Diễn văn của Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI

trong buổi tiếp kiến quý vị Ðại Sứ

của Các Quốc Gia Hồi Giáo cạnh Toà Thánh

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Diễn văn của Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI trong buổi tiếp kiến quý vị Ðại Sứ của Các Quốc Gia Hồi Giáo cạnh Toà Thánh.

(Radio Veritas Asia 26/09/2006) - Quý vị và các bạn thân mến. Lúc 11 giờ 45 phút trưa thứ Hai 25 tháng 9 năm 2006, tại Phòng Khách Thụy Sĩ của Ðiện Tông Toà ở Castel Gandolfo, Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI đã tiếp kiến 22 vị Ðại Sứ và Ðại Biện (Charge d'affaire) của các quốc gia có đa số dân là tín đồ Hồi Giáo, cạnh Toà Thánh. Cuộc tiếp kiến đã diễn ra trong vòng 30 phút, và được nhật báo "Người Ðưa Tin", xuất bản tại Italia, gọi là "một hành động lịch sử", một cử chỉ quan trọng nhất, sau hai lần chính Ðức Thánh Cha đã đích thân giải thích, để làm dịu các tâm trí phẫn nộ vì những lời ngài đã nói tại Ðại Học Regensburg, bên Ðức, trong chuyến viếng thăm quê hương từ ngày 9 đến ngày 14/09/2006.


Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI tiếp kiến 22 vị Ðại Sứ và Ðại Biện của các quốc gia có đa số dân là tín đồ Hồi Giáo, cạnh Toà Thánh.


Ngoài 22 nhà ngoại giao đại diện cho các quốc gia Hồi giáo, như Kouvait, Jordani, Pakistan, Qatar, Côte d'Ivoire (tức Bờ Biển Ngà), Indonêsia, Turqui, Bosni-Erzêgovin, Liban, Yêmen, Aicập, Iraq, Sênêgal, Algêri, Maroc, Albani, Liên Ðoàn Các Quốc Gia Arập, Syri, Libye, Iran, Azerbaijan, còn có 14 vị thành viên của Hội Ðồng Hồi Giáo tại Italia, và 2 thành viên của Trung Tâm Văn Hoá Hồi Giáo tại Italia, cùng tham dự cuộc gặp gỡ. Ngỏ lời bằng tiếng Pháp trong dịp này, sau vài lời chào chúc của Ðức Hồng Y Paul Poupard, Chủ Tịch Hội Ðồng Toà Thánh về Ðối Thọai Liên Tôn, Ðức Thánh Cha đã đọc diễn văn như sau:

 

Thưa Ðức Hồng Y,

Thưa quý vị Ðại Sứ,

Các bạn tín đồ Hồi giáo thân mến,

Tôi sung sướng được tiếp quý vị và các bạn trong lần gặp gỡ này mà tôi đã ao ước có, để củng cố những mối giây liên lạc của tình bằng hữu và liên đới giữa Toà Thánh và những cộng đoàn Hồi giáo trên thế giới.

Tôi cám ơn Ðức Hồng Y Paul Poupard, chủ tịch Hội Ðồng Toà Thánh về Ðối Thoại Liên Tôn, vì những lời ngài vừa nói với tôi; tôi cám ơn tất cả quý vị vì đã đáp lại lời mời của tôi.

Những hoàn cảnh dẫn đến cuộc họp của chúng ta đã được biết rõ. Tôi đã có dịp dừng lại nói về điều đó trong suốt tuần qua. Trong khung cảnh đặc biệt này, hôm nay tôi muốn lặp lại trọn cả lòng mộ mến và sự tôn trọng sâu xa mà tôi có đối với anh chị em Hồi giáo, vừa nhắc lại giáo huấn của Công Ðồng Vaticanô II; giáo huấn này đối với Giáo Hội Công Giáo là bản Hiến Chương căn bản (Magna Carta) cho cuộc đối thoại hồi giáo - kitô giáo. Nơi số 3 của Tuyên Ngôn "Nostra Aetate" (Thời Ðại Chúng Ta), Công Ðồng Vaticano II đã dạy như sau: "Giáo Hội nhìn đến anh chị em Hồi giáo với lòng tôn trọng; những anh chị em Hồi giáo cũng thờ phượng một Thiên Chúa duy nhất, hằng sống và hằng hữu, từ bi và toàn năng, Ðấng tạo thành trời đất, đã từng đối thọai với con người; những anh chị em Hồi giáo này cố gắng tuân phục những phán quyết của Thiên Chúa với trọn tâm hồn, cả khi những phán quyết này được dấu kín, giống như gương tuân phục Thiên Chúa nơi Abraham, đấng mà đức tin Hồi giáo sẵn lòng noi theo." (số 3).

Kiên quyết đặt mình trong viễn tượng này, và ngay từ khởi đầu triều giáo hoàng, tôi đã có dịp nói lên ước mong tiếp tục thiết lập những chiếc cầu tình bằng hữu với những tín đồ của các tôn giáo, vừa bày tỏ đặc biệt lòng quý trọng của tôi đối với sự tăng truởng đối thọai giữa tín đồ Hồi giáo và người kitô (x. Diễn văn với những đại diện các giáo hội và cộng đoàn giáo hội kitô, và với những tín đồ theo các truyền thống tôn giáo khác, ngày 25 tháng 4 năm 2005). Như tôi đã nhấn mạnh tại thành phố Colonia năm vừa qua, "công cuộc đối thoại liên tôn và liên văn hoá giữa người kitô và tín đồ Hồi giáo, không thể nào bị hạ xuống hàng thứ yếu. Quả thật, công cuộc đối thọai này là một sự cần thiết sống chết, mà phần lớn tương lai chúng ta tuỳ thuộc vào" (Diễn văn cho những vị đại diện những cộng đồng Hồi giáo, ngày 20 tháng 8 năm 2005). Trong một thế giới bị ghi dấu bởi chủ thuyết tương đối hoá và là một thế giới rất thường loại bỏ sự siêu việt của tính phổ quát của lý trí, chúng ta nhất định cần đến một cuộc đối thoại đích thực giữa các tôn giáo và giữa các nền văn hoá, một cuộc đối thoại có khả năng giúp chúng ta cùng nhau vượt qua tất cả những căng thẳng, trong tinh thần cộng tác hữu hiệu. Tiếp tục công việc đã được thực hiện bởi vị tiền nhiệm tôi, Ðức Gioan Phaolô II, tôi hết sức cầu chúc rằng những tương quan tin tưởng đã được khai triển giữa người kitô và tín đồ hồi giáo từ nhiều năm qua, không những còn được tiếp tục, mà còn cần được phát triển thêm trong tinh thần đối thọai thành thật và đầy tôn trọng, được thiết lập trên sự hiểu biết lẫn nhau, một sự hiểu biết càng ngày càng đúng thật hơn, một sự hiểu biết vui mừng nhìn nhận những giá trị tôn giáo mà chúng ta có chung với nhau, một sự hiểu biết chân thành tôn trọng những khác biệt.

Công cuộc đối thọai liên tôn và liên văn hoá là cần thiết để cùng nhau xây dựng thế giới hoà bình và đầy tình huynh đệ, mà tất cả mọi người thiện chí đều hết sức mong muốn. Trong lãnh vực này, những con người đồng thời đang chờ đợi từ nơi chúng ta một chứng tá hùng hồn, để chỉ cho tất cả mọi người biết giá trị của chiều kích tôn giáo của cuộc đời. Như thế, trung thành với những giáo huấn của truyền thống tôn giáo riêng, người kitô và tín đồ Hồi giáo, cần học biết làm việc chung với nhau, như đã xảy ra trong nhiều kinh nghiệm chung, để tránh mọi hình thức không bao dung và chống lại mọi biểu hiện của bạo lực. Và chúng ta đây, những Thẩm quyền tôn giáo và những Vị trách nhiệm chính trị, chúng ta phải hướng dẫn các tín hữu và khuyến khích họ theo hướng vừa nói trên. Thật vậy, "cả khi, trong dòng lịch sử, nhiều bất đồng và thù nghịch đã phát sinh giữa người kitô và tín đồ hồi giáo, thánh Công Ðồng Vaticanô II khuyến khích tất cả hãy quên đi quá khứ và thành thật thi hành sự thông cảm lẫn nhau, cũng như hãy bảo vệ và cổ võ chung với nhau, cho tất cả mọi người, (bảo vệ và cổ võ) sự công bằng xã hội, những giá trị tốt của nền luân lý, hoà bình và tự do" (tuyên ngôn Nostra Aetate, số 3). Như thế, những bài học của quá khứ phải giúp chúng ta đi tìm những con đường hoà giải, ngõ hầu sống trong sự tôn trọng căn cước và tôn trọng sự tự do của mỗi một người, nhắm đạt đến một sự cộng tác hữu hiệu, để phục vụ cho toàn thể nhân loại. Như Ðức Gioan Phaolô II đã tuyên bố trong diễn văn đáng ghi nhớ của ngài cho các bạn trẻ họp nhau tại Casablanca, bên Marốc, "lòng tôn trọng và việc đối thoại, cả hai đòi hỏi sự hỗ tương trong tất cả mọi lãnh vực, nhất là trong tất cả những gì liên quan đến những sự tự do căn bản, và, một cách đặc biệt hơn, sự tự do tôn giáo. Lòng tôn trọng và việc đối thọai đó cổ võ cho hoà bình và sự hiểu nhau giữa các dân tộc" (số 5).

Thưa các bạn thân mến, Tôi xác tín sâu xa rằng, trong hoàn cảnh mà thế giới hiện nay đang trải qua, điều cần phải làm là người kitô và tín đồ hồi giáo cần dấn thân chung với nhau, để đối diện với nhiều thách thức được đặt ra cho nhân lọai, nhất là trong những gì liên quan đến việc bảo vệ và cổ võ cho phẩm giá con người, cũng như bảo vệ và cổ võ cho những quyền lợi phát sinh từ đó. Trong khi đang gia tăng những hăm dọa chống lại con người và chống lại hoà bình, thì người kitô và tín đồ hồi giáo, --- vừa nhìn nhận tính cách trung tâm của nhân vị và vừa kiên trì làm việc ngõ hầu sự sống con người luôn được tôn trọng, --- (thì người kitô và tín đồ hồi giáo) làm chứng cho lòng vâng phục của họ đối với Ðấng Tạo Hoá, Ðấng muốn tất cả mọi người sống trong phẩm giá mà Ngài đã ban cho.

Các bạn thân mến, tôi hết lòng cầu chúc Thiên Chúa nhân từ hướng dẫn những bước đi của chúng ta trên những con đường của sự hiểu nhau càng ngày càng đúng thật hơn. Vào lúc mà những người Hồi Giáo bắt đầu con đường thiêng liêng của tháng chay tịnh Ramadan, tôi xin gởi đến tất cả những lời chúc chân thành; Nguyện xin Ðấng toàn năng ban cho tất cả anh chị em cuộc sống an lành và trong hoà bình. Nguyện xin Thiên Chúa của hoà bình đổ tràn xuống những phúc lành trên quý vị và trên những cộng đoàn mà quý vị đại diện cho!

 

Quý vị và các bạn thân mến. Bài diễn văn trên của ÐTC đã được quý vị Ðại Sứ và quý vị lãnh đạo Hồi Giáo tại Italia, đón nhận cách tích cực. Các Vị đã hoan hô nhiều lần.

Trong chuơng trình lần tới, chúng tôi sẽ lược thuật những phản ứng đối với bài diễn văn của ÐTC. Mong quý vị và các bạn sẽ đón nghe.

 

(Ðặng Thế Dũng)

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page