Bài Giảng của ÐTC Beneđitô XVI

trong Thánh Lễ sáng thứ Ba 12/9/2006

tại công viên Islender Feld, thành phố Regensburg

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Bài Giảng của Ðức Thánh Cha Beneđitô XVI trong Thánh Lễ sáng thứ Ba 12 tháng 9 năm 2006, tại công viên Islender Feld của thành phố Regensburg.

(Radio Veritas Asia 13/09/2006) - Quý vị và các bạn thân mến. Thứ Tư, ngày 13 tháng 9 năm 2006, là ngày thứ năm của chuyến viếng thăm 6 ngày của Ðức Thánh Cha Beneđitô XVI tại quê hương miền Nam Nước Ðức, chương trình viếng thăm được xếp nhẹ lại, ngõ hầu Ðức Thánh Cha có nhiều thời giờ rãnh hơn, để ngài có thể đến thăm và dùng cơm trưa nơi nhà người anh của ngài là Ðức Ông Georg Ratzinger tại thành phố Regensburg; rồi vào buổi chiều, ÐTC cùng với người anh ra nghĩa địa tại Zie-Get-Dorf viếng mộ song thân. Ðây có thể nói là một ngày dành riêng cho Ðức Thánh Cha, để ngài có thời giờ nghỉ bên cạnh những người thân trong gia đình.

Trong bài tường thuật hôm nay, chúng tôi xin kể về biến cố chính của ngày viếng thăm thứ Ba 12 tháng 9 năm 2006, tại thành phố Regensburg; Ðó là Thánh Lễ cho dân chúng tại công viên Islinger Feld vào lúc 10 giờ sáng. Sau giờ cơm trưa tại Ðại Chủng Viện Wolfgang (Wolf- Găng) và nghỉ trưa một chút, ÐTC đến Ðại Thính Ðường của Ðại Học Regensburg, để gặp gở với những đại diện của giới khoa học. Cuối cùng, vào lúc 18.30, ÐTC đến Nhà Thờ Chính Tòa Regensburg, để chủ sự buổi cử hành đại kết giờ Kinh Chiều.

Kính mời quý vị và các bạn theo dõi Bài Giảng của Ðức Thánh Cha trong Thánh Lễ sáng hôm thứ Ba 12 tháng 9 năm 2006, tại công viên Islender Feld của thành phố Regensburg. ÐTC đã nói về đề tài Ðức Tin: Ai Tin Chúa thì sẽ không bao giờ cô đơn!

ÐTC đã nói như sau:

 

Anh chị em thân mến,

Ai tin Chúa thì sẽ không bao giờ cô đơn! Ðó là "khẩu hiệu sống" của những ngày này. Và chúng ta thấy khẩu hiệu này được thể hiện nơi đây. Ðức Tin quy tụ chúng ta lại và làm cho chúng ta mừng lễ. Ðức Tin mang đến cho chúng ta niềm vui trong Thiên Chúa, niềm vui vì cảnh thiên nhiên tạo vật và niềm vui được sống chung với nhau. Tôi biết rõ rằng trước hết Cuộc Lễ Mừng này đã đòi hỏi nhiều mệt nhọc và nhiều việc làm. Qua những bài viết trong các báo, tôi đã có thể biết được rằng biết bao người đã hy sinh thời giờ và sức lực để chuẩn bị cho công viên này được xứng đáng như thế này; Nhờ bao người dấn thân, mà Cây Thánh Giá được dựng lên nơi ngọn đồi, như là dấu chỉ của Thiên Chúa cho nền hòa bình thế giới. Những con đường để đi vào công viên này và những con đường giúp ra khỏi công viên, được khai thông cho tự do lưu thông; an ninh và trật tư được bảo đãm. Người ta cũng chuẩn cho có sẵn những nơi dừng nghỉ, vân vân... Tôi đã không thể nghĩ ra được --- và cả bây giờ tôi cũng chỉ biết một cách chung chung mà thôi --- (tôi đã không thể nghĩ ra) cần phải làm biết bao công việc cho đến những chi tiết thật nhỏ, ngõ hầu giờ đây chúng ta có thể tựu họp chung lại như thế này. Vì tất cả mọi sự như thế, tôi không thể chỉ nói cách đơn sơ "hết lòng cám ơn!" mà thôi. Xin Thiên Chúa thưởng công anh chị em vì tất cả những gì anh chị em đã làm; và ước gì niềm vui mà giờ đây chúng ta có thể cảm nghiệm được nhờ qua công việc chuẩn bị của anh chị em, được ban lại cho mỗi người anh chị em gấp trăm lần hơn. Tôi thật cảm động, khi biết rằng biết bao người, cách đặc biệt những người thuộc về nhóm chuyên nghiệp Weiden và Amberg, với tư cách chung của hãng xưởng cũng như của từng cá nhân, những con người nam nữ, đã cộng tác với nhau, để làm đẹp cho căn nhà và ngôi vườn của tôi. Hơi lúng túng trước biết bao lòng tốt như thế, tôi chỉ có thể nói lời khiêm tốn "cám ơn". Anh chị em đã làm tất cả những điều vừa nói, không phải chỉ cho một người, cho con người đơn hèn tôi đây; nhưng anh chị em đã làm như vậy trong tình liên đới đức tin, vừa để mình được hướng dẫn bởi tình thương đối với Chúa và đối với giáo hội. Tất cả những điều này là dấu chỉ của nhân loại đích thực, một nhân loại phát sinh nhờ được Chúa Giêsu Kitô chạm đến.

Chúng ta quy tựu lại với nhau để cử hành cuộc Lễ Mừng của Ðức Tin. Tuy nhiên, giờ đây phát xuất một vấn nạn: trong thực tế, chúng ta tin gì đây? Tin có nghĩa là gì? Một sự việc như vậy còn có thể trong thế giới tân tiến này hay sao? Nhìn thấy những "Bộ Tổng Luận" thần học của thời Trung Cổ, hoặc nghĩ đến số lượng sách được viết mỗi ngày để bênh vực hay để chống lại Ðức Tin, người ta có thể bị cám dỗ, ngã lòng và nghĩ rằng đây là việc quá phức tạp. Cuối cùng, vì nhìn từng cây, nên người ta không thấy rừng cây nữa. Quả đúng là cái nhìn đức tin bao gồm trời và đất, bao gồm quá khứ, hiện tại, tương lai, sự đời đời, --- và vì thế mà cái nhìn Ðức Tin không bao giờ bị cạn đi được. Tuy nhiên, trong cốt tủy của nó, đức tin là điều thật đơn sơ. Chúa Giêsu đã thưa với Chúa Cha về Ðức tin như sau: "Cha đã muốn mạc khải điều đó cho những kẻ đơn sơ, --- cho những ai có khả năng nhìn thấy bằng con tim" (x, Mt 11,25). Phần Giáo Hội thì cống hiến cho chúng ta một bộ "Tổng Luận" nhỏ, trong đó trọn cả điều thiết yếu được diễn tả: đó là điều được gọi là "Kinh Tin Kính của Các Tông Ðồ". Kinh này thông thường được chia thành 12 điều, --- theo con số 12 tông đồ --- và nói về Thiên Chúa, Ðấng Tạo Hóa và là Nguyên Lý của tất cả mọi sự; về Chúa Kitô và về công cuộc cứu chuộc, cho đến việc kẻ chết sống lại và sự sống đời đời. Nhưng trong căn bản của nó, Kinh Tin Kính gồm có ba phần chính, và theo lịch sử của nó, Kinh Tin Kính không là gì khác hơn là sự quảng diễn rộng ra công thức tuyên xưng đức tin lúc lãnh nhận bí tích rửa tội, mà Chúa Phục sinh đã trao cho các môn đệ để phục vụ cho mọi thời đại, khi Chúa nói với các ngài như sau: "Chúng con hãy ra đi và dạy dỗ tất cả mọi dân nước, rửa tội cho họ, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần" (Mt 28,19).

Trong cái nhìn nói trên, được chứng tỏ hai điều: đức tin là điều đơn sơ. Chúng ta tin vào Thiên Chúa --- tin Thiên Chúa, Ðấng là nguyên thủy và là cùng đích của con người. Tin vào Thiên Chúa, Ðấng bước vào trong tương quan với chúng ta, Ðấng là khởi nguyên, là tương lai. Như thế, đức tin, đồng thời và luôn là hy vọng; đức tin là sự chắc chắn rằng chúng ta có một tương lai và sẽ không bị rơi vào hư vô. Và đức tin là tình thương, bởi vì tình thương của Thiên Chúa muốn "được truyền sang" cho chúng ta.

Và điểm thứ hai của đức tin cũng rõ ràng như sau: Kinh Tin Kính không phải là toàn bộ những câu quả quyết, không phải là một lý thuyết. Nhưng được ăn rễ vào biến cố của Bí Tích Rửa Tội, là cuộc gặp gỡ đích thật giữa Thiên Chúa và con người. Trong mầu nhiệm của Bí Tích Rửa Tội, Thiên Chúa cúi mình xuống để gặp con người; Thiên Chúa đến gần chúng ta và như thế làm cho chúng ta được gần nhau hơn. Bí Tích Rửa Tội nói lên ý nghĩa rằng Chúa Giêsu Kitô chấp nhận chúng ta như là những anh chị em với Người, và như vậy tiếp đón chúng ta như là những người con nam nữ trong đại gia đình của Thiên Chúa. Bằng cách này, Chúa làm cho tất cả chúng ta trở nên một đại gia đình trong sự hiệp thông phổ quát của Giáo Hội. Phải, ai tin Chúa thì không bao giờ cô đơn. Thiên Chúa đến gặp chúng ta. Phần chúng ta, chúng ta hãy bước ra để gặp Thiên Chúa và gặp nhau! Trong mức độ có thể, chúng ta đừng để bất cứ người con nào của Thiên Chúa phải cô đơn.

Chúng ta tin vào Thiên Chúa. Ðây là quyết định căn bản của chúng ta. Nhưng thử hỏi, ngày nay còn có thể làm được như vặy nữa hay không? Ðức tin có phải là điều hợp lý hay không? Từ thời đại Ánh sáng trở đi, khoa học, ít là một phần của nó, đã cố gắng đi tìm một giải thích về thế giới, mà trong đó Thiên Chúa không còn cần thiết nữa. Và nếu quả đúng như vậy, thì có lẽ Ngài trở thành vô tích sự trong đời sống chúng ta. Và cứ mỗi lần cố gắng loại bỏ Thiên Chúa, xem ra như sắp thành công, thì không thể nào tránh được rằng còn thiếu một cái gì đó. Khi Thiên Chúa bị loại bỏ đi, thì không có gì thêm cho con người, cho thế giới,và cho toàn thể vũ trụ bao la. Cuối cùng chỉ còn lại câu hỏi này: thử hỏi điều gì hiện hữu ngay từ đầu? Lý Trí Sáng Tạo, Thần Trí, tác động trong tất cả và khơi dậy sự phát triển, hay là Cái Vô Lý, cái có không có ý nghĩa gì, lại tạo ra một vũ trụ có trật tự như trật tự toán học, và cả tạo ra con người và lý trí con người. Nhưng nếu mà xảy ra như vặy, thì trật tự có lẽ chỉ là kết quả của sự ngẫu nhiên trong tiến trình tiến hóa, và do đó, cũng là một điều vô lý. Chúng ta những người kitô, chúng ta nói: Tôi Tin Thiên Chúa là Cha, Ðấng tạo thành trời đất... Tôi tin Chúa Thánh Thần, Ðấng sáng tạo. Chúng ta tin rằng từ khởi nguyên đã có Ngôi Lời hằng hữu, là Thần Trí chớ không phải sự Phi lý. Với Ðức tin như vậy, chúng ta không cần phải ẩn mình, chúng ta không phải sợ đi vào ngõ cụt. Chúng ta vui mừng vì có thể biết được Thiên Chúa! Và chúng ta cố gắng chứng minh cho kẻ khác biết cái lý của Ðức Tin, như thánh Phêrô đã khuyến khích chúng ta làm như vậy , trong thư Phêrô chương 3, câu 15.

Chúng ta tin vào Thiên Chúa. Những phần chính của Kinh Tin Kính quả quyết điều nầy; và phần thứ nhất của Kinh nhấn mạnh điều nầy. Và giờ đây, tiếp liền câu hỏi thứ hai: thử hỏi Tin vào Thiên Chúa nào đây? Chắc Rằng chúng ta tin vào Thiên Chúa là Thánh Thần sáng tạo, là Lý Trí Sáng Tạo. Tất cả mọi sự đến từ Ngài; và tất cả chúng ta đến từ Ngài. Phần thứ hai của kinh Tin Kính nói cho chúng ta biết nhiều hơn nữa. Lý Trí Sáng Tạo này là Sự Tốt Lành, là Tình Thương. Lý Trí sáng tạo này có một dung mạo cụ thể. Thiên Chúa không để chúng ta mò mẫm trong u tối. Ngài mạc khải cho chúng ta thấy Ngài như con người. Ngài hết sức cao cả, đến độ có thể làm cho mình trở thành hết sức nhỏ hèn. Chúa Giêsu đã nói: "Ai thấy Ta, là thấy Thiên Chúa Cha". (Gn 14,9). Thiên Chúa đã nhận lấy một dung mạo con người. Ngài yêu thương chúng ta cho đến mức độ chấp nhận chịu đóng đinh trên Thập Giá, để mang những đau khổ của nhân loại cho đến tận con tim của Thiên Chúa. Ngày nay, khi mà chúng ta biết được những dấu hiệu bệnh hoạn, những căn bệnh làm cho tôn giáo và lý trí phải chết, biết được những hủy diệt hình ảnh Thiên Chúa do bởi hận thù và cuồng tín, thì điều quan trọng là phải nói ra rõ ràng chúng ta tin vào Thiên Chúa nào, và rằng chúng ta phải xác tín tuyên xưng Thiên Chúa có dung mạo con người. Chỉ điều này mới giải thoát chúng ta ra khỏi sự lo sợ trước nhan Thiên Chúa. Sự lo sợ này là tâm tình mà từ đó phát sinh chủ thuyết vô thần ngày nay. Chỉ Thiên Chúa mới cứu chúng ta ra khỏi cái sợ của thế gian và khỏi sự lo âu trước cái trống rỗng của cuộc sống mình. Chỉ khi nhìn vào Chúa Giêsu Kitô, thì niềm vui của chúng ta trong Thiên Chúa mới đạt đến sự trọn đầy, mới trở nên niềm vui đã được cứu rỗi. Trong cử hành long trọng Bí Tích Thành Thể, chúng ta hãy nhìn về Chúa và xin Chúa ban cho chúng ta niềm vui lớn mà Chúa đã Hứa cho các môn đệ ngài. (Gn 16,24).

Phần thứ hai của Kinh Tin Kính kết thúc với viễn cảnh Phán Xét cuối cùng, và phần thứ ba kết thúc với viễn cảnh sự sống lại từ cõi chết. Sự Phán Xét, phải chăng việc này làm cho chúng ta lo sợ? Nhưng, thử hỏi tất cả chúng ta không muốn rằng vào một ngày nào đó, sự công chính cần được trả lại cho tất cả những ai bị kết án bất công, cho những ai phải chịu đau khổ trong suốt cuộc sống, hay sao? Thử hỏi chúng ta không muốn cho phần bất công và đau khổ quá mức kia, --- mà chúng ta nhìn thấy trong lịch sử, --- cuối cùng được phá tan, và rằng tất cả mọi người cuối cùng có thể được vui mừng, và rằng tất cả đều có ý nghĩa, hay sao? Sự chiến thắng của công bằng, việc ráp lại cho trọn vẹn biết bao phần lịch sử xem ra như không có ý nghĩa, sao cho tất cả được hòa nhập lại trong một tổng hợp, trong đó sự thật và tình thương được thống trị, tất cả những việc trên đều có nghĩa như là Sự Phán Xét Chung. Ðức Tin không muốn làm cho chúng ta lo sợ, nhưng đúng hơn muốn kêu gọi chúng ta hãy có trách nhiệm. Chúng ta đừng uổng phí đời sống mình, và cũng đừng lạm dụng nó; chúng ta cũng không được giữ nó lại cho riêng mình; chúng ta không nên sống vô tâm trước những bất công, đến độ trở thành kẻ chiều theo hoặc đồng lõa. Chúng ta cần nhận thức về sứ mạng của chúng ta trong lịch sử và cố gắng đáp lại sứ mạng đó. Không phải lo sợ , nhưng lãnh lấy trách nhiệm; lãnh lấy trách nhiệm và quan tâm đến phần rỗi chúng ta và sự cứu rỗi toàn thế giới, đó là những điều cần thiết. Tuy nhiên, khi trách nhiệm và quan tâm có khynh hướng trở thành lo sợ, thì lúc đó chúng ta hãy nhớ lại những lời của thánh Gioan như sau: "Hỡi những người con tinh thần của tôi, tôi viết những điều này cho anh em, để anh em đừng phạm tội; nhưng nếu có ai rủi phạm tội, thì chúng ta có một trạng sư nơi Chúa Cha, là Chúa Giêsu Kitô, người công chính". (1 Gn 2,1) "Bất cứ tâm hồn ta có quở trách điều gì, nhưng Thiên Chúa thì cao cả hơn tâm hồn ta, và Ngài biết rõ mọi sự". (1Gn 3,20).

Ngày hôm nay, chúng ta mừng lễ kính Thánh Danh Mẹ Maria. Với tất cả những ai có tên gọi là Maria --- Mẹ và Chị của tôi cũng mang tên Maria --- tôi muốn gởi lời chúc mừng lễ đến tất cả. Mẹ Maria, Mẹ của Chúa, đã lãnh nhận từ dân Chúa danh hiệu là Vị Trạng Sư, vì Mẹ là vị Trang Sư của chúng ta trước nhan Chúa. Ngay từ biến cố Cana, chúng ta đã biết Mẹ như là người nữ tốt lành nhân hậu, đầy quan tâm chăm sóc hiền mẫu, đầy tình yêu thương, như là người nữ để ý đến những nhu cầu của kẻ khác và, để trợ giúp cho họ, thì Mẹ mang những nhu cầu đó lên trước nhan Chúa. Hôm nay, chúng ta đã nghe trong đoạn Phúc âm, việc Chúa trao Mẹ làm Mẹ của người môn đệ Chúa thương, và qua môn đệ này, làm Mẹ tất cả chúng ta. Trong mọi thời đại, những người kitô lắng nghe, với lòng biết ơn, chúc thư này của Chúa Giêsu. Gần bên Mẹ, những người kitô luôn gặp được sự an toàn và niềm hy vọng đầy tin tưởng, làm cho chúng ta vui mừng lên trong Chúa. Chúng ta cũng hãy nhận Mẹ làm ngôi sao hướng dẫn đời sống chúng ta, ngôi sao dẫn đưa chúng ta vào trong Ðại Gia Ðình của Thiên Chúa. Phải, ai tin Chúa, thì không bao giờ cô đơn. Amen.

 

Quý vị cà các bạn thân mến. Vừa rồi là bài giảng của ÐTC Bênêđitô XVI trong Thánh Lễ tại Regensburg, vào sáng thứ Ba, ngày 12 tháng 9 năm 2006. Hẹn gặp lại quý vị và các bạn.

 

(Ðặng Thế Dũng)

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page