Huấn Ðức của ÐTC Bênêđitô XVI

Trưa Chúa Nhật 11/09/2005:

Ý Nghĩa của Lễ Suy Tôn Thánh Giá

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Huấn Ðức của ÐTC Bênêđitô XVI trước giờ Kinh Truyền Tin Trưa Chúa Nhật 11 tháng 9 năm 2005: ÐTC nói về Ý Nghĩa của Lễ Suy Tôn Thánh Giá Chúa trong Năm Thánh Thể.

(Radio Veritas Asia 14/09/2005) - Quý vị và các bạn thân mến, thứ Tư, ngày 14 tháng 9 năm 2005 là ngày lễ Suy tôn Thánh Giá Chúa, bởi vậy, trước khi đọc kinh Truyền Tin với các tín hữu vào trưa Trưa Chúa Nhật 11 tháng 9 năm 2005, ÐTC Bênêđitô XVI đã nói về ý nghĩa của Lễ Suy Tôn Thánh Giá trong Năm Thánh Thể. Ðức Thánh Cha đã nói như sau:

 

Anh chị em thân mến,

Thứ Tư ngày 14 tháng 9 (năm 2005), chúng ta mừng lễ Suy Tôn Thánh Giá Chúa. Trong Năm dành cho Bí Tích Thánh Thể, lễ này có một ý nghĩa đặc biệt: lễ này mời gọi chúng ta hãy suy niệm về mối giây liên kết sâu xa và không thể xoá bỏ được giữa việc cử hành Thánh Thể và mầu nhiệm thập giá. Thật vậy, mỗi thánh lễ làm cho hiện thực hy tế cứu chuộc của Chúa Kitô. Ðức cố giáo hoàng đáng mến Gioan Phaolô II đã viết trong thông điệp về Bí Tích Thánh Thể - Giáo Hội sống nhờ Thánh Thể - như sau: "Cùng với cộng đoàn kitô tham dự, mọi tư tế cử hành Thánh Lễ đều hướng về đồi Golgotha và giờ tử nạn trên Thập Giá" (số 4). Như thế, Bí Tích Thánh Thể ghi nhớ toàn thể mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa: cuộc thương khó, cái chết, việc xuống ngục tổ tông, sống lại và lên trời; và Thánh Giá là dấu diễn tả cách nổi bật hành động yêu thương vô cùng mà nhờ đó Con Thiên Chúa cứu rỗi con nguời và thế giới khỏi tội lỗi và sự chết. Vì thế, dấu Thánh Giá là cử chỉ căn bản của lời cầu nguyện của người kitô. Việc làm dấu thánh giá trên mình là lời công bố "thưa vâng" cách hữu hình và công khai chấp nhận Ðấng đã chết vì chúng ta, và là Ðấng đã sống lại; dấu thánh giá là lời thưa vâng chấp nhận Thiên Chúa là Ðấng trong sự khiêm tốn và đơn yếu của tình yêu ngài, lại là Ðấng toàn năng, mạnh mẽ hơn mọi quyền năng và trí khôn của thế giới.

Sau phần Truyền Phép, với ý thức về sự hiện diện thật của Chúa Kitô chịu đóng đinh và đã sống lại, cộng đoàn tín hữu tuyên xưng như sau: "Chúng tôi loan truyền việc Chúa chịu chết, và tuyên xưng việc Chúa sống lại, trong khi chờ đợi ngài ngự đến". Với đôi mắt Ðức Tin, cộng đoàn nhìn nhận Chúa Kitô sống động với những dấu tích của cuộc thương khó, và cùng với Thánh Tôma tông đồ, và với tâm hồn tràn đầy sự khâm phục, mà lặp lại câu tuyên xưng: Lạy Chúa là Chúa Trời Con!" (Gn 20,28). Như Thánh Giá Chúa, Bí Tích Thánh Thể là Mầu Nhiệm Cái Chết và sự Vinh Quang; Thánh Giá Chúa không phải chỉ là biến cố thoáng qua, nhưng là một cuộc vượt qua mà qua đó Chúa Kitô đã bước vào trong vinh quang của Người (x. Lc 24,26) và đã hoà giải toàn thể nhân lọai, vừa đánh bại mọi sự thù nghịch. Vì thế, phụng vụ mời gọi chúng ta hãy cầu nguyện với niềm hy vọng tràn đầy tin tưởng như sau: Lạy Chúa, xin hãy ở lại với chúng con! Chúa là Ðấng đã dùng Thánh Giá mà cứu chuộc thế gian! Mẹ Maria, Ðấng hiện diện trên đồi Calvario bên cạnh Thánh Giá Chúa, cũng hiện diện với Giáo Hội và như là Mẹ của Giáo Hội. Mẹ hiện diện trong mỗi cử hành Thánh Thể của chúng ta (x. TÐ Giáo Hội sống nhờ Bí Tích Thánh Thể, số 57). Vì thế, không ai hơn Mẹ có thể dạy chúng ta hiểu và sống Thánh Lễ Misa với đức tin và tình yêu thương, vừa kết hiệp với hy tế cứu rỗi của Chúa Kitô. Khi chúng ta rước lễ, thì chúng ta, cũng như Mẹ Maria và trong sự kết hiệp với Mẹ, chúng ta tựa vào Thánh Giá mà Chúa Giêsu với tình yêu của ngài đã biến thành phương thế cứu rỗi, và chúng ta nói lên lời thưa "amen" của mình, lời thưa "vâng" đối với Ðấng là Tình Yêu, và là Ðấng đã chịu đóng đinh và đã sống lại.

 

Sau những lời trên, ÐTC xướng kinh Truyền Tin. Sau kinh truyền tin và phép lành, ÐTC còn nhắc thêm rằng, vào ngày thứ Tư 14 tháng 9 (năm 2005), tại New-York, Hoa Kỳ, nơi Trụ Sở của Liên Hiệp Quốc, có cuộc Họp Thượng Ðỉnh các Vị Thủ Lãnh Quốc Gia và của những vị lãnh đạo các chính phủ, để bàn về những vấn đề quan trọng liên quan đến hoà bình thế giới, đến việc tôn trọng những nhân quyền, việc cổ võ phát triển và việc cũng cố Tổ Chức Liên Hiệp Quốc. ÐTC cũng cho biết là Toà Thánh đã được mời tham dự, và Ðức Hồng Y Angelo Sodano, quốc vụ Khanh Toà Thánh, đại diện ngài tham dự cuộc Họp Thượng Ðỉnh này. ÐTC cho biết ngài hết sức cầu nguyện ngõ hầu các nhà lãnh đạo các quốc gia họp nhau tại Hội Nghị Thượng Ðỉnh, gặp được những giải pháp thỏa đáng, để đạt được những mục tiêu lớn đã được đề ra, trong tinh thần hoà hợp và liên đới quảng đại. ÐTC cũng cầu chúc cho sự thành công áp dụng những biện pháp cụ thể để đáp lại những vấn đề khẩn thiết gây ra do bởi sự nghèo cùng, bệnh tật và nạn đói, đang làm khổ biết bao người trên thế giới.

Bằng tiếng Pháp, ÐTC chào và mời gọi các tín hữu hãy thực hành sự tha thứ những xúc phạm, như lời Chúa mời gọi chúng ta, trong Thánh Lễ Chúa Nhật. ÐTC nói: "Anh chị em chúng ta đang cần đến sự hoà giải và bình an. Anh chị em hãy là những chứng nhân cho lòng nhân từ của Thiên Chúa trong thế giới này".

Bằng tiếng Anh, ÐTC nhắc rằng Chúa Nhật đây là ngày 11 tháng 9, ngày tưởng nhớ các nạn nhân của nạn bạo lực khủng bố trên khắp thế giới. ÐTC nói: "Xin Thiên Chúa soi sáng cho mọi người thiện chí nam nữ khắp nơi, biết từ bỏ hận thù và xây dựng một thế giới công bằng, liên đới và hoà bình".

 

(Ðặng Thế Dũng)

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page