Bài Giảng của

Ðức Thánh Cha Bênêdictô XVI

trong thánh lễ

khai mạc thừa tác vụ Phêrô

sáng Chúa Nhật, ngày 24/04/2005

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Bài Giảng của Ðức Thánh Cha Bênêdictô XVI trong thánh lễ khai mạc thừa tác vụ Phêrô, sáng Chúa Nhật, ngày 24 tháng 4 năm 2005, tại quảng trường trước Ðền Thờ Thánh Phêrô, Roma.

(Radio Veritas Asia 27/04/2005) - Trong bài giảng nầy, chúng ta sẽ thấy rằng Ðức Tân Giáo Hoàng Benedictô XVI đã không đưa ra một chương trình hành động, nhưng ngài tập trung giải thích hai biểu tượng được dùng để chỉ thứa tác vụ Phêrô của vị giám mục Roma. Và khi giải thích hai biểu tượng nầy --- dây Pallium và Nhẫn Ngư Phủ --- Ðức Tân Giáo Hoàng mô tả dung mạo tinh thần của Vị Chủ Chăn theo Thánh Ý Chúa muốn, một vị chủ chăn tràn đầy tình thương đối với Chúa cũng như đối với đoàn chiên được trao phó cho. Dù ý thức phận mình yếu hèn, không khả năng chu toàn trách vụ lớn lao, nhưng Ðức Tân Giáo Hoàng nói lên xác tín ngài không cô đơn một mình, vì có các thánh cùng đồng hành, bao bọc và hướng dẫn.

Ðây kính mời quý vị và các bạn theo dõi trọn bài giảng của Ðức Thánh Cha Benedictô XVI:

 

Kính Thưa Quý Vị Hồng Y,

Anh em đáng kính trong hàng giám mục và linh mục,

Kính Quý Vị Lãnh Ðạo các Quốc Gia và Thành Viên Ngoại giao đoàn,

Anh chị em rất thân mến,

Trong những ngày thật đầy ý nghĩa nầy, kinh cầu Các Thánh đã đến đồng hành với chúng ta ba lần: trong lễ an táng Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II; trong dịp Các Vị Hồng Y bước vào Mật Viện, và trong ngày hôm nay, khi chúng ta cất hát lên lần nữa, với lời khẩn cầu: Tu Illum adjuva --- Xin Chúa trợ giúp cho Vị Tân Kế Vị Thánh Phêrô. Mỗi lần, trong một cách thức đặc biệt, tôi đều cảm thấy bài Hát Kinh Cầu Các Thánh nầy như là lời an ủi to lớn. Sau khi Ðức Gioan Phaolô II ra đi, chúng ta đã cảm thấy mình như bị bỏ rơi biết là chừng nào! Ngài là vị Giáo Hoàng trong vòng 26 năm đã là chủ chăn và là vị hướng dẫn chúng ta trong cuộc hành trình qua dòng thời gian. Ngài đã bước qua ngưỡng cửa tiến vào sự sống khác, bước vào trong mầu nhiệm Thiên Chúa. Nhưng ngài đã không thực hiện cái "bước qua" nầy một mình. Ai tin tưởng, thì không bao giờ cô đơn một mình --- không bao giờ cô đơn trong cuộc sống, cũng khơng cô đơn trong cái chết. Trong giây phút đó, chúng ta đã có thể khẩn cầu các Thánh của tất cả mọi thế kỷ --- những vị thánh bạn hữu của ngài, những anh chị em của ngài trong đức tin, vừa biết rằng các vị như kết thành đoàn rước sống động để cùng đồng hành với Ðức Gioan Phaolô II vào cõi bên kia, cho đến vinh quang Thiên Chúa. Chúng ta biết rằng ngài đã được chờ đón. Giờ đây chúng ta biết rằng Ngài đang hiện diện giữa những người của ngài; ngài thật sự ở nhà ngài. Một lần nữa, chúng tôi đã được an ủi khi long trọng bước vào Mật Viện, để chọn Ðấng mà Thiên Chúa đã tuyển chọn. Làm sao chúng ta có thể biết được danh tánh của Ðấng đó? Làm sao 115 giám mục, đến từ  mọi nền văn hóa và đất nước, có thể gặp được Ðấng mà Thiên Chúa đã muốn trao phó cho sứ mạng cầm buộc và tháo gỡ? Một lần nữa, chúng ta biết được điều đó: chúng ta biết rõ rằng chúng ta không cô đơn một mình, rằng chúng ta được vây quanh, được dẫn đi và được chỉ đường bởi những bạn hữu của Thiên Chúa. Và giờ đây, trong giây phút nầy, Tôi, người tôi tớ yếu hèn của Thiên Chúa, tôi phải lãnh lấy trách vụ to lớn, một trách vụ thật sự vượt quá mọi khả năng con người. Làm sao tôi có thể làm được? Làm sao tôi có khả năng để làm việc nầy? Thưa các bạn thân mến, tất cả anh chị em vừa khẩn cầu toàn thể cộng đoàn các thánh, được đại diện bởi những vị nổi tiếng trong lịch sử Thiên Chúa tiếp xúc với con người. Như thế, trong tôi được sống lại ý thức nầy rằng tôi không cô đơn một mình. Tôi không phải một mình mang lấy điều mà trong thực tế tôi không thể nào mang lấy tự một mình. Cộng đoàn các Thánh của Thiên Chúa bảo vệ tôi, nâng đỡ tôi và đưa tôi đi. Và lời cầu nguyện của anh chị em, thưa quý bạn thân mến, lòng khoan dung của anh chị em, tình thương, đức tin và niềm hy vọng của anh chị em, tất cả cùng đồng hành với tôi. Thật vậy cộng đoàn các thánh không phải chỉ có những vị nổi tiếng đã đi trước chúng ta và là những vị chúng ta đã biết đến danh tánh. Tất cả chúng ta là cộng đoàn các thánh, chúng ta, những kẻ đã lãnh nhận bí tích rửa tội nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, chúng ta, những kẻ sống nhờ hồng ân Mình và Máu của Chúa Kitô, mà nhờ đó Chúa muốn biến đổi chúng ta trở nên giống như Người. Phải, Giáo Hội còn sống động; đây là kinh nghiệm kỳ diệu của những ngày nầy. Chính trong những ngày ưu buồn khi Ðức Gioan Phaolô II đau bệnh và qua đời, mà điều nầy được thể hiện một cách diệu kỳ trước mắt chúng ta: rằng giáo hội còn sống động. Và Giáo hội còn trẻ trung. Giáo Hội mang trong mình tương lai của thế giới và vì thế chỉ cho mỗi người chúng ta biết con đường tiến đến tương lai. Giáo Hội còn sống và chúng ta nhìn thấy được điều nầy: chúng ta cảm nghiệm được niềm vui mà Ðấng Phục sinh đã hứa ban cho những kẻ thuộc về người. Giáo Hội còn sống; Giáo Hội còn sống bởi vì Chúa Kitô hằng sống, bởi vì Chúa Kitô đã thực sự sống lại. Trong đau khổ, hiện diện trên dung mạo của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II trong những ngày mừng lễ Vượt qua, chúng ta đã chiêm ngắm mầu nhiệm cuộc Thương Khó của Chúa Kitô và cùng nhau chạm đến những vết thương của Người. Nhưng trong tất cả những ngày qua, chúng ta đã có thể, trong một ý nghĩa sâu xa, chạm đến Ðấng Phục Sinh. Chúng ta được ban cho dịp nếm hưởng niềm Vui mà Chúa đã hứa, niềm vui như là hoa trái của sự Phục Sinh Chúa, sau một thời gian ngắn trong bóng tối.

Giáo Hội đang sống, --- bằng những lời như thế, tôi xin chào tất cả đang quy tụ nơi đây, với niềm vui to lớn và với lòng biết ơn, thưa chư huynh đáng kính, hồng y và giám mục, thưa quý linh mục rất thân mến, quý thầy phó tế, các tác viên mục vụ và những giáo lý viên. Tôi xin chào tất cả tu sĩ nam nữ, những chứng nhân cho sự hiện diện đầy sức biến đổi của Thiên Chúa. Thưa anh chị em tín hữu, tôi xin chào anh chị em, những kẻ dấn thân vào trong khoảng rộng của việc xây dựng Nước Thiên Chúa đang lan rộng trong thế gian, trong mọi hoàn cảnh cuộc sống. Tôi xin gởi những lời chào đầy tình thân đến tất cả những ai đã được tái sinh trong bí tích rửa tội, nhưng không còn hiệp thông trọn vẹn với chúng tôi; và tôi xin gởi lời chào đến anh chị em dân tộc do thái, mà chúng ta được liên kết với, do phần gia tài thiêng liêng to lớn mà chúng ta có chung với nhau, phần gia tài ăn rễ sâu trong những lời hứa không thể rút lại được của Thiên Chúa. Sau cùng, tư tưởng tôi --- như làn sóng được lan rộng ra mãi --- đến với tất cả mọi người của thời đại chúng ta, tin hay không tin.

Thưa các bạn thân mến, trong giây phút nầy, tôi không cần trình bày chương trình hành động cho việc quản trị giáo hội. Vài khía cạnh của điều mà tôi xem như là trách vụ của tôi, tôi đã có thể trình bày rồi trong sứ điệp hôm thứ Tư tuần qua, ngày 20 tháng 4 (năm 2005); chúng ta sẽ còn nhiều dịp khác để làm công việc nầy. Chương trình cai quản đích thực của tôi là chương trình không làm theo ý muốn của tôi, không thực hiện những ý nghĩ của tôi, nhưng là đặt mình lắng nghe, cùng với trọn cả giáo hội, (lắng nghe) lời và ý muốn của Chúa, và để Chúa hướng dẫn tôi,   bởi vì  chính Ngài mới là kẻ phải hướng dẫn giáo hội trong giờ phút nầy của lịch sử chúng ta. Thay vì trình bày một chương trình hành động, tôi chỉ muốn đơn sơ giải thích hai dấu chỉ, mà phụng vụ dùng để chỉ việc lãnh nhận thừa tác vụ Phêrô; cả hai dấu chỉ nầy phản ánh cách chính xác điều được công bố trong những bài đọc thánh lễ hôm nay.

Dấu chỉ thứ nhất là Dây Pallium, bằng len, được choàng lên đôi vai tôi. Dấu chỉ rất cổ xưa nầy, mà những vị giám mục Roma mang lấy từ thế kỷ thứ IV đến nay, có thể được nhìn như là hình ảnh của ách Chúa Kitô, mà vị Giám Mục của Roma nầy, người tôi tớ của các tôi tớ của Thiên Chúa, mang lấy trên đôi vai mình. Ách của Thiên Chúa là Thánh Ý Ngài mà chúng ta nhận lãnh. Và Thánh ý của Thiên Chúa đây đối với chúng ta, không phải là gánh nặng bên ngoài, áp đặt trên chúng ta và làm cho chúng ta mất đi tự do. Biết được điều Thiên Chúa muốn, biết được đâu là con đường của sự sống --- đó đã là niềm vui của dân Isrtael, là đặc ân to lớn của họ. Ðây cũng là niềm vui của chúng ta: thánh ý của Thiên Chúa không làm cho chúng ta bị vong thân, nhưng thanh luyện chúng ta --- có thể trong cách thức làm chúng ta đau khổ --- và như thế dẫn đưa chúng ta trở về với chính mình. Như thế, chúng ta không chỉ phục vụ cho Chúa, nhưng phục vụ cho sự cứu rỗi của trọn cả thế gian, của trọn cả lịch sử. Thực ra, biểu tượng Dây Pallium còn mang tính cách cụ thể hơn nữa: len từ con chiên có ý nhắc đến con chiên bị lạc mất, hay con chiên bị đau hay con chiên yếu kém, mà vị chủ chăn vác trên vai và đưa về nguồn nước ban sự sống. Chuyện dụ ngôn về con chiên bị lạc mất, mà vị chủ chăn đi tìm trong sa mạc, đối với các Giáo Phụ, là hình ảnh cho mầu nhiệm Chúa Kitô và Giáo Hội. Nhân loại --- tất cả chúng ta --- là con chiên bị lạc mất, con chiên không tìm được đường đi trong sa mạc. Con Thiên Chúa không chấp nhận để như vậy; Con Thiên Chúa không thể bỏ rơi nhân loại trong một tình trạng đáng thương như vậy. Người đứng lên, từ bỏ vinh quang trên trời, để tìm gặp lại con chiên lạc và đi theo con chiên đó cho đến Thập giá. Người vác nó trên vai, Người mang lấy nhân loại chúng ta, mang lấy chính chúng ta; Người là vị chủ chăn nhân lành, hiến dâng mạng sống mình cho đoàn chiên. Dây choàng Pallium trước hết nói cho chúng ta biết rằng tất cả chúng ta đều được Chúa Kitô vác lấy. Nhưng đồng thời dây Pallium nầy mời gọi chúng ta hãy vác lẫn nhau. Như thế, dây Pallium trở nên biểu tượng cho sứ mạng của vị chủ vhăn, mà bài đọc thứ hai và bài phúc âm nói đến. Mối lo lắng thánh thiện của Chúa Kitô phải linh động người mục tử: người mục tử không lãnh đạm trước sự kiện biết bao người sống trong sa mạc. Và có biết bao hình thức sa mạc. Có sa mạc của sự nghèo cùng, sa mạc của nạn đói và khát, có sa mạc của sự bỏ rơi, của cô đơn, của tình yêu bị phá tan. Có sa mạc của sự mờ tối về Thiên Chúa, của sự trống vắng nơi các tâm hồn không còn ý thức về phẩm giá và về cuộc hành trình của con người. Những sa mạc bên ngoài gia tăng trên thế giới, bởi vì những sa mạc nội tâm đã trở nên rộng lớn hơn. Vì thế, những kho tàng của trái đất không còn phục vụ cho việc xây dựng ngôi vườn của Thiên Chúa, trong đó tất cả có thể sống, nhưng bị bắt làm nô lệ cho những quyền lực lạm dụng và tàn phá. Giáo Hội trong toàn thể của nó, và những vị chủ chăn trong đó, giống như Chúa Kitô, cần phải lên đường, để hướng dẫn con người ra khỏi sa mạc, má tiến đến nơi của sự sống, đến tình bằng hữu với Con Thiên Chúa, đến với Ðấng trao ban cho chúng ta sự sống, sự sống trọn đầy. Biểu tượng con chiên còn có một khía cạnh khác nữa. Trong vùng Ðông Phương thời cổ, có thói quen các nhà vua coi mình như là những vị chủ chăn của dân. Ðây là hình ảnh cho quyền hành của họ, một hình ảnh coi thường kẻ khác: dân chúng là như những con chiên, mà vị chủ chăn có thể sử dụng tùy ý thích. Trong khi đó Thiên Chúa hằng sống, vị chủ chăn của tất cả mọi người, đã trở thành con chiên, đứng về phía những con chiên, của những ai bị chà đạp và bị giết chết. Chính như thế mà Thiên Chúa mạc khải mình như là vị chủ chăn đích thực: "Ta là chủ chăn nhân lành. Ta hiến mạng sống mình cho các chiên Ta", Chúa Giêsu nói về chính mình như vậy (Gn 10,14tt). Không phải quyền lực có sức cứu rỗi, mà là tình yêu thương! Ðây là dấu chỉ của Thiên Chúa: chính Ngài là Tình Thương. Biết bao lần chúng ta có lẽ cũng ao ước Thiên Chúa mạc khải chính mình một cách mạnh mẽ hơn. Chúng ta ao ước Thiên Chúa đánh xuống thật đau, làm cho sự dữ phải thảm bại và tạo dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Tất cả những ý thức hệ của quyền lực  đều tự biện hộ như thế, biện hộ cho việc phá hủy những gì xem ra như nghịch lại tiến bộ, nghịch lại sự giải phóng nhân loại. Chúng ta đau khổ vì sự nhẫn nại của Thiên Chúa. Nhưng tất cả chúng ta lại cần đến sự kiên nhẫn của Ngài. Thiên Chúa, đấng trở thành con chiên, nói với chúng ta rằng thế gian được cứu rỗi bởi Ðấng đã chịu đóng đinh, chớ không phải bởi những kẻ đóng đinh. Thế gian được cứu rỗi nhờ bởi sự nhẫn nại của Thiên Chúa, và thế gian bị phá hủy bởi sự không kiên nhẫn của con người.

Một trong những đặc tính căn bản của chủ chăn phải là yêu thương những người đã được trao phó cho, yêu thương giống như Chúa Kitô yêu thương họ, Chúa Kitô mà vị chủ chăn phục vụ. "Hãy chăn những con chiên của Thầy", Chúa Kitô đã nói với tông đồ Phêrô như thế, và Chúa nói với tôi như vậy trong lúc nầy. Chăn chiên có nghĩa là yêu thương, và yêu thương có nghĩa là sẵn sàng chịu đau khổ. Yêu thương có nghĩa là: trao ban cho những con chiên điều thiện hảo đích thực, là cung cấp của ăn sự thật của Thiên Chúa, là Lời Chúa, là sự hiện diện của Chúa, mà Chúa ban cho chúng ta trong Bí Tích Rất Thánh. Thưa các bạn thân mến, trong giây phút nầy, tôi chỉ có thể nói như sau: hãy cầu nguyện cho tôi, ngõ hầu tôi có thể học biết yêu thương Chúa mỗi ngày một hơn. Hãy cầu nguyện cho tôi, ngõ hầu tôi có thể học biết yêu thương mỗi ngày một hơn đoàn chiên Chúa, là anh chị em, là Giáo Hội, là từng người anh chị em cách riêng và tất cả anh chị em nói chung. Xin hãy cầu nguyện cho tôi, ngõ hầu tôi không chạy trốn, vì lo sợ, trước những chó sói. Chúng ta hãy cầu nguyện cho nhau, ngõ hầu Chúa nâng đỡ chúng ta và chúng ta học biết nâng đỡ nhau.

Dấu chỉ thứ hai, được dùng để nói lên việc lãnh nhận Thừa Tác Vụ Phêrô trong phụng vụ hôm nay, là việc trao chiếc nhẫn ngư phủ. Lời mời gọi Phêrô làm chủ chăn, mà chúng ta vừa nghe trong Phúc âm hôm nay, tiếp theo bài tường thuật về vụ lưới được tràn đầy cá: sau một đêm họ thả lưới mà không có kết quả nào, các môn đệ nhìn thấy Chúa Phục Sinh đứng trên bờ. Ngài ra lệnh cho các ông hãy trở lại thả lưới một lần nữa, và đây lưới được thật đầy cá đến độ họ không thể kéo lên; 153 con cá to; "Và cho dù được thật nhiều cá như vậy, mà lưới không bị rách" (Gn 21,11). Bài tường thuật nầy, --- vào lúc kết thúc cuộc hành hương trên trần gian của Chúa Giêsu với các môn đệ, --- phù hợp với bài tường thuật lúc ban đầu: lúc đó cũng vậy, các môn đệ đã không bắt được con cá nào suốt cả đêm; và lúc đó cũng vậy, Chúa đã gọi Simon hãy ra khơi thả lưới một lần nữa. Và Simon, --- lúc đó chưa được gọi là Phêrô --- đã trả lời cách đáng khâm phục như sau: "Thưa Thầy, vâng theo lời Thầy, con sẽ thả lưới!" Và sau đó là việc trao ban sứ  mạng: "Ðừng sợ! Từ nay, con sẽ là kẻ lưới cá con  người" (Lcx 5,1-11). Ngày hôm nay, cũng được nói cho Giáo Hội và cho những ai kế vị các tông đồ rằng hãy ra khơi trong đại dương của lịch sử và hãy thả lưới, để thu phục con người về với Phúc Âm, --- về với Thiên Chúa, về với Chúa Kitô, về với sự sống thật. Các giáo phụ đã dành một giải thích thật đặc biệt cho trách vụ riêng biệt nầy. Các giáo phụ đã nói như sau: đối với con cá, được tạo dựng để sống trong nước, nó sẽ chết, nếu bị đưa ra khỏi đại dương. Cá được bắt ra khỏi môi trường sống của nó, để làm lương  thực cho con người. Nhưng trong sứ mạng của kẻ lưới cá con nguời, thì điều ngược lại xảy ra. Là con người, chúng ta sống bị vong thân, trong nước mặn của khổ đau và sự chết; trong đại dương bóng tối không có ánh sáng. Lưới Phúc Âm bắt đưa chúng ta ra khỏi những dòng nước của sự chết và đưa chúng ta vào trong vinh quang của ánh sáng Chúa, trong sự sống đích thực. Và đúng thật như vậy --- trong sứ mạng của kẻ lưới cá con nguời, theo lệnh Chúa Kitô truyền, thì cần phải đưa con người ra khỏi biển mặn của tất cả mọi thứ vong thân, tiến tới vùng đất của sự sống, đến ánh sáng của Thiên Chúa. Ðúng là như thế: chúng ta hiện hữu để chỉ cho con người nhìn thấy Thiên Chúa. Và chỉ nơi nào người ta nhìn thấy Thiên Chúa, thì ở đó mới thật sự bắt đầu sự sống. Chỉ khi nào chúng ta gặp Thiên Chúa hằng sống nơi Chúa Kitô, thì chúng ta biết được sự sống là gì. Chúng ta không phải là một sản phẩm ngẫu nhiên và không có ý nghĩa gì của sự tiến hóa. Mỗi người trong chúng ta là hoa trái của một ý tưởng Thiên Chúa. Mỗi người chúng ta đều được muốn có, mỗi người chúng ta đều được yêu thương, mỗi người chúng ta là cần thiết. Không có gì tốt đẹp hơn cho chúng ta bằng việc được Phúc âm, được Chúa Kitô chạm đến và thức tỉnh. Không có gì tốt đẹp hơn việc biết Chúa và thông truyền cho kẻ khác tình bằng hữu với Chúa. Trách vụ của vị chủ chăn, của kẻ lưới cá con người thường có thể xem ra cực nhọc. Nhưng là một trách vụ tốt đẹp và cao cả, bởi vì xét cho cùng trách vụ đó phục vụ cho niềm vui, cho niềm vui của Thiên Chúa, Ðấng muốn bước vào trong thế gian.

Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh một điều: trong hình ảnh của vị chủ chăn cũng như trong hình ảnh người lưới cá, đều có phát xuất một cách thật rõ ràng lời kêu gọi tiến đến sự hiệp nhất. "Thầy còn có những con chiên khác nữa chưa thuộc về ràng. Thầy phải dẫn những con chiên đó trở về; chúng sẽ nghe tiếng Thầy và chúng sẽ trở thành một đoàn chiên và một chủ chăn mà thôi" (Gn 10,16), Chúa Giêsu nói như thế vào cuối bài diễn văn về người chăn chiên nhân lành. Và bài tường thuật về 153 con cá lớn, kết thúc bằng nhận định đầy vui mừng như sau: "Cho dù có thật nhiều cá, nhưng lưới không bị rách" (Gn 21,11) Buồn thay, thưa Chúa yêu dấu, tấm lưới cá đó giờ đây đã bị rách! Có lẽ chúng ta nói lên điều nầy với tâm hồn ưu buồn. Nhưng không, chúng ta không nên buồn. Chúng con vui mừng lên vì lời hứa của Chúa, lời hứa không làm thất vọng, và chúng con làm tất cả những gì có thể, để đi trên con đường tiến đến sự hiệp nhất mà Chúa đã hứa. Chúng ta nhớ đến lời hứa nầy trong lời cầu nguyện dâng lên Chúa, như những kẻ van xin: Phải, Lạy Chúa, xin hãy nhớ lại tất cả những gì Chúa đã hứa. Xin hãy làm sao cho chúng con được trở thành một chủ chăn và một đoàn chiên. Xin đừng để cho lưới cá của Chúa bị rách đi, và xin hãy giúp chúng con trở thành những người tôi tớ của sự hiệp nhất!

"Trong giây phút nầy, tâm trí tôi trở lại với ngày 22 tháng 10 năm 1978, khi đức Gioan Phaolô II bắt đầu thừa tác vụ của ngài tại quảng trường thánh Phêrô nầy. Những lời của ngài trong dịp đó giờ vẫn luôn vang lên bên tai tôi: "Xin đừng sợ! Hãy mở rộng các cửa cho Chúa Kitô!" Ðức Gioan Phaolô II lúc đó ngỏ lời với người quyền thế, với kẻ có sức mạnh trên thế giới nầy, những kẻ lo sợ Chúa Kitô có thể đến lấy đi mất điều gì đó ra khỏi quyền lực của họ, nếu như họ để cho Chúa Kitô ngự vào, nếu như họ cho phép đức tin được tự do. Phải, chắc chắn Chúa Kitô lấy đi điều gì đó khỏi họ: ngài lấy đi sự thống trị của tham nhũng, lấy đi việc lèo lái luật pháp và sự tự do muốn làm gì tùy ý. Nhưng Chúa Kitô không lấy đi bất cứ điều gì có liên quan đến phẩm giá hay sự tự do của con người hoặc liên quan đến việc xây dựng một xã hội công bằng. Ðức Gioan Phaolô II lúc đó cũng ngỏ lòi với mọi người, nhất là những người trẻ. Thử hỏi chúng ta chẳng lẽ không lo sợ cách nầy hay cách khác hay sao? Nếu chúng ta để cho Chúa Kitô bước vào cách trọn vẹn trong đời sống chúng ta, nếu chúng ta mở rộng hoàn toàn chính mình để tiếp rước ngài, thì thử hỏi chúng ta có sợ rằng Ngài sẽ lấy đi điều gì đó ra khỏi chúng ta hay không? Cóù thể chúng ta đang lo sợ phải bỏ đi điều gì đó có ý nghĩa, điều gì đó duy nhất, điều gì đó làm cho cuộc sống nầy trở nên tươi đẹp, có phải vậy không? Liệu chúng ta không liều gặp phải hậu quả nầy là thấy mình sống trong buồn phiền và thiếu vắng sự tự do hay không? Và đây, một lần nữa, Ðức Gioan Phaolô II nói với chúng ta rằng: Không! Ai chấp nhận cho Chúa Kitô bước vào trong cuộc đời họ, thì người đó không mất đi điều gì cả, tuyệt đối không mất điều gì làm cho cuộc đời được tự do, tươi đẹp và cao cả. Không! Chỉ trong tình bạn với Chúa Kitô nầy mà các cửa sự sống được mở rộng ra. Chỉ trong tình bạn với Chúa nầy mà những khả năng to lớn của cuộc sống con người được thể hiện đích thực. Chỉ trong tình bạn với Chúa nầy mà chúng ta cảm nghiệm được điều gì là tươi đẹp và điều gì là tự do. Như thế, thưa các bạn trẻ thân mến, ngày hôm nay, với sức mạnh cao cả và với niềm xác tín to lớn, dựa trên những năm dài kinh nghiệm cá nhân về cuộc sống, Cha nói với chúng con rằng: chúng con đừng sợ Chúa Kitô. Chúa không đến lấy mất đi điều gì cả, nhưng ban cho đủ mọi sự. Ai hiến thân cho Chúa, thì được nhận gấp trăm. Phải, hãy mở ra, hãy mở rộng mọi Cửa cho Chúa Kitô, và chúng con sẽ gặp được sự sống thật. Amen.

 

(Ðặng Thế Dũng chuyển dịch Việt Ngữ theo nguyên bản tiếng Ý)


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page