Một viên chức cấp cao của Trung Quốc

nói chuyện về các vấn đề Giáo hội

và quan hệ Trung Quốc với Tòa Thánh

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Một viên chức cấp cao của Trung Quốc đại lục nói chuyện với đức Giám mục Ma Cao về các vấn đề Giáo hội và quan hệ Trung Quốc với Tòa Thánh.

Ma Cao (UCAN 22/12/06) - Một viên chức cấp cao của Trung Quốc đại lục đã trao đổi với đức giám mục Công giáo của Ma Cao về các vấn đề liên quan đến Giáo hội kể cả quan hệ Trung Quốc - Tòa Thánh, và qua đó bà đã nhắc lại hai điều kiện tiên quyết cho việc bình thường hóa quan hệ.

Ba Liu Yandong, đứng đầu Ủy ban Mặt trận Thống nhất của Ðảng Cộng sản Trung Quốc, và phái đoàn của bà đã viếng thăm Ðức cha Jose Lai Hung-seng của Ma Cao và các lãnh đạo Công giáo khác tại tòa giám mục hôm 16-12-2006.

Ðức cha Lai nói với hãng tin UCA hôm ngày 20-12-2006 rằng trong cuộc tiếp đón dài một giờ, bà Liu đã "thành thật và thẳng thắn" chia sẻ quan điểm của bà về các vấn đề như quan hệ Bắc Kinh - Vatican. Vị giám chức cho biết ngài hy vọng Trung Quốc và Tòa Thánh có thể sớm thiết lập quan hệ. "Giáo phận Ma Cao và tôi sẽ làm bất cứ điều gì có thể" để giúp đạt được mục tiêu này.

Theo Ðức cha Lai, bà Liu cho biết Trung Quốc đang nỗ lực tiến hành thiết lập quan hệ với Tòa Thánh, nhưng những vấn đề liên quan đến Ðài Loan và bổ nhiệm giám mục tại Trung Quốc vẫn còn là hai trở ngại. Vị giám chức kể lại lời bà Liu giải thích rằng Trung Quốc cảm thấy không được tôn trọng nếu Giáo hội tại Trung Quốc phải theo hướng dẫn của người nước ngoài về bổ nhiệm giám mục.

Trung Quốc đã nhiều lần đưa ra hai điều kiện tiên quyết để đàm phán về việc thiết lập quan hệ chính thức là: Tòa Thánh phải cắt đứt quan hệ ngoại giao với Ðài Loan, và không được can thiệp vào chuyện nội bộ của Trung Quốc.

Ðức cha Lai mô tả cuộc trao đổi ý kiến với các giới chức đến thăm, như là cơ hội để tìm hiểu quan điểm của các lãnh đạo Trung Quốc và tăng cường hiểu biết lẫn nhau. Ngài nói thêm, đột phát trong quan hệ Trung Quốc - Tòa Thánh là không phải dễ, do hai bên không có các cuộc giao tiếp thích đáng.

Tại cuộc gặp gỡ này, ngài nói với phái đoàn rằng ngài lấy làm tiếc là các linh mục Ma Cao không thể dâng lễ trong khi hành hương đến Trung Quốc đại lục, và ngài hy vọng điều này có thể thay đổi. Bà Liu đồng ý chuyển thỉnh cầu của ngài lên Ban Tôn giáo Nhà nước.

Ngoài các vấn đề Giáo hội liên quan đến Trung Quốc, Ðức cha Lai còn nói với phái đoàn của bà Liu về sự phát triển của giáo phận và các vấn đề ở Ma Cao, một thuộc địa của Bồ Ðào Nha trong 442 năm. Hôm 19-12-2006, Ma Cao kỷ niệm bảy năm được trao trả cho Trung Quốc năm 1999.

Trong bài diễn văn chào đón bà Liu, vị giám chức nói rằng các giám mục của giáo phận Ma Cao trong 430 năm qua đã hướng dẫn các linh mục và giáo dân hướng tới xây dựng một xã hội hòa hợp và tiến bộ, hợp tác với những người theo các tôn giáo khác và các thành viên khác trong xã hội.

Ngài nói, "Chúng tôi thực sự quan tâm đến các vấn đề xã hội tiềm ẩn" đằng sau sự phát triển kinh tế phồn vinh của Ma Cao từ năm 1999.

Ðức cha dẫn ra các vấn đề gia đình và hôn nhân, sa sút đạo đức nơi giới trẻ, cờ bạc mang tính bắt buộc và xung đột giữa các tầng lớp xã hội diễn ra do sự phân hóa quá lớn giữa người giàu và người nghèo. Giáo hội đang cố gắng thay đổi tình hình này, thông qua các dịch vụ giáo dục và xã hội.

Vị lãnh đạo Giáo hội còn đề cập đến mối quan tâm của người Công giáo địa phương đối với người dân đại lục và việc Giáo hội địa phương quan tâm phục vụ người bệnh phong và hỗ trợ học sinh trong các vùng nghèo ở đó.

Có mặt tại cuộc tiếp đón này còn có các giới chức của giáo phận Ma Cao và các đại diện các dòng tu và học viện Công giáo.

Trong chuyến thăm, bà Liu và phái đoàn đã tham quan Nhà thờ Chính tòa Sinh Nhật Ðức Maria và tòa giám mục.

Cha Joao Evangelista Lau Him-sang, chánh xứ nhà thờ chính tòa có mặt tại cuộc tiếp đón, nói với hãng tin UCA rằng đây là "một khởi đầu tốt" để tăng cường tiếp xúc với Trung Quốc đại lục. Ngài tin rằng chuyến thăm đặc biệt của các viên chức nhà nước chứng tỏ chính quyền trung ương công nhận sự đóng góp của Giáo hội địa phương cho xã hội.

Bà Liu là phó chủ tịch Ủy ban Quốc gia thuộc Hội đồng Cố vấn Chính trị Nhân dân Trung Quốc, dẫn đầu một phái đoàn chính thức viếng thăm Ma Cao từ ngày 13-17/12/2006. Bà tham dự Hội nghị Thống nhất Trung Quốc toàn Thế giới của Hoa Kiều, gặp gỡ các viên chức địa phương và xã hội, và viếng thăm một số danh lam thắng cảnh.

Hôm 15-12-2006, Ba Liu, hiện sinh sống ở Bắc Kinh, đã gặp gỡ đại diện các nhóm tôn giáo lớn trong đó có Ðức cha Lai, sáu linh mục và hai nữ tu.

Theo Tân Hoa Xã, bà Liu đã thúc giục 50 nhóm và đại diện Công giáo, Hồi giáo, Lão giáo, Phật giáo và Tin lành giúp thúc đẩy hòa hợp và phồn vinh lâu dài của Ma Cao. Bà còn kêu gọi cần có giao lưu nhiều hơn giữa các giới tôn giáo ở Ma Cao và Trung Quốc đại lục, đồng thời kêu gọi họ bắt tay nhau đẩy mạnh thịnh vượng của toàn quốc gia.

Linh mục dòng Tên Luis Sequeira, đại diện cho các dòng nam Công giáo tham dự cuộc họp đó, đã nhắc lại quan điểm của bà. Ngài nói với UCA News hôm 18-12-2006 rằng các tôn giáo ở Ma Cao cần cộng tác chặt chẽ hơn để xây dựng một quốc gia và xã hội hòa hợp, theo "chiều kích thiêng liêng".

Ðức cha Lai chính thức viếng thăm Bắc Kinh lần đầu hồi 11-2005, và trong chuyến thăm đó ngài đã gặp bà Liu, các viên chức tôn giáo và lãnh đạo Giáo hội Trung Quốc đại lục. Tháng 9 năm 2006 ngài đã tham gia chuyến đi dài ba ngày cùng với các lãnh đạo của các tôn giáo lớn khác ở Ma Cao, đến tỉnh Quảng Ðông, giáp ranh Ma Cao.

Nhà quan sát Giáo hội ở Hồng Kông là Kwun Ping-hung nói với hãng tin UCA hôm 18-12-2006 rằng cho dù cuộc gặp gỡ đặc biệt giữa bà Liu và các lãnh đạo Công giáo Ma Cao không mang lại kết quả đáng kể nào, nhưng chính nghĩa cử này cho thấy chính quyền trung ương "cực kỳ quan tâm" đến Giáo hội Công giáo.

Tuy nhiên, Kwun nhấn mạnh rằng cho dù quan hệ giữa Giáo hội Ma Cao và chính phủ Trung Quốc tốt đến đâu đi nữa, thì Giáo hội Ma Cao cũng không thể thay thế vai trò của Giáo hội Hồng Kông là cầu nối trong quan hệ Trung Quốc - Tòa Thánh.

 

UCAN

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page