Vài suy tư của ÐTC Bênêđitô XVI

vào khởi đầu Mùa Vọng năm 2006

Thiên Chúa luôn đến với con người

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Vài suy tư của Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI vào khởi đầu Mùa Vọng năm 2006: Thiên Chúa luôn đến với con người.

(Radio Veritas Asia 3/12/2006) - Quý vị và các bạn thân mến. Lúc 5 giờ chiều thứ Bảy mùng 2 tháng 12 năm 2006, Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI đã chủ sự giờ kinh chiều I của Chúa Nhật I Mùa Vọng, bên trong Ðền Thờ Thánh Phêrô, để ghi dấu giây phút quan trọng bắt đầu Năm Phụng Vụ mới, theo chu kỳ C. Sau phần thánh vịnh và đọc Lời Chúa, ÐTC đã giảng khuyên như sau:

 

Anh chị em thân mến,

Câu tiền xướng I trong giờ kinh chiều này là như lời mở đầu của Mùa Vọng và vang lên như là câu xướng cho trọn năm phụng vụ. Chúng ta hãy nghe lại câu này như sau: "Hãy rao giảng cho mọi dân tộc biết: Ðây, Thiên Chúa ngự đến, ngài là Ðấng cứu độ chúng ta." Vào khởi đầu của chu kỳ năm phụng vụ mới, Phụng Vụ mời gọi Giáo hội hãy canh tân lời rao giảng của mình cho mọi dân nước; và Giáo hội tóm gọn lời rao giảng này trong cụm từ: "Thiên Chúa ngự đến". Cách nói hết sức tổng hợp này có tích chứa một gợi ý mạnh và luôn mới mẽ. Chúng ta hãy dừng lại đôi phút để suy nghĩ về gợi ý này: bản văn không dùng động từ ở thể quá khứ: Thiên Chúa đã đến. Cũng không dùng động từ trong thể tương lai: Thiên Chúa sẽ đến, -- nhưng dùng thì hiện tại: "Thiên Chúa ngự đến!" Nhìn kỹ lại, chúng ta nhận thấy đây là thì hiện tại kéo dài, nghĩa là nói về một hành động luôn đang diễn ra: Thiên Chúa đã đến, còn đang đến và sẽ đến. Trong bất cứ giây phút nào "Thiên Chúa đều ngự đến". Ðộng từ "đến" xuất hiện ở đây như là một động từ có tính cách "thần học", và dường như có cả tính cách "thần hướng" nữa, bởi vì nó nói lên điều liên quan đến chính bản thể của Thiên Chúa. Việc loan báo "Thiên Chúa ngự đến" cũng tương đương như việc loan báo về Thiên Chúa qua một đặc tính thiết yếu và có tính cách mô tả Ngài: đó là đặc tính mô tả Ngài như là "Thiên Chúa Ðấng luôn luôn ngự đến."


Lúc 5 giờ chiều thứ Bảy mùng 2 tháng 12 năm 2006, Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI đã chủ sự giờ kinh chiều I của Chúa Nhật I Mùa Vọng, bên trong Ðền Thờ Thánh Phêrô, để ghi dấu giây phút quan trọng bắt đầu Năm Phụng Vụ mới, theo chu kỳ C.


Mùa vọng làm cho các tín hữu ý thức về sự thật này và từ đó biết phải sống như thế nào cho phù hợp với sự thật đó. Mùa Vọng vang lên như lời kêu gọi ban ơn cứu rỗi hằng ngày, hằng tuần, hằng tháng: Hãy thức tỉnh đi! Hãy nhớ rằng Thiên Chúa ngự đến. Không phải hôm qua, không phải ngày mai, nhưng hôm nay, ngay bây giờ! Thiên Chúa chân thật duy nhất, "Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac và Thiên Chúa của Giacóp", không phải là một Vì Thiên Chúa ngự trên cõi trời xa vắng, không quan tâm đến chúng ta, không lo gì đến lịch sử chúng ta, nhưng ngài là Thiên Chúa đến với chúng ta. Ngài là người Cha không bao giờ ngừng nghĩ đến chúng ta và, trong sự tôn trọng tuyệt đối sự tự do của con người, ngài muốn gặp chúng ta và viếng thăm chúng ta; ngài muốn đến, muốn sinh sống giữa chúng ta, muốn ở lại với chúng ta. Ngài đến là do sự thôi thúc của ý định ngài muốn giải phóng chúng ta khỏi tội lỗi và sự chết, khỏi tất cả những gì ngăn cản hạnh phúc thật của chúng ta. Thiên Chúa đến để cứu rỗi chúng ta.

Các giáo phụ nhận xét rằng "việc Thiên Chúa ngự đến" --- đây là một việc ngự đến liên tục và như thế có thể nói là phù hợp với chính bản thể Thiên Chúa --- (việc Thiên Chúa ngự đến) được quy về hai lần ngự đến của Chúa Kitô, lần ngự đến của biến cố Nhập Thể và lần ngự đến khi Chúa trở lại trong vinh quang vào lúc cuối cùng của lịch sử (x. Thánh Cyrillo thành Giêrusalem, Caatrechesi 15,1: PG 33,870). Mùa Vọng sống trọn vẹn cả hai chiều kích này. Trong những ngày đầu Mùa Vọng, có sự nhấn mạnh đến việc chờ đợi Chúa ngự đến lần cuối cùng, như những bản văn của việc cử hành kinh chiều hôm nay cho ta thấy. Khi đến gần lễ Giáng Sinh, thì sẽ nổi bật hơn việc kỷ niệm biến cố xảy ra tại Bêlem, để nhìn thấy nơi đó "sự viên mãn của thời gian". Giữa hai lần Chúa ngự đến "hiển nhiên" này, người ta còn có thể nói đến việc Chúa ngự đến lần thứ ba, mà thánh Bernardo gọi là "đến qua trung gian" và "ẩn kín", đó là lần Chúa ngự đến trong tâm hồn tín hữu và như thế bắc cầu nối giữa lần ngự đến thứ nhất và lần ngự đến cuối cùng. Thánh Bernardo viết như sau: "Trong lần ngự đến thứ nhất, Chúa Kitô là sự cứu rỗi chúng ta, trong lần ngự đến cuối cùng, Ngài biểu lộ chính Ngài là sự sống chúng ta, và trong lần ngự đến "qua trung gian" này, Ngài là sự an nghỉ và là sự an ủi chúng ta." (Disc. Số 5, về Mùa Vọng, 1). Ðối với lần ngự đến trung gian này, mà chúng ta có thể gọi là "sự nhập thể thiêng liêng", thì kiểu mẫu nêu gương trước cho chúng ta là Mẹ Maria. Như người Mẹ Ðồng Trinh lưu giữ trong tâm hồn Ngôi Lời Làm Người, thì cũng thế, mỗi một linh hồn và toàn thể giáo hội được mời gọi, trong cuộc lữ hành trên trần gian này, (được mời gọi) chờ đợi Chúa Kitô ngự đến và tiếp đón Người với đức tin và tình yêu thương, một đức tin và tình thương đã được canh tân.

Như thế, Phụng Vụ Mùa Vọng làm nổi bật cách thức như thế nào Giáo hội nói lên sự chờ đợi Thiên Chúa, một sự chờ đợi được khắc ghi một cách sâu xa trong lịch sử nhân lọai. Một sự chờ đợi buồn thay thường bị bóp nghẹt hoặc bị làm lạc hướng bởi những hướng dẫn sai lầm. Là Thân Thể được kết hiệp cách mầu nhiệm vào Chúa Kitô là Ðầu, Giáo Hội là một bí tích, nghĩa là dấu chỉ và phương thế hữu hiệu cho sự chờ đợi Thiên Chúa. Trong mức độ mà chỉ mình Thiên Chúa biết rõ thôi, cộng đoàn kitô có thể làm cho mau đến Mùa Vọng cuối cùng, bằng cách giúp nhân loại đến gặp Chúa đang ngự đến. Và giáo hội thực hiện điều nầy, trước hết, --- nhưng không phải chỉ có thế mà thôi, --- bằng việc cầu nguyện. Một cách thiết yếu và không thể nào tách ra được khỏi việc cầu nguyện, còn có những việc lành, như lời nguyện của Thánh Lễ Chúa Nhật I Mùa Vọng nhắc lại cho chúng ta; trong lời nguyện này, chúng ta xin Thiên Chúa Cha trên trời hãy khơi dậy trong chúng ta "ý muốn đi gặp Chúa Kitô ngự đến, cùng với những việc làm tốt. Trong viễn tượng nầy, Mùřa Vọng thích hợp hơn bao giờ hết để trở thành thời gian để sống trong sự hiệp thông với tất cả những ai --- và cảm tạ Chúa vì còn nhiều người như thế --- (với tất cả những ai) hy vọng vào một thế giới công bằng hơn và huynh đệ hơn. Trong sự dấn thân cho công bằng, ước gì một cách nào đó, có thể gặp chung với nhau những con người thuộc mọi quốc gia và mọi văn hoá, tín hữu hay không tín hữu. Tất cả mọi người thật vậy đều được linh động bởi cùng một khao khát chung, mặc dù khác biệt trong những lý do thôi thúc, (bởi cùng một khao khát chung) hướng đến một tương lai công bằng và hoà bình.

Hoà Bình là mục tiêu mà toàn thể nhân lọai đều hướng đến! Ðối với nguời Kitô, hoà bình là một trong những tên gọi đẹp nhất của Thiên Chúa, Ðấng muốn sự hoà hợp của tất cả những con cái Ngài, như Tôi đã có dịp nhắc đến, trong cuộc hành hương những ngày qua tại Thổ Nhỉ Kỳ. Một bài hát Hoà Bình vang lên trên trời cao, khi Thiên Chúa làm người và sinh ra bởi người nữ, lúc thời gian viên mãn (x. Gal 4,4). Chúng ta hãy bắt đầu Mùa Voịng mới này --- thời gian được Thiên Chúa, chủ của thời gian, trao ban cho chúng ta --- bằng cách thức tỉnh trong tâm hồn chúng ta sự chờ đợi Thiên Chúa ngự đến và thức tỉnh niềm hy vọng Danh Ngài được cả sáng, Nước công bằng và hoà bình của Ngài được ngự đến, và Thánh Ý Ngài được thể hiện dưới dất cũng như trên trời.

Trong sự chờ đợi này, chúng ta hãy để mình được hướng dẫn bởi Ðức Nữ Ðồng Trinh Maria, Mẹ của Thiên Chúa ngự đến, Mẹ của niềm Hy Vọng. Trong vài ngày nữa, chúng ta mừng lễ Mẹ Vô Nhiễm. Xin Mẹ cầu cùng Chúa ban cho chúng ta được ơn sống trong tình trạng thánh thiện và không tì ố trong tình yêu, khi Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, ngự đến. Xin chúc tụng và tôn vinh Chúa Kitô, cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, đến muôn thuở muôn đời, Amen.

 

(Bản dịch Việt ngữ của Ðặng Thế Dũng)

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page