Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI

được mời đọc diễn văn trước Quốc Hội Âu Châu

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI được mời đọc diễn văn trước Quốc Hội Âu Châu.

Tin Roma (Apic 3/04/2006) - Khi được Ðức Thánh Cha Beneđitô XVI tiếp kiến vào sáng ngày mùng 3 tháng 4 năm 2006, Ông René Van Der Linden, chủ tịch quốc hội Âu Châu, đã lên tiếng mời Ðức Thánh Cha đến thăm và đọc diễn văn trước Quốc Hội Âu Châu, như vị tiền nhiệm ngài, Ðức Gioan Phaolô II đã làm vào văm 1988.

Tuy chưa được trả lời cách chính thức, nhưng Ông Chủ Tịch Quốc Hội Âu Châu đã cho giới báo chí biết rằng Ông có cảm tưởng tích cực là lời mời sẽ được chấp thuận, bởi vì đây là "diễn đàn quan trọng nhất tại Âu Châu" để thực hiện cuộc đối thoại liên văn hoá và liên tôn.

Theo Ông Roberto Tumbarello, ký giả người Italia làm việc tại Hội Ðồng Âu Châu, thì chuyến viếng thăm có lẽ sẽ được thực hiện vào tháng 6 hay tháng 10 năm 2006.

Ðược biết, ÐTC Bênêđitô XVI đã tiếp kiến riêng Ông René Van Der Linden, trong vòng 30 phút. Sau đó, Ông này đã tiết lộ cho giới báo chí biết là đã trao đổi với Ðức Thánh Cha về những vấn đề có liên quan đến những giá trị hướng dẫn cuộc sống con người, về nạn bạo lực, về cuộc chiến chống lại việc buôn bán người, về việc phát triển sự cộng tác giữa những đảng chính trị nhỏ trong Quốc Hội Âu Châu, về những khuynh hướng tôn giáo khác nhau, và về khả thể khai triển nền dân chủ và việc tôn trọng nhân quyền trong những quốc gia tân thành viên của Hội Ðồng Âu Châu. Ông cũng cho biết là đã thảo luận với ÐTC về sự kiện Liên Bang Nga sẽ đến phiên giữ ghế Chủ Tịch Ủy Ban Các Bộ Trưởng của các quốc gia thuộc Hội Ðồng Âu Châu, bắt đầu từ tháng 5 năm 2006.

Tưởng cũng nên phân biệt giữa hai "thực thể": Hội Ðồng Âu Châu và Liên Hiệp Âu Châu. Liên Hiệp Âu Châu hiện nay gồm có 25 quốc gia âu châu thành viên. Còn Hội Ðồng Âu Châu, được thành lập vào năm 1949, và là một "tổ chức rộng rãi hơn", hiện quy tụ 46 quốc gia, trong số này có 21 quốc gia thuộc Trung và Ðông Âu. Hội Ðồng Âu Châu cũng trao quy chế "Quan Sát Viên" cho năm quốc gia sau đây: Quốc Gia Thành Phố Vatican, Hoa Kỳ, Canada, Nhật Bản và Mehicô. Hơn nữa, để gia nhập Liên Hiệp Âu Châu, thì điều kiện trước hết phải là thành viên của Hội Ðồng Âu Châu.

Mục tiêu của Hội Ðồng Âu Châu là bênh vực nhân quyền và cơ chế quốc hội dân chủ, là bảo đảm "cơ chế pháp quyền", và cổ võ ý thức về căn cước âu châu được xây dựng trên những giá trị chung, vượt trên những khác biệt văn hoá. Kể từ năm 1989, Hội Ðồng Âu Châu còn nhắm đến mục tiêu đặc biệt "làm điểm quy chiếu chính trị" và "bảo vệ nhân quyền" nơi những quốc gia tân dân chủ thời hậu cộng sản tại Âu Châu. Hội Ðồng Âu Châu nhắm đến việc trợ giúp cho các quốc gia trung và đông âu thực hiện và củng cố những cải cách chính trị, lập pháp và hiến pháp, song song với việc công cuộc đổi mới kinh tế.

Tưởng cũng nên nhắc lại nơi đây là Ðức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã viếng thăm chính thức Hội Ðồng Âu Châu này, có trụ sở tại Strasbourg, bên Pháp, ngày 8 tháng 10 năm 1988. Trong lần viếng thăm này, ngài đã đọc diễn văn trước Quốc Hội Âu Châu và trước Toà Án Âu Châu về Nhân Quyền.

 

(Ðặng Thế Dũng)

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page