Bài phỏng vấn cha Thomas Michel

một chuyên gia về Hồi giáo sống ở Indonesia

về chuyến viếng thăm của ÐTC tại Thổ Nhĩ Kỳ

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Bài phỏng vấn cha Thomas Michel, một chuyên gia về Hồi giáo sống ở Indonesia về việc làm của Ðức Thánh cha và các viên chức tôn giáo ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Rôma (UCAN - ZY01576.1423 Ngày 11-12-2006) -- Chuyến viếng thăm gần đây của Ðức Thánh cha Bênêđictô XVI đến Thổ Nhĩ Kỳ đã chữa lành các vết thương và mở cửa trong quan hệ Kitô giáo - Hồi giáo, theo cha Thomas Michel, một chuyên gia về Hồi giáo sống ở Indonesia.

Cha Thomas Michel, linh mục dòng Tên, người đã có sáu năm dạy học tại Thổ Nhĩ Kỳ, mô tả các kết quả của chuyến viếng thăm quốc gia đa số Hồi giáo này của Ðức Thánh cha là "bất ngờ".

Trong chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ của Ðức Thánh cha tại Thổ Nhĩ Kỳ từ ngày 28/11-1/12/2006, cha Michel ở tại nhà của dòng Tên ở Ulus, Ankara, thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ, và theo dõi sát xao toàn bộ chuyến tông du. UCA News đã phỏng vấn vị linh mục ở Rôma bốn ngày sau khi Ðức Thánh cha kết thúc chuyến đi.

Cha Thomas Michel, thuộc tỉnh dòng Tên Indonesia, đứng đầu Văn phòng đặc trách Hồi giáo của Hội đồng Giáo hoàng về Ðối thoại Liên tôn trong 13 năm, từ năm 1981-1994. Văn phòng này trước đây gọi là Văn phòng về người ngoài Kitô giáo.

Hiện là thư ký về đối thoại liên tôn của dòng Tên, ngài đã có nhiều năm làm thư ký điều hành Văn phòng các Vấn đề Ðại kết và Liên tôn của Liên Hội đồng Giám mục Á châu.

Trong những năm sống ở Thổ Nhĩ Kỳ, cha Michel dạy trong các phân khoa thần học Hồi giáo, trong đó có các phân khoa tại các trường đại học ở Ankara và Izmir, và tại Ðại học Selcuk ở Konya. Ngài đã trở lại viếng thăm quốc gia này nhiều lần.

Sau đây là cuộc phỏng vấn:

UCA News: Cha đánh giá thế nào về chuyến tông du Thổ Nhĩ Kỳ của Ðức Thánh cha?

Cha Thomas Michel: Tốt đẹp hơn dự đoán của mọi người nhiều. Nó thật sự chữa lành các vết thương ở mức độ mà trước đó người ta không nghĩ là có thể xảy ra. Nó mở ra một tương lai trong quan hệ Kitô giáo - Hồi giáo ở một mức độ mà người ta đã không nghĩ là có thể xảy ra sau một thời gian dài. Ðức Thánh cha và các giới chức Thổ đã cất công ngăn ngừa xung đột, chấp nhận và cảm thông nhau thật lòng. Ðó thực sự là ý nghĩa của đối thoại. Ðây thực sự là tấm gương rất tốt về cách người ta tiến hành đối thoại.

UCA News: Có điều gì trong chuyến viếng thăm này đặc biệt gây ấn tượng cho cha không?

Cha Thomas Michel: Tôi có ấn tượng tốt về bài nói chuyện của Ðức Thánh cha với ông Ali Bardakoglu, người đứng đầu Bộ Tôn giáo. Những dòng kết thúc bài nói chuyện của ngài là lời kêu gọi người Hồi giáo, qua Bardakoglu, cùng làm chứng cho đức tin -- chú ý ngài đã dùng từ đức tin ở số ít, không phải ở số nhiều -- dựa trên mong ước chung của chúng ta để thi hành thánh ý của Thiên Chúa Duy nhất. Tôi nghĩ đây là cách áp dụng mới và sáng tạo giáo huấn của Công đồng Vatican II (từ năm 1962-1965), vốn nói rằng người Hồi giáo và Kitô giáo có chung sứ mệnh này trên thế giới để cùng làm việc vì lợi ích chung trong bốn lĩnh vực chính của đời sống: công bằng xã hội, hòa bình, các giá trị đạo đức và nhân quyền đích thực (Nostra Aetate, n.3).

UCA News: Cha có nhận thấy có sự khác biệt trong cách tiếp cận người Hồi giáo giữa Ðức Bênêđictô XVI và vị tiền nhiệm của ngài là Ðức Gioan Phaolô II không?

Cha Thomas Michel: Ngài tái xác nhận quan điểm của Ðức Gioan Phaolô II. Tôi không thấy có gì khác với lập trường của Ðức Gioan Phaolô II, nhưng điều này không có gì ngạc nhiên, vì thực tế là cả Ðức Gioan Phaolô II lẫn Ðức Bênêđictô XVI đều trung thành với giáo huấn của Công đồng Vatican II, vốn nói rằng "Giáo hội Công giáo quý trọng người Hồi giáo". Khi chúng ta hành động với lòng quý mến chân thật với người Hồi giáo, như chúng ta thấy Ðức Bênêđictô đã làm ở Thổ Nhĩ Kỳ, người Hồi giáo sẽ đáp lại cách rất tích cực, như chúng ta đã thấy các giới chức và công chúng Thổ Nhĩ Kỳ đã làm.

UCA News: Cha nghĩ gì về việc Ðức Thánh cha cầu nguyện trong 'Ðền thờ Xanh' (Blue Mosque) ở Istanbul?

Cha Thomas Michel: Tôi đã không nghĩ tới điều này. Tôi rất vui mừng khi nghe nói Ðức Thánh cha sẽ viếng thăm Ðền Thờ Hồi Giáo này và cũng nhớ lại Ðức Gioan Phaolô II đã cầu nguyện tại mộ của Thánh Gioan Tẩy giả trong Thánh đường Omayyad ở Damascus, Syria. (Biên tập viên lưu ý: Ðền Thờ Sultan Ahmet, Ðền Thờ Hồi Giáo chính ở Istanbul, thường được gọi là Ðền Thờ Xanh do mái vòm và các đỉnh tháp của nó được lợp bằng ngói xanh).

Tôi không biết Ðức Bênêđictô XVI sẽ dừng lại một lúc để suy niệm và thinh lặng cầu nguyện trong Ðền Thờ Xanh, nhưng trong khi làm như thế, ngài nêu cho người Kitô hữu chúng ta một tấm gương rất tốt. Cầu nguyện là điều mà chúng ta muốn làm với Thiên Chúa ở mọi nơi thích hợp, và những nơi khác ngoài Ðền Thờ nơi người Hồi giáo đang thờ tự và cầu nguyện với cùng một Thiên Chúa năm lần một ngày. Tôi nghĩ rằng bằng cách cầu nguyện trong Ðền Thờ Hồi giáo, Ðức Bênêđictô XVI đã quả quyết giáo huấn của Công đồng Vatican II dạy người Hồi giáo và Kitô giáo cùng thờ phượng Thiên Chúa Duy nhất.

Ðôi khi có người đã hỏi liệu Thiên Chúa của người Hồi giáo và Thiên Chúa của người Kitô giáo có phải là một và cùng một Chúa không. Nhưng điều này đã được làm rõ từ Nostra Aetate ("Tuyên ngôn về tương quan của Giáo hội với các tôn giáo ngoài Kitô giáo" của Công đồng Vatican II năm 1965), và giờ đây việc Ðức Thánh cha sẵn sàng cầu nguyện trong Ðền Thờ Hồi giáo xác nhận điều này.

Chính những hành động cụ thể làm cho người ta nhớ, và trong nghĩa cử cầu nguyện của ngài trong Ðền Thờ này trước mihrab (một hốc tường hướng về phía Mecca), ngài đã chuyển tải cho người Hồi giáo một điều mà ngài không thể chuyển tải bằng lời được. Nghĩa cử này chuyển tải tính chân thật trong lời nói của ngài, đó không chỉ là Ðức Bênêđictô XVI một con người của Thiên Chúa, một con người cầu nguyện, mà còn vì ngài là một con người của Thiên Chúa cùng với người Hồi giáo.

Anh có thể nói tất cả điều này bằng lời nhưng nó không đến được trái tim và tâm trí của các dân tộc giống như thế. Ðó là điều mà nghĩa cử Ðức Thánh cha thể hiện khi cầu nguyện tại thánh đường Hồi giáo đã đạt được. Các bạn của tôi ở Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng trong hành động này họ thấy ngài đang đứng với họ trước một Thiên Chúa Duy nhất.

UCA News: Như thế, có phải cầu nguyện cũng là một hình thức đối thoại không?

Cha Thomas Michel: Tôi nghĩ cần nhớ đến lời Ðức Gioan Phaolô II, trong thông điệp thứ nhất của ngài là Redemptor Hominis (Ðấng Cứu chuộc loài người, năm 1979), đã nói về các cách đến gần tín đồ của các tôn giáo khác hơn, và ngài đã ưu tiên cho "cầu nguyện chung".

Là những người vững tin vào một Thiên Chúa duy nhất, chúng ta tin rằng dù người ta hình dung Thiên Chúa hay gọi Thiên Chúa như thế nào đi nữa, thì chỉ có một Thiên Chúa Duy nhất đang nghe những lời cầu nguyện đó. Ðó là điều mà Ðức Gioan Phaolô II đã nói đến trong tông huấn "Radio Address to the Peoples of Asia", được ngài đọc ở Manila ngày 21-2-1981. Ngài nói: "Bất kỳ khi nào tâm hồn con người tự mở ra trong cầu nguyện để đón nhận Thiên Chúa chưa được biết tới này, thì người ta sẽ nghe được tiếng đáp lại từ chính Thánh Linh, người biết những hạn chế và khuyết điểm của con người, cầu nguyện trong chúng ta và đại diện cho chúng ta".

Vì thế Kitô hữu chúng ta không nên bối rối khi cầu nguyện với những người khác vì chính một Thiên Chúa Duy nhất là người nghe thấy những lời cầu nguyện này.

UCA News: Nếu đây là trường hợp cầu nguyện với tất cả các tôn giáo, thì đối với người Kitô hữu, Hồi giáo và Do Thái chia sẻ một truyền thống đức tin lâu đời có từ thời Abraham đúng được bao nhiêu?

Cha Thomas Michel: Giống như những gì Ðức Gioan Phaolô II nói với cộng đoàn Công giáo ở Ankara ngày 29-11-1979 rằng người Hồi giáo "có cùng đức tin với Abraham nơi Thiên Chúa duy nhất, toàn năng và nhân hậu với anh chị em". Ngài kể lại "Công đồng Vatican II đã cởi mở về vấn đề này" và nói thêm rằng ngài cũng đã lưu ý vấn đề này trong tông thư Redemptor Hominis (n.11). Ðây cũng chính là niềm tin mà Ðức Bênêđictô XVI đã đề cập tới hồi tuần trước trong bài phát biểu của ngài, một lần nữa cũng tại Ankara hôm 28-11-2006, gần đúng 17 năm sau, với người đứng đầu Ban Tôn giáo, tiến sĩ Ali Bardakoglu, và các lãnh đạo Hồi giáo khác.

Một số người nói rằng Ðức Bênêđictô đã "thay đổi lập trường", tán thành một quan điểm ở Regensburg, Ðức, hôm 12-9-2006, và một quan điểm hoàn toàn trái ngược ở Ankara và Istanbul. Ðức Bênêđictô XVI có thay đổi lập trường không? Tôi không nghĩ như thế. Xin nhớ rằng ngài chỉ chính thức gặp người Hồi giáo trong ba lần -- ở Cologne (tháng 8-2005, trong Ngày Giới trẻ Thế giới), ở Ankara và ở Istanbul. Lời nói và nghĩa cử của ngài và toàn bộ cách ngài thể hiện ở Thổ Nhĩ Kỳ rất phù hợp với những điều ngài nói và cách ngài thể hiện ở Cologne. Ngoài ra, nếu xét đúng nội dung, thì các bài phát biểu của ngài ở Ðức và Thổ Nhĩ Kỳ rất giống nhau. Tôi nghĩ sự khác biệt ở đây là bài diễn văn ngài đọc tại Ðại học Regensburg, Ðức, có chủ đề là "đức tin và lý trí", chứ không phải là Hồi giáo.

UCA News: Cha đã có nhiều thời gian sống ở Thổ Nhĩ Kỳ. Cha nghĩ người Thổ hiểu như thế nào về chuyến viếng thăm của Ðức Thánh cha?

Cha Thomas Michel: Tôi dạy học trong các phân khoa thần học Hồi giáo ở Thổ Nhĩ Kỳ trong sáu năm khác nhau, và tôi đã đến đó nhiều lần để tham dự các hội nghị và hội thảo về học thuật, và tôi có nhiều bạn bè ở đó. Và thông tin phản hồi mà tôi nhận được về chuyến thăm của Ðức Thánh cha nhìn chung là tích cực và thực sự tốt đẹp.

Ðiều thực sự tốt đẹp đó là thấy cả nước vui mừng vì có người đang cầu nguyện. Tin Ðức Thánh cha cầu nguyện là tin tức được đưa trên trang nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ, tiểu sử và hình ảnh ngài cầu nguyện trong Ðền Thờ Xanh của Hồi Giáo được đưa tin chi tiết trên báo chí và được thảo luận trong những bản tin về chuyến thăm trên truyền hình.

Ðiều đó nói lên rất nhiều về người Thổ Nhĩ Kỳ, họ rất hài lòng về việc Ðức Thánh cha cầu nguyện trong Ðền Thờ Xanh của Hồi Giáo. Trong thế giới thế tục hiện nay, thật là thú vị và lành mạnh khi người ta quan tâm đến việc một vị khách quốc gia dừng chân cầu nguyện tại một nơi mang lại nhiều ý nghĩa cho họ không. Thực ra, điều đó khẳng định nhiều chủ đề của Ðức Bênêđictô nói về nhu cầu tái khám phá Thiên Chúa giữa cuộc sống hiện đại.

UCA News: Các phương tiện truyền thông đại chúng đưa tin như thế nào?

Cha Thomas Michel: Tôi nhận thấy cách các nhà bình luận Thổ Nhĩ Kỳ trình bày trên truyền hình là sự xác nhận thực sự về toàn bộ quá trình đối thoại. Tôi ngồi ở Ankara theo dõi chuyến viếng thăm trên truyền hình Thổ Nhĩ Kỳ với các bạn tôi. Chúng tôi thực sự biết tất cả các nhà bình luận trên truyền hình. Họ thật sự rất am hiểu và rất đồng cảm với Kitô giáo. Ðiều này đã không thể xảy ra nếu họ, như chúng ta, không phải là sản phẩm của cuộc đối thoại dài 20 năm mà các đồng nghiệp Hồi giáo và Kitô giáo của tôi đã tổ chức ở Thổ Nhĩ Kỳ và Rôma.

Tôi biết một nhà bình luận từ khi ông ta lên chín tuổi, vì tôi quen biết bố ông ta trong những tình huống đối thoại trong 20 năm qua. Các nhà bình luận truyền hình khác là các vị giáo sư trong các phân khoa thần học Hồi giáo đã mời tôi giảng dạy về Kitô giáo. Tuy nhiên trong đó còn có các nhà báo đã phỏng vấn chúng tôi cách đây nhiều năm.

Chính kiến thức mà họ học được về Kitô giáo và Công giáo trong tiến trình đối thoại cho thấy họ, không phải chúng ta, đang thông tin cho công chúng Thổ, và họ đang làm như thế một cách hết sức chính xác và thành thạo. Tôi dành nhiều thời gian để giáo dục người dân về Hồi giáo và giáo dục người Hồi giáo về Kitô giáo. Ðây chính là những gì mà các tu sĩ dòng Tên khác ở Ankara đang làm, và cũng là điều mà nhiều người tôi biết đang làm ở những nơi khác.

Ðây không phải là vấn đề kêu gọi cải đạo. Ðúng hơn đây là cách tìm hiểu một tôn giáo khác theo cách chính các tín đồ hiểu tôn giáo đó. Anh không đứng bên ngoài. Anh tham gia cách thân thiện, và một khi đã "tham gia", thì không khó để nhận thấy Thần linh Chúa đang hoạt động.

Trở lại chuyến viếng thăm của Ðức Thánh cha, chính các sinh viên Hồi giáo đến từ Thổ Nhĩ Kỳ đang học tại Ðại học Giáo hoàng Gregorian ở Rôma bình luận trực tiếp chuyến thăm của Ðức Thánh cha trên truyền hình Ý và Vatican, và họ đã làm một công việc xuất sắc. Như các nhà bình luận ở Thổ Nhĩ Kỳ đang giúp người Hồi giáo hiểu Kitô giáo, các sinh viên này cũng đang giúp người xem truyền hình Ý hiểu Thổ Nhĩ Kỳ và đạo Hồi rõ hơn.

UCA News: Nhiều người ở Thổ Nhĩ Kỳ đang hỏi liệu người ta có thể giải thích hay tìm cách hòa hợp như thế nào những điều Ðức Thánh cha nói ở Regensburg với cách ngài nói và hành động ở Thổ Nhĩ Kỳ. Cha trả lời thế nào?

Cha Thomas Michel: Chuyện ở Regensburg đã xảy ra. Chúng ta không thể phủ nhận. Nhưng rất ít khi các mối tương quan giữa con người đi theo một đường thẳng mà không bị lệch hướng hay vấp ngã. Ở Thổ Nhĩ Kỳ, Ðức Thánh cha đã chứng tỏ rằng ngài sẽ không để bị bế tắc trong quan hệ của ngài với người Hồi giáo vì cuộc tranh cãi về chuyện ở Regensburg, và người Thổ cũng chứng tỏ rằng họ cũng sẽ không để bị bế tắc. Cả hai bên cùng chứng tỏ rằng họ không muốn trở thành tù nhân của quá khứ. Cả hai đều muốn tiến lên, để thiết lập quan hệ tốt đẹp hơn.

UCA News: Một số người Hồi giáo ở Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng họ vẫn không tin Ðức Thánh cha. Cha nghĩ gì về điều này?

Cha Thomas Michel: Trong các quan hệ của con người lòng tin cậy rất mong manh. Nó khó có được và lại dễ bị đánh mất. Tôi nhớ Ðức Gioan Phaolô II lúc bắt đầu cũng không có được mức độ tin cậy cao nơi người Hồi giáo. Trong những năm đầu, khi ngài nói những điều tốt đẹp, nhiều người Hồi giáo nói rằng ngài chỉ rêu rao, ngài không có ý làm những việc này. Chỉ qua nhiều năm, khi ngài liên tục đưa ra một thông điệp nhất quán và hành động liên tục với cùng một tình bạn và lòng tôn trọng lúc đó người Hồi giáo mới bắt đầu nhận thấy rằng họ có thể thật sự tin tưởng ngài.

Tôi hy vọng những điều như thế sẽ đến với Ðức Giáo hoàng này -- Ðức Bênêđictô XVI. Ngài đã có một kho thiện ý từ chuyến viếng thăm này, và tôi hy vọng khi ngài gặp lại người Hồi giáo lần sau ngài sẽ dựa vào điều này và tiếp tục hành động tương tự. Bằng cách đó ngài cũng sẽ dần dần đi đến chỗ đắc nhân tâm họ.

 

UCAN

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page