Lá Thư Mục Tử Mùa Chay 2006

của Ðức Hồng Y Gioan Baotixita

Tổng Giáo Phận Saigon

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Lễ Tro, ngày 01 tháng 03 năm 2006

Lá Thư Mục Tử Mùa Chay 2006

 

Kính gởi : Anh em linh mục

Anh chị em tu sĩ và giáo dân

 

Anh chị em thân mến,

1. Ðức Giáo Hoàng Bênêđitô XVI vừa ban hành thông điệp đầu tiên trong triều đại giáo hoàng của ngài, thông điệp mang tựa đề Deus Caritas Est (Thiên Chúa là Tình Yêu). Với thông điệp này, ngài muốn giúp chúng ta tìm lại ý nghĩa đích thực của tình yêu khi ta tuyên xưng Thiên Chúa là Tình Yêu ; nhờ đó, ta cũng hiểu và sống cho đúng với ơn gọi và sứ mạng của Giáo Hội nói chung và từng người Kitô hữu nói riêng. Thật vậy, trong thời đại chúng ta đang sống, không có từ ngữ nào được sử dụng nhiều cho bằng hai từ tình yêu : trong thi ca, trong âm nhạc, cũng như trong cuộc sống hằng ngày. Tuy nhiên, đó cũng là từ ngữ bị lạm dụng nhiều nhất khiến cho tình yêu bị biến chất và do đó, nhân phẩm bị hạ thấp, và con người bị tha hoá. Vì thế, cần phải tìm lại ý nghĩa đích thực của tình yêu, ý nghĩa giúp cho con người trong gia đình, trong xã hội, ngày càng nên người hơn theo hình ảnh Thiên Chúa Tình Yêu.

2. Một trong những cách tốt nhất giúp ta khám phá lại ý nghĩa của tình yêu, cách riêng trong Mùa Chay, là chiêm ngắm Chúa Kitô chịu đóng đinh trên thập giá. Chúa Giêsu Kitô là hình ảnh hữu hình của Thiên Chúa vô hình. Trong Chúa Giêsu, tình yêu Thiên Chúa đã trở nên hữu hình và cụ thể đến nỗi chúng ta có thể nghe được, thấy được và cảm nhận được (x. 1 Ga 1,1). Tình yêu đó được thể hiện trong toàn bộ cuộc sống của Chúa: trong lời giảng dạy, trong những phép lạ, trong cách sống và nhất là trong cái chết hiến tế của Chúa. Cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá thể hiện tình yêu vĩ đại và trọn vẹn nhất (x. Ga 15,13). Chiêm ngắm cạnh sườn bị đâm thâu của Chúa Kitô (x. Ga 19,37), chúng ta thấy được hình ảnh của Ðấng đã huỷ mình ra không, hiến dâng chính mình để mang lại hạnh phúc, bình an, và ơn cứu độ cho loài người. Cũng ở đó, ta mới hiểu được ý nghĩa đích thực của tình yêu. Tình yêu đích thực là tình yêu vượt lên trên khuynh hướng ích kỷ tự nhiên để thực sự hướng đến người khác, quan tâm chăm sóc cho hạnh phúc của người khác, dù phải chấp nhận hy sinh và từ bỏ chính mình. Tình yêu đó không chỉ là những cảm xúc thoáng qua nhưng là sự quảng đại dấn thân với tất cả tâm trí, sức lực và tài năng, nhằm mưu cầu hạnh phúc cho người mình yêu. Tình yêu đó phải trở thành mẫu mực cho chúng ta noi theo trong đời sống gia đình cũng như xã hội, trong tương quan vợ chồng, cha mẹ và con cái, cũng như trong tương quan với mọi người anh em đồng bào và đồng loại.

3. Nếu Thiên Chúa là Tình Yêu thì Giáo Hội không còn con đường nào khác để đi ngoài con đường tình yêu. Thật vậy, bản chất sâu xa nhất của Giáo Hội được thể hiện qua ba sứ vụ này: rao giảng Lời Chúa, cử hành các bí tích, và thực thi bác ái. Ba sứ vụ này đều nhằm khơi nguồn và khai mở sự hiệp thông với Chúa, với nhau và với tha nhân. Vì thế, ba sứ vụ này liên kết chặt chẽ với nhau đến nỗi không thể bỏ đi bất cứ sứ vụ nào. Hiểu như thế, việc thực thi bác ái không chỉ là những việc đạo đức từ thiện mà Giáo Hội muốn làm hay không tuỳ ý, nhưng là chính bản chất của Giáo Hội là hiệp thông, là đồng cảm, chia sẻ và cho đi. Giáo Hội không thể là cộng đoàn môn đệ Chúa Kitô nếu Giáo Hội không làm việc bác ái cũng như nếu Giáo Hội không rao giảng Lời Chúa và cử hành các bí tích. Cũng thế, không thể tách rời lòng yêu mến Thiên Chúa và tình yêu tha nhân (x. 1 Ga 4,20). Yêu thương tha nhân chính là con đường dẫn ta đến với Thiên Chúa. Nếu ta khép mắt lại trước những nhu cầu của tha nhân thì ta cũng không thể thấy Thiên Chúa. Nếu chúng ta không lắng nghe tiếng than thở của người nghèo thì tâm hồn ta cũng không thể nhạy bén trước tiếng gọi của Thiên Chúa. Chỉ khi ta phục vụ tha nhân thì mắt ta mới được mở ra để nhận biết tình yêu Thiên Chúa dành cho ta và trở nên chứng nhân tình yêu của Người.

4. Theo ý hướng đó, trong Mùa Chay này, tôi muốn hướng lòng anh chị em đến những người cần được yêu thương và chăm sóc nhất, đó là những người nhiễm HIV. Họ là những người nghèo về mọi mặt: nghèo sức khoẻ vì vi khuẩn HIV đang tàn phá cơ thể họ hằng ngày, nghèo tình yêu vì bị nhiều người xa lánh, nghèo hy vọng vì phải đối diện hằng ngày với cái chết đang đến gần. Vì thế, họ cần được yêu thương và chăm sóc nhiều nhất. Chúng ta cần phải có những nỗ lực vừa ngăn chặn dịch HIV đang lan tràn, vừa giúp người nhiễm HIV tái hoà nhập vào đời sống gia đình và xã hội, như chính Chúa Giêsu đã làm đối với người phong trong thời đại của Người (x. Mc 1,40-45).

Muốn đạt được mục tiêu trên, cần vận động và liên kết mọi gia đình cũng như mọi cộng đoàn (giáo xứ, dòng tu, đoàn thể giáo dân, những nhóm thiện nguyện) và chính những người nhiễm HIV, trong cùng một quyết tâm và nỗ lực chung. Ðó là cùng nhau ngăn chặn dịch HIV trong gia đình và trong cộng đồng, và chăm sóc cho những người nhiễm HIV, giúp họ sống có trách nhiệm, và tạo điều kiện cho họ tái hoà nhập vào gia đình và xã hội. Cách cụ thể, tôi dự định xây dựng một Trung Tâm làm điểm quy tụ tất cả những ai quan tâm và tha thiết với mục tiêu lành mạnh hoá đời sống gia đình và xã hội. Tôi rất vui mừng vì đã có 4 tu hội sẵn sàng nhận trách nhiệm chăm sóc cho những người nhiễm HIV tại Trung Tâm này, ngoài ra còn có nhiều dòng tu và nhiều nhóm thiện nguyện khác sẵn sàng tham gia vào sứ vụ yêu thương và phục vụ này.

Tôi cũng muốn mời gọi tất cả anh chị em trong giáo phận cùng tham gia vào dự án này, trước hết bằng lời cầu nguyện, sau nữa, bằng hy sinh công sức và chia sẻ của cải vật chất. Vì thế, trong Mùa Chay này, tôi tha thiết xin anh chị em vừa thêm lời cầu nguyện, vừa giảm bớt một phần chi tiêu để góp phần thực hiện dự án này. Khi ta chia sẻ và giúp đỡ người khác, thì ta được nên giống Chúa là Tình Yêu, đồng thời làm chứng cho Tình Yêu của Thiên Chúa đối với đồng bào và quê hương đất nước chúng ta.

5. Chiêm ngắm Chúa Kitô chịu đóng đinh trên thập giá, chúng ta hiểu được rằng con đường tình yêu là con đường gian khổ chứ không dễ dãi. Tuy nhiên, chúng ta tin rằng mình có thể tiến bước trên con đường đó nhờ sức mạnh của Thánh Thần. Khi Chúa Giêsu chịu chết trên thập giá, thánh Gioan ghi nhận rằng Người trao ban Thần Khí (x. 19,30), tức là báo trước ân huệ Thánh Thần mà Người sẽ ban sau khi sống lại từ cõi chết. Thánh Thần chính là nguồn lực của niềm tin yêu và hy vọng làm cho trái tim ta rung cùng một nhịp đập với trái tim Chúa và thúc đẩy chúng ta yêu người như Chúa yêu. Nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria rất thánh và của các Thánh Tử Vì Ðạo tại Việt Nam, nguyện xin Chúa ban cho anh chị em tràn đầy hồng ân Thánh Thần, là sức mạnh của niềm hy vọng từ trong sâu thẳm của lòng ta, một sức mạnh uốn lòng chúng ta nên giống trái tim Chúa Giêsu. Xin anh chị em cũng cầu nguyện cho tôi như vậy.

 

Gioan B. Phạm Minh Mẫn

Hồng Y Tổng Giám Mục

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page