừng năm mới 2007

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Diễn Văn của Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI khi tiếp Ngoại Giao Ðoàn Cạnh Toà Thánh đến chúc mừng năm mới 2007.


Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI chụp hình kỷ niệm sau khi tiếp kiến Ngoại Giao Ðoàn Cạnh Toà Thánh đến chúc mừng năm mới 2007.


(Radio Veritas Asia 9/01/2007) - Quý vị và các bạn thân mến. Lúc 11 giờ trưa thứ Hai, mùng 8 tháng Giêng năm 2007, Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI đã tiếp ngoại giao đoàn cạnh Toà Thánh đến chúc mừng Năm Mới. Ðược biết ngoại giao đoàn cạnh Toà Thánh hiện đã có 175 vị đại sứ đại diện các quốc gia có liên lạc ngoại giao với Toà Thánh. Trong bài diễn văn dài 6 trang và bằng tiếng Pháp, ÐTC đã nhận định về hiện tình thế giới tại khắp năm châu. Theo ÐTC, thách thức chính mà tình hình thế giới đề ra cho con người ngày nay là "thách thức cổ võ và củng cố tất cả những gì là tích cực trong thế giới, và nhờ thiện chí, sự khôn ngoan và kiên trì, mà thắng vượt tất cả những gì gây thương tích, hạ thấp phẩm giá và giết chết con người. Mục thời sự hôm nay xin gởi đến quý vị và các bạn phần đầu của bài diễn văn này. ÐTC đã nói như sau:

 

Kính thưa ngài Niên Trưởng Ngoại Giao Ðoàn,

Thưa quý vị,

Tôi vui mừng tiếp quý vị hôm nay trong nghi lễ truyền thống trao đổi những chúc mừng Năm Mới. Cho dù nghi lễ này được lặp đi lâp lại hằng năm, nhưng đây không phải là một việc làm theo hình thức, mà là dịp để xác nhận niềm hy vọng của chúng ta và để dấn thân nhiều hơn nữa, nhắm phục vụ cho hoà bình và phục vụ cho công cuộc phát triển của các cá nhân cũng như của các dân tộc.

Trước hết, tôi muốn cám ơn ngài Niên Trưởng, Ðại sứ Giovanni Galassi, vì những lời đáng mến nói lên những chúc mừng của quý vị. Tôi xin chào đặc biệt những vị đại sứ lần đầu tiên tham dự cuộc gặp gỡ này. Tôi xin gởi đến tất cả quý vị lời chúc mừng chân thành nhất và bảo đảm cầu nguyện cho quý vị; xin cho năm mới 2007 mang đến hạnh phúc và hoà bình cho quý vị, cho gia đình của quý vị, cho những cộng sự viên của quý vị, cho tất cả các dân tộc cùng với những vị lãnh đạo.

Vào khởi đầu năm mới, chúng ta được mời gọi nhìn về tình trạng quốc tế, để nhận ra những thách thức mà chúng ta được mời gọi cùng nhau đương đầu. Trong số những câu hỏi thiết yếu, làm sao không nghĩ đến hàng triệu người, nhất là các phụ nữ và trẻ nhỏ, bị thiếu nước, thiếu lương thực và thiếu nhà ở? Gương mù của nạn đói, --- một nạn đói đang có dấu hiệu trở nên trầm trọng hơn, --- là điều không thể nào chấp nhận được trong một thế giới có đủ tài nguyên, sự hiểu biết và những phương tiện để giải quyết dứt điểm nạn đói này. Gương mù này thôi thúc chúng ta đến việc thay đổi cách sống và nhắc chúng ta nhớ lại sự khẩn thiết phải loại bỏ những nguyên nhân cơ cấu của sinh hoạt lệch lạc của nền kinh tế thế giới và phải sửa chữa những kiểu mẫu phát triển nào xem ra không có khả năng bảo đảm việc tôn trọng môi sinh và bảo đảm việc phát triển nhân bản toàn diện cho ngày hôm nay và nhất là cho ngày mai. Một lần nữa, tôi mời gọi những vị trách nhiệm các quốc gia giàu có nhất hãy có những biện pháp cần thiết, ngõ hầu những quốc gia nghèo, --- nhưng thường lại là những quốc gia giàu có tài nguyên --- có thể hưởng được những hoa trái của các tài nguyên thuộc riêng về họ. Trên bình diện này, việc chậm trễ áp dụng những quyết định mà cộng đồng quốc tế đã chấp thuận trong những năm gần đây, là điều làm ta quan tâm lo lắng. Vậy cần mong sao người ta mở lại những thảo luận thương mại của "Hội Nghị Phát Triển tại Doha" của tổ chức thương mại quốc tế và tiếp tục tăng nhanh tiến trình tha hoặc giảm nợ cho các quốc gia nghèo nhất, mà không kèm theo điều kiện đòi thực thi những biện pháp thích nghi cơ cấu, là những biện pháp có hại cho tầng lớp dân chúng yếu thế dễ bị thiệt thòi nhất. Trong lãnh vực tài giảm vũ khí cũng thế, đang gia tăng những triệu chứng của cuộc khủng hoảng từ từ bước vào, cùng với những khó khăn gặp phải trong những thương thuyết vế các vũ khí quy ước cũng như về các vũ khí tàn sát hàng loạt; và đàng khác cũng có những khó khăn liên quan đến việc gia tăng các chi phí quân sự ở cấp độ thế giới. Những vấn đề về an ninh, trở thành trầm trọng hơn do nạn khủng bố mà chúng ta cần cương quyết lên án, (các khó khăn đó) cần được giải quyết trong cách thế tiếp cận toàn diện và sáng suốt tiên liệu. Trong những gì liên quan đến các cuộc khủng hoảng nhân đạo, thì chúng ta nên lưu ý rằng những tổ chức đang phải đương đầu với những khủng hoảng này, cần được nâng đỡ cách mạnh mẽ hơn, ngõ hầu các tổ chức này có thể bảo vệ và trợ giúp hữu hiệu cho các nạn nhân... Một vấn đề khác nữa càng ngày càng nổi bật là vấn đề những làn sóng di dân; hàng triệu con người nam nữ bị bắt buộc rời xa gia đình hoặc quê hương của họ, để tránh những bạo lực, hoặc để đi tìm những điều kiện sinh sống xứng đáng hơn. Thật là ảo tưởng khi nghĩ rằng những hiện tượng di dân này có thể được chận đứng hay được kiểm soát một cách đơn thuần nhờ qua sức mạnh. Những làn sóng di dân và những vấn đề mà chúng kéo theo, cần phải được đương đầu giải quyết, với tình nhân đạo, sự công bằng và lòng cảm thông.

Thử hỏi làm sao chúng ta có thể không quan tâm đến những xúc phạm thường xuyên đến sự sống con người, từ giây phút thụ thai cho đến lúc chết tự nhiên? Những xúc phạm như thế cũng không dung tha cho cả những vùng mà tại đó truyền thống văn hoá tôn trọng sự sống, chẳng hạn như tại Phi châu, nơi mà người ta cố kín đáo "tầm thường hoá" việc phá thai, qua chương trình được mang danh là "Ðường lối Maputo", cũng như bởi "Chương Trình Hành Ðộng" được chấp nhận bởi các bộ trưởng y tế của khối "Liên Hiệp Phi Châu". Chương Trình hành động này sắp được trình bày trong cuộc Họp Thượng Ðỉnh của các Thủ lãnh Quốc Gia và các vị đứng đầu chính phủ.

(còn tiếp)

 

(Bản dịch Việt ngữ của Ðặng Thế Dũng)

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page