Bài Giảng của Ðức Cha Bùi Văn Ðọc

trong Thánh Lễ Làm Phép Dầu

sáng thứ Năm Tuần Thánh, 13/04/2006

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Bài Giảng của Ðức Cha Phaolô Bùi Văn Ðọc, giám mục Mỹ Tho, trong Thánh Lễ Làm Phép Dầu, sáng thứ Năm Tuần Thánh, ngày 13 tháng 4 năm 2006.

(Radio Veritas Asia 13/04/2006) - Quý vị và các bạn thân mến. Sáng thứ Năm Tuần Thánh, ngày 13 tháng 4 năm 2006, Ðức Giám Mục Giáo Phận Mỹ Tho, Phaolô Bùi Văn Ðọc đã cử hành Thánh Lễ làm Phép Dầu, tại Nhà Thờ Chính Tòa Mỹ Tho, với sự đồng tế của các linh mục trong Giáo Phận và đông đảo các giáo dân tham dự.

Giảng Trong Thánh Lễ, Ðức Giám Mục Giáo Phận Mỹ Tho giải thích Dầu là biểu tượng của Chúa Thánh Thần, là Tình Yêu và Sức Mạnh của Thiên Chúa, mà Chúa Giêsu không ngừng ban cho chúng ta, khi chúng ta đến với Người qua các bí tích. Sau đây là bài giảng của Ðức Giám Mục:

 

Anh chị em thân mến,

Lễ dầu chúng ta cùng nhau cử hành sáng nay là lễ của Chúa Giêsu Kitô và của Giáo Hội là Dân Tư tế, của tất cả chúng ta là môn đệ của Chúa. Trước hết bài đọc sách Isaia và bài Tin mừng nhắc tới vai trò ngôn sứ của Chúa Giêsu: Chúa Giêsu đã được Thiên Chúa tuyển chọn làm Vị Tiên Tri, làm Sứ Giả nói lên Lời của Thiên Chúa. Người đã được Thiên Chúa xức dầu tấn phong, và dầu ấy ám chỉ Chúa Thánh Thần. Chúa Giêsu được Chúa Cha ban tràn đầy Thánh Thần và sai đi rao giảng Tin mừng cho người nghèo khó, Tin mừng về Tình Yêu của Thiên Chúa, Ðấng muốn cho mọi người được hạnh phúc, đặc biệt là những người nghèo khổ bé nhỏ, những người bị bỏ rơi.

Chúa Giêsu được gọi là Ðức Kitô, Ðấng được xức dầu Thánh Thần để thực hiện chương trình cứu nhân độ thế của Thiên Chúa. Người được bài đọc Sách Khải Huyền gọi là Chứng nhân trung thành, vì Người được sai đến trần gian để làm chứng cho Tình Yêu của Thiên Chúa. Ngài là một Người chứng chắc chắn vì ngài biết rõ về Tình Yêu của Thiên Chúa, ngài ở trong lòng của Thiên Chúa, có kinh nghiệm về Thiên Chúa, có tràn đầy Tình Yêu của Thiên Chúa là Chúa Thánh Thần được Kinh thánh ví như Dầu Xức. Ngài là Người chứng chân thật, vì ngài không nói dối bao giờ, trái lại chính ngài là Sự Thật như ngài đã nói. Ngài là Người chứng trung thành, vì đã sẳn sàng hy sinh mạng sống, trả giá đắt nhất để làm chứng cho Tình Thương của Thiên Chúa, làm chứng về Ý muốn cứu độ của Thiên Chúa. Giá mà Ngài đã trả là Giá máu, và máu đó đã đổ ra cho mọi người được tha tội.

Sách Khải huyền còn gọi Chúa Giêsu là Trưởng Tử trong số những người từ cõi chết trỗi dậy. Ðó là một cách diễn tả mầu nhiệm Phục Sinh của Chúa: Ðức Giêsu là con người đầu tiên sống lại từ cõi chết, và sống vĩnh viễn, sống viên mãn tròn đầy, không còn phải chết như ông Lazarô đã được người làm phép lạ cho hồi sinh, trở lại cõi trần gian. Chúa đã chiến thắng sự chết và tỏ bày sự sống lại, được siêu tôn vượt mọi thần thánh trên trời và mọi vua chúa trần gian. Ngài là Vua các vua, Chúa các chúa, được Chúa Cha đặt làm Chúa thống trị muôn loài, nhưng đó là sự thống trị của Tình Yêu, nên Người được gọi là Giêsu Vua Tình Yêu.

Máu của Chúa Giêsu đổ ra trên thập giá không những rửa sạch tội lỗi chúng ta, mà còn làm cho chúng ta trở thành vương quốc và hàng tư tế, vì đó là Máu giao ước mới và vĩnh cữu giữa Thiên Chúa và nhân loại. Máu của Con Thiên Chúa đã đổ ra vì yêu thương, Người đã yêu mến Chúa Cha đến cùng, yêu thương nhân loại đến cùng, và đã thiết lập một Phượng Tự mới cho chúng ta để chúng ta tôn thờ Thiên Chúa trong Thánh Thần và Chân Lý. Chúa Giêsu cho tất cả chúng ta thông phần chức Tư tế của Người, đã làm cho Giáo Hội trở thành Dân Tư tế.

Nếu không là Dân Tư tế, chúng ta không thể dâng Thánh lễ, không thể làm đẹp lòng Thiên Chúa bằng những của lễ trần gian, vì Thiên Chúa không thích, không chấp nhận một của lễ trần gian nào cả. Thiên Chúa chỉ đón nhận Hy lễ Tình yêu của Con Một Người là Chúa Giêsu, và của chúng ta dâng lên cùng với Chúa Giêsu và trong Tình Yêu của Chúa Giêsu là Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần là Tình Yêu và là Sự Sống mà Chúa Giêsu tử nạn Phục Sinh ban cho chúng ta, khi chúng ta chịu phép rửa và nhận lãnh các bí tích, đặc biệt là bí tích Thánh Thể.

Dầu mà Giáo hội làm phép hôm nay là biểu tượng của Chúa Thánh Thần mà Chúa Giêsu ban cho Giáo Hội để Giáo Hội có thể chu toàn sứ mạng mà Người giao phó, sứ mạng cứu thế giống như sứ mạng của Chúa và tiếp nối sứ mạng của Chúa, sứ mạng được mô tả cách sống động trong bài Tin mừng Luca. Dầu là biểu tượng của Chúa Thánh Thần, là Tình Yêu và Sức Mạnh của Thiên Chúa, mà Chúa Giêsu không ngừng ban cho chúng ta, khi chúng ta đến với Người qua các bí tích.

Chúng ta hãy cử hành Lễ Dầu này với lòng tin mãnh liệt: tin vào Tình Yêu của Thiên Chúa đã ban Chúa Giêsu cho chúng ta; tin vào Tình Yêu của Chúa Giêsu đã dùng máu mình mà rửa sạch tội lỗi chúng ta và ban Thánh Thần cho chúng ta; tin vào Chúa Thánh Thần là Tình Yêu và là Sức Mạnh của Thiên Chúa, là Sự Sống đã chiến thắng sự chết, là Sự Thánh thiện đã chiến thắng tội ác, mang lại bình an và hạnh phúc cho tất cả loài người chúng ta.

 

Quý vị và các bạn thân mến. Vừa rồi là Bài Giảng của Ðức Giám Mục Mỹ Tho, trong thánh lễ làm phép Dầu, Sáng Thứ Năm Tuần Thánh, ngày 13 tháng 4 năm 2006. Hẹn gặp lại quý vị và các bạn.

 

(Ðặng Thế Dũng)

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page