ÐTC đã nhắc đến hai ý nghĩa

quan trọng của tháng 10

tháng Mân Côi và là tháng Truyền Giáo

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Những Lời Huấn Ðức của Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI vào Trưa Chúa Nhật Ðầu Tháng 10 năm 2006, Tháng Mân Côi và là Tháng Truyền Giáo.

(Radio Veritas Asia 2/10/2006) Quý vị và các bạn thân mến. Truớc khi xướng kinh Truyền Tin Trưa Chúa Nhật, mùng 1 tháng 10 năm 2006, Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI đã nhắc đến hai ý nghĩa quan trọng của tháng 10: đó là tháng 10 là tháng Mân Côi và là tháng Truyền Giáo. Ðức Thánh Cha đã nói như sau:

 

Anh chị em thân mến,

Hôm nay, ngày đầu tiên của tháng 10, tôi muốn dừng lại nơi hai khía cạnh mà, trong cộng đoàn giáo hội, là đặc điểm của tháng 10 này: đó là lời kinh Mân Côi và sự dấn thân cho những công cuộc truyền giáo. Vào ngày mùng 7 tháng 10, tức thứ Bảy tới này, chúng ta sẽ mừng lễ Ðức Nữ Ðồng Trinh của kinh Mân Côi; và đây dường như thể hằng năm Ðức Mẹ mời gọi chúng ta hãy khám phá lại nét đẹp của lời Kinh này, một lời kinh hết sức đơn sơ nhưng đầy ý nghĩa sâu xa. Ðức Gioan Phaolô II đáng mến đã là vị tông đồ vĩ đại của kinh Mân Côi: chúng ta nhớ lại hình ảnh ngài quỳ cầu nguyện với tràng chuổi Môi Khôi trên tay, chìm sâu trong sự chiêm ngắm Chúa Kitô, như chính ngài đã mời gọi chúng ta thực hiện, qua tông thư về kinh Mân Côi của Ðức Trinh Nữ Maria (Rosarium Virginis Mariae). Kinh Mân Côi là lời cầu nguyện vừa có tính cách chiêm niệm vừa hướng về Chúa Kitô, và không thể nào tách rời ra khỏi việc suy niệm Kinh Thánh. Ðây là lời cầu nguyện của nguời kitô đang tiến bước theo Chúa Giêsu trong cuộc hành trình Ðức Tin, và có Mẹ Maria đi đầu hướng dẫn. Anh chị em rất thân mến, tôi muốn mời gọi anh chị em hãy đọc kinh Mân Côi trong tháng 10 này, trong gia đình, trong những cộng đoàn và trong các giáo xứ, để cầu nguyện theo ý của Ðức Giáo Hoàng, cho công việc truyền giáo của giáo hội và cho nền hoà bình trong thế giới. Tháng 10 còn là tháng truyền giáo; vào Chúa Nhật 22 tháng 10, chúng ta sẽ cử hành Ngày Quốc Tế Truyền Giáo. Tự bản chất, Giáo Hội là truyền giáo. Chúa Giêsu Phục sinh đã nói với các tông đồ nơi Phòng Tiệc Ly như sau: "Như Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai các con" (Gn 20,21). Sứ mạng của Giáo Hội kéo dài sứ mạng của Chúa Kitô: đó là mang đến cho tất cả mọi người Tình yêu Thiên Chúa, vừa rao giảng tình yêu này bằng lời nói và bằng chứng tá cụ thể của đức bác ái. Trong sứ điệp cho Ngày Quốc Tế Truyền Giáo sắp đến, tôi đã muốn trình bày về Ðức Bác Ái như là linh hồn của sứ mạng truyền giáo. Thánh Phaolô, vị tông đồ của các dân ngoại, đã viết nơi thư 2 Corintô, chương 5 câu 14 như sau: "Tình Yêu Chúa Kitô thôi thúc tôi" (2 Co 5,14). Ước gì mỗi người kitô lấy lời này làm của mình, trong kinh nghiệm vui tươi được làm nhà truyền giáo của Tình Yêu Thiên Chúa, tại nơi mà Chúa Quan Phòng đã đặt họ vào, với lòng khiêm tốn và can đảm, bằng việc phục vụ người lân cận mà không hậu ý và vừa múc lấy trong lời cầu nguyện sức mạnh để thực hiện tình thương bác ái đầy vui tươi và phong phú hoa trái (x. TÐ. Thiên Chúa là Tình Yêu, các số 32-39). Cùng với thánh Phanxicô Xaviê, thánh nữ Têrêsa Hài Ðồng Giêsu là quan thầy của mọi xứ truyền giáo. Thánh nữ là thánh đồng trinh nữ tu Carmêlo và là thánh tiến sĩ Hội Thánh, mà hôm nay, mùng 1 tháng 10, là ngày chúng ta kính nhớ thánh nữ. Chính Thánh Nữ đã chỉ cho biết con đường đơn sơ để nên thánh hêä tại nơi việc phó thác đầy tin tưởng vào tình yêu Thiên Chúa. Xin Thánh Nữ giúp chúng ta trở nên những chứng nhân đáng tin cho Tin Mừng Tình Thương Bác Ái. Nguyện xin Mẹ Maria rất thánh, Ðức Nữ Ðồng Trinh của Kinh Mân Côi và là Nữ Vương của các xứ truyền giáo, dẫn đưa tất cả chúng ta đến với Chúa Kitô, Ðấng Cứu Thế.

Sau những lời trên, Ðức Thánh Cha xướng kinh Truyền Tin với các tín hữu và ban phép lành cho họ. Sang phần chào chúc, ÐTC nhắc lại rằng vào ngày hôm qua, tức thứ Bảy 30 tháng 9 (năm 2006), ngài đã gặp Ðức Hồng Phúc Emmanuel II Delly, Giáo Chủ Babilonia của những tín hữu theo nghi thức Caldê, và đã được Ðức Giáo Chủ cho biết về thực tại bi thảm mà dân chúng Iraq đang phải đương đầu hằng ngày. Ðức Giáo Chủ cho Ðức Thánh Cha biết rằng tại Iraq, nguời kitô và anh chị em tín đồ hồi giáo sống chung với nhau từ 14 thế kỷ qua, như là những người con của cùng một đất nước. ÐTC nói lên ước mong của ngài sao cho những mối giây huynh đệ giữa người kitô và tín đồ hồi giáo tại Iraq, không bị giảm yếu đi, và ÐTC kêu gọi tất cả mọi tín hữu hiện diện hãy hiệp ý với ngài cầu xin Thiên Chúa toàn năng ban hồng ân hoà bình và sự hoà hợp cho đất nước Iraq, một dất nước đang phải chịu nhiều đau khổ. Kế đến, ÐTC cũng nhắc rằng thứ Hai, mùng 2 tháng 10 (năm 2006), là Ngày Thế Giới về Nhà Ở, do Liên Hiệp Quốc đề xướng. ÐTC nhận định rằng hiện tượng thành thị hoá nhanh chóng, -- hậu quả của việc dân chúng tuôn về thành thị -- là một trong những vấn đề trầm trọng nhất mà nhân lọai thế kỷ 21 phải đối diện. ÐTC khuyến khích tất cả những ai, --- tại địa phương cũng như trên bình diện quốc tế, --- đang họat động để cung cấp cho những anh chị em tại các vùng ngoại ô nghèo của thành phố, (cung cấp) những điều kiện sống xứng đáng, thỏa mãn những nhu cầu căn bản của họ, cùng với khả thể giúp thực hiện những khát vọng riêng, nhất là trong lãnh vực gia đình và trong việc chung sống an bình.

 

Sau khi chào các nhóm hiện diện bằng những thứ tiếng khác nữa, ÐTC kết thúc buổi đọc kinh Truyền Tin Trưa Chúa Nhật mùng 1 tháng 10 năm 2006, với lời cám ơn và từ giã Ðức Giám Mục giáo phận Albanô, Ông Thị Trưởng Castel Gandolfo, Cha Xứ và tất cả mọi người dân Castel Gandolfo, bởi vì ngài sẽ trở về lại Vatican vào thứ Ba mùng 3 tháng 10 năm 2006, kết thúc những ngày cư ngụ tại Castel Gandolfo.

Quý vị và các bạn thân mến. Vừa rồi là những lời huấn đức của ÐTC trưa Chúa Nhật mùng 1 tháng 10 năm 2006. Hẹn gặp lại quý vị và các bạn.

 

(Ðặng Thế Dũng)

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page