Bài Huấn Ðức của ÐTC Beneđitô XVI

về Ý Nghĩa của Mùa Chay

trong buổi tiếp kiến chung

sáng thứ Tư Lễ Tro 1/03/2006

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Bài Huấn Ðức của ÐTC Beneđitô XVI về Ý Nghĩa của Mùa Chay trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư Lễ Tro 1/03/2006.

(Radio Veritas Asia 4/03/2006) - Quý vị và các bạn thân mến. Như chúng tôi đã loan tin, sáng thứ Tư, ngày 1 tháng 3 năm 2006, đúng Thứ Tư Lễ Tro, bắt đầu Mùa Chay năm 2006, ÐTC Beneđitô XVI đã tiếp khoảng 12 ngàn tín hữu tại quảng trường thánh Phêrô, lúc 10 giờ 30 phút sáng. Trong bài huấn đức, ÐTC đã nói về ý nghĩa của Mùa Chay như là thời gian đặc biệt để trở về với Thiên Chúa Tình Thương. Ngoài việc đạo đức truyền thống trong mùa chay như ăn chay, bố thí và cầu nguyện, ÐTC kêu gọi mọi tín hữu hãy lắng nghe, suy niệm và sống Lời Chúa, để mỗi ngày một trở nên giống Chúa hơn, có những tâm tình nhân từ đối với anh chị em, như Chúa nêu gương. Ðây chúng ta hãy theo dõi bài huấn đức của Ðức Thánh Cha, trong buổi tiếp kiến chung Sáng Thứ Tư, mùng 1 tháng 3 năm 2006, đúng Ngày Thứ Tư Lễ Tro, bắt đầu Mùa Chay:

 

Anh chị em thân mến,

Với Phụng Vụ Thứ Tư Lễ Tro, hôm nay bắt đầu cuộc hành trình mùa chay trong vòng 40 ngày; cuộc hành trình này sẽ dẫn đưa chúng ta đến Tam Nhật Vượt Qua, tưởng niệm cuộc Thương Khó, cái chết và sự sống lại của Chúa, trung tâm của mầu nhiệm cứu rỗi chúng ta. Ðây là thời gian thuận tiện trong đó Giáo Hội mời gọi những người kitô hãy ý thức hơn về công cuộc cứu chuộc của Chúa Kitô và hãy sống sâu xa hơn bí tích Rửa Tội đã lãnh nhận. Thật vậy, trong thời gian phụng vụ này, ngay từ thời giáo hội sơ khai, Dân Chúa nuôi dưỡng mình một cách phong phú bằng Lời Chúa, để được vững mạnh trong Ðức Tin, vừa suy niệm lại toàn bộ lịch sử tạo dựng và cứu rỗi.

Trong thời gian 40 ngày, Mùa Chay có sức mạnh kêu mời không thể cưỡng lại được. Mùa Chay muốn nhắc lại vài biến cố trong số những biến cố đã xảy ra trong sinh họat và lịch sử của dân Israel thời Cựu Uớc, vừa đề nghị lại, -- cả cho chúng ta nữa -- giá trị nêu gương của những biến cố đó: thí dụ chúng ta nghĩ đến 40 ngày Lụt Ðại Hồng Thủy dẫn đến giao ước được ký kết giữa Thiên Chúa và Ông Noe và như thế với nhân lọai; 40 ngày Ông Môisen lưu lại trên núi Sinai và tiếp theo đó là hồng ân các Bia Ghi Bản Luật Chúa. Thời gian 40 ngày muốn mời gọi chúng ta trước hết hãy cùng với Chúa Giêsu sống kinh nghiệm 40 ngày mà Chúa đã trải qua trong sa mạc, vừa cầu nguyện và ăn chay, trước khi thực hiện sứ mạng công khai. Cả chúng ta ngày hôm nay nữa, chúng ta thực hiện cuộc hành trình suy nghĩ và cầu nguyện cùng với tất cả những người kitô trên thế giới, để cho tinh thần mình hướng đến đồi Calvariô, vừa suy niệm những mầu nhiệm trung tâm của đức tin. Như thế , chúng ta chuẩn bị cảm nghiệm, sau mầu nhiệm thập giá, (cảm nghiệm) niềm vui của cuộc Vượt Qua Phục Sinh.

Ðược thi hành trong ngày hôm nay, trong tất cả cộng đoàn giáo xứ, một cử chỉ khắc khổ và tượng trưng: đó là việc xức tro trên trán; cử chỉ nầy được đi kèm với hai công thức đầy ý nghĩa, kết thành một lời mời gọi khẩn thiết hãy nhìn nhận mình là kẻ có tội và hãy trở về với Thiên Chúa. Công thức thứ nhất nói rằng: "Hãy nhớ con là bụi tro và sẽ trở về bụi tro" (x. Stk 3,19). Những lời này từ sách Sáng Thế Ký gợi lên thân phận con người được dặt dưới dấu chỉ của sự mỏng dòn và giới hạn và nhắm thôi thúc chúng ta hãy hy vọng vào một mình Chúa mà thôi. Công thức thứ hai nhắc lại những lời của Chúa Giêsu vào lúc bắt đầu thừa tác vụ rao giảng công khai đây đó như sau: "Hãy ăn năn thống hối và tin vào Tin Mừng" (Mc 1,15). Ðây là lời mời gọi hãy đặt nền tảng của việc canh tân cá nhân và cộng đoàn trên sự gắn bó vững chắc và đầy tin tưởng vào Tin Mừng. Ðời sống của người kitô là đời sống đức tin, được thiết lập trên Lời Chúa và được Lời Chúa nuôi dưỡng. Trong những thử thách của cuộc đời và trong mọi cám dỗ, bí quyết chiến thắng hệ tại trong việc lắng nghe Lời Chân Lý và cương quyết chối từ sự dối trá và sự dữ. Ðây là chương trình đích thực và trung tâm của Mùa Chay: lắng nghe Lời sự thật, sống, nói và thực hiện sự thật, chối từ sự dối trá đang đầu độc nhân lọai và là cửa ngõ mở vào mọi sự dữ. Mùa Chay thôi thúc chúng ta lắng nghe lại, trong thời gian 40 ngày, Tin Mừng, Lời dạy của Chúa, lời sự thật, ngõ hầu trong mỗi người kitô, -- trong mỗi người chúng ta, -- được củng cố ý thức về sự thật đã được trao ban cho người kitô, -- được ban cho chúng ta, -- ngõ hầu chúng ta sống và làm chứng cho sự thật. Mùa Chay thúc đẩy chúng ta đến việc để cho Lời Chúa thấm nhập vào trong đời sống và như thế nhìn nhận sự thật căn bản: chúng ta là ai, chúng ta từ đâu đến, chúng ta sẽ đi về đâu, và đâu là con đường chúng ta cần đi theo trong cuộc đời. Và như thế, thời gian Mùa Chay cống hiến cho chúng ta cuộc hành trình khổ chế và phụng vụ; cuộc hành trình này giúp chúng ta mở mắt nhìn thấy sự yếu đuối của mình, và làm cho chúng ta mở rộng con tim đón nhận tình yêu thương nhân từ của Chúa Kitô.

Con đường Mùa Chay, khi tiến gần Thiên Chúa, cho phép chúng ta nhìn với đôi mắt mới về anh chị em và những nhu cầu của họ. Ai bắt đầu nhìn thấy Thiên Chúa, bắt đầu nhìn thấy dung mạo Chúa Kitô, thì nhìn thấy với đôi mắt khác người anh em, khám phá người anh em, khám phá điều tốt và điều xấu nơi người anh em, khám phá những nhu cầu của người anh em. Vì thế, Mùa Chay, xét như là thời gian lắng nghe sự thật, là giây phút thuận tiện để trở về lại với tình thương, bởi vì sự thật sâu xa, -- sự thật của Thiên Chúa, -- đồng thời cũng là tình yêu.

Khi chúng ta trở về lại với sự thật của Thiên Chúa, thì chúng ta cũng cần trở lại với tình yêu. Một tình yêu biết lấy làm của mình thái độ cảm thông và nhân từ của Thiên Chúa, như Tôi đã nhắc lại trong Sứ Ðiệp Mùa Chay với chủ đề là những lời Phúc âm như sau: "Nhìn thấy dân chúng, Chúa cảm thương họ" (Mt 9,36). Ý thức về sứ mạng riêng của mình trong thế giới, Giáo Hội không ngừng rao giảng tình thương nhân từ của Chúa Kitô, Ðấng tiếp tục cảm thông nhìn về con người, nhìn về các dân tộc mọi thời đại. Tôi đã viết trong Sứ Ðiệp Mùa Chay năm nay (2006) như sau: "Truớc những thử thách khủng khiếp của nạn nghèo cùng của phần lớn nhân loại, thì sự lãnh đạm và sự đóng kín trong ích kỷ của mình là điều đối nghịch không thể chấp nhận được với "cái nhìn của Chúa Kitô". Việc ăn chay, việc bố thí mà Giáo Hội, cùng với việc cầu nguyện, đề nghị một cách đặc biệt trong thời gian mùa chay, là dịp thuận tiện để làm cho ta được trở nên phù hợp với "cái nhìn của Chúa Kitô" (trích báo QSV Roma, 1 tháng 2, 2006, trg 5), và nhìn thấy chính mình, nhìn thấy nhân lọai, nhìn thấy kẻ khác, với cái nhìn của Chúa. Với tinh thần như vừa nói, chúng ta bước vào trong bầu khí khắc khổ và đầy tinh thần cầu nguyện của Mùa Chay, bầu khí của tình yêu đối với anh chị em.

Ước chi những ngày Mùa Chay là những ngày suy tư và cầu nguyện sốt sắng, trong đó chúng ta để cho Lời Chúa hướng dẫn, Lời Chúa được phụng vụ đề nghị cho chúng ta một cách phong phú. Ngoài ra, ước gì Mùa Chay là thời gian chay tịnh, đền tội và canh phòng về chính chúng ta, với niềm xác tín rằng cuộc chiến chống lại tội lỗi không bao giờ chấm dứt, bởi vì sự cám dỗ là thực tại hằng ngày và tất cả mọi người chúng ta đều mỏng dòn và dễ có ảo tưởng. Cuối cùng, ước chi Mùa Chay, qua việc bố thí, trở nên là mùa thi ân cho kẻ khác, là dịp để thành thật chia sẻ với anh chị em những hồng ân đã lãnh nhận, là dịp để chú ý đến những nhu cầu của những kẻ nghèo cùng nhất và bị bỏ rơi.

Nguyện xin Mẹ Maria, Mẹ của Ðấng cứu thế, đồng hành với chúng ta trên con đường thống hối đền tội. Mẹ là vị thầy dạy ta lắng nghe và trung thành gắn bó với Thiên Chúa. Nguyện xin Ðức Nữ Ðồng Trinh rất thánh giúp chúng ta đến với việc cử hành Mầu Nhiệm cao cả của cuộc Vượt Qua của Chúa Kitô, với một con nguời đã được thanh luyện và canh tân trong tâm trí và trong tinh thần.

Với những tâm tình này, Tôi cầu chúc tất cả một Mùa Chay an lành và nhiều thành quả.

 

(bản dịch Việt ngữ của Ðặng Thế Dũng)

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page