Vài Nhận định của ÐTC Gioan Phaolô II

về sự Tự Do Tôn Giáo

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Vài Nhận định của ÐTC Gioan Phaolô II về sự Tự Do Tôn Giáo.

(Radio Veritas Asia 14/01/2005) - Quý vị và các bạn thân mến. Chúng ta đã theo dõi cách tổng quát về những điểm nội dung chính trong bài diễn văn của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II cho ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh, nhân lần gặp gỡ hôm thứ Hai, mùng 10 tháng Giêng năm 2005, để trao đổi những lời chúc đầu năm. Hôm nay, mục thời sự xin trích lại nguyên văn đoạn cuối cùng của bài diễn văn nầy, trong đó ÐTC nói về sự tự do tôn giáo, một trong bốn thách thức chính đã được ÐTC nhắc đến. ÐTC đặt sự tự do tôn giáo trong khung cảnh của sự tự do mà mọi người có quyền hưởng. ÐTC đã nói như sau:

 

"Giờ đây, tôi muốn nói đến một thách thức khác nữa: thách thức của sự tự do. Thưa quý vị đại sứ, quý vị biết rõ đề tài về sự tự do là đề tài rất thân yêu đối với tôi, nhất là vì lịch sử của chính dân tộc BaLan của tôi; nhưng đề tài nầy cũng rất thân yêu đối với quý vị, là những kẻ, do bởi trách vụ ngoại giao, rất gắn bó với sự tự do của các dân nước mà quý vị đại diện cho và quý vị cũng rất quan tâm bảo vệ sự tự do nầy. Sự tự do trước hết là một quyền lợi của cá nhân. Như Tuyên Ngôn Quốc Tế về Nhân Quyền nói lên cách mạnh mẽ nơi điều khoản thứ 1, "tất cả mọi người sinh ra là những con người tự do và bằng nhau trong phẩm vị và trong những quyền lợi." Nơi điều khoản thứ 3, Tuyên Ngôn viết như sau: "Mọi người đều có quyền sống, quyền được tự do và an ninh bản thân." Chắc rằng, sự tự do của các Quốc Gia là hết sức thiêng thánh, bởi vì những quốc gia đó phải là những quốc gia tự do, và nhất là để có thể chu toàn một cách thích hợp bổn phận tiên quyết phải bảo vệ, ngoài sự sống ra, (bảo vệ) sự tự do của những công dân, trong tất cả những thể hiện đúng của nó. Sự tự do là một điều thiện hảo to lớn, bởi vì, nếu không có nó, con người không thể nào thực hiện chính mình một cách xứng hợp với bản tính con người của mình. Sự tự do là ánh sáng, nó cho phép chúng ta chọn lựa một cách có trách nhiệm những mục tiêu và con đường để đạt đến những mục tiêu đó. Tại nơi sâu thẳm nhất của tự do con người, người ta gặp thấy quyền tự do tôn giáo, bởi vì nó có liên hệ đến tương quan thiết yếu nhất của con người: là tương quan với Thiên Chúa. Sự tự do tôn giáo cũng được bảo đảm, một cách hiển nhiên, trong bản Tuyên Ngôn Quốc Tế vừa được nhắc đến trên đây. (x. số 19). Như quý vị tất cả đã biết rõ, sự tự do tôn giáo cũng đã được Công Ðồng Vaticanô II công bố cách long trọng trong tuyên ngôn có tựa đề bằng những từ đầy ý nghĩa là: tuyên ngôn về "Phẩm giá con người".

Tại nhiều quốc gia, sự tự do tôn giáo vẫn còn là một quyền lợi không được nhìn nhận cách đầy đủ, hoặc chưa được tôn trọng cách tương xứng. Người ta không thể nào dẹp bỏ khát vọng về tự do tôn giáo. Bao lâu con nguời còn sống, thì bấy lâu khát vọng đó trở nên sống động và khẩn thiết mỗi ngày một hơn. Chính vì thế mà ngày hôm nay, tôi muốn nói lên lời mời gọi mà giáo hội đã từng nói lên nhiều lần, như sau: "Khắp nơi trên mặt đất nầy, sự tự do tôn giáo cần phải được bảo đảm, nhờ bởi một sự bảo vệ hữu hiệu trên bình diện pháp lý, và rằng cần phải được tôn trọng bổn phận và quyền lợi cuối cùng mà tất cả mọi người đều có để chu toàn sinh họat tôn giáo của mình cách tự do trong xã hội (trích Tuyên Ngôn của công đồng Vaticanô II về tự do tôn giáo").

Người ta không nên sợ rằng sự tự do tôn giáo đúng đắn sẽ giới hạn những sự tự do khác, hay làm hại cho những tương quan giữa lòng xã hội. Ngược lại, chính nhờ sự tự do tôn giáo, mà mọi sự tự do khác được phát triển và được nở hoa: bởi vì sự tự do là một điều thiện hảo không thể nào phân chia ra được, một điều thiện thảo thuộc về ngôi vị và phẩm giá của con người. Người ta cũng không nên lo sợ rằng sự tự do tôn giáo, một khi được nhìn nhận cho giáo hội công giáo, sẽ dẫm chân vào lãnh vực của sự tự do chính trị và những chuyên môn riêng của Nhà Nước: Giáo Hội biết phân biệt rõ ràng, --- và đây cũng là bổn phận của giáo Hội --- (phân biệt rõ) điều gì thuộc về Cesar và điều gì thuộc về Thiên Chúa (x. Mt 22,21); giáo hội cộng tác tích cực vào công ích của xã hội, bởi vì giáo hội khiển trách sự dối trá và giáo dục con người sống theo sự thật; giáo hội lên án hận thù và sự khinh thị; giáo hội mời gọi sống tình huynh đệ; khắp nơi và luôn luôn giáo hội cổ võ những công cuộc bác ái, những khoa học và những nghệ thuật, và người ta có thể nhìn nhận điều nầy cách dễ dàng khi nghiên cứu lịch sử. Giáo Hội chỉ yêu cầu được tự do, để có thể cống hiến việc phục vụ hữu hiệu, là cộng tác với tất cả những dịch vụ công khai và tư nhân mà điều thiện hảo của con người quan tâm đến. Sự tự do chân thật luôn luôn là để chiến thắng điều xấu bằng điều tốt.

 

Quý vị và các bạn thân mến, vừa rồi là vài nhận định của ÐTC Gioan Phaolô II về sự tự do tôn giáo. Hẹn gặp lại quý vị và các bạn.

 

(Ðặng Thế Dũng)


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page