Ðức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn

trả lời 10 câu hỏi của cha Trần Công Nghị

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Ðức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn trả lời 10 câu hỏi của cha Trần Công Nghị, Vietcatholic.

Saigòn, Việt Nam (8/12/2006) - Nhận lời mời của Ðức cha Phaolô Nguyễn Văn Hoà, Chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam, ngày 27/11/2006 phái đoàn Hội Ðồng Giám Mục Pháp đã sang thăm Việt Nam. Phái Ðoàn gồm có Ðức Hồng Y Jean-Pierre Ricard, Chủ tịch Hội đồng Giám Mục Pháp; Ðức Tổng Giám Mục giáo phận Tours Bernard-Nicolas Aubertin; Ðức ông Stanislas Lalanne, Thường trực Hội Ðồng Giám Mục Pháp. Sau khi viếng thăm các giáo phận tại miền Bắc và Miền Trung, Phái đoàn Hội Ðồng Giám Mục Pháp cũng đã đến thăm Tổng Giáo Phận Saigòn.

Ðồng thời, đáp lời mời của Ðức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, Tổng giám mục Saigòn, sáng ngày 02 tháng 12 năm 2006, ba vị Hồng Y người Châu Á đến thăm Việt Nam. Ðó là: Ðức Hồng Y Telesphore Placidus Toppo, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ấn Ðộ; Ðức Hồng Y Gaudencio B. Rosales, Tổng giám mục giáo phận Manila - Philippines; và Ðức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân (Joseph Zen Ze Kiun), giám mục giáo phận Hồng Kông.


Ðức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, Tổng giám mục Saigòn, hướng dẫn ba vị Hồng Y người Châu Á (Hoa, Ấn, Phi) viếng thăm Việt Nam.


Vì tính cách quan trọng và lịch sử của biến cố này, Linh Mục Trần Công Nghị (VietCatholic) từ Los Angeles đã có cuộc phỏng vấn với Ðức Hồng Y Tổng Giám Mục Saigòn vào ngày Lễ Ðức Mẹ Vô Nhiễm, thứ Sáu mùng 8 tháng 12 năm 2006 (giờ Việt Nam). Ðức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn đã trả lời 10 câu hỏi của cha Trần Công Nghị, Vietcatholic, như sau:

Câu Hỏi 1: Mục đích của việc mời 3 Hồng Y Á châu (Hoa, Ấn, Phi) đến thăm giáo phận Saigon là gì?

Trả Lời 1: Mục đích là nhằm thắt chặt hơn nữa tình hiệp thông huynh đệ trong bối cảnh toàn cầu hoá ngày nay, đồng thời cũng nhằm mở đường cho sự liên đới và hỗ trợ nhau trong sứ vụ làm chứng cho Tin Mừng Chúa Giêsu tại châu Á hôm nay.

Câu Hỏi 2: Truyền giáo trong bối cảnh Á châu ngày nay như thế nào?

Trả Lời 2: Trước tiên, tôi thấy cần có hai bước căn bản như sau: (1) hội nhập văn hoá, nghĩa là bước theo Chúa Giêsu, sống mầu nhiệm Chúa làm người chia sẻ thân phận con người, để mở đường cho anh chị em đồng bào và đồng loại tiến đến Sự Sống dồi dào, Sự Sống toàn diện, Sự Sống viên mãn; (2) loan báo Tin Mừng Chúa Giêsu trước hết và trên hết bằng chứng từ yêu thương và phục vụ, yêu thương và phục vụ với tinh thần và con tim của Chúa làm người. Vì lẽ cách cảm nhận và cách diễn đạt của người Ðông phương nghiêng về con tim và hành động cụ thể hơn là về trí tuệ và lý luận của người Tây phương. Lý luận và lý thuyết trừu tượng là những bước sau.

Câu Hỏi 3: Có chương trình chung cho châu Á không?

Trả Lời 3: Liên Hội đồng Giám mục Á châu có nhiệm vụ mở đường và định hướng chung cho các Giáo Hội tại châu Á. Chúng tôi, 4 Hồng Y Á châu trao đổi với nhau và cầu nguyện chung với nhau, xin Chúa Thánh Thần soi sáng và dẫn dắt chúng tôi trong hoàn cảnh cụ thể của mỗi địa phương.

Câu Hỏi 4: Vấn đề hội nhập văn hoá và đưa đạo vào đời trong hoàn cảnh Á châu như thế nào?

Trả Lời 4: Con đường Giáo Hội Công giáo mở ra là đối thoại và hợp tác. Ðối thoại liên văn hoá, đối thoại liên tôn, đối thoại với người nghèo. Hợp tác bằng hành động chân thành yêu thương và khiêm tốn phục vụ cho sự sống và phẩm giá mọi người, đặc biệt người nghèo, người bất hạnh, người bị loại trừ. Qua tiếp cận và trao đổi, tôi thấy các Giáo Hội tại châu Á đều theo con đường đó. Ðiều đó là một niềm khích lệ to lớn và cổ vũ mạnh mẽ đối với tôi.

Câu Hỏi 5: Về nền thần học Á châu cho người Á châu, khởi đi từ đâu?

Trả Lời 5: Nhìn từ góc độ mục vụ, có lẽ phải khởi đi trước tiên từ mầu nhiệm Tình Yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi: Ngôi Cha là Tình Yêu, Ngôi Con làm người là hiện thân của Tình Yêu, Ngôi Thánh Thần là nguồn lực của Tình Yêu. Nói cách khác, là khởi đi từ chứng từ tin yêu, từ cuộc sống của cộng đồng những người tin Chúa yêu thương, được Chúa yêu thương và sống yêu thương như Chúa đã nêu gương, đã dạy. Tôi nghĩ khởi điểm đó vừa phù hợp với Tin Mừng Sự Sống và Tình Thương của Chúa, vừa thích hợp hơn với tâm thức và văn hoá của châu Á.

Câu Hỏi 6: Tầm quan trọng của cuộc viếng thăm của Hội Ðồng Giám Mục Pháp.

Trả Lời 6: Qua các nhà truyền giáo trong mấy thế kỷ trước, Giáo Hội Pháp đã để lại nhiều dấu ấn trong việc hình thành và tăng trưởng của Giáo Hội Việt Nam. Trong gần 2 thập niên vừa qua, Giáo Hội Pháp cũng hỗ trợ cho sự tồn tại và phát triển của Giáo Hội Việt Nam. Ðoàn của Hội Ðồng Giám Mục Pháp (1 Hồng Y, 1 Tổng Giám Mục, 1 Linh Mục) tìm hiểu tình hình, nhu cầu và tiềm năng của Giáo Hội Việt Nam, cùng nhau suy nghĩ và tìm cách hỗ trợ nhau trong sứ vụ loan Tin Mừng Chúa Giêsu.

Câu Hỏi 7: Giáo Hội Việt Nam có những mối liên hệ với các Giáo Hội ngoài Việt Nam, các Giáo Hội ngoài Việt Nam cũng đang đến với Việt Nam, đó có phải là dấu chỉ của sự cởi mở và tự do hơn trên đất nước Việt Nam?

Trả Lời 7: Trong tháng 11.2006, Việt Nam vừa gia nhập WTO (World Trade Organization), kế tiếp là tổ chức cho nhiều ngàn người nước ngoài, lãnh tụ quốc gia, thương gia, nhà báo..., đến dự Hội nghị APEC (Asia-Pacific Economic Cooperation) tại Việt Nam. Việt Nam đang tiến nhanh trên con đường toàn cầu hoá, hoà nhập vào đời sống các dân tộc trên hành tinh ngày nay. Cánh cửa đang mở rộng. Giáo Hội Công Giáo Việt Nam cũng phải cùng dân tộc Việt Nam tiến bước trên con đường toàn cầu hoá đó, để trở nên công giáo hơn, để mở rộng dòng chảy hiệp thông trong Giáo Hội.

Câu Hỏi 8: Về mục vụ di dân, có trao đổi gì với 3 vị Hồng Y Á châu?

Trả Lời 8: Hoa, Ấn, Phi và Việt Nam đều có nhiều di dân trên khắp thế giới. Giáo Hội có trách nhiệm mục vụ đối với di dân trong nước cũng như đối với di dân ra nước ngoài. Do đó cần có sự trao đổi, hợp tác và hỗ trợ nhau để công tác mục vụ di dân mang lại kết quả tích cực hơn cho người di dân.

Câu Hỏi 9: Nhận định của các Hồng Y khách về tình hình xã hội và Giáo Hội Việt Nam?

Trả Lời 9: Quý Hồng Y khách đều nhận định xã hội Việt Nam đang mở ra và phát triển nhanh, Giáo Hội Việt Nam sinh động. Khi thấy các dòng tu có nhiều ơn gọi, giáo dân đi lễ chiều Chúa nhật đứng tràn lan ngoài đường phố, và khi tiếp cận với hơn 12,000 bạn trẻ ở Trung tâm Mục vụ vào tối Chúa nhật 3.12.2006, Ðức Hồng Y Toppo (Ấn) cho rằng Giáo Hội Việt Nam sinh động nhất châu Á! Cuộc thăm viếng ngắn ngủi hai ngày chưa cho phép quý khách tiếp cận với tất cả mặt trái của sự phát triển. Tuy nhiên, tôi nghĩ quý khách cũng có thể thấy hoặc đoán ra được ít nhiều.

Câu Hỏi 10: Ngoài ra, có trao đổi về vấn đề quan trọng nào?

Trả Lời 10: Con đường toàn cầu hoá còn dài, với những cơ hội thăng tiến đời sống gia đình và xã hội, đồng thời cũng có cơ nguy gây chướng ngại hoặc đánh mất ít nhiều những giá trị tinh thần và đạo đức trong truyền thống dân tộc cũng như trong Tin Mừng. Do đó còn cần gặp gỡ, trao đổi, hỗ trợ lẫn nhau nhiều hơn nữa trong thời gian tới, nhằm giúp nhau vượt qua những thách thức và cơ nguy, vì sự sống và phẩm giá của các dân tộc Á châu.

 

Lễ Ðức Mẹ Vô Nhiễm, 8.12.2006

GB. Phạm Minh Mẫn

Hồng Y Tổng Giám mục

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page