Sứ điệp Hoà Bình đầu tiên

của Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI

cho Ngày Quốc Tế Hoà Bình

mùng 1 tháng Giêng năm 2006:

Trong Sự Thật, Xây Dựng Hoà Bình

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Sứ điệp Hoà Bình đầu tiên của Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI cho Ngày Quốc Tế Hoà Bình mùng 1 tháng Giêng năm 2006: "Trong Sự Thật, Xây Dựng Hoà Bình".

(Radio Veritas Asia 14/12/2005) - Quý vị và các bạn thân mến. Chủ đề của Sứ Ðiệp Hoà Bình năm 2006 là một công thức khó chuyển dịch hết ý nghĩa qua một công thức khác trong tiếng Việt Nam. Công thức nguyên thủy ngắn gọn là: "Trong sự thật, Hoà Bình". Và chúng ta có thể thêm vào đó một động từ, diễn tả một hành động như: cổ võ, xây dựng, phục vụ, phát triển, củng cố, gìn giữ "Hoà Bình". Chúng tôi chọn động từ Xây Dựng. Và chủ đề được diễn tả bằng công thức: "Trong Sự Thật, Xây Dựng Hoà Bình". Chúng ta cần đọc trọn cả sứ điệp để có thể rút ra từ đó tất cả nội dung phong phú nơi sứ điệp hoà bình của Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI cho năm mới 2006.

Quý vị và các bạn thân mến, khi giới thiệu sứ điệp hoà bình của Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI cho giới báo chí hôm ngày 13 tháng 12 năm 2005, Ðức Hồng Y Renato Martino, Chủ Tịch Hội Ðồng Toà Thánh về Công Lý và Hoà Bình, đã quả quyết rằng, ngoài phần nhập đề, gồm hai số 1 và 2, sứ điệp hoà bình của Ðức Thánh Cha gồm có bốn phần chính như sau:

- Phần I (gồm các số 3-6) có tính cách thần học và tu đức và làm nổi bật ý nghĩa và giá trị của mối tương quan giữa hoà bình, sự thật, và sự dối trá.

- Phần II (gồm hai số 7 và 8) nói về hoà bình trong khung cảnh thế giới hiện tại có những cuộc xung đột và chiến tranh.

- Phần III (gồm ba số 9,10 và 11) nói về tuơng quan giữa hoà bình và nạn khủng bố.

- Phần IV (gồm bốn số 12,13,14 và 15) trình bày hoà bình như là dự án đặc biệt cần được thực thi ngay và một cách cụ thể, qua diễn tiến chính trị nhắm đến việc tài giảm vũ khí.

Sứ điệp kết thúc với số 16, trong đó ÐTC đặc biệt mời gọi những kẻ tin vào Chúa Kitô hãy dấn thân xây dựng Hoà Bình dựa trên mệnh lệnh yêu thuơng của Chúa.

Sau đây là bản dịch tiếng Việt nguyên văn Sứ Ðiệp của ÐTC:

 

Nhập Ðề:

1. Với Sứ Ðiệp truyền thống cho Ngày Quốc Tế Hoà Bình, vào đầu năm mới, tôi muốn gởi lời chúc chân thành đến tất cả mọi người nam nữ trên thế giới, nhất là đến những ai đang đau khổ vì bạo lực và vì những xung đột vũ trang. Ðây là lời Chúc mang theo niềm hy vọng cho một thế giới an lành hơn, trong đó càng ngày càng có thêm nhiều người dấn thân, cách cá nhân hoặc theo tập thể, tiến bước trên những con đường công bằng và hoà bình.

2. Tiếp đến tôi muốn chân thành tri ân những vị tiền nhiệm tôi, những vị giáo hoàng vĩ đại Phaolô VI và Gioan Phaolô II, hai vị được soi sáng để hoạt động cho hoà bình. Ðược linh động bởi tinh thần của Tám Mối Phúc Thật, các ngài đã biết đọc nơi nhiều biến cố lịch sử ghi dấu triều giáo hoàng của các ngài, sự can thiệp quan phòng của Thiên Chúa, Ðấng không bao giờ bỏ quên số phận của nhân lọai. Nhiều lần, như là những sứ giả không mệt mỏi của Tin Mừng, các ngài đã mời gọi mỗi nguời hãy bắt đầu lại từ Thiên Chúa, để có thể cổ võ việc chung sống hoà bình tại tất cả mọi miền trên trái đất. Theo đường lối của giáo huấn hết sức cao cả của các ngài, tôi muốn đặt tiếp sứ điệp đầu tiên của tôi cho Ngày Quốc tế Hoà Bình: với sứ điệp nầy, một lần nữa tôi muốn xác nhận ý chí mạnh mẽ của Toà Thánh tiếp tục phục vụ công cuộc Hoà Bình.

Chính danh hiệu "Bênêđitô" mà tôi đã chọn ngày được chọn lên ngai toà thánh Phêrô, nói lên sự dấn thân đầy xác tín của tôi cho hoà bình. Thật vậy, tôi đã muốn quy hướng mình về Thánh Quan Thầy của Ðại Lục Âu Châu, vị thánh đã gợi hứng cho một nền văn minh hoà bình trên toàn đại Lục, cũng như muốn hướng về Ðức Bênêditô XV, vị đã lên án Thế Chiến Thứ Nhất như là "những tàn sát vô ích" và đã hoạt động ngõ hầu những lý lẽ cao quý hơn của hoà bình được tất cả mọi người nhìn nhận.

 

- Quý vị và các bạn thân mến. "Trong Sự Thật, Hoà Bình" (Trong Sự Thật, xây dựng Hoà Bình), đó là chủ đề của Sứ Ðiệp Hoà Bình đầu tiên của Ðức Bênêđitô XVI cho Ngày Quốc Tế Hoà Bình lần thứ 39 sẽ được cử hành ngày mùng 1 tháng Giêng năm 2006. Chủ đề muốn gợi lên cho chúng ta về những tương quan giữa sự thật và hoà bình. Trong bài phát I, chúng ta đã đọc qua hai số nhập đề 1 và 2 của Sứ Ðiệp. Hôm nay chúng ta đọc tiếp hai số 3 và 4, trong đó Ðức Thánh Cha nhắc lại định nghĩa cổ điển về Hoà Bình, và hé mở cho chúng ta nhìn thấy mối tuơng quan giữa sự thật và hoà bình. Trong Hoà Bình có tích chứa Trật Tự - Sự Thật do Thiên Chúa an bài. Tôn trọng sự thật - trật tự nầy, chúng ta sẽ xây dựng được một xã hội hoà bình. Ðây là phần I trong số Bốn Phần của Sứ Ðiệp; phần I này có tính cách thần học và đạo đức thiêng liêng trình bày về hoà bình, và về tương quan giữa hoà bình, sự thật, và sự dối trá. Chúng ta hãy đọc bản văn sứ điệp như sau:

 

Phần I: hoà bình, và về tương quan giữa hoà bình, sự thật, và sự dối trá

3. Chủ đề cho suy tư năm nay --- "Trong sự thật, xây dựng hoà bình" --- nói lên xác tín rằng, ở đâu và khi nào con người chấp nhận để cho ánh sáng sự thật soi chiếu, thì con người sẽ tự nhiên dấn bước trên con đường hoà bình. Hiến Chế mục vụ "Vui Mừng và Hy Vọng" (Gaudium et Spes) của Công Ðồng Chung Vaticanô II bế mạc cách đây 40 năm, quả quyết rằng nhân loại sẽ không thành công "xây dựng một thế giới thật sự nhân bản hơn cho tất cả mọi người trên mặt đất này, nếu nhân loại không hướng về sự thật của hoà bình với tâm hồn đã được canh tân". Nhưng thử hỏi cách nói "sự thật của hoà bình" muốn nhắc lại cho chúng ta những ý nghĩa nào đây? Ðể trả lời cách tương xứng cho câu hỏi trên, cần phải ý thức rằng hoà bình không thể nào bị rút gọn một cách đơn thuần vào việc vắng bóng những xung đột vũ trang, nhưng được hiểu như là "kết quả của trật tự được khắc ghi vào trong xã hội con người, do bởi Thiên Chúa, Ðấng thiết lập nền tảng của xã hội; và trật tự này "cần được thực hiện bởi những con người đang khao khát một nền công bằng luôn trọn hảo hơn" ( 3). Như là kết quả của một trật tự được tình yêu Chúa vạch ra và mong muốn có như vậy, hoà bình có tích chứa sự thật của nó, sự thật nội tại trong bản chất của hoà bình và không gì có thể thắng vượt nó được; và như thế hoà bình đáp ứng một cách phù hợp với "khao khát và niềm hy vọng" không thể nào xoá bỏ khỏi tâm hồn con người chúng ta" ( 4).

4. Ðược mô tả như thế, hoà bình xuất hiện như là hồng ân từ trời và là ân sủng của Thiên Chúa; trên mọi bình diện, hoà bình đòi hỏi việc thực thi trách nhiệm to lớn hơn, trách nhiệm làm cho lịch sử nhân loại được phù hợp với trật tự do Thiên Chúa thiết lập - trong sự thật, công bằng, tự do và tình thương. Khi bị thiếu đi sự gắn bó với trật tự siêu việt giữa các sự vật, --- chẳng hạn như thiếu sự tôn trọng đối với "văn phạm" của đối thọai, tức (thiếu tôn trọng đối với) quy luật luân lý phổ quát được khắc ghi trong con tim con người (5) ---, khi sự phát triển toàn diện con người và sự bảo toàn những quyền lợi căn bản của con người bị trở ngại và bị ngăn cản, khi biết bao dân tộc bị bắt buộc phải gánh chịu những bất công và những bất quân bình không thể chấp nhận được, thì thử hỏi làm sao ta có thể hy vọng vào việc thực hiện điều thiện hảo của hoà bình cho được? Thật vậy, lúc đó bị thiếu đi những yếu tố thiết yếu để thực hiện cụ thể sự thật của điều thiện hảo hoà bình. Thánh Augustinô đã mô tả hoà bình như là "tranquillitas ordinis" (6), sự an định của trật tự (sự an định trong trật tự); trật tự đó có nghĩa là một tình trạng cho phép tôn trọng và thực hiện trọn vẹn sự thật về con người, một cách kiên định vững chắc.

 

- Quý vị và các bạn thân mến. Trong bài trước, chúng ta đã bắt đầu đọc hai số 3 và 4 của phần I. Hôm nay chúng ta hãy đọc tiếp hai số còn lại của phần I này, tức hai số 5 và 6, nhắc đến sự dối trá như là cản trở cho hoà bình. ÐTC đã viết như sau:

 

5. Và giờ đây, thử hỏi ai và điều gì có thể ngăn cản thực hiện hoà bình? Về vấn nạn này, Kinh Thánh làm nổi bật, trong quyển đầu tiên, tức trong Sáng Thế Ký, sự nói láo được nói lên ngay từ khởi đầu lịch sử bởi kẻ có ngôn ngữ điêu ngoa mà thánh sử Gioan gọi là "cha của sự dối trá" (Gn 8,44). Nói láo cũng chính là một trong những tội mà Kinh Thánh nhắc lại nơi chương cuối cùng của quyển cuối cùng của Kinh Thánh là Sách Khải Huyền; nơi chương cuối cùng đó có quả quyết rằng những kẻ nói láo sẽ bị loại ra khỏi Ðền Thánh Giêrusalem Thiên Quốc, như sau: "Hãy cút đi... bất cứ ai yêu thích và thực hành sự dối trá!" (Kh 22,15). Với sự dối trá đuợc liên kết thảm kịch của tội lỗi cùng với những hậu quả tai hại của nó, những hậu quả đã gây ra và còn tiếp tục gây ra những tàn phá trong cuộc sống của các cá nhân cũng như của các quốc gia... Chỉ cần nghĩ đến những gì đã xảy ra trong thế kỷ qua, khi những hệ thống sai lạc về ý thức hệ và chính trị đã "có chương trình huyền nhiệm hoá" sự thật và đã dẫn đến sự lạm dụng khai thác và loại trừ con số khủng khiếp những người nam nữ, qua việc tàn sát toàn bộ những gia đình và những cộng đoàn. Sau những kinh nghiệm như thế, làm sao chúng ta không nghiêm chỉnh quan tâm trước những sự dối trá của thời đại chúng ta, đang mở ra những cảnh chết chóc tại nhiều vùng trên thế giới? Công cuộc đích thật đi tìm hoà bình phải khởi sự từ ý thức rằng sự thật và sự dối trá có liên hệ đến từng người nam nữ và có ảnh hưởng quyết định cho tương lai hoà bình của trái đất chúng ta.

6. Hoà bình là niềm khao khát không thể xoá bỏ được trong con tim của mỗi người, bất kể việc họ có căn cước khác biệt riêng về văn hoá. Chính vì thế mà mỗi người phải cảm thấy mình cần dấn thân vào công cuộc phục vụ cho điều thiện hảo hết sức quý giá này, bằng hành động ngõ hầu không được đưa vào bất cứ hình thức nào của sự dối trá làm vẩn đục các tương quan. Tất cả mọi người đều thuộc về cùng một gia đình duy nhất. Sự đề cao thái quá những khác biệt là điều nghịch lại sự thật căn bản nầy. Cần phục hưng lại ý thức rằng tất cả mọi người đều cùng có chung một vận mệnh, trước sau gì cũng là vận mệnh siêu việt, để có thể làm cho có giá trị tốt hơn những khác biệt về lịch sử và văn hoá, mà không cần phải đối nghịch nhau, nhưng tương hoà với những ai thuộc về các nền văn hoá khác. Chính những sự thật căn bản này làm cho hoà bình có thể thực hiện được; những sự thật nầy có thể được hiểu dễ dàng bởi việc lắng nghe chính con tim mình với những ý định trong sáng. Lúc bấy giờ hoà bình xuất hiện một cách mới mẽ: không phải như là một sự vắng bóng chiến tranh, nhưng như là sự chung sống của những công dân trong một xã hội được diều hành bởi sự công bằng, trong đó được thực hiện càng nhiều càng tốt điều thiện hảo cho từng thành phần. Sự thật của hoà bình mời gọi tất cả hãy vun trồng những tuơng quan phong phú và chân thành, khuyến khích việc đi tìm và kiên trì đi trên những con đường của sự tha thứ và hoà giải, khuyến khích có thái độ trong sáng trong những thảo luận và trung thành với lời đã hứa. Cách đặc biệt, người môn đệ của Chúa Kitô, khi cảm thấy mình bị tấn công vây quanh bởi sự dữ và do đó cảm thấy cần đến sự can thiệp giải phóng của Thầy Chí Thánh, thì hướng về Ngài với lòng tin tưởng, vừa biết rõ rằng "Ngài là đấng vô tội và không nói lời lường gạt" (I Phêrô 2,22; x. Is 53,9). Thật vậy Chúa Giêsu đã xác định mình như là Sự Thật, và trong thị kiến dành cho tác giả sách Khải Huyền, đã tuyên bố mình hoàn toàn đối nghịch với "bất cứ ai yêu mến và thực hành sự gian dối" (22,15). Chính Ngài là đấng mạc khải sự thật trọn vẹn về con người và lịch sử. Với sức mạnh của ân sủng Chúa, con người có thể ở trong sự thật và sống vì sự thật, bởi vì chỉ mình Ngài là đấng hoàn toàn chân thật và trung tín. Chúa Giêsu là sự Thật ban cho chúng ta hoà bình.

 

Tiếp sau đây là phần II, gồm hai số 7 và 8, nói về hoà bình trong khung cảnh thế giới hiện tại có những cuộc xung đột và chiến tranh:

 

Phần II: hoà bình trong khung cảnh thế giới hiện tại có những cuộc xung đột và chiến tranh

7. Sự thật của hoà bình phải trổi vượt hơn và làm cho nổi bật hơn ánh sáng phản chiếu hữu ích của nó, cả khi con người sống trong hoàn cảnh bi thảm của chiến tranh. Các nghị phụ của Công Ðồng chung Vaticanô II, trong hiến chế mục vụ "Vui Mừng và Hy Vọng" (Gaudium et Spes) nhấn mạnh rằng "không được phép làm tất cả mọi sự giữa những đối thủ trong cuộc xung đột, khi chiến tranh đã bùng nổ" (7). Cộng Ðoàn Quốc Tế được trao cho quyền nhân đạo quốc tế để giới hạn tối đa, --- nhất là đối với các thành phần dân sự, --- (giới hạn tối đa) những hậu quả tàn phá của chiến tranh. Trong nhiều trường hợp và theo những cách thức khác nhau, Tòa Thánh đã lên tiếng ủng hộ cho quyền nhân đạo này, vừa khuyến khích sự tôn trọng và mau chóng thực hiện quyền nhân đạo này, với niềm xác tín rằng sự thật của hoà bình vẫn còn đó, cả trong chiến tranh. Quyền quốc tế nhân đạo cần được liệt kê vào số những thể hiện tốt và hữu hiệu của những đòi hỏi phát sinh từ sự thật của hoà bình. Chính vì thế, tất cả mọi dân nước đều có bổn phận buộc tôn trọng quyền nhân đạo quốc tế này. Giá trị của quyền nhân đạo này cần được đánh giá và cần bảo đảm sự áp dụng đúng cách, vừa cập nhật hoá quyền này với những quy định rõ ràng, có khả năng đối đầu những hoàn cảnh hay thay đổi của những cuộc xung đột vũ trang ngày nay, do bởi việc sử dụng những vũ khí luôn luôn mới và tinh vi hơn.

8. Tư tuởng đầy biết ơn của tôi hướng đến những tổ chức quốc tế và đến những ai hằng ngày cố gắng hành động để áp dụng quyền quốc tế nhân đạo này. Ðến đây, làm sao tôi có thể quên được biết bao nguời lính dấn thân trong những chiến dịch phức tạp trong các cuộc xung đột và trong công tác thực hiện những diều kiện cần thiết cho việc thực thi hoà bình? Tôi muốn nhắc lại cho những anh em này lời của công đồng chung Vaticano II như sau: "Những ai, trong việc phục vụ cho quê hương, không muốn dấn thân vào quân đội, thì hãy kể mình như những tác viên cho an ninh và tự do của các dân tộc. Nếu họ chu toàn đúng bổn phận này, thì họ cũng góp phần thật sự vào việc thiết lập hoà bình" (8). Trên bình diện có tính cách đòi hỏi này, có công việc mục vụ của những Vị Giám Mục đặc trách quân đội: tôi khuyến khích các vị giám mục cũng như các linh mục tuyên úy quân đội, -- trong mọi hoàn cảnh và mọi môi trường, -- hãy chứng tỏ mình như là những kẻ trung thành rao giảng Tin Mừng sự thật của Hoà Bình.

 

- Sau đây là Phần III, gồm ba số 9, 10 và 11, nói về tương quan giữa hoà bình và nạn khủng bố.

 

Phần III: tương quan giữa hoà bình và nạn khủng bố

9. Ngày nay, sự thật của hoà bình tiếp tục bị thiệt hại và bị chối bỏ, một cách bi thảm, bởi nạn khủng bố; nạn khủng bố này, với những hăm dọa và những hành động phạm pháp của nó, có khả năng làm cho thế giới sống trong lo âu và bất ổn. Những vị tiền nhiệm của tôi, Ðức Phaolô VI và Gioan Phaolô II, đã can thiệp nhiều lần, để tố cáo trách nhiệm nặng nề của những kẻ khủng bố và để kết án tính cách vô lý của những ý định gây chết chóc của họ. Thật vậy, những ý định gây chết chóc này, là do sự gợi ý của một chủ thuyết hư vô bi thảm và đảo lộn mọi trật tự, mà Ðức Gioan Phaolô II đã thường mô tả bằng những lời như sau: "Ai giết hại bằng những hành động khủng bố, đều nuôi dưỡng những tâm tình khinh thị đối với nhân loại, vừa cho thấy sự tuyệt vọng trước sự sống và tương lai: trong viễn tượng của những kẻ khủng bố, tất cả đều có thể bị ghét bỏ và bị phá hủy" (9). Không phải chỉ có chủ thuyết hư vô, mà còn có tinh thần quá khích tôn giáo nữa, --- tinh thần nầy ngày nay thường bị thống trị bởi chủ nghĩa quá khích, --- có thể gợi ý cho và nuôi dưỡng những dự định và những hành động khủng bố. Ngay từ đầu, khi nhìn thấy nguy cơ mà chủ nghĩa quá khích tôn giáo khơi lên, Ðức Gioan Phaolô II đã lên án chủ nghĩa này thật mạnh mẽ, vừa cảnh tỉnh trước việc viện cớ dùng bạo lực để áp đặt xác tín riêng của mình về sự thật, thay vì đề nghị cho kẻ khác được tự do chấp nhận. Ðức Gioan Phaolô II đã viết như sau: "Muốn dùng bạo lực mà áp đặt cho kẻ khác điều mà cá nhân mình cho là sự thật, đó là việc làm gây xúc phạm phẩm giá con người, và chắc chắn gây xúc phạm đối với Thiên Chúa mà con người là hình ảnh." (10)

10. Xét cho rõ, chủ thuyết hư vô và chủ nghĩa quá khích tôn giáo có tương quan với sự thật, theo một cách thức sai lầm: những kẻ chủ trương hư vô chối bỏ sự hiện hữu của bất cứ sự thật nào; những kẻ theo chủ nghĩa quá khích tôn giáo thì có lập trường muốn dùng sức mạnh để áp đặt sự thật. Dù có những nguồn gốc khác nhau và dù đó là những thể hiện được khắc ghi vào trong những khung cảnh văn hoá khác nhau, chủ thuyết hư vô và chủ nghĩa quá khích gặp nhau trong điểm chung này là sự khinh dễ đầy nguy hiểm đối với con người và sự sống của con người, và, xét cho cùng, là sự khinh dễ đối với Thiên Chúa. Thật vậy, nơi căn bản của kết luận chung như thế, cuối cùng có sự đảo lộn của sự thật trọn vẹn về Thiên Chúa: chủ thuyết hư vô chối bỏ sự hiện hữu của Thiên Chúa và chối bỏ sự hiện diện quan phòng của ngài trong lịch sử; chủ nghĩa quá khích tôn giáo thì làm méo mó dung mạo đầy tình thương nhân từ của Thiên Chúa, vừa thay thế Thiên Chúa bởi những thần tượng do sự tưởng tượng riêng của con người tạo ra. Khi phân tích những nguyên do của hiện tượng hiện đại về nạn khủng bố, ngoài những lý do chính trị và xã hội, người ta còn chú ý đến những lý do sâu xa nhất trên bình diện văn hoá, tôn giáo và ý thức hệ nữa.

11. Trước những liều lĩnh mà nhân lọai đang trải qua trong thời đại chúng ta, tất cả mọi người công giáo đều có bổn phận củng cố, khắp mọi nơi trên thế giới, lời loan báo và chứng tá cho "Tin Mừng của Hoà Bình", bằng việc tuyên bố rằng việc nhìn nhận sự thật trọn vẹn về Thiên Chúa là điều kiện tiên quyết và cần thiết để làm vững mạnh sự thật của hoà bình. Thiên Chúa là Tình Thương cứu rỗi, là Người Cha đầy tình thương muốn nhìn thấy những con cái ngài nhìn nhận nhau như là những anh chị em, có tinh thần trách nhiệm hướng đến việc sử dụng những tài năng khác nhau để phục vụ cho công ích của gia đình nhân lọai. Thiên Chúa là nguồn mạch không bao giờ cạn của niềm hy vọng làm cho cuộc sống cá nhân và sinh họat chung có đuợc ý nghĩa. Thiên Chúa, và chỉ một mình Thiên Chúa, mới làm cho mọi hành động của sự thiện và hoà bình được hữu hiệu. Lịch sử đã chứng minh cách rộng rãi rằng gây chiến với Thiên Chúa để bứng Ngài ra khỏi con tim con người, sẽ dẫn đưa nhân loại, -- một nhân lọai trở nên lo âu và nghèo cùng, -- đến những chọn lựa không có tương lai. Ðiều nầy lại thôi thúc những kẻ tin vào Chúa Kitô hãy trở nên những chứng nhân xác tín cho Thiên Chúa, Ðấng là sự thật và tình thương, vừa đặt mình phục vụ cho hoà bình, trong sự rộng rãi cộng tác đại kết và cộng tác với những tôn giáo khác, cũng như với tất cả mọi nguời thiện chí.

 

- Bước sang Phần IV, (gồm bốn số 12,13,14 và 15), Sứ Ðiệp trình bày hoà bình như là dự án đặc biệt cần được thực thi ngay và một cách cụ thể, qua diễn tiến chính trị nhắm đến việc tài giảm vũ khí.

 

Phần IV: hoà bình như là dự án đặc biệt cần được thực thi ngay và một cách cụ thể, qua diễn tiến chính trị nhắm đến việc tài giảm vũ khí

12. Nhìn vào khung cảnh hiện nay trên thế giới, chúng ta có thể vui mừng ghi nhận vài dấu hiệu khả quan trên con đường xây dựng hoà bình. Thí dụ như tôi nghĩ đến con số giảm bớt những cuộc xung đột vũ trang. Ðây là những bước tiến tuy khá nhỏ trên con đường hoà bình, nhưng đã có thể mở ra cho thấy một tương lai có nhiều an lành hơn, nhất là cho những dân tộc phải chịu khổ tại Palestina, quê hương của Chúa Giêsu, và cho dân chúng tại vài vùng Phi Châu và Á Châu, từ nhiều năm qua chờ đợi một kết thúc tích cực cho những con đường đã được mở ra để ổn định hoà bình và hoà giải. Ðó là những dấu hiệu đầy an ủi, cần được xác nhận và cảng cố nhờ bởi hành động đồng tâm hiệp lực và không biết mệt mỏi, nhất là từ phía Cộng đồng quốc tế và từ những Tổ Chức của Cộng đồng quốc tế này, nhắm phòng ngừa những xung đột và đưa ra giải pháp an hoà cho những xung đột đang diễn ra.

13. Tuy nhiên tất cả những điều trên không nên đưa chúng ta đến sự lạc quan không chính xác. Thật vậy, người ta không thể quên rằng buồn thay còn đang diễn ra những xung đột huynh đệ đẩm máu và những cuộc chiến tàn phá đang gieo rắc nước mắt và chết chóc tại những vùng rộng lớn trên thế giới. Có những hoàn cảnh trong đó cuộc xung đột, tuy còn ẩn ngầm như lửa khuất dưới lớp tro, nhưng có thể bừng lên lại, và gây nên những tàn phá rộng lớn không thể ngờ trước được. Những thẩm quyền nào, thay vì thực hiện những gì có thể trong quyền hành của họ để cổ võ cách hữu hiệu cho hoà bình, mà lại khơi dậy nơi dân chúng những tâm tình thù hận đối với những quốc gia khác, thì họ phải chịu trách nhiệm thật nặng nề: tại những vùng đặc biệt dễ gặp nguy, họ gây ra nguy hiểm cho những cân bằng còn mỏng manh, vừa mới đạt được bằng những thương thuyết cực nhọc, và như thế góp phần làm cho tương lai của nhân lọai trở nên bất an hơn và có nhiều mây mù che khuất. Rồi còn phải nói gì nữa về những chính phủ dựa vào những vũ khí nguyên tử để bảo đảm sự an ninh cho đất nước của họ? Cùng với vô số người thiện chí, người ta có thể quả quyết rằng viễn tượng bảo đảm an ninh bằng vũ khí nguyên tử như vừa nói trên, ngoài việc nó có tính cách ghê sợ, lại còn là viễn tượng gây ra lầm tưởng. Thật vậy, trong cuộc chiến nguyên tử, có lẽ không có những kẻ chiến thắng, nhưng tất cả đều là nạn nhân cả. Sự thật của hoà bình đòi hỏi rằng tất cả - những chính phủ có vũ khí nguyên tử cách công khai hay ngấm ngầm che dấu, cũng như những chính phủ đang có ý định chế tạo những vũ khí nguyên tử cho chính mình họ --- (đòi hỏi tất cả) cùng chung sức đảo ngược lại hướng đi, bằng những chọn lựa rõ ràng và vững vàng, vừa từ từ và chung với nhau hướng đến một cuộc giảm bớt vũ khí nguyên tử. Những tài nguyên, nhờ thế mà được dành lại, đều có thể đuợc sử dụng trong những dự án phát triển hữu ích cho tất cả mọi người dân, và trước hết, cho những kẻ nghèo cùng nhất.

14. Về vấn đề này, người ta không thể không ghi nhận, với tâm hồn ưu buồn, những con số cho thấy sự gia tăng đáng ngại những chi phí quân sự và gia tăng việc buôn bán vũ khí luôn luôn có lợi lớn, trong khi đó thì bị dừng lại trong vũng bùn của thái độ lãnh đạm, diễn tiến chính trị và pháp lý đã được Cộng Ðồng Quốc tế đề ra, để củng cố con đuờng tài giảm vũ khí. Thử hỏi tương lai hoà bình nào có thể có được, nếu nguời ta cứ tiếp tục đầu tư trong việc sản xuất những vũ khí và trong việc nghiên cứu để chế tạo những loại vũ khí tối tân mới? Lời cầu chúc phát sinh từ thâm sâu tâm hồn là uớc chi Cộng Ðồng Quốc Tế biết gặp lại sự can đảm và lẽ khôn ngoan, để đề ra lại, một cách xác tín và chung với nhau, việc tài giảm vũ khí, vừa áp dụng cụ thể quyền mọi người mọi dân tộc được hưởng hoà bình. Với dấn thân duy trì điều thiện hảo hoà bình, những Cơ Quan khác nhau của Cộng Ðồng Quốc Tế có thể có lại uy tín cần thiết, để làm cho những sáng kiến của họ được đáng tin và nhất quyết.

15. Những kẻ đầu tiên được hưởng lợi từ chọn lựa cương quyết giảm bớt vũ khí, sẽ là những quốc gia nghèo, đang đòi hỏi, --- và có quyền đòi hỏi như thế --- việc thực hiện cách cụ thể quyền được phát triển, sau biết bao lời hứa. Quyền được phát triển đã được tái xác nhận cách long trọng cả trong Phiên Họp Khoáng Ðại mới đây của Tổ Chức Liên Hiệp Quốc, để mừng kỷ niệm 60 năm thành lập. Xác nhận niềm tin tưởng vào Cơ Quan Quốc Tế này, Giáo hội công giáo cầu chúc một cuộc canh tân cơ cấu và canh tân đuờng lối họat động, nhắm làm cho Cơ Quan Quốc Tế này có khả năng đáp ứng những đòi hỏi mới của thời đại đang bị ghi dấu bởi hiện tuợng toàn cầu hoá.

Tổ Chức Liên Hiệp Quốc cần trở thành một dụng cụ luôn hữu hiệu hơn để cổ võ trong thế giới những giá trị của công bằng, liên đới và hoà bình. Về phần mình, trung thành với sứ mạng đã lãnh nhận từ Ðấng Sáng lập, Giáo Hội không mệt mỏi công bố khắp nơi "Tin Mừng Hoà Bình". Ðược linh động bởi ý thức vững mạnh cống hiến việc phục vụ cần thiết cho tất cả những ai dấn thân cổ võ hoà bình, Giáo Hội nhắc lại cho tất cả rằng, để được đích thật và bền vững, hoà bình phải được xây dựng trên đá tảng của sự thật về Thiên Chúa và sự thật về con người. Chỉ sự thật này mới có thể huy động các tâm hồn thực hiện sự công bằng, mở rộng các tâm hồn đón nhận tình yêu và sự liên đới, khuyến khích tất cả mọi người họat động cho một nhân lọai thật sự tự do và liên đới. Phải, chỉ trên sự thật về Thiên Chúa và sự thật về con người, mà chúng ta có thể thiết lập những nền tảng cho nền hoà bình đích thật.

 

Kết luận

16. Kết thúc sứ điệp Hoà Bình này, giờ đây tôi muốn ngỏ lời cách đặc biệt với những ai tin vào Chúa Kitô, để mời gọi họ lần nữa hãy trở nên những môn đệ biết chú ý và luôn sẵn sàng của Chúa. Thưa anh chị em thân mến, nhờ lắng nghe Phúc âm, chúng ta học biết xây dựng hoà bình trên sự thật của một cuộc sống hằng ngày được gợi hứng theo mệnh lệnh tình thương. Ðiều cần thiết là mỗi cộng đoàn hãy dấn thân trong công cuộc mạnh mẽ và có tổ chức trên bình diện giáo dục và làm chứng; chứng tá này làm lớn lên trong mỗi người ý thức về tính cách khẩn thiết của việc khám phá mỗi ngày một sâu hơn sự thật của hoà bình. Ðồng thời tôi cũng yêu cầu gia tăng lời cầu nguyện, bởi vì hoà bình truớc hết là hồng ân của Thiên Chúa mà con người cần không ngừng cầu xin. Nhờ sự trợ giúp của Thiên Chúa, lời loan báo và chứng tá về sự thật của hoà bình sẽ có sức xác tín và chiếu toả. Với lòng tin tưởng và sự phó thác con thảo, chúng ta hãy đưa mắt nhìn về Mẹ Maria, Mẹ của hoàng tử hoà bình. Vào khởi đầu của năm mới 2006 này, chúng ta hãy cầu xin Mẹ trợ giúp cho toàn thể Dân chúa trong mọi hoàn cảnh, được trở thành kẻ xây dựng hoà bình, vừa để cho bản thân mình được soi sáng bởi Sự Thật làm con người tự do (x. Gn 8,32). Nhờ lời khẩn cầu của Mẹ, ước chi nhân lọai có thể tăng trưởng trong việc tôn trọng điều thiện hảo căn bản này và dấn thân củng cố sự hiện diện của Chúa trong thế gian, ngõ hầu cung cấp một tương lai an bình hơn, an ninh hơn, cho những thế hệ đến sau.

 

Từ Vatican, ngày 8 tháng 12 năm 2005.

Bênêđitô XVI giáo hoàng (ấn ký)

 

(Ðặng Thế Dũng chuyển dịch Việt ngữ)

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page