Bài Giảng Chúa Nhật 1 Mùa Chay

của Ðức Cha Phaolô Bùi Văn Ðọc

Trong Thánh Lễ của Giới Trẻ

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Bài Giảng Chúa Nhật 1 Mùa Chay (5/03/2006) của Ðức Cha Phaolô Bùi Văn Ðọc Trong Thánh Lễ của Giới Trẻ Giáo Phận Mỹ Tho.

 

Các bạn trẻ thân mến,

Chủ đề của bài Tin mừng Chúa Nhật hôm nay là sự kiện Chúa Giêsu chịu ma quỷ cám dỗ trong hoang địa, mặc dù bài tường thuật của thánh Marcô rất vắn vỏi, so với hai bài tường thuật khác của thánh Máthêu và Luca. Thánh Marcô viết: "Sau khi Dức Giêsu chịu phép rửa, Thần Khí liền đẩy Người vào hoang địa" (Mc 1,12 ). Gioan Tẩy giả đã làm phép rửa cho Chúa Giêsu, và đây là thời điểm mà Thiên Chúa Cha dùng để mạc khải con người và sứ mạng của Chúa Giêsu, cũng là thời điểm mà Chúa Cha trao phó sứ mạng và đường lối cứu thế cho Chúa Giêsu.

Chúa Cha cũng ban tràn đầy Thánh Thần, để Chúa Giêsu có thể thực thi sứ mạng theo ý muốn của Người. Ðiều đầu tiên mà Chúa Thánh Thần làm là thúc đẩy Chúa Giêsu vào hoang địa để ăn chay cầu nguyện, suy nghĩ về cách thi hành sứ mạng Chúa Cha giao phó. Quan trọng hơn cả, chính là sống mật thiết, gần gủi với Chúa Cha trong thời gian lâu dài. Thời gian ấy là khoảng 40 ngày đêm, để Chúa Giêsu có thể cầu nguyện lâu giờ trong chay tịnh và thinh lặng. 40 là con số biểu tượng cho thời gian hành trình của Dân Chúa trong hoang địa trước khi vào Ðất Hứa.

Satan cũng lợi dụng chính thời gian này để tấn công Chúa Giêsu, cám dỗ Chúa Giêsu đi theo đường lối của nó thay vì theo đường lối của Thiên Chúa Cha, đây cũng là một cám dỗ bất tuân giống như đã cám dỗ Adam. Satan muốn Chúa Giêsu là một con người hoàn toàn thuộc về thế gian, thế giới gian trá mà nó làm chủ. Với tư cách là con người, chắc chắn Chúa Giêsu đã phải chiến đấu rất nhiều, dựa vào Lời Chúa và sức mạnh của Thiên Chúa là Chúa Thánh Thần. Người đã chiến thắng, ma quỷ đã phải rút lui, và có các thiên sứ đến hầu hạ Người.

Chúa Giêsu đã bị cám dỗ bất tuân lệnh truyền của Chúa Cha, Người đã chống trả quyết liệt và đã vâng phục cho đến chết. Sự bất tuân ấy được diễn tả như thế nào? Nội dung của sự cám dỗ ấy là gì? Chúa Giêsu là con người hoàn toàn như chúng ta, giống chúng ta mọi đàng, nên những thử thách mà Người phải đương đầu, những cám dỗ mà Người phải chịu, cũng là những thử thách, những cám dỗ lớn của nhân loại hôm nay. Cám dỗ ấy vừa là cám dỗ về vật chất tư lợi, vừa là cám dỗ về uy quyền danh vọng, vừa là cám dỗ về hưởng thụ thỏa mãn các đam mê trần tục.

Tiền bạc và của cải vật chất là một cám dỗ lớn, mãnh liệt, và không trừ một ai, từ em bé mới có trí khôn cho đến người già sắp lìa cõi thế, từ người buôn bán giữa chợ cho đến vị linh mục ở nhà thờ. Tự bản chất tiền bạc không là điều xấu; xã hội phải làm ra của cải thì mới có thể tồn tại và phát triển; con người phải có tiền bạc tối thiểu mới có thể sống. Trong thế giới hôm nay, người nào mỗi ngày chỉ có dưới 15 ngàn đồng, được coi là người nghèo khổ thiếu thốn. Nhưng tiền bạc là một người đầy tớ tốt, mà là một ông chủ xấu. Biết sử dụng và làm chủ tiền bạc, chúng ta có thể làm rất nhiều việc, kể cả những việc ích Nước lợi Dân. Trái lại, khi chúng ta nô lệ tiền bạc, để cho tiền bạc làm chủ, thì nó sẽ huỷ hoại tất cả những giá trị đạo đức, từ tình nghĩa gia đình, vợ chồng, cha mẹ con cái, cho đến những giá trị về công bằng xã hội, về đạo đức tôn giáo.

Danh vọng là một cám dỗ cũng mạnh mẽ không kém. Con người ngày hôm nay có khuynh hướng lẫn lộn danh dự với danh vọng. Thực ra danh dự thì ai cũng cần; ai cũng phải có danh dự thì mới có thể sống vui, sống xứng đáng là con người. Mất hết danh dự, con người nhiều khi không còn thiết sống nữa. Nhưng danh vọng thì khác; danh vọng thường phát xuất từ một địa vị cao, hoặc một đời sống giàu có, hoặc từ sự thành công được nhiều người biết đến và khen ngợi. Người ham mê danh vọng là người thích được người khác vỗ tay đề cao, thích được nổi bật giữa đám đông. Có người ham mê danh vọng đến mức sẵn sàng hy sinh hạnh phúc gia đình, hy sinh cả những giá trị đạo đức. Chạy theo danh vọng nhiều khi là thả mồi bắt bóng và dẫn tới những sụp đổ bi đát nhất.

Cám dỗ thứ ba là cám dỗ về quyền lực. Bất cứ ở quốc gia nào, ở thời đại nào, cám dỗ về quyền lực vẫn là một cám dỗ đáng sợ nhất. Thường khi đã có tiền và danh vọng, điều mà người ta ao ước là có quyền trên những người khác, điều khiển những người khác. Các tranh chấp về quyền hành làm nảy sinh những biến động xã hội rất tai hại, có khi còn phát sinh giặc giả chiến tranh và gieo rắc đau khổ tan tóc trên nhiều người. Có những người đang nắm quyền cố gắng giữ chặt quyền bính bằng mọi giá, kể cả những thủ đoạn bất chính và phi nhân.

Chúa Giêsu đã chiến thắng mọi cám dỗ của Satan; nên Người được các thánh Giáo Phụ gọi là Adam mới, sinh ra một nhân loại mới, sống bằng sự sống và tình yêu của Thiên Chúa. Chúng ta hãy nhớ mình là con người mới được tái sinh nhờ phép rửa, được kêu mờři sống ơn gọi đó.

 

Mỹ Tho, ngày 5/03/2006

+ Phaolô Bùi Văn Ðọc

Giám Mục Mỹ Tho

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page