Bài giảng của ÐTC Beneđitô XVI

trong thánh lễ Chúa Nhật 10/09/2006

tại thành phố Munich, bang Baviera

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Bài giảng của ÐTC Beneđitô XVI trong thánh lễ Chúa Nhật mùng 10 tháng 9 năm 2006 tại thành phố Munich, thủ phủ của Bang Baviera.

(Radio Veritas Asia 11/09/2006) - Có thể nói có hai biến cố chính, trong ngày Chúa Nhật mùng 10 tháng 9 năm 2006, là Thánh Lễ cho dân chúng tại Tân Quảng Trường Hội Chợ vào ban sáng, từ lúc 10 giờ đến 12 giờ trưa, và Buổi đọc Kinh Chiều, gặp gỡ các Em Rước Lễ lần đầu, trong Nhà Thờ Chính Toà Munich, vào ban chiều. Thánh Lễ của Ðức Thánh Cha vào sáng Chúa Nhật đã có hơn 200,000 tín hữu hiện diện. Bài giảng của ÐTC trong Thánh Lễ thật nhiều ý nghĩa, nên chúng tôi kính mời quý vị theo dõi bản dịch việt ngữ nguyên văn bài giảng này, như sau:

 

Anh chị em thân mến,

Trước hết, tôi chân thành chào thăm anh chị em: tôi vui mừng vì có thể gặp lại anh chị em và cử hành Thánh Lễ với anh chị em. Tôi vui mừng vì có thể một lần nữa viếng thăm những nơi quen thuộc, đã có ảnh hưởng quyết định trên đời sống tôi, những nơi đã đào luyện tư tưởng và tâm tình của tôi, những nơi mà trong đó tôi đã học Tin Chúa và học sống. Ðây là dịp để cám ơn tất cả mọi người - còn sống và đã qua đời - đã hướng dẫn và đồng hành với tôi. Tôi cảm tạ Chúa vì đã ban cho tôi một quê hương đẹp như thế này và vì những người đã và còn đang làm cho Ðất Nước này thật sự là quê hương.

Chúng ta vừa nghe qua ba bài đọc Kinh Thánh mà phụng vụ Chúa Nhật đã chọn cho Chúa Nhật hôm nay. Cả ba bài đọc khai triển hai chủ đề, mà thật ra chỉ là một chủ đề duy nhất, nhưng nhấn mạnh khía cạnh này hay khía cạnh khác, tuỳ theo viễn ảnh. Cả ba bài đọc đều nói về Thiên Chúa như là trung tâm của thực tại và như là trung tâm của đời sống cá nhân chúng ta. Tiên tri Isaia thốt lên: "Ðây là Thiên Chúa của các người! (Is 35, 4).

Thư của thánh Giacôbê và đoạn phúc âm nói lên cùng một điều, theo cách thức riêng của mỗi bài đọc. Hai bài đọc này muốn hướng dẫn chúng ta đến cùng Thiên Chúa, vừa hướng dẫn ta đi trên con đường ngay chính. Tuy nhiên, có chủ đề xã hội được gắn với chủ đề "Thiên Chúa": đó là trách nhiệm hỗ tương chúng ta, đó là trách nhiệm chúng ta phải thực hiện ưu thế của công bằng và tình thương trong thế giới. Ðiều này được biểu lộ trong bài đọc thứ hai, trong đó Thánh Giacôbê, một người có họ hàng gần với Chúa Giêsu, ngỏ lời với chúng ta. Thánh nhân ngỏ lời với một cộng đoàn, trong đó con người bắt đầu có thái độ sống tự kiêu, bởi vì trong cộng đoàn có những con người giàu có và có địa vị, nhưng là cộng đoàn có nguy cơ thiếu đi mối quan tâm đối với quyền lợi của người nghèo. Trong những lời của mình, Thánh Giacôbê hé mở cho ta nhìn thấy dung mạo của Chúa Giêsu, dung mạo của Một Vị Thiên Chúa nhập thể làm người, và, cho dù thuộc dòng tộc vua Ðavid, nghĩa là dòng tộc vương giả, Chúa Giêsu trở thành con người đơn hèn trong số những kẻ đơn sơ chất phát; Chúa không ngồi trên ngai, nhưng cuối cùng chịu chết trong sự khó nghèo tột cùng trên thập giá. Tình yêu thương đối với người lân cận, một tình thương trước hết như là mối quan tâm đối với công bằng, là viên đá nền tảng cho đức tin và cho tình thương đối với Thiên Chúa. Thánh Giacôbê gọi đó là "luật vương giả" (x. Giac 2,8); cách nói gợi ý cho chúng ta nhớ lại lời Chúa Giêsu thường dùng: tính cách vương quyền của Thiên Chúa, sự thống trị của Thiên Chúa. Ðiều này không chỉ bất cứ vương quốc nào đến vào lúc này hay lúc khác, nhưng chỉ rằng Thiên Chúa phải trở nên sức mạnh quyết định cho đời sống chúng ta và cho hành động chúng ta. Ðó là điều chúng ta xin, khi cầu nguyện: "Nước Cha trị đến". Chúng ta không xin bất cứ sự gì xa lạ, mà có lẽ chúng ta không muốn cảm nghiệm. Trái lại, chúng ta cầu nguyện cho Thánh Ý Thiên Chúa trong giây phút này định đoạt cho ý muốn chúng ta, và như thế Thiên Chúa ngự trị trong thế gian; như thế, chúng ta cầu nguyện sao cho công bằng và tình thương trở thành sức mạnh quyết định trong trật tự trần gian. Một lời cầu nguyện như vậy chắc chắn hướng trước tiên về Thiên Chúa, nhưng đánh động chính con tim chúng ta. Nhưng thử hỏi chúng ta thật sự có muốn như vặy hay không? Chúng ta có đang định hướng đời sống chúng ta theo hướng này không? Thánh Giacôbê gọi "luật vương giả", luật cho vương quyền của Thiên Chúa, và cũng gọi đây là "luật của tự do" như sau: nếu tất cả suy tưởng và sống theo Thiên Chúa, thì bấy giờ tất cả chúng ta trở thành bằng nhau, chúng ta sẽ trở thành tự do và như thế phát sinh nhân loại đích thật. Tiên tri Isaia, trong bài đọc thứ I, khi nói về Thiên Chúa, thì đồng thời cũng nói về sự cứu rỗi cho những kẻ khổ đau; và thánh Giacôbê, khi nói về trật tự xã hội như là biểu lộ không thể chối bỏ được của đức tin chúng ta, thì cũng nói đến Thiên Chúa, mà chúng ta là những con cái của Ngài.

Giờ đây, chúng ta chú ý đến đoạn Phúc âm, kể lại việc Chúa Giêsu chữa lành một người câm điếc. Ở đây chúng ta cũng gặp lại một lần nữa hai khía cạnh của cùng một thực tại duy nhất. Chúa Giêsu tận tuỵ hiến thân cho kẻ khổ đau, cho những ai bị loại ra ngoài lề xã hội. Chúa chữa lành cho họ và, qua việc mở ra cho họ khả thể sống và quyết định, Chúa đưa họ vào trong sự bình đẳng và trong tình huynh đệ. Ðiều này có liên hệ đến tất cả chúng ta: Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta biết được định hướng của hành động chúng ta. Trọn cả câu chuyện tuy nhiên còn trình bày một chiều kích sâu xa hơn mà các giáo phụ đã đưa ra ánh sáng một cách rõ ràng và là chiều kích liên hệ cách riêng đến chúng ta ngày nay. Các giáo phụ nói về đề tài con người và nói cho con người của thời đại các ngài. Nhưng điều mà các ngài nói, cũng có liên hệ một cách mới mẻ cả với chúng ta, những con người thời hiện đại. Không những có sự điếc tai của thân thểù, làm cho con người gần như hoàn toàn bị tách ra khỏi sinh họat xã hội. Còn có một sự giảm yếu trong sự lắng nghe đối với Thiên Chúa, mà chúng ta đang gặp phải, nhất là trong thời đại chúng ta. Chúng ta không thể cảm thấy Thiên Chúa được nữa; có quá nhiều làn sóng khác nhau chiếm cứ đôi tai chúng ta. Ðiều được nói về Thiên Chúa, xem ra như là điều "tiền khoa học" đối với chúng ta, xem ra như không còn thích hợp với thời đại chúng ta nữa. Với sự giảm yếu sự lắng nghe, hoặc nói cách khác, với sự điếc tai tinh thần đối với Thiên Chúa, thì cũng bị mất đi khả năng chúng ta nói cùng với Ngài hoặc nói với Ngài. Như thế, chúng ta bị thiếu đi một nhận thức quyết định. Những giác quan nội tâm chúng ta gặp nguy hiểm bị mai một đi. Với sự thiếu mất sự nhận thức này, thì tầm mức của tương quan chúng ta với thực tại cũng bị bao vây một cách mãnh liệt và đầy nguy hiểm. Chân trời của đời sống chúng ta bị thu hẹp một cách đáng ngại.

Phúc âm kể lại rằng Chúa Giêsu đưa ngón tay chạm đến lỗ tai của người câm điếc, và thấm một chút nước miếng của Ngài trên lưỡi của người bệnh và nói: Effata - Hãy mở ra! Tác giả phúc âm đã giữ lại cho chúng nguyên ngữ tiếng aramaica mà Chúa Giêsu đã nói, và như thế đưa chúng ta trực tiếp vào trong giây phút đó. Ðiều mà được kể lại trong phúc âm, là điều duy nhất, tuy nhiên không thuộc về quá khứ xa xôi: Chúa Giêsu thực hiện cũng một điều như vậy một cách mới mẻ và làm lại điều đó nhiều lần cả trong thời đại hôm nay. Trong bí tích Rửa Tội, Chúa Giêsu đã hoàn tất trên chúng ta cử chỉ chạm đến này, và đã nói với chúng ta: Effata, hãy mở ra! Ðể làm cho chúng ta có khả năng cảm nghiệm được Thiên Chúa và như thế để cho chúng ta có lại khả thể nói chuyện với Thiên Chúa. Nhưng biến cố này, --- biến cố Bí Tích Rửa Tội --- không có gì là ảo thuật. Bí tích Rửa tội mở ra một con đường. Bí Tích đưa chúng ta vào trong cộng đoàn của những kẻ có khả năng lắng nghe và nói, đưa chúng ta vào trong sự hiệp thông với chính Chúa Giêsu, Ðấng duy nhất đã nhìn thấy Thiên Chúa Cha và sau đó đã có thể nói về Ngài (x. Gn 1,18): qua đức tin, Chúa Giêsu muốn chia sẻ với chúng ta việc Người nhìn thấy Thiên Chúa, việc Người lắng nghe Thiên Chúa và nói chuyện với Thiên Chúa. Con đường của kẻ lãnh nhận bí tích rửa tội, phải là một diễn tiến của sự phát triển từ từ, trong đó chúng ta lớn lên trong cuộc sống hiệp thông với Thiên Chúa, và như thế đạt được một cái nhìn mới khác về con người và về tạo vật.

Phúc âm mời gọi chúng ta hãy ý thức rằng trong chúng ta có bị thiếu hụt về khả năng nhận thấy --- một sự thiếu mà lúc đầu chúng ta không lưu ý được như vậy ---, bởi vì phần còn lại được xử dụng bởi sự khẩn thiết và hợp lý của nó; bởi vì từ bên ngoài xem ra như tất cả đều tiến hành một cách bình thường, cả khi chúng ta không còn đôi tai lắng nghe và đôi mắt nhìn thấy Thiên Chúa nữa và chúng ta sống không có Ngài. Nhưng thử hỏi có phải tất cả đều diễn ra cách đơn thuần, khi Thiên Chúa bị thiếu đi trong đời sống chúng ta và trong thế giới chúng ta hay không? Trước khi đặt thêm những câu hỏi nữa, tôi muốn kể lại đây một chút về kinh nghiệm tôi đã trải qua trong những lần gặp gỡ với các giám mục trên khắp thế giới. Giáo Hội Công Giáo tại Ðức là thật cao cả trong những hoạt động xã hội của mình, trong sự sẵn sàng trợ giúp cho bất cứ đâu xem ra cần thiết. Luôn luôn xảy ra, trong những lần về viếng Mộ Thánh Tông Ðồ, các Giám Mục, và mới đây đến từ Phi Châu, đã thuật lại cho tôi với tâm tình biết ơn, về sự quảng đại của người công giáo Ðức và xin Tôi thay thế các ngài nói lên lòng biết ơn đó với giáo hội Ðức. Cả các giám mục miền Baltic, mới đến Roma viếng mộ hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô, đã nói với tôi về việc như thể nào những người công giáo Ðức đã trợ giúp cho các ngài thật nhiều trong việc xây dựng lại những ngôi nhà thờ bị xuống cấp trầm trọng, vì những thập niên cai trị của cộng sản. Nhiều lần các vị Giám Mục Phi Châu, nói như sau: "Nếu tôi trình những dự án xã hội cho bên Ðức, thì tôi gặp được liền ngay những cánh cửa mở sẵn để trợ giúp. Nhưng nếu tôi đến xin với dự án rao giảng phúc âm, thì tôi gặp phải thái độ dè dặt. Dĩ nhiên xuất hiện rõ ràng, trong vài người, ý tưởng cho rằng những dự án xã hội cần được cổ võ cách khẩn thiết nhất, trong khi mà những điều thuộc về Thiên Chúa, hay đức tin công giáo, lại bị xem như là những việc riêng và có tầm quan trọng nhỏ hơn. Tuy nhiên kinh nghiệm của những vị giám mục này nói lên rằng việc rao giảng phúc âm phải có ưu tiên hơn, rằng Thiên Chúa của Chúa Giêsu Kitô phải được nhìn nhận, phải được tin tưởng và yêu mến, phải làm cho các tâm hồn ăn năn trở lại, ngõ hầu những công việc xã hội có thể tiến bộ, ngõ hầu được mở ra sự hoà giải, ngõ hầu --- chẳng hạn --- bệnh AIDS có thể được diệt trừ, bằng cách giải quyết thật sự những nguyên nhân sâu xa của căn bệnh và bằng việc chăm sóc người bệnh với chú tâm phải có và với tình thương. Công việc xã hội và phúc âm không thể tách rời ra khỏi nhau. Nơi nào chúng ta mang đến cho con người chỉ những sự hiểu biết, tài khéo chuyên môn, khả năng kỹ thuật, và các phương tiện, thì quả thật ở đó chúng ta mang đến quá ít. Lúc đó sẽ mau phát sinh những thể thức bạo lực; và lúc đó khả năng tàn phá và giết chết sẽ trở thành phương thế thường được dùng đêå chiếm đọat quyền hành --- một quyền hành đáng lý ra cách này hay cách khác phải mang đến quyền lợi, nhưng lại không bao giờ còn có khả năng làm như đáng phải làm như vậy nữa. Như thế, người ta càng ngày càng đi xa khỏi sự hoà giải, xa khỏi sự dấn thân chung cho công bằng và tình thương. Những tiêu chuẩn, mà theo đó kỹ thuật phải phục vụ cho quyền lợi và tình thương, (những tiêu chuẩn này) bị mất đi; nhưng chính từ những tiêu chuẩn này mà tất cả tuỳ thuộc vào; những tiêu chuẩn không phải chỉ là những lý thuyết mà thôi, nhưng còn soi sáng tâm hồn, và như thế đặt lý trí và hành động trên con đường đoan chính. Những dân tộc Phi Châu và Á Châu khâm phục những áp dụng kỹ thuật và khâm phục khoa học nơi chúng ta, nhưng đồng thời lo sợ trước lối lý luận hoàn toàn loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cái nhìn của con người vừa cho rằng hình thức chóp đỉnh của lối lý luận này phải áp đặt trên văn hoá của họ. Ðiều hăm dọa thật sự đối với căn cước của họ, không phải là đức tin kitô, nhưng là sự khinh thị Thiên Chúa và thái độ có ác ý xem việc nhạo báng điều thiêng thánh như là một quyền của sự tự do và việc xem cái lợi như là tiêu chuẩn luân lý tối cao cho những thành công tương lai của công cuộc nghiên cứu.

Các bạn thân mến, thái độ có ác ý nói trên không phải là thái độ bao dung và cởi mở văn hoá mà các dân tộc đang chờ đợi, và cũng không phải là thái độ mà tất cả chúng ta đây mong muốn. Sự bao dung mà tất cả chúng ta đang cần đến, gồm có việc kính sợ Thiên Chúa, việc tôn trọng điều gì là thánh thiêng đối với kẻ khác. Sự tôn trọng đối với điều mà kẻ khác cho là thiêng thánh, đòi hỏi chính chúng ta biết học lại cho có lòng tôn sợ Thiên Chúa. Ý nghĩa này của sự tôn trọng có thể phát sinh lại trong thế giới tây phương, chỉ khi nào đức tin vào Thiên Chúa lớn lên lại, chỉ khi nào Thiên Chúa được hiện diện lại nhờ qua chúng ta và trong chúng ta.

Ðức tin này, chúng ta không đem áp đặt cho bất cứ ai. Một lối chiêu dụ tín đồ như thế là điều nghịch lại với kitô giáo. Ðức tin chỉ được phát triển trong sự tự do. Chúng ta kêu gọi sự tự do của con người hãy biết mở rộng tâm hồn đón nhận Thiên Chúa, đi tìm Ngài và lắng nghe ngài. Quy tụ nơi đây, chúng ta hết lòng cầu xin Chúa hãy phán lại lần nữa lời "Effata! Hãy mở ra! Ðể chữa lành sự giảm yếu khả năng lắng nghe Thiên Chúa, giảm yếu khả năng nhìn thấy công việc của Ngài, giảm yếu khả năng lắng nghe Lời Ngài; xin Ngài làm cho chúng ta có khả năng nhìn thấy và lắng nghe. Chúng ta khẩn xin Chúa giúp chúng ta gặp lại lời của sự cầu nguyện, lời mà phụng vụ mời gọi chúng ta, lời mà công thức thiết yếu đã được trao ban cho chúng ta trong Kinh Lạy Cha.

Thế giới đang cần đến Thiên Chúa. Chúng ta đang cần đến Thiên Chúa. Nhưng thử hỏi Thiên Chúa nào đây? Trong bài đọc thứ nhất tiên tri ngỏ lời với một dân tộc đang bị áp bức và nói: Việc trả thù của Thiên Chúa sẽ đến (Is 35,4). Chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy người dân tưởng tượng ra việc trả thù đó phải như thế nào. Nhưng chính tiên tri nói ra sau đó về sự trả thù của Thiên Chúa là như thế nào: nó hệ tại nơi lòng tốt lành có sức chữa lành của Thiên Chúa. Giải thích cuối cùng của lời tiên tri, chúng ta gặp thấy được trong Ðấng đã chết trên thập giá: trong Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa nhập thể. Sự trả thù của Thiên Chúa là Thập Giá, là thưa không đối với bạo lực, là tình yêu thương không cùng. Ðây là Thiên Chúa chúng ta cần. Chúng ta đừng thiếu sót trong việc tôn trọng những tôn giáo và văn hoá khác, đừng thiếu sót trong việc tôn trọng sâu xa đối với Niềm Tin của họ, nếu chúng ta tuyên xưng lớn tiếng và rõ ràng vị Thiên Chúa chống lại bạo lực bằng chính sự đau khổ của mình, rằng trước sự dữ và quyền lực của sự dữ, Thiên Chúa đưa ra, như là giới hạn và như là sự thắng vượt, lòng nhân từ của ngài. Chúng ta khẩn cầu Ngài, xin Ngài hiện diện giữa chúng ta và giúp chúng ta trở thành những chứng nhân đáng tin của Ngài. Amen.

 

Sau thánh lễ, trước khi xướng kinh Truyền Tin Trưa Chúa Nhật và ban phép lành cho dân chúng, ÐTC vắn tắt nhắc lại mẫu gương của Mẹ Maria, người nữ của sự lắng nghe, đối với Thiên Chúa và con người.

Thánh Lễ bắt đầu lúc 10 giờ sáng. Nhưng từ 4 giờ sáng các tín hữu đã kéo đến, để có chỗ gần khán đài cao và có hình lục giác.

Những chi tiết còn lại của ngày viếng thăm hôm Chúa Nhật mùng 10 tháng 9 năm 2006, sẽ được chúng tôi kể tiếp trong những giờ phát thanh lần tới. Mong quí vị và các bạn đón nghe.

 

(Ðặng Thế Dũng)

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page