Những phản ứng đối với sự qua đời

của Ðức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Những phản ứng đối với sự qua đời của Ðức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II (bài 2).

(Radio Veritas Asia 4/04/2005) - Trong thời gian "Trống Tòa" tại ngai tòa thánh Phêrô ở Roma, nghĩa là từ giây phút Ðức Gioan Phaolô II qua đời và được xác nhận cách chính thức, cho đến lúc chọn được vị Tân Giáo Hoàng Kế Vị, thì Ðức Hồng Y Nhiếp Chính Eduardo Martinez Somalo, người Tây Ban Nha, là vị chịu trách nhiệm điều hành Giáo Hội, nhưng không có quyền như một vị giáo hoàng. Với sự trợ giúp của các vị Hồng Y, được thể hiện qua những "Công Nghị Hồng Y" --- mà công nghị Hồng Y đầu tiên, sau khi Ðức Gioan Phaolô II qua đời, là công nghị sẽ được triệu tập vào Sáng Thứ Hai mùng 4 tháng 4 năm 2005, --- Ðức Hồng Y Nhiếp Chính đang phải lo điều hành hai việc quan trọng sau đây:

- Lễ An Táng Ðức Gioan Phaolô II

- và Việc Tổ Chức "Mật Viện" để bầu vị Tân Giáo Hoàng.

Trong "Công Nghị Hồng Y" vào sáng thứ Hai mùng 4 tháng 4 năm 2005, các vị Hồng Y có mặt sẽ phải "thị thực" sự kiện Ðức Hồng Y Nhiếp Chính đã hủy đi "chiếc nhẫn giáo hoàng", --- được gọi bằng danh từ chuyên môn "chiếc nhẫn của người đánh cá" --- và con dấu của Ðức Gioan Phaolô II. Việc làm nầy muốn nói lên ý nghĩa là triều giáo hoàng của đức Gioan Phaolô II thật sự đã chấm đứt với cái chết của ngài. Công Nghị Hồng Y vào sáng thứ Hai mùng 4 tháng 4 năm 2005, sẽ phải đọc tất cả những thư hay tài liệu mà Ðức Cố Gioan Phaolô II đã để lại cho họ. Dĩ nhiên trong số những thư hay tài liệu để lại, sẽ có chúc thư của ÐTC Gioan Phaolô II, để biết xem phải an táng Ðức Gioan Phaolô II tại đâu, ở Ðền Thờ Thánh Phêrô, Roma, như thông lệ, hay là tại quê hương BaLan. Theo nguồn tin từ BaLan, thì Ðức Gioan Phaolô II đã có lần cho biết nguyện vọng được an táng bên cạnh phần mộ của song thân ngài, tại Wadovice, gần Crakovia, BaLan. Theo nguồn tin của hãng AFP, được phổ biến vào chiều Chúa Nhật mùng 3 tháng 4 năm 2005, thì chính phủ Ý ước lượng trước là sẽ có khoảng 2 triệu người tham dự Lễ An Táng Ðức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ngày giờ của Thánh Lễ An Táng nầy, cho đến giây phút nầy, chưa được quyết định và công bố. Theo quy định đã được chính Ðức Gioan Phaolô II thiết lập và công bố vào năm 1996, thì Lễ An Táng phải được tổ chức trong vòng khoảng từ 4 đến 6 ngày sau khi Ðức Giáo Hoàng qua đời.

Vài phản ứng khắp nơi sau khi được tin ÐTC Gioan Phaolô II qua đời:

- Tại Anh Quốc: Cũng theo nguồn tin của hãng tin AFP, thì tổng cộng đã có hàng triệu tín hữu công giáo tại Anh Quốc tuôn đến các nhà nhờ để tham dự thánh lễ trong ngày Chúa Nhật mùng 3 tháng 4 năm 2005,  để cầu nguyện cho Ðức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ðức Hồng Y Cormac Murphy O'Connor chủ tế Thánh Lễ tại Nhà Thờ Chính Tòa Westminter ở Luân Ðôn để cầu nguyện cho ÐTC, và sau đó Nhà Thờ Chính Tòa nầy được mở cửa suốt đêm để đón nhận dòng thác các tín hữu tuôn về Nhà Thờ để đốt lên ngọn nến trước bức hình của ÐTC Gioan Phaolô II và cầu nguyện cho ngài.

Phần thủ tướng Anh Quốc, Ông Tony Blair, đã lên tiếng ca ngợi Ðức Gioan Phaolô II như là một "con người đáng phục" suốt đời bênh vực cho sự công bằng và chống lại mọi đàn áp. Ông nói như sau: "Thế giới đã mất đi một vị lãnh đạo tôn giáo được mọi người thuộc mọi niềm tin và cả không có niềm tin, tôn trọng. Ngài là một sự khởi hứng, một con người có niềm tin ngoại thường, một con người can đảm và đáng phục. Nữ Hoàng Elisabeth II nói lên niềm ưu buồn sâu xa và ca ngợi Ðức Gioan Phaolô II vì đã cổ võ cho sự hiệp nhất Kitô và cổ võ những liên lạc gần gủi hơn giữa Giáo Hội Công Giáo Roma và các Giáo Hội Anh Giáo. Ðức Tổng Giám Mục Anh Giáo Rowan Williams, Tổng Giám Mục Canterbury, đã nói đến Ðức Cố Gioan Phaolô II như là "một người bạn trung thành và đầy tinh thần cầu nguyện" của 70 triệu tín hữu Anh Giáo.

- Tại Giêrusalem, thủ tướng Do thái, Ông Ariel Sharon, đã nhắc đến Ðức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II như là người bạn đích thực của dân Do Thái cũng như của Quốc Gia Israel. Ông nhận định thêm như sau: "Ðức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II là con người của hòa bình, một người bạn của dân Do thái; ngài nhìn nhận tính cách đặc biệt của dân Do Thái và đã cố gắng hoạt động để hòa giải các dân tộc. Thế giới đã mất đi một trong những vị lãnh đạo nổi tiếng của thời đại chúng ta." Ðược biết thủ tướng Do Thái, Ông Sharon, đã gặp Ðức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II lần đầu tiên, vào năm 1999, lúc còn giữ chức vụ ngoại trưởng trong chính phủ Israel. Mặc dù đôi khi Ðức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II lên tiếng mạnh mẽ phê bình chính sách của Israel chiếm đóng Phần Ðất Tây Ngạn và Dãi Gaza, nhưng nhiều người Do Thái hết sức tôn trọng ngài; họ nhắc lại chuyến viếng thăm Thánh Ðịa của ngài vào năm 2000, và đã xin dân chúng Do Thái tha thứ cho những tội ác chống lại họ đã được thực hiện nhân danh Giáo Hội. Phần Ðức Gioan Phaolô II, trong chuyến viếng thăm Thánh Ðịa, ngài đã dừng lại thăm Bức Tường Than Khóc tại Giêrusalem, và đã lên tiếng trách việc Ðức Quốc Xã tận diệt khoảng 6 triệu người do thái. Tòa Thánh Vatican và Israel đã ký hiệp ước mở liên lạc ngoại giao với nhau, vào tháng 12 năm 2003. Ðức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II là vị giáo hoàng đầu tiên đến viếng thăm Hội Ðường Do Thái.

(còn tiếp)

 

(Ðặng Thế Dũng)


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page