Bài nói chuyện của Ðức Hồng Y Crescenzio Sepe

tại Ðại Chủng Viện Thánh Giuse Sài Gòn

vào chiều Chúa Nhật mùng 4/12/2005

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Bài nói chuyện của Ðức Hồng Y Crescenzio Sepe tại Ðại Chủng Viện Thánh Giuse Sài Gòn vào chiều Chúa Nhật mùng 4 tháng 12 năm 2005.

 

Quý Cha phụ trách huấn luyện thân mến,

Các chủng sinh thân mến,

Ðối với tôi, đây là niềm vui sâu xa được gặp quý Cha phụ trách việc huấn luyện và các chủng sinh trong Ðại Chủng Viện Thánh Giuse này, nhân chuyến viếng thăm tại Việt Nam. Ðại chủng viện Thánh Giuse này có một lịch sử dài; đã huấn luyện nhiều thế hệ linh mục, mà nhiều vị đã được bổ nhiệm làm giám mục; và trong số các giám mục này có một vị Hồng Y, tức Ðức Hồng Y Phạm minh Mẫn; Ðại Chủng Viện Thánh Giuse tiếp tục sứ mạng với tinh thần trách nhiệm và với kỷ năng chuyên môn. Tôi cám ơn tất cả những ai làm việc cho công cuộc huấn luyện trong Ðại ChủngViện này, và tôi thành thật cầu chúc cho công việc phục vụ của quý Cha được trổ sinh nhiều hoa trái cho giáo hội tại Việt Nam.

Tôi nhân cơ hội gặp gỡ này nói vắn tắt về việc huấn luyện truyền giáo, thiêng liêng và trí thức; đây là một trong những bận tâm lớn của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng cho các dân tộc. Chúng ta không có nhiều thời gian để nói về việc huấn luyện nhân bản, nằm ở nền tảng của tất cả những huấn luyện khác.

I. Việc huấn luyện truyền giáo.

Một công việc bao la đã được thực hiện kể từ khi những nhà truyền giáo đầu tiên đến đây cho tới nay. Ðã bốn thế kỷ qua rồi. Nó đã trổ sinh nhiều hoa trái, và là những hoa trái có giá trị lớn. Giáo Hội tại Việt Nam cho thấy một sức sống mạnh mẽ, mặc cho hoàn cảnh khó khăn hiện nay. Cần can đảm nhớ đến lịch sử của việc rao giảng Tin Mừng và của việc kiên trì linh hoạt những cộng đoàn kitô, ngõ hầu những cộng đoàn này cũng trở nên những cộng đoàn truyền giáo. Chính quý anh em và chúng con là tương lai của giáo hội này. Ða số dân chúng Việt nam còn chưa biết Chúa Kitô. Việt Nam bắt đầu mở cửa với thế giới và ảnh hưởng của Tây Phương, trong điều tốt cũng như trong điều xấu, sẽ đến trên đất nước anh em và chúng con. Nhiều vấn đề được đặt ra, trên bình diện nhân bản cũng như trên bình diện Kitô. Việc rao giảng Phúc âm lần đầu, và việc tái rao giảng Phúc âm, cả hai việc đều cần thiết.

Anh em và chúng con sẽ là những người thợ đầu tiên cho công cuộc rao giảng Phúc âm này. Là chủ chăn của cộng đoàn những anh chị em, vừa làm việc để quy tụ trong đức tin sống động và thật sự tông đồ, chúng con sẽ sẵn sàng đi đến những nơi tiền tuyến của công việc rao giảng Phúc âm; chúng con là "những tông đồ ở tiền tuyến". Theo cách nói của Công Ðồng, anh em và chúng con biết rõ như thế nào "hồng ân thiêng liêng mà các linh mục đã lãnh nhận lúc thụ phong, chuẩn bị họ không phải cho một sứ mạng có giới hạn và hẹp hòi, nhưng cho một sứ mạng cứu rỗi có tầm mức phổ quát... Các linh mục hãy nhớ rằng họ cần có trong tâm hồn quan tâm chăm sóc cho tất cả các Giáo Hội" (Sắc Lệnh về Ðời Sống Linh Mục , PO, số 10). "Tất cả các linh mục phải có một con tim và một tinh thần truyền giáo, mở rộng cho những nhu cầu của Giáo Hội và thế giới, chú ý đến những ai sống ở xa nhất và nhất là những nhóm anh chị em không kitô trong môi trường sinh sống" (RM 7). Mặc dù chỉ có vài anh em cần được chuẩn bị cách đặc biệt cho sứ mạng "đến với những anh chị em chưa biết Chúa" ("ad gentes"), nhưng tất cả cần được huấn luyện có tinh thần truyền giáo. Tôi mời mọi anh em và chúng con hãy nghĩ đến những giáo phận ở miền Bắc, nơi mà nhân sự cho công việc truyền giáo còn quá hạn hẹp. Tôi mời gọi anh em và chúng con hãy nghĩ đến Hội Thừa Sai Việt Nam, do Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam thành lập; Hội Thừa Sai này cần được phát triển cho công việc rao giảng Phúc âm cho những anh chị em chưa biết Chúa ("ad gentes").

Tinh Thần Truyền giáo được nói đến nơi đây, trước hết là một ước ao mạnh mẽ rao giảng Chúa Giêsu Kitô, ước ao chia sẻ sự hiểu biết về tình yêu Chúa mà anh em và chúng con đã cảm nghiệm được; đó là tinh thần của thánh Phaolô, vị có thể nói: "Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Phúc âm".

Các chủng sinh chúng con hãy nhìn về ơn gọi của mình và hãy biết khám phá, với sự giúp đỡ của Cha Linh Hướng, (khám phá) những đòi hỏi cụ thể của ơn gọi này: "Chúa Kitô đã không đến để được phục vụ, nhưng là để phục vụ và hy sinh mạng sống mình làm giá cứu chuộc tất cả mọi người" (Mc 10,45). Linh mục cũng phải như thế: chức linh mục không phải là một "thăng chức" trên bình diện xã hội hay văn hoá, nhưng là một việc tận hiến hoàn toàn chính mình để phục vụ Giáo Hội và Phúc Âm.

Việc huấn luyện truyền giáo nầy cũng đòi hỏi một tình yêu to lớn đối với Giáo Hội. Anh em và chúng con được gắn liền với Giáo Hội địa phương mà anh em và chúng con thuộc về; Ðời sống tu đức của những linh mục triều gồm có ý thức về sự tuỳ thuộc này, kết liền với vị giám mục của mình. Anh em và chúng con hãy có và phát triển ý thức và tình yêu đối với giáo hội phổ quát, trong sự dễ dạy và vâng phục Ðấng kế vị Thánh Phêrô, Ðấng có trách vụ hướng dẫn và củng cố Giáo Hội trong Ðức Tin.

Ðại Chủng Viện phải dẫn đưa chủng sinh chúng con vào trong một Linh Mục Ðoàn và huấn luyện chủng sinh chúng con sống và làm việc chung với nhau. Cộng đoàn mà chúng con kết thành không phải chỉ là một nhóm sinh viên, nhưng là một gia đình hiệp nhất trong một đức tin, trong cùng một tình yêu thương bác ái, một cộng đoàn các môn đệ được quy tụ lại bởi cùng một lời mời gọi, để nhắm đến cùng một sứ mạng, được hiệp nhất trước hết bởi việc hằng ngày cử hành mầu nhiệm Vượt Qua. Kỷ luật được đòi hỏi nơi chủng sinh chúng con không phải chỉ là điều cần thiết để duy trì trật tự tốt: nhưng kỷ luật làm cho ý muốn của chúng con tùng phục ý muốn của Chúa Kitô, Ðấng sẽ sai chúng con mang đến cho con người sứ điệp yêu thương của Chúa, như chính Chúa đã được Thiên Chúa Cha sai xuống và đã hoàn tất trọn vẹn sứ mạng của mình.

II. Huấn luyện thiêng liêng.

Trong thông điệp "Redemptoris Missio" (Sứ Mạng của Ðấng Cứu Chuộc) Ðức Gioan Phaolô II đã khuyến khích như sau: "Ước chi các nhà truyền giáo suy nghĩ về bổn phận sống thánh thiện mà hồng ân ơn gọi đòi hỏi nơi họ, vừa canh tân chính mình hằng ngày nhờ sự biến đổi thiêng liêng" (RM 91). Chúng ta được gọi sống thánh thiện để thực hiện sứ mạng. Chúng ta được gọi sống theo Chúa Kitô, được gọi lần bước theo vết chân Chúa, như người đồ đệ từ từ lãnh lấy tư tưởng của Thầy mình. Ơn gọi làm cho chúng ta dấn thân vào một công việc vượt quá sức chúng ta, một công việc mà chỉ có Chúa Thánh Thần mới có thể thực hiện nhờ qua đôi tay chúng ta. Ơn gọi chúng ta trao phó chúng ta cách trọn vẹn cho Chúa Kitô và cho anh chị em chúng ta.

Sự Thánh Thiện đòi hỏi sự cộng tác từ phía chúng ta. Tôi muốn nhấn mạnh đến vài hình thức cộng tác này. Trước hết, đó là cố gắng cá nhân sống khổ hạnh: một cuộc chiến thiêng liêng có mục tiêu rõ ràng, được hướng dẫn bởi cha linh hướng, sẽ cho phép chủng sinh chúng con sửa chữa những lỗi lầm và đẩy ra xa điều gì ngăn cản tác động của Chúa Thánh Thần. Lời mời gọi sống khổ hạnh thường không được tiếp nhận đúng; dù vậy, khi thánh Phaolô trình bày mẫu gương của các lực sĩ thể thao, thì mẫu gương đó có sức thu hút trong thời đại hôm nay cũng như ngày xưa; lời mời gọi của Chúa Kitô hãy từ bỏ tất cả và hãy vác thánh giá là lời mời gọi có tính cách tận căn.

Con đường sống trọn lành, còn là con đường sống cầu nguyện kiên trì. Chúng con hãy học biết cầu nguyện, trong thời gian thụ huấn: người ta không bao giờ kết thúc việc học biết cách gặp Chúa trong sự thật. Việc suy gẫm, việc đọc và suy niệm Kinh Thánh, việc đọc sách thiêng liêng, Bí Tích Thánh Thể được cử hành và được chiêm niệm trong thinh lặng hằng ngày, lòng mộ mến đối với Ðức Nữ Ðồng Trinh, việc thực hành thường xuyên Bí Tích Hoà Giải, đó là những phương thế truyền thống của đời sống thiêng liêng mà chủng sinh chúng con không bao giờ nên bỏ qua.

Sự ThánhThiện của Linh Mục được phát triển lớn lên nhờ qua thừa tác vụ được sống thực trong Chúa Thánh Thần. Sự thánh thiện đó giả thiết việc thực hành và tinh thần sống những lời khuyên phúc âm: sự vâng phục chân thành, sự khó nghèo trong từ bỏ, sự khiết tịnh hoàn toàn trong bậc sống độc thân linh mục.

Giáo Hội chỉ gọi lên chức linh mục thừa tác những ai tự do chọn sống độc thân vì Chúa Kitô và vì Phúc âm, những ai quyết định sống bậc độc thân trong sự khiết tịnh hoàn toàn, và có khả năng sống trung thành với cam kết này với tâm hồn vui tươi. Chúng con hãy biết rằng dấn thấn này sẽ không thể nào thực hiện được, nếu không có đời sống cầu nguyện sâu xa.

III. Huấn luyện trí thức.

Việc tái rao giảng Phúc âm cũng như việc rao giảng phúc âm lần đầu tiên đòi hỏi việc giáo dục đức tin của những người kitô, đòi hỏi việc huấn luyện lương tâm trong thế giới phức tạp trong đó có những vấn đề mới được đặt ra. Cần phải rao giảng Phúc âm - sự viên mãn của Mạc Khải - một cách có thể hiểu được, bằng cách chạm đến con tim con người, vừa lưu ý đến những nền văn hoá, vừa soi sáng, với ánh sáng của Phúc âm và của giáo huấn Giáo Hội, (soi sáng) những hoàn cảnh sống của con người. Vốn liếng giáo lý này và khả năng thông truyền giáo lý đức tin, theo cách của Vị Mục Tử và vì Sứ Mạng, là những điều rất cần thiết.

Những học hỏi của chúng con nhắm đến mục tiêu tạo cho mình có được vốn liếng chuyên môn, chớ không nhằm "tiến thân" trên bình diện văn hoá. Chính trong tinh thần tông đồ nầy mà chúng con được gọi dấn thân trong công việc trau dồi trí thức. Ðàng khác, thật không đủ nếu chỉ đạt sự hiểu biết, cho dù điều nầy cần thiết: chúng con còn cần đồng hoá cách cá nhân và có suy nghĩ những môn học mà chúng con lãnh nhận, cần tiến tới trong sự lĩnh hội cá nhân và có mạch lạc về đức tin được Giáo Hội thông truyền. Tất cả những môn học được giảng dạy cho chúng con đều quan trọng.

Chúng con hãy cảm nếm cách thích thú và yêu mến - và có thể nói là hãy say mê - sự thật: việc học hỏi trong những viễn tượng như vừa nói, đều mang ý nghĩa tông đồ; và việc học hỏi này không thể nào tách rời ra khỏi đời sống thiêng liêng. Việc học hỏi phải dẫn đến việc cầu nguyện và ăn rễ sâu trong việc cầu nguyện; việc học hỏi phải nuôi sống việc cầu nguyện; và, đáp lại, việc cầu nguyện nâng đỡ những cố gắng học hỏi.

Ðến đây, tôi muốn thêm một suy nghĩ liên quan đến việc thường huấn. Ðiều quan trọng là việc huấn luyện của chúng con được thực hiện làm sao để tạo ra sự thích thú và những phương tiện để tiếp tục việc huấn luyện sau khi đã chịu chức linh mục: chúng ta không bao giờ kết thúc việc học biết Chúa Kitô, học biết yêu thương với tình yêu của Mục Tử.

Kết thúc, tôi xin chân thành cám ơn tất cả những ai thi hành công tác huấn luyện các chủng sinh: sứ mạng của các ngài là thật đáng mê say và đòi hỏi. Công Ðồng Vaticanô II ghi nhận rằng "việc huấn luyện linh mục tuỳ thuộc những quy luật khôn ngoan, nhưng nhất là tuỳ thuộc vào giá trị của những nhà giáo dục." Trách vụ huấn luyện của các nhà giáo dục được làm cho dễ dàng nhờ lòng tin tưởng mà các chủng sinh đặt vào các ngài. Các ngài có quyền đòi được các chủng sinh chúng con tin tưởng. Các ngài có quyền xin các con cầu nguyện cho. Chúng con hãy yêu mến Chúa Giêsu Kitô và Giáo Hội Chúa hết lòng; chúng con hãy yêu mến Giáo Hội Chúa tại Việt Nam; chúng con hãy yêu mến dân tộc chúng con! Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng con.

 

Ðức Hồng Y Crescenzio Sepe

 

(bản dịch Việt ngữ của Ðặng Thế Dũng)

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page