ÐTC giải thích ý nghĩa

của lễ Chúa Biến Hình

và kêu gọi cầu nguyện

cho Hòa Bình tại Trung Ðông

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

ÐTC giải thích ý nghĩa của lễ Chúa Biến Hình và kêu gọi cầu nguyện cho Hòa Bình tại Trung Ðông.

Tin Vatican (Vat 6/08/2006) - Trưa Chúa Nhật, ngày 6 tháng 8 năm 2006, đúng ngày lễ phụng vụ kính Chúa Biến Hình, Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI đã đọc kinh truyền tin Trưa tại Nhà Nghỉ Mát ở Castel Gandolfo với nhiều tín hữu hiện diện. Trong bài huấn đức ngắn trước khi xướng kinh, ÐTC đã nói vài lời huấn đức về ý nghĩa của lễ Chúa Biến Hình với những lời như sau:

 

Anh chị em thân mến,

Chúa Nhật hôm nay, -- tức Chúa Nhật mùng 6 tháng 8 năm 2006 ---thánh sử Marco nhắc đến việc Chúa Giêsu dẫn các tông đồ Phêrô, Giacobê và Gioan theo Người lên ngọn núi cao, rồi Chúa biến hình trước mắt các ngài; Chúa trở nên chói sáng đến độ "không một thợ giặt nào trên trần gian có thể làm cho áo Chúa trở nên trắng như vậy" (x. Mt 9,2-10). Phụng vụ Chúa Nhật Lễ Chúa Biến Hình hôm nay mời gọi chúng ta hãy chăm chú nhìn về Mầu nhiệm sự Sáng này. Trên dung mạo được biến hình của Chúa Giêsu, có chiếu tỏa ánh sáng thần linh mà Chúa hằng gìn giữ trong nội tâm mình. Ánh sáng thần linh này cũng sẽ chiếu tỏa trên dung mạo của Chúa Kitô trong ngày Chúa Phục Sinh. Như thế, biến cố Chúa Biến Hình loan báo trước Mầu Nhiệm Vượt Qua.

Biến cố Chúa Biến Hình mời gọi chúng ta mở rộng đôi mắt con tim để nhìn thấy mầu nhiệm Ánh Sáng của Thiên Chúa hiện diện trong toàn thể lịch sử cứu rỗi. Vào khởi đầu công cuộc tạo dựng, Ðấng toàn năng phán: Hãy có Ánh Sáng (STK 1,2)! Thì liền có ánh sáng được tách ra khỏi bóng tối. Như những tạo vật khác, ánh sáng là dấu chỉ để mạc khải điều gì đó của Thiên Chúa: đó là như một phản chiếu của vinh quang Thiên Chúa trong những lần hiện ra. Khi Thiên Chúa hiện đến, "Ngài chiếu tỏa ánh sáng, và những tia sáng xuất phát từ đôi tay Ngài" (Ab 3,3tt). Trong ngôn ngữ của các thánh vịnh, ánh sáng là như tấm áo choàng phủ lên Chúa (x. Tv 104,2). Nơi sách Khôn Ngoan, ánh sáng là biểu tượng được dùng để mô tả chính yếu tính của Thiên Chúa: sự khôn ngoan, sự đổ tràn xuống vinh quang của Thiên Chúa, một phản chiếu của ánh sáng đời đời, hơn mọi ánh sáng của tạo vật (x.Kh 7, 27.29tt). Trong Tân Ước, Chúa Kitô biểu lộ trọn vẹn ánh sáng Thiên Chúa. Sự phục sinh của Chúa đã đánh bại vĩnh viễn sức mạnh của những bóng tối sự dữ. Với Chúa Kitô phục sinh, sự thật và tình thương chiến thắng trên sự dối trá và tội lỗi. Trong Chúa Kitô, ánh sáng của Thiên Chúa từ nay soi sáng mãi mãi cuộc đời con người và dòng lịch sử. Chúa Kitô quả quyết như sau: Ta là ánh sáng thế gian. Ai theo Ta, sẽ không bước đi trong bóng tối, nhưng có ánh sáng ban sự sống" (Gn 8,12).

Trong thời đại chúng ta đang sống, chúng ta cần thoát ra khỏi những bóng tối của sự dữ biết là chừng nào, để cảm nghiệm niềm vui của những con cái sự sáng! Nguyện xin Mẹ Maria cầu cùng Chúa cho chúng ta được ơn này. Ngày hôm qua, -- tức thứ Bảy mùng 5 tháng 8 năm 2006, -- chúng ta đã sốt sắng mừng kỷ niệm hằng năm việc Cung Hiến Ðền Thờ Ðức Bà Cả cho Mẹ Maria. Nguyện xin Ðức Nữ Ðồng Trinh cầu cùng Chúa ban ơn Hòa Bình cho các dân tộc vùng Trung Ðông bị tàn phá bởi những cuộc chiến huynh đệ tương tàn! Chúng ta biết rõ rằng Hòa Bình trước hết là hồng ân của Thiên Chúa, mà chúng ta cần tha thiết cầu xin; và trong giây phút này, chúng ta cũng hãy nhớ rằng hòa bình còn là sự dấn thân của tất cả mọi người thiện chí. Ước gì không một ai tránh né khỏi bổn phận này! Tuy nhiên, trước nhận định đầy chua xót rằng cho đến lúc này, chưa được lắng nghe những tiếng nói yêu cầu có cuộc ngưng bắn ngay tức khắc, trong vùng đất đổ máu này, tôi cảm thấy sự khẩn thiết lặp lại lần nữa lời kêu gọi hãy ngưng bắn ngay; tôi xin tất cả mọi người hãy đóng góp phần thiết thực vào công cuộc xây dựng nền hòa bình công bằng và lâu bền. Tôi phó thác lời kêu gọi này cho Ðức Nữ Ðồng Trinh rất thánh. Xin Mẹ khẩn cầu cùng Chúa cho chúng ta.

 

Sau những lời trên, Ðức Thánh Cha xướng kinh truyền tin và ban phép lành cho mọi người. Sau đó, Ðức Thánh Cha nhắc đến ngày Ðức cố Giáo Hoàng Phaolô VI qua đời vào chiều ngày mùng 6 tháng 8 năm 1978, và dâng lời cảm tạ Thiên Chúa đã ban cho giáo hội có được vị giáo hoàng như Ðức Phaolô VI trong những năm tháng đang họp Công Ðồng và sau Công Ðồng Vaticanô II.

Bằng tiếng Pháp, ÐTC nói thêm về ý nghĩa của Lễ Chúa Biến Hình như sau: "Trong ngày Giáo Hội mừng lễ Chúa Biến Hình, ước gì anh chị em hãy nhìn về Chúa Kitô, để chiêm ngắm mầu nhiệm tình thương của Chúa đối với con người. Như thế, anh chị em mới có thể mang đến cho thế giới ngày nay sứ điệp hy vọng, một sứ điệp nhắc lại cho thế giới biết rằng cùng với Chúa và trong sự dấn bước theo Chúa, sự đau khổ và sự chết không phải là kết cùng của cuộc sống, nhưng là cửa ngỏ bước vào cuộc sống vĩnh hằng hạnh phúc."

 

(Ðặng Thế Dũng)

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page