Chiếc Thảm Thổ Nhỉ Kỳ

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Chiếc Thảm Thổ Nhỉ Kỳ.

(Linh Mục Anphong Trần Ðức Phương)

(Mới đây tôi đến chơi nhà người bạn và thấy một chiếc thảm rất đẹp trải ở nhà khách. Tôi khen tấm thảm đẹp quá! Bạn tôi liền nói: "Mới mua tại Thổ Nhỉ Kỳ đó... Mua khi đi tháp tùng Ðức Giáo Hoàng Bêneđíctô XVI sang bên đó trong chuyến công du mục vụ của Ngài!". Tôi liền nói: "Vậy có được đi sát Ðức Thánh Cha không?". "Không đâu", bạn tôi trả lời! "Vậy đi theo từ xa chứ gì !". "Ðúng rồi... cũng như bao nhiêu người khác... theo dõi xa xa từ Tivi ấy mà... Tuy nhiên mua chiếc thảm nầy để kỷ niệm những ngày trọng đại trong chuyến công du vô cùng quan trọng nầy!" Ý kiến đặc biệt của người bạn thúc đẩy tôi dành thời giờ để đọc lại một số các tài liệu và các bài tường thuật của báo chí và các phương tiện truyền thông khác để viết 2 bài này như một kỷ niệm gửi đến quý vị và các bạn đọc trong dịp các ngày nghỉ lễ sắp tới và cùng sống lại những ngày trọng đại đó và cầu nguyện cho cuộc thăm viếng đó đem lại những thành qủa tốt đẹp cho hòa bình và tình thân hữu giữa mỗi con người thuộc các chủng tộc, các nền văn hóa, tôn giáo khác nhau.)

 

Bài I: Thổ Nhỉ Kỳ Xưa Và Nay

Thổ Nhỉ Kỳ ngày nay có tên chính thức là Nước Cộng Hòa Thổ Nhỉ Kỳ: có Tổng Thống (Ahmet Necdet Sezer), Thủ Tướng (Recep Tayyip Erdogan) và Quốc Hội. Thủ đô là Ankara. Theo tài liệu báo chí, dân số của Thồ Nhỉ Kỳ hiện nay khỏang 72 triệu; trong đó 80% là người Thổ, 20% là sắc dân Kurk. Ngoài ra còn có khoảng một triệu người di dân "tị nạn" từ các nước chung quanh đến. Ngôn ngữ chính là tiếng Thổ, nhưng cũng có sắc dân nói tiếng Kurk, tiếng Àrập, tiếng Armenia, và tiếng Hy Lạp. Về tôn giáo thì hầu hết là Hồi Giáo (99.80%) (đa số là phái Sunni); một số là Do Thái Giáo; Chính Thống Giáo có khỏang 5,000 tín hữu (có 150 triệu tín hữu Chính Thống Giáo trên tòan thế giới). Công Giáo có 32,000 tín hữu (phần nhiều sống tại Istanbul). Theo hiến pháp Thổ, quyền tự do tôn giáo được tôn trọng; tuy nhiên, theo báo chí, những sắc tộc và tôn giáo thiểu số thường gặp khó khăn trong sinh họat hàng ngày, và thực hành tín ngưởng của mình. Các người làm các công tác tôn giáo từ nước ngòai vào cũng gặp khó khăn khi xin Giấy Nhập Cảnh.

Thổ Nhỉ Kỳ có hình thể như một hình vuông. Diện tích tổng cộng là 814,578 km2; trong đó 790,200 km2 là thuộc Á Châu (phía Ðông) và 24,378 km2 là thuộc Âu Châu (phía Tây). Nhìn trên Bản đồ Thế Giới, Thổ Nhỉ Kỳ nằm giữa ngã ba Á Châu và Âu Châu; băng qua biển Ðịa Trung Hải là Phi Châu. Phía Bắc là biển Hắc Hải; phía Nam là Ðịa Trung Hải. Phía Ðông tiếp giáp Georgia (trước thuộc Liên Bang Sô Viết), Armenia, và Iran. Phía Tây giáp Bulgarie và Hy Lạp.

Thổ Nhỉ Kỳ đã có một lịch sử lâu dài từ khi còn nằm trong lãnh thổ của Ðế Quốc Byzance. Trải qua những biến cố khác nhau của lịch sử, đến năm 1453, những người Thổ chiếm và thiết lập Ðế Quốc Hồi Giáo Ottamans, thủ đô là Istanbul (đổi tên từ Constantinople). Ðến năm 1923, cuộc cách mạng do Mustafa Kemal (1881-1938) lãnh đạo đã lật đổ chế độ Ottamans và thiết lập Cộng Hòa Thổ Nhỉ Kỳ và đã biến nước Thổ Nhỉ Kỳ trở nên có tính cách dân chủ và tự do hơn; đồng thời nhờ Ông mà cuộc cài tổ và tái thiết Thổ Nhỉ Kỳ được tiến rất nhanh. Vì thế ngày nay Thổ Nhỉ Kỳ tôn vinh Ông là "Người Cha của những người Thổ Nhỉ Kỳ". Thổ Nhỉ Kỳ đã được gia nhập Liên Hiệp Quốc từ năm 1945; là thành viên của NATO từ năm 1952; và đang hy vọng được gia nhập EU (Liên Hiệp Âu Châu). Ngày cách mạng 19/10/1923 là ngày chính thức thành lập nước Cộng Hòa Thổ Nhỉ Kỳ và được mừng là ngày Quốc Khánh.

Thổ Nhỉ Kỳ cũng nổi tiếng về công ngiệp làm thảm đẹp không kém gì thảm "Ba Tư". Có một thời Thổ Nhỉ Kỳ cũng nổi tiếng về có nhiều ngựa đẹp, nhất là ở vùng Cappadocia xưa. Chử Cappadocia có ngĩa "Ðất ngựa đẹp". Nói đến ngựa chúng ta cũng nhớ đến câu chuyện "Ngựa Thành Troie". Troie là một thành cổ xưa cũng thuộc Thổ Nhỉ Kỳ.

Nói đến Thổ Nhỉ Kỳ, chúng ta cũng nhớ đến "Ông Già Noel". Ông Già Noel được gọi là "Santa Claus" chính là tên gọi của Thánh Nichola; vì trong tiếng Ðức "Nichola" là "Klaus". Thánh Nichola sống vào thế kỷ IV và là Giám Mục thành Myra, nay thuộc Thổ Nhỉ Kỳ. Theo truyền thuyết Ngài là người hay làm "phép lạ" để cứu những người gặp hoàn cảnh khó khăn. Ðến thế kỷ thứ IX, dân chúng người Ðức đặt tên cho Ngài "Người Xuất Hiện Buổi Chiều trước Lễ Giáng Sinh!" có tên là "Santa Claus". Ðến thế kỷ XI, dân chúng lại coi Ngài như một Ông Già chuyên môn đi phát kẹo cho trẻ em vào buổi chiều Ðại Lễ Giáng Sinh.

Vì là điểm giao lưu thuận lợi giữa Ðông và Tây, giữa Á Châu và Âu Châu, Thổ Nhỉ Kỳ đã đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử của Ðế Quốc Rôma xưa, của lịch sử Thế Giới và của Giáo Hội Công Giáo. Thổ Nhỉ Kỳ đã được coi là cây cầu lịch sử nối liền Phương Ðông và Phương Tây. Thánh Phaolồ đã từng đi qua và sống ở những vùng thuộc Thổ Nhỉ Kỳ ngày nay; đặc biệt là hai thành phố Ephêsô và Capadocia.

Thành phố cổ Ephêsô đã đổ nát và nay là một trong những nơi khảo cổ nổi tiếng nhất thế giới. Thời Ðế Quốc Rôma, Ephêsô là một thành phố đông dân cư và là trung tâm thương mại rất thịnh vượng, nằm trên bờ biển Egée; cũng là nơi có một Cộng Ðòan tín hữu Công Giáo rất thịnh vượng. Có nhiều người Hy Lạp và Do Thái cư ngụ ở đây. Thánh Phaolô trong cuộc hành trình truyền giáo III đã đi qua đây và ở lại khoảng 2 năm (theo Sách Công Vụ Tông Ðồ 19, 10) hoặc 3 năm (CVTÐ 20, 31) (khoảng năm 54-57) và thành lập Giáo Ðòan Ephêsô; sau đó Ngài từ giã Giáo Ðòan Ephêsô vào dịp Lễ Ngủ Tuần (1Côrintô 16,8) vì phải lên đường trở về Giêrusalem (CVTÐ 19,21 và 20, 17-22). Trong thời gian cư ngụ tại Ephêsô, Thánh Phaolô đã viết "Thư I gửi Tín Hữu Corintô" (I Cor 16, 8). Thánh Phaolô cũng viết một lá thơ "Gửi Tín Hữu Ephêsô" mà theo truyền thống thì Ngài đã viết thơ này khi bị giam giữ tại Rôma (61-63). Tại Ephêsô, Thánh Phaolô gặp một tín hữu Do Thái là Ông Apôlô. Là một người có tài hùng biện và thông thạo Kinh Thánh, Ông đã cộng tác nhiệt thành với Thánh Phaolô trong việc rao giảng Ðạo Thánh Chúa (CVTÐ 18, 24).

Theo truyền thống, thì Thánh Gioan Tông Ðồ Thánh Sử cũng sống những năm vào cuối đời tại Ephêsô (Ðảo Patmos) và qua đời và được an táng ở đây (khoảng năm 100). Cũng theo truyền thống, Ngài đã viết Sách Tin Mừng IV tại đây (theo Thánh Irênê). Sách Khải Huyền cũng được viết tại Ephêsô do Thánh Gioan hoặc do nhóm môn đệ của Ngài, và Thành Ephêsô là thành phố đầu tiên được nêu lên trong 7 thành đã được nói đến trong Sách Khải Huyền (Kh 2, 1). Căn cứ vào lời Chúa Giêsu trên Thánh Giá đã trao phó Mẹ Maria cho Thánh Gioan (Tin Mừng Gioan 19, 27), nên cũng theo truyền thống thì Mẹ Maria đã theo Thánh Gioan và sống những năm cuối đời tại Ephêsô. Êphêsô cũng là một trong những trung tâm sinh hoạt Kytô giáo rất mạnh trong các thế kỷ đầu của Giáo Hội. Một Công Ðồng Chung quan trọng của Giáo Hội đã họp tại đây vào năm 431. Các Ðức Giám Mục trên toàn thế giới về đây để họp Công đồng tại Vương Cung Thánh Ðường Ðức Trinh Nữ Maria, chống lại bè rối Nestorie và đã cùng tuyên xưng Tín Ðiều "Ðức Mẹ Mẹ Thiên Chúa". Hoàng Ðế Justinian (527-565) đã xây một Nhà Thờ vĩ đại ở đây, gọi là Nhà Thờ Chính Tòa Thánh Gioan Tông Ðồ, trên một địa điểm mà lúc đó đã được các tín hữu coi là nơi an táng Thánh Gioan Tông Ðồ, và là nơi hành hương rất phồn thịnh suốt thời thượng cổ. Ngày nay Thánh đường cũng đả bị đổ nát và vẫn được các nhà khảo cổ đến khảo sát.

Hai thành phố Galat và Cappadocia đều là những thành phố cổ, cũng đã đổ nát, ngày nay thuộc miền Ðông Thổ Nhỉ Kỳ, và cũng là những địa điểm khảo cổ quan trọng. Thánh Phaolô trong những cuộc hành trình truyền giáo cũng đã đi qua Galát (TDCV 18,23). Thánh Phaolô đã thành lập Giáo Ðoàn Galat và viết lá thư "Gửi Tín Hữu Galat". Cappadocia cũng là trung tâm hoạt động mạnh của Giáo Hội các thế kỷ đầu; thời đó Cappadocia đã là nơi có nhiều tín hữu và sinh họat Ðạo Thánh Chúa rất mạnh. Bây giờ còn ghi lại dấu vết rất nhiều những Nhà Dòng, nhà Nguyện làm sâu vào các hốc đá. Rải rác khắp các thung lũng ở đây có tới 200 Nhà Thờ cổ chạm trổ nghệ thật rất đẹp. Nơi đây các nhà khảo cổ cũng khám phá ra những "đường hầm trú ẩn" sâu dưới đất; đó là nơi các tín hữu đã trú ẩn trong thời gian bị bách hại. Cappadocia cũng là quê hương của nhiều vị Thánh. Ðặc biệt là Thánh Basilio Cả (Basil the Great) và Thánh Gregorio Nazian, Giám Mục Tiến Sĩ Hội Thánh. Cả hai đều sống vào thế kỷ thứ IV. Thánh Basiliô qua đời vào năm 379, là vị Thánh đã có công rất nhiều để bảo vệ Ðức tin, nhất là về Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi và Mầu Nhiệm Nhập Thể chống lại Bè rối Arians. Ngài cũng nổi tiếng về sự can đảm để bảo vệ những người nghèo khó và bảo vệ tính cách độc lập của Giáo Hội đối với thế quyền. Thánh Gregorio Nazian cũng nổi tiếng là nhà Thần học lớn và cũng họat động nhiều trong công cuộc cải tổ xã hội để giúp nâng cao đời sống của dân nghèo. Ngài đã từng là Tổng Giám Mục Constantinople vào thời kỳ Giáo hội đang phải chống lại Giáo Lý sai lầm của bè rối Arians, Ngài đã được bầu làm chủ tọa Công Ðồng Constantinople I (381). Thánh Gregorio Nazian qua đời vào khoảng năm 390.

Constantinople là một thành phố có từ thế kỷ VII (trước Công nguyên) và có tên là Byzance đã được Hòang Ðế Constantin I xây dựng lại từ năm 324-330, thiết lập Hoàng Cung và đổi tên là Constantinople và là thủ đô của Ðế Quốc Byzance. Ðây cũng là một hải cảng phồn thịnh, nằm trên bờ biển Hắc Hải, và là nơi giao lưu văn hóa quan trọng giữa Ðông và Tây. Rồi trở thành một trung tâm hoạt động chính trị, thương mại, văn hóa và tôn giáo rất mạnh mẽ. Ngày nay Hải Cảng này (nay đã được đổi tên là Istanbul) vẫn rất phồn thịnh và vẫn là nơi giao lưu văn hóa giữa hai luồng Văn hóa Á Châu và Âu Châu. Constantinople cũng là trung tâm hoạt động lớn của Giáo Hội Công Giáo. Ðã có 4 Công Ðồng Chung họp ở đây: Constantinople I (381), II (553), III (68o-81), IV (869-70). Constantinople đã ghi dấu vết cuộc sống của nhiều Thánh lớn của Giáo Hội. Thánh Gregorio Nazian đã từng làm Tổng Gíam Mục ở đây vào thế kỷ IV. Thánh Gioan Kim Khẩu (344-407) Giám Mục Tiến Sĩ Hội Thánh, cũng đã từng làm Tổng Giám Mục ở đây cho đến khi triều đình lúc đó bắt đi lưu đày vào năm 403. Nổi tiếng là một nhà giảng thuyết đạo đức và tài ba nên được đặt tên là "Kim khẩu". Ngài cũng thẳng thắn chống lại sự xa hoa của thời đại và bênh vực người nghèo khó nên bị triều đình lúc đó ghét và bắt đi lưu đày. Thánh Gregoro Nazian cũng là Tổng Gíam Mục Constantinople (như đã nói ở trên). Nơi đây cũng ghi dấu Ðức Giáo Hoàng Benedictô XV (sinh năm 1854, làm Giáo Hòang từ 1914-1922), là vị Giáo Hòang nổi tiếng về những họat động cho Hòa Bình Thế Giới. Người Thổ Nhỉ Kỳ rất mến thương Ngài, vì Ngài đã làm nhiều nhà thương cho Thổ Nhỉ Kỳ và trong Thế Chiến thứ I, Ngài đã dùng đường lối ngoại giao để cứu những tù nhân người Thổ Nhỉ Kỳ. Năm 1921, khi khánh thành bức tượng lớn của Ngài tại Istanbul, rất nhiều người Hồi Giáo đã đến tham dự. Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII (sinh năm 1881; làm Giáo Hòang từ 1958 cho đến khi qua đời 1963), người đã có công hiện đại hóa Giáo Hội và mở Cộng Ðồng Vatican II (1962-1965), đã từng làm Sứ Thần Tòa Thánh tại Thổ Nhỉ Kỳ 10 năm, và rất được nhiều ngừơi Thổ Nhỉ Kỳ thương mến, nên được gọi là "người bạn tốt của Thổ Nhỉ Kỳ". Khi Hồi Giáo chiếm Thổ Nhỉ Kỳ vào năm 1453 và thiết lập Ðế Quốc Hồi Giáo Ottomans, liền đổi tên Constantinople thành Istanbul và trở thành Thủ Ðô của Ðế Quốc Ottomans. Ðến năm 1923, khi nhà cách mạng Mustafa Kemal thiết lập chính thể Cộng Hòa Thổ Nhỉ Kỳ, ông rời thủ đô về Ankara như hiện nay. Tuy nhiên, Istanbul vẫn là một hải cảng phồn thịnh, một trung tâm thương mại quan trọng, nơi sinh họat mạnh mẽ về văn hóa, tôn giáo; cũng vẫn là nơi nối kết hai nền văn minh Á Châu và Âu Châu.

Một vài địa điểm khác đáng lưu ý: Viện Bảo Tàng Hagia Sophia: trước là Vương Cung Thánh Ðường Hagia Sophia (Holy Wisdom) được xây dựng do Hòang Ðế Justinian vào năm 537. Là một Thánh Ðường được coi là một kiến trúc đồ sộ và đẹp nhất của Ðế Quốc Byzantine; vòm Thánh Ðường rất đồ sộ, chiều cao vươn lên gần 200 feet và rộng 102 feet. Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đến viếng nơi này khi Ngài thăm viếng Thổ Nhỉ Kỳ vào năm 1979. Ðức đương kim Giáo Hoàng Bênêdicto XVI cũng đến thăm nơi này trong chuyến viếng thăm Thổ Nhỉ Kỳ vào tháng 11 năm 2006. Khi người Hồi Giáo chiếm Thổ Nhỉ Kỳ vào thế kỷ XV đã đổi thành Hội Ðường Hồi Giáo. Sau cuộc Cách Mạng do Mustapha Kemal lãnh đạo, chính quyền Thổ Nhỉ Kỳ đã lấy lại ngôi đền này và đổi thành Viện Bảo Tàng từ năm 1935.

Ngôi Nhà Ðức Mẹ Maria: ở gần Ephesus, thuộc miền núi, là một ngôi nhà nhỏ bằng gỗ, trên chân đồi, có nhiều cây cối che khuất, được dân chúng tin là nơi Mẹ Maria đã sống những năm cuối đời dưới sự săn sóc của Thánh Gioan Tông Ðồ; vì khi bị treo trên Thánh Giá, Chúa Giêsu đã trao phó Mẹ Maria cho Thánh Gioan (PÂ Gioan 16, 27). Ngày nay "Ngôi Nhà Ðức Maria" mỗi năm được hàng ngàn người đến kính viếng và cầu nguyện; ngoài các tín hữu Công Giáo còn có đông người Hồi Giáo, Chính Thống Giáo và khách du lịch ở các nơi đến thăm; cũng có những người Việt Nam khi đi du ngoạn bằng tàu (cruise), khi ghé qua Ephesus, cũng đến kính viếng "Nhà Ðức Mẹ". Ðịa điểm này đã được tìm ra từ cuối thế kỷ 19 căn cứ vào những "thị kiến" của Chân phứơc Anne Catherine Emmerich mà đã được Thi sĩ Clemens Brentano ghi lại trong những cuốn sách ông đã xuất bản sau khi bà đã qua đời (năm 1824). Dù ông Clemens nói là chỉ làm việc như một thư ký để ghi lại nhửng thị kiến đó; nhưng Giáo Hội không công nhận tính cách đích thực của những điều ghi trong những cuốn sách đó vì có nhiều nghi vấn. Hơn nữa, nữ tu đã được tuyên phong "Chân Phứơc" vì căn cứ vào đời sống thánh thiện chứ không phải vào những thị kiến đã được kể lại. Theo tường thuật thì Chân phước Catherine là người Ðức, thường ốm đau nằm liệt dường, hầu như không "biết chữ", và chưa bao giờ ra khỏi nước Ðức (Hy vọng có dịp chúng tôi sẽ viết đầy đủ hơn về điểm này).

Sau khi đã đọc "Thổ Nhỉ Kỳ Xưa Và Nay", xin mời quý vị đọc tiếp bài "Một Cuộc Thăm Viếng Lịch Sử". Nếu muốn biết thêm về nước Thổ Nhỉ Kỳ, mời quý vị vào: www.Turkish Embassy.org - Republic of Turkey.

 

Bài II: Một Cuộc Thăm Viếng Lịch Sử

Thật là một cuộc thăm viếng "lịch sử" rất quan trọng và cũng rất khó khăn mà ai cũng lo sợ là rất nguy hiểm. Các giáo hữu khắp nơi trên thế giới đều cầu nguyện hằng ngày cho Ðức Giáo Hoàng trước khi Ngài lên đường. Rồi vừa hồi hộp theo dõi vừa cầu nguyện xin Chúa và Mẹ Maria gìn giữ Ngài thoát khỏi "mọi sự dữ" trong những ngày Ngài đi thăm viềng. Mọi người đã thở phào nhẹ nhõm và tạ ơn Chúa khi Ðức Giáo Hoàng trở về Rôma bằng an. Bây giờ lại cầu nguyện cho cuộc thăm viếng lịch sử này đem lại những kết qủa tốt đẹp, đem lại tình thân hữu và hòa hợp yêu thương giữa mọi người thuộc mọi sắc tộc, văn hóa, tôn giáo khác nhau để cùng chung tay xây dựng Hòa bình thế giới và hạnh phúc cho nhân loại.

Nhìn lại lịch sử của Giáo Hội Công Giáo tại Thổ Nhỉ Kỳ từ những thời kỳ đầu của Giáo Hội, chúng ta thấy các Ðức Giáo Hoàng luôn hướng về Thổ Nhỉ Kỳ và tìm dịp để nối kết lại tình thân hữu qua từng thế kỷ. Tuy nhiên vì nhiều biến cố đau thương của lịch sử, Giáo Hội tại Thổ Nhỉ Kỳ đã bị bách hại hầu như bị hủy diệt; nhưng vẫn tồn tại trong âm thầm. Mãi đến sau cuộc cách mạng của Mustapha Kemal (1881-1938) đem lại tự do và dân chủ cho nhân dân Thổ Nhỉ Kỳ, Giáo Hội mới được công khai sinh họat, dù vẫn còn gặp những khó khăn. Từ ngày đó Giáo Hội đã tìm cách nối lại liên lạc ngoại giao với Chính phủ Cộng Hòa Thổ Nhỉ Kỳ và đã có Tòa Sứ Thần tại đó. Ðức Giáo Hoàng Benêđíctô XV đã tích cực giúp đỡ nhân dân Thổ Nhỉ Kỳ và Ðức Gioan XXIII đã làm Sứ Thần Tòa Thánh ở đây 10 năm và gây được nhiều thiện cảm với chính phủ và nhân dân Thổ Nhỉ Kỳ. Sau Cộng Ðồng Vaticanô II, Ðức Phaolô VI, vị Giáo Hòang đầu tiên du hành ra khỏi nước Ý sau nhiều thế kỷ, Ngài đã đến thăm Thổ Nhỉ Kỳ và đã cố gắng nối kết tinh thần hữu nghị với chính phủ, nhân dân Thổ Nhỉ Kỳ sau việc tiếp xúc vớc các nhà lãnh đạo Hồi Giáo, và Chính Thống Giáo. (Xin đọc bài "Thổ Nhĩ Kỳ Xưa Và Nay).

Ðức Giáo Hoàng Benêđíctô XVI cũng đã lưu ý đặc biệt đến vấn đề này và đã dự trù từ lâu cuộc thăm viếng mục vụ Thổ Nhỉ Kỳ vào tháng 11 năm 2006. Sau đó qua biến cố hiểu lầm về bài diển văn của Ngài tại Ðại Học Ðức Regensburg vào ngày 12/9/2006, các phong trào Hồi Giáo nổi lên chống đối Ðức Giáo Hoàng, nhiều người đã rất bi quan về cuộc thăm viếng này. Nhiều người cho là rất khó khăn và rất nguy hiểm. Nhiều nhóm Hồi Giáo dọa giết Ngài. Tuy vậy Ðức Giáo Hoàng quyết định cứ lên đường và Chính Phủ Cộng Hòa Thổ Nhỉ Kỳ cũng vẫn sẵn sàng đón tiếp Ðức Giáo Hoàng. Ngài được đón tiếp nồng hậu và chuyến đi được kết quả tốt đẹp vượt qua sự mong đợi. Những cuộc biểu tình chống đối tưởng là sẽ rất mạnh mẽ khi Ngài sang; nhưng điều đó đã không xảy ra. Chỉ có những cuộc biểu tình nhỏ, và chính phủ Thổ Nhỉ Kỳ đã huy động một lực lượng cảnh sát mạnh mẽ để giữ gìn an ninh trật tự.

Nhiều người chúng ta đã theo dõi chuyến đi này của Ðức Giáo Hòang qua nhiều phương tiện truyền thông khác nhau. Chúng ta có thể tổng lựơc như sau:

Sáng ngày Thứ Ba 28/11/2006, Ðức Giáo Hòang đã lên chuyến phi cơ thuê bao Alitalia cùng với Phái Ðoàn Tòa Thánh, trong đó có Ðức Hồng Y Walter Kasper (Chủ Tịch Hội Ðồng Giáo Hoàng Cổ Võ Hiệp Nhất Kytô Hữu), Ðức Hồng Y Roger Etcherary (Cố vấn đặc biệt; Ngài đã từng là Chủ Tịch Hội Ðồng Công Lý và Hòa Bình trước Ðức Cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận) và đoàn truyền thông, báo chí. Tuyên bố với Phái Ðoàn tháp tùng, Ðức Giáo Hòang nói đây là một cuộc thăm viếng trước hết có tính cách mục vụ để thắt chặt thêm tình thân hữu với Chính Phủ và Nhân Dân Thổ Nhỉ Kỳ, với anh em Hồi Giáo và Chính Thống Giáo. Ngài nói: chuyến đi có tính cách mục vụ và thân hữu, không có cao vọng nhiều, và cũng không có tính cách chính trị.

Tới Phi trường Ankara vào sáng ngày 28/11/2006 lúc trời hơi lạnh, nhưng có nắng ấm, Ðức Giáo Hoàng đã được Thủ Tướng Thổ Nhỉ Kỳ và Phái Ðoàn đứng ở đầu tấm thảm đỏ chỗ máy bay đậu, để đón tiếp. Thủ Tướng Thổ Nhỉ Kỳ lúc đầu tưởng không thể đón tiếp Ðức Giáo Hoàng vì chương trình của Ông quá bận rộn vào ngày đó; nhưng sau cùng Ông đã xếp chương trình để đón tiếp Ðức Giáo Hòang tận phi trường. Sau khi bắt tay, chụp hình chung, Ông hướng dẫn Ðức Giáo Hoàng đi trên thảm đỏ vào Phòng Tiếp Tân Quý Khách, hội đàm với Ðức Giáo Hoàng 20 phút, sau do Ðức Giáo Hoàng ra xe để đi vào thành phố Thủ Ðô Ankara. Sau cuộc hội đàm, Thủ Tướng tuyên bố với báo chí là đã xin Ðức Giáo Hoàng ủng hộ Thổ Nhỉ Kỳ để được gia nhập EU (Liên Hiệp Âu Châu) và Ðức Giáo Hoàng đã đồng ý. Ông cũng nói, trong cuộc hội đàm Ðức Giáo Hoàng luôn tỏ thiện cảm với nhân dân Thổ Nhỉ Kỳ. Sau cuộc tiếp đón Ðức Giáo Hoàng, Thủ Tướng Thổ Nhỉ Kỳ đã lên đường để đi họp Hội Nghị Thượng Ðỉnh Khối NATO.

Trên đường đi vào Thủ Ðô Ankara để đến gặp Tổng Thống Thổ Nhỉ Kỳ tại Dinh Tổng Thống, Ðức Giáo Hoàng đã dừng lại viếng thăm lăng mộ của Nhà Cách Mạng Mustafa Kemal, đặt vòng hoa tưởng niệm, rồi vào bảo tàng viện bên cạnh để ghi Sổ Lưu Niệm. Tổng Thống Ahmet Necdet Sezer đã ra đón tiếp Ðức Giáo Hoàng khi Ngài xuống xe, chụp hình chung, rồi hướng dẫn Ðức Giáo Hoàng vào trong Dinh Tổng Thống và hội đàm 15 phút. Ðây là cuộc đón tiếp chính thức Ðức Giáo Hoàng của chính phủ Thổ Nhỉ Kỳ. Trong cùng ngày đầu thăm viếng này, Ðức Giáo Hoàng cùng Ông Ali Bardakoglu, người đứng đầu Tôn Giáo Vụ Thổ Nhỉ Kỳ, hội đàm trong vòng 30 phút ở văn phòng Tôn Giáo Vụ, cùng với một số chức sắc Hồi Giáo Thổ Nhỉ Kỳ, trong đó có vị Ðại Giáo Trưởng Hồi Giáo ở Ankara. Ðức Giáo Hòang cũng đọc một bài diễn văn tại đây. Cuộc tiếp xúc rất thân thiện và cởi mở và bàn đến viễn ảnh trong tương lai để có được sự thông cảm hiểu biết giữa anh em Hồi Giáo và Công Giáo. Ông Ali Bardakoglu nhấn mạnh đến sự quan trọng của những cuộc gặp gở đối thọai và tương kính lẫn nhau và nói lên mối lo sợ là các nước phương Tây ngày càng đồng hóa Hồi giáo với khủng bố và bạo động; trong khi Hồi giáo là Ðạo hòa bình. Ðức Giáo Hoàng kêu gọi sự hợp tác giữa các tôn giáo để xây dựng Hòa Bình và sự Hòa hợp cần thiết giữa cho thế giới đang đầy những giết chóc, đổ máu. Ông Ali Bardakoglu sau đó đã ca ngợi cuộc thăm viếng của Ðức Giáo Hoàng như một bước tích cực để dẩn đến sự Hòa giải và cùng hướng về "sự tương kính, công chính và bình đẳng!".

Cùng ngày Ðức Giáo Hoàng đã gặp phái đoàn Ngọai Giao ở Tòa Khâm Sứ. Có chừng 90 vị Ðại Sứ các nước hiện diện. Trong cuộc nói chuyện, Ðức Giáo Hoàng đã nói sự cần thiết tìm ra những giải pháp để chấm dứt những căng thẳng về chính trị giữa các quốc gia, những cuộc khủng bố và chiến tranh khắp nơi trên thế giới, nhất là ở Trung Ðông. Ngài nói: "Hòa bình thực sự chỉ có được khi có sự công bằng. Cần phải sửa đổi những chênh lệch về kinh tế, và chấm dứt những áp bức về chính trị gây ra những căng thẳng và tranh chấp giữa các nước". Ðức Giáo Hoàng cũng nói đến tự do tôn giáo, các cuộc đối thoại và thành thực hợp tác giữa các tôn giáo cùng đóng góp một cách tích cực vào việc xây dựng xã hội và bảo vệ những giá trị của con người trong xã hội đang tiến rất nhanh về kỷ thuật. Phải làm sao để những tiến bộ của thời đại giúp vào việc phát triển nhân loại và bảo vệ những giá trị của gia đình và xã hội. "Những cuộc đối thoại trong tinh thần tương kính lẫn nhau phải là nền tảng giúp chấm dứt những cuộc khủng bố, chiến tranh và tranh chấp về tôn giáo". Ðức Giáo Hoàng cũng ca ngợi Hiến Pháp Thổ Nhỉ Kỳ đã có những điều khoản bảo vệ quyền tự do tôn giáo; vì các dân tộc có tinh thần dân chủ đều có bổn phận bảo đảm quyền tự do này. Cuộc gặp gở các nhà ngọai giao đã kết thúc một ngày thật bận rộn nầy.

Dù là một ngày thật bận rộn, nhưng kết qủa ngày đầu tiên nầy thật tốt đẹp. Những cuộc đón tiếp rất nồng hậu; các cuộc gặp gở đều thân mật và cởi mở. Mọi người cảm thấy rất nhẹ nhỏm sau ngày đầu tiên nầy.

Ngày hôm sau (29/11/2006) Ðức Giáo Hoàng đã rời Thủ Ðô Ankara để đi Cổ Thành Ephesus, viếng thăm "Nhà Ðức Mẹ Maria" và dâng lễ ngoài trời kính Ðức Mẹ Maria. Ðây là Thánh Lễ đầu tiên cho dân chúng trong cuộc viếng thăm, Ðức Giáo Hoàng đã kêu gọi các tín hữu hãy luôn sống vui vẻ sẵn sàng chấp nhận mọi khó khăn, noi gương Cha Andrea Santoto, một nhà truyền giáo đã bị sát hại dịp tháng 2/2006 trong một cuộc bạo động của một nhóm trẻ thiếu niên Hồi Giáo. Ðức Giáo Hoàng cũng kêu gọi các tín hữu hãy sống hòa hợp với nhau, và luôn giữ tình thân hữu với các anh em Hồi Giáo và Chính Thống Giáo; hãy luôn luôn là những "người xây dựng Hòa Bình!". Phần Ðức Giáo Hòang, Ngài luôn yêu mến và hiệp thông với Giáo Hội tại Thổ Nhỉ Kỳ đang còn gặp những khó khăn thử thách.

Hôm nay và những ngày tiếp theo, Ðức Giáo Hoàng nhắm vào việc nối tình thân hữu với anh em Chính Thống và Hồi Giáo. Ðức Giáo Hoàng đã viếng thăm Bảo Tàng Viện Hagia Sophia. Ngài dừng lại ở đây 25 phút để chiêm ngắm sự huy hoàng và những điêu khắc tuyệt vời của một Thánh Ðường Bizantino thuở xưa! Nơi đây, vào năm 1979, khi viếng thăm Thổ Nhỉ Kỳ, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng đến thăm. Trước khi rời Bảo tàng viện, Ðức Giáo Hoàng đã ký Sổ lưu niệm và viết: "Trong thế giới có nhiều dị biệt, nhưng chúng ta vẫn có được niềm tin nơi Thiên Chúa duy nhất. Xin Thiên Chúa soi sáng cho chúng ta và giúp chúng ta nhận ra con đường dẫn đến Tình thương và Hòa bình!".

Sau khi rời Bảo Tàng viện Hagia Sophia, Ðức Giáo Hoàng viếng thăm Ðền Thờ Hồi Giáo "Blue Mosque" nổi tiếng tại Istanbul. Vị Ðại Giáo Trưởng Mystafa Nagrici đã hướng dẩn Ðức Giáo Hoàng. Khi vị Giáo Trưởng cầu nguyện, Ðức Giáo Hoàng cũng nghiêm trang cầu nguyện (sau này khi đã trở lại Rôma, Ðức Giáo Hoàng nói lúc đó Ngài cầu nguyện xin Chúa là Chúa trời đất, và là Chúa nhân từ của cả nhân loại, ban cho mọi người có niềm tin nhận ra họ là người Chúa đã dựng nên và xin cho họ luôn là những chứng nhân của tình yêu huynh đệ). Hai vị gặp nhau trong 20 phút và rất thân tình; ngược hẳn lại với những căng thẳng trước đây giữa anh em Hồi Giáo và Ðức Giáo Hoàng. Hai vị đã trao tặng phẩm cho nhau làm lưu niệm. Khi nhận tặng phẩm do vị Giáo Trưởng tặng, Ðức Giáo Hoàng để tay lên và nói: "Xin cám ơn Ngài về tặng phẩm này. Chúng ta hãy cầu nguyện cho tình thân hữu giữa chúng ta cũng như tình thân hữu của toàn thể nhân lọai". Khi chia tay, vị Giáo Trưởng đã nói với Ðức Giáo Hòang: "Xin Ngài hãy luôn nhớ đến chúng tôi!". (Your Holiness, please remember us!).

Ðối với Chính Thống Giáo, Ðức Giáo Hòang đã gặp gở Ðức Thượng Phụ Bartolomeo I (Giáo Chủ Chính Thống Giáo Thổ Nhỉ Kỳ), Thượng Phụ Mesrob II (Giáo Chủ Chính Thống Giáo Armenia), Thượng Phụ Ausuf Cetin (Giáo Chủ Chính Thống Giáo Syria).

Thượng Phụ Bartolomeo I đã ra đón Ðức Giáo Hoàng tại Phi trường Istanbul (Ðức Giáo Hoàng đã đi máy bay từ Thủ Ðô Ankara đến Cổ thành Ephesus để dâng Thánh lễ, rồi đến phi trường Istanbul vào buổi chiều ngày 29/11/2006). Từ phi trường Istanbul, hai vị đã đến chủ tọa buổi cầu nguyện ban chiều tại Nhà Thờ Thánh Georges (Nhà Thờ Chính tòa Chính Thống Giáo) cùng với một số Giáo sĩ Chính Thống khác. Buổi cầu nguyện mở đầu hai ngày quan trọng để gặp gở và tìm con đường hiệp nhất giữa Chính Thống Giáo và Công Giáo; đó là chủ đích quan trọng của cuộc thăm viếng Thổ Nhỉ Kỳ của Ðức Giáo Hoàng. Hai vị đã cùng tiến lên dọc lòng Thánh Ðường có bình hương khói nghi ngút dẫn đầu, trong khi ca đoàn hát thánh ca bằng tiếng Hy Lạp. Buổi cầu nguyện thật sốt sắng, đặc biệt tưởng nhớ đến hai Thánh Tông Ðồ Phêrô và Anrê. Sau giờ cầu nguyện, Ðức Giáo Hoàng đã nói lời ca ngợi: "... Nơi này, qua nhiều thế kỷ, đã có nhiều vị tử đạo, các nhà Thần học, Chủ Chăn, các Nhà Dòng và biết bao những tín hữu nam nữ thánh thiện!". Ðức Giáo Hoàng cũng nhắc đến cuộc thông hiệp hòa giải giữa hai Giáo Hội vào năm 1965, khi Ðức Phaolô VI đến đây và cùng với Thượng Phụ Giáo Chủ Athenagoras đã hủy vạ tuyệt thông cho nhau (vào năm 1054). Sau cuộc thăm viếng của Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI là cuộc thăm viếng thắm tình hữu nghị của Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vào năm 1979. Thượng Phụ Bartolomeo I cũng nhắc đến hai cuộc gặp gở lịch sử đó và coi như những cuộc thăm viếng thật quý giá và cần thiết. Sau đó Thượng Phụ nói: "Tôi hết lòng tạ ơn Chúa đã dẫn đưa Ðức Giáo Hòang đi theo bước chân của các vị tiền nhiệm và đến đây hôm nay trong cùng một tinh thần cởi mở và hòa hợp...". Sau hết, hai vị đã đến kính viếng Thánh tích của hai Thánh Gregorio Nazian và Gioan Kim Khẩu cả hai đều đã là Tổng Giám Mục Thành Constantinople.

Sáng ngày 30/11/2006 (Lễ trọng kính Thánh Anrê Tông Ðồ), Thượng Phụ Bartolemeo I đã đến dâng lễ trọng thể tại Nhà thờ Thánh George. Thánh lễ trọng thể kính Thánh Tông Ðồ Anrê, bổn mạng của Tòa Thượng Phụ Constantinople. Trong khi Thượng Phụ Chủ Lễ thì Ðức Giáo Hoàng hiện diện tại ngai tòa bên cạnh Cung thánh. Thánh lễ dài gần 3 giờ đồng hồ; cũng khói hương nghi ngút quyện với lời kinh tiếng hát của cộng đoàn dự lễ đông đảo. Trong bài giảng, Thượng Phụ đã kêu gọi mọi người phải cầu nguyện xin Chúa đem lại sự hòa hợp yêu thương giữa con cái Chúa: "Chúng ta cần quỳ xuống, khiêm tốn và thành thực sám hối những lỗi lầm trong quá khứ, xin Chúa tha thứ và làm cho ngày hiệp nhất trọn vẹn được sớm đến". Trong bài nói chuyện với Cộng Ðoàn vào cuối Thánh lễ, Ðức Giáo Hoàng cũng nhắc lại lời kêu gọi sám hối và xin Chúa tha thứ, để anh em cùng hiểu biết và thương yêu nhau như những người con Chúa; "vì chính sự hòa hợp, thành thực yêu thương nhau mới có thể làm cho công cuộc rao giảng Tin Mừng của Chúa được mọi người tin tưởng và đón nhận!". Trong khi lên Rước Lễ, lúc đi ngang qua ngai tòa Ðức Giáo Hoàng, mọi giáo dân Chính Thống Giáo đều cúi đầu tỏ lòng tôn kính; có một em nhỏ chạy đến hôn nhẫn Ðức Giáo Hoàng.

Sau Thánh Lễ, hai vị đã ra ban-công Nhà Thờ để ban phép lành cho giáo dân tụ tập đông đảo tại quảng trường. Sau đó hai vị đã nắm tay nhau dơ lên cao, rồi cùng mỉm cười vẫy tay với dân chúng đang hoan hô vui vẻ phía dưới. Hai vị đã tặng nhau kỷ vật lưu niệm. Ðức Giáo Hoàng đã tặng Thượng Phụ một Chén Thánh, nói lên sự thông hiệp qua Bí Tích Thánh Thể. Thượng Phụ đã tặng Ðức Giáo Hoàng Cuốn Bổn Sách Tin Mừng, nói lên sự thông hiệp và tình yêu theo Tin Mừng Chúa Giêsu đã rao giảng. Sau cùng hai vị đã ký vào Bản Tuyên Ngôn chung "quyết tâm tiếp tục đối thọai về thần học và tích cực cộng tác trong họat động xã hội; đặc biệt là việc cổ võ tinh thần và giá trị Kitô giáo cho xã hội ngày nay đang càng ngày càng bị thế tục hóa. Bản tuyên ngôn cũng nhấn mạnh đến việc phải giúp đở những người nghèo, những nạn nhân của bạo động, của khủng bố (nhất là ở Trung Ðông), những người dân ở những nơi mà quyền tự do tôn giáo chưa được bảo đảm hoàn toàn.

Ðức Giáo Hoàng cũng đã gặp gở thân mật Thượng Phụ Giáo Chủ Armenia Mesrob, rồi Ðức Thượng Phụ Giáo Chủ Syria Yusuf Cetin; sau đó là vị Trưởng Giáo Do Thái Thổ Nhỉ Kỳ Rabbi Ishah Haleva vào buổi chiều hôm nay (30/11/2006) tại Tòa Khâm Sứ tại Istanbul. Ðặc biệt vào buổi tối hôm nay, một nhóm đông các bạn trẻ Công Giáo đã bất ngờ đến Tòa Khâm Sứ để chào mừng Ðức Giáo Hoàng. Ðức Giáo Hoàng xuất hiện để cầu nguyện với các bạn trẻ, rồi chúc lành cho mọi người và nói: "Cha luôn nhớ đến chúng con trong lời cầu nguyện!".

Sáng sớm ngày 01/12/2006, ngày cuối cùng của cuộc thăm viếng, Ðức Giáo Hoàng đã đến cùng cầu nguyện buổi sáng với Thượng Phụ Chính Thống Armenia Mesrob II tại Nhà Thờ Chính Thống Armeria. Hai vị cũng nhắc đến tinh thần "đại kết" cần thiết để sống hòa hợp như những người con cái trong cùng một gia đình của Chúa. Sau đó, Ðức Giáo Hoàng đã đến dâng Thánh Lễ tại Nhà Thờ Chánh Tòa Chúa Thánh Thần cùng với cộng đoàn Công Giáo ở đây. Ðức Thượng Phụ Bartolomeo I cũng hiện diện. Trước Thánh Lễ Ðức Giáo Hoàng đã làm phép tượng Ðức Bênêđíctô XV và Tượng Ðức Gioan Phaolô VI. Hôm nay, Ðức Giáo Hoàng dâng lễ kính Chúa Thánh Thần. Vì có nhiều chủng tộc khác nhau, nên trong thánh lễ đã dùng tới 7 ngôn ngữ khác nhau. Trong bài giảng, Ðức Giáo Hoàng đã kêu gọi mọi tín hữu hãy yêu thương, đoàn kết với nhau và yêu thương liên kết với những người anh em khác tín ngưỡng: "Anh chị em hãy luôn sống hòa hợp yêu thương theo lời Chúa Giêsu đã dạy: Khi chúng con sống hòa hợp yêu thương nhau, lúc đó mỗi người mới nhận ra chúng con là môn đệ đích thực của Cha. Vì thế anh chị em hãy tiếp tục làm những gì có thể được để chửa lành những vết thương chia rẽ và hận thù, hầu cùng sống trong hòa hợp yêu thương. Ðức Giáo Hoàng cũng ám chỉ đến cuộc tàn sát những người Công Giáo Armenia vào những năm 1915-1918 do chính quyền Hồi Giáo Ottomans gây ra. Trong cuộc cưỡng bách di dân nầy gần một triệu rưỡi (hơn một nửa dân số Armenia hồi đo) đã bị giết. Sau Thánh Lễ, Thượng Phụ Bartolomeo đã cùng ban phép lành cho giáo dân. Rồi hai vị cùng đi xuống dọc theo lòng Thánh đường và mỉm cười và chào các giáo dân đang tỏ lòng nồng nhiệt tôn kính.

Thánh Lễ sáng hôm nay kết thúc 4 ngày thăm viếng Thổ Nhỉ Kỳ của Ðức Giáo Hoàng. Sau đó Ðức Giáo Hoàng ra phi trường Istanbul để trở về Rôma. Trước khi lên máy bay, Ðức Giáo Hoàng đã nói những lời cám ơn sâu xa đến chính quyền các cấp và Ngài nói tuy Ngài ra về nhưng vẫn "để lại một phần tâm hồn của Ngài tại Istanbul!" (I am leaving a part of my heart in Istanbul!".

Trong những ngày thăm viếng Thổ Nhỉ Kỳ của Ðức Giáo Hoàng, các cơ quan truyền thông và báo chí Thổ Nhỉ Kỳ đều đưa tin thuận lợi về cuộc thăm viếng này và ca ngợi Ðức Giáo Hoàng là một người bình thản và khiêm tốn; nhưng cũng là người hoạt bát, những lời nói và cử chỉ rất thích hợp. Tất cả đều vui mừng vì cuộc thăm viếng đã êm đẹp không xảy ra những gì đáng tiếc như nhiều người lo sợ. Hơn nữa các cuộc tiếp xúc với các cấp chính quyền, với ngọai giao đoàn, với các đại diện Hồi Giáo, và các tôn giáo đều rất cởi mở và thân thiện.

Xin tạ ơn Chúa và cầu xin Chúa làm cho cuộc thăm viếng của Ðức Giáo Hòang đem lại nhiều hiệu quả tốt đẹp; góp phần vào việc xây dựng sự hòa hợp mọi người thuộc mọi chủng tộc, văn hóa, tôn giáo khác nhau để cùng chung tay xây dựng Hòa bình thế giới và hạnh phúc cho nhân loại: "Xin hiệp nhất chúng con nên một trong tình yêu Chúa. Xin hiệp nhất chúng con như Ngài liên kết với Cha. Xin giải thoát chúng con xa điều bất hòa chia rẽ! Xin kết liên mọi người trong lòng mến Chúa Cha muôn đời". (Trích Bản Thánh Ca "Bài Ca Hiệp Nhất" của Thành Tâm).

 

Linh Mục Anphong Trần Ðức Phương

Tháng 12 năm 2006

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page