Ý nghĩa việc thành lập

tân Giáo Phận mới Bà Rịa

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Ý nghĩa việc thành lập tân Giáo Phận mới Bà Rịa.

Bà Rịa (5/12/2005) - Hôm nay là ngày công bố Tông sắc thành lập giáo phận Bà Rịa và bổ nhiệm Giám mục tiên khởi của giáo phận mới. Trước biến cố này, chúng ta cùng suy nghĩ về ý nghĩa việc thành lập một giáo phận.

I. Thiết Lập Một Giáo Hội Ðịa Phương

Thành lập một giáo phận chính là thiết lập một Giáo hội địa phương. Thật ra, trong Kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng chỉ có một Giáo hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền. Tất cả các môn đệ của Ðức Kitô ở khắp mọi nơi trên thế giới họp lại thành một cộng đồng duy nhất, đó là Giáo hội phổ quát mà Ðức Kitô đã thành lập trên nền đá là thánh Phêrô. Tuy nhiên Giáo hội của Ðức Kitô không phải là một ý niệm trừu tượng, nhưng là cộng đồng Dân Chúa hiện diện cụ thể tại một địa phương. Dân Chúa càng tăng trưởng và lan rộng ở nhiều địa phương, thì càng có nhiều Giáo hội địa phương, hay nói đúng hơn, có nhiều Giáo hội cá biệt (Ecclesia particularis).

Giáo phận Bà Rịa được thành lập vì cộng đồng Dân Chúa tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã phát triển và xứng đáng được thành lập để trở thành một Giáo hội cá biệt.

Ðể trở thành một Giáo hội địa phương, cần phải có những yếu tố sau đây:

- Các yếu tố hữu hình : trước hết là cộng đồng Dân Chúa; kế đến là Giám mục giáo phận cùng với linh mục đoàn điều khiển cộng đồng ấy với tư cách là chủ chăn.

- Các yếu tố thần linh và vô hình : đó là Lời Chúa, các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể, và Chúa Thánh Thần là hồn sống của Giáo hội.

Ở đâu có đủ các yếu tố ấy, thì ở đó có Giáo hội. Mỗi giáo phận là một Giáo hội địa phương.

Tuy nhiên, Giáo hội của Ðức Kitô vẫn chỉ là một. Giáo hội vừa là một, vừa là nhiều, vì Giáo hội không phải là một thực thể dựa trên số lượng, nhưng trước hết dựa trên phẩm chất. Công đồng Vaticanô II không gọi giáo phận là một phần (pars) mà là một tỉ lệ (portio) của Dân Chúa, vì Công đồng muốn nhấn mạnh đến phẩm chất hơn là số lượng. Một phần không gồm hết tất cả các yếu tố của toàn thể, như cánh tay không gồm hết tất cả các chức năng của thân xác; trái lại, một tỉ lệ thì gồm hết những tính chất của toàn thể, ví như giọt nước chứa đựng tất cả tính chất nước giống như nước ngoài biển khơi. Cũng vậy, Giáo hội địa phương là một tỉ lệ của Giáo hội phổ quát và cũng có những yếu tố căn bản như Giáo hội phổ quát. Chỉ có một Giáo hội duy nhất hiện diện tại những cộng đồng địa phương, gồm bởi những con người cụ thể làm nên Dân Chúa. Nếu không có Giáo hội địa phương thì chẳng có Giáo hội hoàn vũ. Và ngược lại, một Giáo hội địa phương cũng không thể tự mình tồn tại nếu không có sự hiệp thông với Giáo hội phổ quát và với các Giáo hội địa phương khác, qua việc tuyên xưng cùng một đức tin, thông dự vào cùng một Thánh Thể của Ðức Kitô, và qua sự hiệp thông với giám mục Rôma là Ðức Giáo hoàng.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của Giáo hội địa phương không nhằm chia năm xẻ bảy Giáo hội theo óc bè phái địa phương, nhưng nhằm nhấn mạnh đến tính cách "nhập thể" của Giáo hội. Như Ðức Kitô, Giáo hội cũng phải "nhập thể" vào điều kiện của con người sống trong những hoàn cảnh cụ thể của không gian và thời gian. Giáo phận Bà Rịa được thành lập có nghĩa là từ nay, cộng đồng Dân Chúa tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phải đồng hành với con người của thời đại và địa phương này, phải tìm cách diễn tả những giá trị của Phúc Âm phù hợp với tâm thức của người dân địa phương để có thể đáp lại khát vọng và những ưu tư của họ. Ðồng thời các phần tử của cộng đồng Giáo hội địa phương này còn phải ý thức trách nhiệm của mình trong việc mang Phúc Âm vào môi trường sống cụ thể, với những niềm vui và hy vọng, đau khổ và lo âu, với những khó khăn và thách đố đặt ra cho cuộc sống, ngõ hầu Tin Mừng của Chúa được lan rộng và đâm rễ sâu giữa lòng địa phương mình.

II. Vai Trò Của Giám Mục Giáo Phận

Cùng với việc thành lập giáo phận, chúng ta cũng có một Chủ chăn mới, đó là Ðức Cha Tôma Nguyễn văn Trâm, giám mục tiên khởi của giáo phận Bà Rịa. Ðức Giám mục giáo phận bắt đầu thi hành chức vụ của mình kể từ lúc nhậm chức theo giáo luật. Ngài có nhiệm vụ rao giảng Lời Chúa và bảo vệ đức tin của Dân Chúa; ngài có bổn phận thánh hóa tín hữu bằng các bí tích và bằng đời sống thánh thiện; sau hết, ngài phục vụ và cai quản nhờ lời khuyên bảo, gương sáng và bằng cả uy quyền nữa.

Quyền của giám mục giáo phận là quyền thông thường, nghĩa là quyền gắn liền với chức vụ, chứ không do thừa uỷ; đó là quyền riêng biệt, nghĩa là của riêng mình, chứ không phải là thay thế ai khác, vì ngài lãnh nhận quyền hành từ Ðức Kitô qua việc lãnh nhận chức thánh chứ không phải từ Ðức Thánh Cha; sau hết, đó là quyền trực tiếp, nghĩa là có quyền trực tiếp trên từng tín hữu sống trong giáo phận. Tuy nhiên, quyền của ngài không có tính tuyệt đối, vì một giám mục luôn phải duy trì mối hiệp thông phẩm trật với Ðức Giáo hoàng và với giám mục đoàn.

Làm giám mục không phải là một vinh dự cá nhân, và vai trò của giám mục không phải chỉ là lãnh đạo theo kiểu các tập thể xã hội khác. Ðức Cha Tôma được Tòa Thánh bổ nhiệm làm giám mục giáo phận Bà Rịa là để kế vị các Tông đồ. Ngài được tấn phong để lãnh nhận sứ mạng đã được truyền từ các Tông đồ sang những người kế vị. Sứ mạng ấy được tiếp nối liên tục từ Nhóm Mười Hai Tông đồ, trải qua các thời kỳ lịch sử cho đến hôm nay. Nhưng để có thể nối tiếp sứ mạng của các Tông đồ, người kế vị tông đồ phải bảo tồn giáo lý đã được truyền lại từ các Tông đồ.

Do đó, khi kế vị các Tông đồ, các giám mục là người nối tiếp sứ mạng và đức tin của các Tông đồ để bảo đảm cho Giáo hội được mãi mãi là Giáo hội tông truyền.

Vai trò của giám mục hết sức quan trọng đối với sự tồn tại và đời sống của Giáo hội. Nhờ giám mục đoàn kế vị Tông đồ đoàn, các thừa tác vụ trong Giáo hội giữ được tính chất tông truyền; và cũng nhờ vậy mà chúng ta được bảo đảm rằng đức tin và các bí tích của Giáo hội hôm nay bắt nguồn từ Ðức Kitô. Giáo hội mang đặc tính tông truyền có nghĩa là Giáo hội luôn giữ được căn tính của mình, luôn đồng nhất với chính mình: qua dòng thời gian, mãi mãi Giáo hội vẫn là Giáo hội mà Chúa đã thiết lập trên nền tảng các Tông đồ. Ðức Kitô đã hứa cho Giáo hội sẽ tồn tại mãi cho tới ngày Người trở lại trong vinh quang, và không quyền lực nào có thể tiêu diệt hoặc làm biến chất Giáo hội. Nhưng Giáo hội được trường tồn, chính là nhờ ân sủng Thiên Chúa và đồng thời cũng là nhờ các giám mục là những người đã được xức dầu Thánh Thần một cách sung mãn để làm cho Giáo hội giữ vững căn tính và nền tảng của mình.

Ðược đặt làm Chủ chăn của giáo phận Bà Rịa, Ðức Cha Tôma sẽ là nguyên lý hữu hình và nền tảng cho sự hiệp nhất của Giáo hội địa phương này; ngài là hiện thân của Giáo hội mình. Chính vì thế mà thánh Inhaxiô Antiôkia nói rằng: "Ở đâu có giám mục, ở đó có Giáo hội"; và thánh Cyprianô cũng nói: "Giám mục ở trong Giáo hội và Giáo hội ở trong giám mục. Ai không ở trong giám mục, người ấy không thuộc về Giáo hội".

Ðược tham dự nghi lễ thành lập giáo phận mới và bổ nhiệm Ðức giám mục giáo phận, chúng ta có dịp sống mầu nhiệm Giáo hội một cách sâu sắc. Chúng ta cầu nguyện cho mỗi thành phần Dân Chúa luôn hiệp thông với Giáo hội và với giám mục của mình, để nhờ đó có thể chu toàn sứ mạng mà Chúa đang chờ đợi chúng ta qua biến cố này.

 

LM Giuse Nguyễn Năng

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page