Vài nhận định của Toà Thánh

về vấn đề phát triển xã hội

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Vài nhận định của Toà Thánh về vấn đề phát triển xã hội.

(Radio Veritas Asia 12/02/2006) - Quý vị và các bạn thân mến. Thứ Năm, ngày 9 tháng 2 năm 2006, Ðức Tổng Giám Mục Celestino Migliore, quan sát viên thường trực của Toà Thánh tại Liên Hiệp Quốc, có trụ sở tại New-York, Hoa Kỳ, đã phát biểu trong phiên họp thứ 44 của Ủy Ban Ðặc Trách Phát Triển Xã Hội thuộc Hội Ðồng Kinh Tế và Xã Hội của Liên Hiệp Quốc. Ủy Ban Ðặc Trách Phát Triển Xã Hội đã họp nhau để thẩm định những kết quả của chương trình 10 năm, từ năm 1997 đến năm 2006, chống nạn nghèo đói trên thế giới. Bài phát biểu của Ðức Tổng Giám Mục Migliore, nói lên vài nhận định của Toà Thánh vềi vấn đề phát triển xã hội. Tiếp sau đây, kính mời quý vị và các bạn theo dõi bản dịch tiếng Việt nguyên văn bài phát biểu của Ðức Tổng Giám Mục Migliore như sau:

 

Thưa ngài chủ tịch,

Tỉ lệ dân số trên thế giới sống trong sự nghèo cùng tột độ, đã giảm từ 40% xuống còn 21%, trong khoảng thập niên từ năm 1981 cho đến năm 2001; dù đã giảm như thế, nhưng vẫn còn nhiều đất nước và nhiều dân tộc sống trong sự nghèo cùng cao độ.

Vì thế Toà Thánh vui mừng ủng hộ việc kiểm điểm lại thành quả của 10 năm đầu tiên thi hành chương trình của Liên Hiệp Quốc nhắm loại bỏ sự nghèo cùng. Toà Thánh cũng vui mừng khen ngợi những tác giả của bản tường trình về việc thi hành chương trình, vì phẩm chất và tính cách trong sáng của phúc trình; bản tường trình cũng chỉ ra những trở ngại chính và những thách thức còn cần phải vượt qua, nếu mục tiêu thứ nhất trong số những mục tiêu phát triển được đề ra cho Ngàn Năm mới, --- tức mục tiêu "loại trừ sự nghèo đói cùng cực--- được hoàn thành. Phái đoàn Toà Thánh ủng hộ ba đề nghị được đưa ra trong việc kiểm điểm này.

Mặc dù việc kiểm điểm đã nhấn mạnh đúng khía cạnh tích cực đã được thực hiện để lọai trừ nạn nghèo cùng tại nhiều quốc gia châu á, nhưng nó cũng cho biết rằng toàn bộ tình hình vẫn lẫn lộn tích cực và tiêu cực, với Phi Châu nơi miền phía nam Sa mạc Sahara đã có tiến bộ rất  ít hoặc không có tiến bộ nào cả trong việc giảm bớt tầm mức của sự nghèo cùng trong thập niên 90.

Nếu tiếp tục theo mức độ này, thì chỉ có 8 quốc gia Phi Châu có thể bớt được sự nghèo cùng vào năm 2015. Như Ngân Hàng Thế Giới ghi nhận mới đây, sự nghèo cùng tiếp tục ở mức báo động, khi con số những nguời dân Phi Châu sống theo mức dưới một mỹ kim một ngày, đã gia tăng gấp đôi, kể từ năm 1980 đến nay, nghĩa là từ tổng số 165 triệu người vào năm 1980, nay lên đã tăng đến 315 triệu người.

Thực trạng nghèo cùng ngày nay đòi hỏi cộng đồng quốc tế gia tăng cố gắng. Chương trình thực hiện ba điểm sau đây là điều cần thiết cho các quốc gia đang trên đường phát triển: thứ nhất là làm cho những điều kiện của sinh họat thương mại trở nên tốt hơn; thứ hai là tăng mức trợ giúp lên gấp đôi, và thứ ba là thực hiện việc tha nợ nhiều hơn nữa. Những bài học từ kinh nghiệm của vài quốc gia trên đường phát triển, nhất là tại Á Châu, cho thấy rõ ràng rằng không thể nào giảm bớt nạn nghèo cùng, nếu không có sự phát triển kinh tế cách đều đặn; trong cộng cuộc phát triển này, người nghèo cần được chia sẻ những nguồn lợi cách công bằng. Hậu quả là những nhà lãnh đạo của những quốc gia đang phát triển cần được khuyến khích và trrợ giúp trong việc theo đuổi những chính sách có sức làm cho đất nước của họ đạt đến mức tăng truởng kinh tế cao hơn mức đã đạt được vào năm 2000.

Còn về mối tương quan giữa việc loại bỏ sự nghèo cùng và sự bất công, phái đoàn toà thánh tin rằng, cần chú ý nghiều hơn nữa đến những bất công bên trong nội bộ một xã hội cũng như giữa các xã hội khác nhau. Những khác biệt như vậy có thể làm cho những người dân di cư đi nơi khác để tìm công việc có mức lương cao hơn và như thế có thể dẫn đến việc mất đi những tay nghề chuyên nghiệp và cả mất đi những nguồn nhân sự không chuyên, thường có thể gây hại cho những nền kinh tế của các quốc gia đang phát triển, mặc dù những kẻ đã bỏ đi ra nước ngoài còn có thể gởi tiền về nước. Việc giảm đi nạn nghèo cùng và sự phát triển xã hội nhiều hơn nữa, cần có những phương tiện để thu hút và giữ lại nguồn lực lao động trong mọi thể loại của nó.

Những kết quả đạt được là điều quan trọng, nhưng những kết quả đó còn xa vời tại nhiều quốc gia. Như việc kiểm điểm nhấn mạnh, tiến bộ trong việc giảm bớt sự nghèo cùng chưa đạt được mức cần có, nhất là tại những quốc gia nghèo nhất, bởi vì đã không thi hành được chương trình đề ra. Ðiều này đòi hỏi cộng đồng quốc tế chú ý cách đặc biệt, để thiết lập những kỹ năng cần thiết và giúp thực hiện cách hữu hiệu những chương trình nhắm đạt đến những mục tiêu của việc loại trừ nạn nghèo đói.

Kết luận, Toà Thánh tiếp tục nhìn nhận vai trò quan trọng của Ủy Ban Ðặc trách Phát Triển Xã Hội thuộc Hội Ðồng Kinh Tế và Xã Hội của Liên Hiệp Quốc, trong công việc kiểm điểm mức tiến bộ của việc thực hiện chương trình, nhắm loại bỏ sự nghèo cùng tại những quốc gia nghèo nhất thế giới. Công cuộc kiểm điểm cần được thi hành ngay bây giờ, và theo hạn kỳ hằng năm, xét vì năm 2015 không còn xa nữa. Tại những quốc gia không đạt được kết quả mong muốn, thì cần đề ra chương trình hành động đặc biệt, thích nghi với từng quốc gia, với sự dấn thân của chính phủ liên hệ cũng như của cộng đồng viện trợ. Những chương trình hành động này cần lưu ý đến những giới hạn về tài nguyên, những khó khăn gặp phải trong khi thi hành chuơng trình, và những vấn đề khác nữa cần được vượt qua, để bảo đảm thực hiện thành công những mục tiêu của việc giãm nghèo, vào đúng thời điểm đã định. Xin cám ơn ngài chủ tịch.

 

Quý vị và các bạn thân mến,

Vừa rồi là phát biểu của Ðức Tổng Giám Mục Celesto Migliore, quan sát viên thường trực của Toà Thánh tại Liên Hiệp Quốc có trụ sở tại New York, Hoa Kỳ, nói lên vài nhận định của Toà Thánh về công cuộc phát triển xã hội, lọai trừ nạn nghèo cùng trên thế giới. Hẹn gặp lại quý vị và các bạn.

 

(Ðặng Thế Dũng)

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page