Nhật ký một chuyến đi

(lễ An Táng Ðức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II

và Mật Viện Bầu Tân Giáo Hoàng Benedictô XVI)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Nhật ký một chuyến đi

Từ ngày 1 đến ngày 8 tháng 3 năm 2005, tôi có mặt ở Rôma để tham dự cuộc họp của Bộ Phụng Tự và lo một số công việc cho giáo phận nhà. Trong thời gian này, tôi được biết sức khoẻ của Ðức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II có những dấu hiệu suy yếu khá trầm trọng, và ngài đã được đưa vào bệnh viện để điều trị. Dù biết thế nhưng lúc 3giờ 30 sáng Việt Nam ngày Chúa nhật 3.4.2005, khi hay tin Ðức Giáo Hoàng vừa từ trần cách đó một giờ, tôi vẫn cảm thấy bàng hoàng như thể vừa mất mát một điều gì rất to lớn. Trong nhiều năm, Ðức Gioan Phaolô II đã là nguồn cảm hứng cho tôi, cho đời sống cá nhân cũng như cho trách nhiệm làm giám đốc chủng viện và sau này làm giám mục. Mối quan hệ của tôi với ngài lại càng gần gũi hơn nữa khi ngài tín nhiệm trao Pallium cho tôi ngày 29.6.1998, và trao mũ và nhẫn Hồng Y cho tôi ngày 21 và 22.10.2003, cũng như qua những lần tiếp xúc cá nhân. Vì thế, sự ra đi của ngài để lại một khoảng trống không dễ lấp đầy. Cũng vì thế, vừa được tin ngài từ trần, tôi đã vội vã thu xếp công việc để lên đường sang Rôma, vừa để cùng với các Hồng Y lo việc tổ chức tang lễ cho Ðức Cố Giáo Hoàng, vừa để chuẩn bị cho việc bầu vị Giáo Hoàng mới và dự lễ đăng quang của ngài.

Ðây quả là những biến cố lớn trong đời sống Giáo hội vào những năm đầu của thế kỷ 21. Do đó, tôi muốn ghi lại đôi dòng về chuyến đi lịch sử này và gởi đến mọi người Công giáo Việt Nam, để anh chị em đồng cảm với Giáo Hội trong nỗi buồn cũng như niềm vui, âu lo cũng như hi vọng, và để tất cả chúng ta một lần nữa khám phá sự hiện diện kỳ diệu của Thiên Chúa trong Giáo hội cũng như trong thế giới.

Phần 1

Ðể Tưởng Nhớ Ðức Gioan Phaolô II

Thứ Tư 6.4.2005

Sáng sớm ngày 6.4.2005, vừa tới phi trường Fiumicino, Rôma, tôi được thông báo là phải thay đổi chỗ trọ. Thay vì ở tại ngôi nhà quen thuộc với một số giám mục Việt Nam, tôi được đưa tới Trung Tâm Quốc Tế về Linh Hoạt Truyền Giáo (Centre International d'Animation Missionnaire, viết tắt CIAM) ngay sát Vatican, để có thể thường xuyên tham dự những cuộc họp hằng ngày của Hồng Y đoàn trong những ngày này. Không thể không nhắc đến ở đây sự quan tâm đặc biệt ân cần của Ðức Hồng Y Sepe, Tổng trưởng Bộ Truyền Giảng Tin Mừng. Chính ngài là người đã sắp xếp nơi ăn chốn ở, hơn thế nữa hằng ngày còn đích thân đánh xe đến đưa tôi đi họp.

Vừa ổn định chỗ trọ xong, tôi phải đi họp ngay vào lúc 10 giờ. Theo quy định của Giáo Hội, khi Ðức Giáo Hoàng qua đời và Phủ Tông Toà trống ngôi, thì việc cai quản Giáo Hội cũng như quốc gia Vatican được thực hiện qua hai loại cuộc họp: (1) cuộc họp của Ðức Hồng Y nhiếp chính (lần vừa rồi là Ðức Hồng Y Eduardo Somalo Martinez) và 3 Hồng Y của 3 bậc Giám mục, Linh mục, và Phó tế; (2) các Hội Nghị (congrégation) do Ðức Hồng Y Niên trưởng chủ toạ, cùng với sự tham dự của tất cả Hồng Y đoàn, kể cả các vị ngoài 80 tuổi. Những cuộc họp mà tôi tham dự là những hội nghị của tất cả Hồng Y đoàn. Những hội nghị này đã được bắt đầu từ ngày 4.4.2005, nhưng vì đến muộn, nên tôi chỉ bắt đầu tham dự kể từ ngày 6.4.2005, tức là Hội nghị IV. Tất cả các Hồng Y tham dự những cuộc họp này đều phải đặt tay lên Sách Thánh và đọc lời thề bằng tiếng La Tinh với nội dung chính là hứa sẽ giữ bí mật về các điều bàn thảo trong hội nghị. Văn phòng báo chí của Toà Thánh sẽ chỉ loan báo những tin tức được phép công bố mà thôi.

Hội nghị ngày 6.4.2005 do Ðức Hồng Y Joseph Ratzinger, niên trưởng của Hồng Y đoàn, chủ toạ với sự tham dự của 116 Hồng Y. Trong hội nghị này, các Hồng Y được thông báo về việc các phái đoàn của các quốc gia, các cộng đoàn Kitô giáo khác cũng như các tôn giáo ngoài Kitô giáo sẽ đến dự lễ tang. Sau đó, chúng tôi bàn về Tuần Cửu nhật cầu nguyện cho Ðức Thánh Cha và nghe đọc chúc thư của ngài. Ðồng thời, chúng tôi cũng xác định ngày bắt đầu Mật Viện (bầu Giáo Hoàng mới) sẽ là ngày 18.4.2005, với Thánh Lễ ban sáng cầu nguyện cho việc bầu Giáo Hoàng, sau đó sẽ đi vào Nhà nguyện Sixtina để tiến hành việc bầu Giáo hoàng.

Vào buổi chiều ngày 6.4.2005, tôi hướng dẫn phái đoàn các linh mục, tu sĩ Việt Nam đang tu học tại Rôma vào Ðền Thánh Phêrô để viếng thi hài Ðức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Trong những ngày này, cả triệu người từ khắp nơi trên thế giới đổ về Rôma với ước mong được nhìn thấy Ðức Thánh Cha lần cuối và để tham dự lễ tang của ngài. Vì thế, không những quảng trường Thánh Phêrô và đại lộ Hoà Giải (đường dẫn vào quảng trường) mà cả nhiều con đường khác tại Rôma đều chật kín khách hành hương. Người ta phải xếp hàng trung bình từ 8 đến 12 giờ mới vào được bên trong Ðền Thờ, và cũng chỉ được đi chung quanh nơi quàn thi hài Ðức Thánh Cha một lần, vừa đi vừa thầm thĩ cầu nguyện. Ðiều đặc biệt đáng nói là phần lớn khách hành hương lại là những người trẻ. Thế mới biết là Ðức Cố Giáo Hoàng đã để lại dấu ấn lớn lao như thế nào trong tâm hồn các tín hữu, nhất là các bạn trẻ.

Ðược một Hồng Y chính thức hướng dẫn, phái đoàn Việt Nam không phải xếp hàng lâu nhưng được đi theo một lối riêng, và khi đã vào trong, lại được đứng tại chỗ lâu hơn để chiêm ngắm Ðức Thánh Cha và cầu nguyện. Giây phút đó, quỳ gần bên thi hài Ðức Thánh Cha, tôi nhớ đến lời ngài đã nói lần nào đó với một đoàn tín hữu Việt Nam: "Việt Nam ở trong trái tim của Cha." Việt Nam ở trong trái tim Ðức Gioan Phaolô II, nhưng bây giờ ngài đã ra đi thì Việt Nam ở đâu, tôi tự hỏi. Và tôi chợt nhận ra câu trả lời: Việt Nam đang ở đây, ở giữa Vaticanô, ở giữa lòng Giáo Hội. Rất tình cờ, những ngày này lại là dịp quy tụ nhiều anh chị em Việt Nam từ nhiều nơi đổ về: từ Âu châu, từ Mỹ châu, và từ Việt Nam. Họ đến để tham dự các khoá tu đức và thường huấn, không ngờ lại là dịp quy tụ để thay mặt cho cả Giáo hội Việt Nam, bày tỏ lòng quý mến và thương tiếc Vị Cha chung mới qua đời. Việt Nam đang ở đây, giữa lòng Giáo Hội, được chuyển máu từ trái tim của Mẹ Giáo Hội, hiệp thông chặt chẽ với Thân Mình mầu nhiệm Chúa Kitô, và góp phần xây dựng Nhiệm Thể Chúa từng ngày. Xin tạ ơn Chúa về sự quan phòng kỳ diệu này.

Thứ Năm 7.4.2005

Hội nghị V hôm nay có sự tham dự của 140 Hồng Y. Trong hội nghị này, Hồng Y đoàn đã trao cho Ðức Hồng Y Edmund Casimir Szika trách nhiệm phát hành tiền và tem thư dịp Phủ Tông Toà trống ngôi, đồng thời bàn đến một số vấn đề liên hệ tới Thánh lễ An táng Ðức Cố Giáo Hoàng và việc chôn cất ngài tại Hầm Mộ các Giáo Hoàng tại Ðền thờ Thánh Phêrô. Ngoại giao đoàn đến chia buồn được các Hồng Y đón tiếp vào lúc 10 giờ ngày 13.4.2005. Hội nghị cũng xác định chương trình chi tiết ngày khai mạc Mật Viện: cử hành Thánh Lễ cầu cho việc bầu Giáo Hoàng mới lúc 10 giờ sáng; đến 16g30, các Hồng Y sẽ có mặt tại phòng Benedizione (thay vì Nhà nguyện Paolina) để từ đây rước kiệu tới Nhà nguyện Sixtina là nơi bầu Giáo Hoàng. Sau đó, các Hồng Y cũng bỏ phiếu để chọn hai vị sẽ hướng dẫn suy niệm về trách nhiệm nặng nề trong việc bầu Giáo Hoàng. Hai vị được chọn là cha Raniero Cantalamessa và Ðức Hồng Y Toams Spidlik, S.J.

Chiều hôm nay 7.4.2005, lại một lần nữa, tôi hướng dẫn một phái đoàn Việt Nam đến viếng thi hài Ðức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Phái đoàn gồm trên 50 linh mục, tu sĩ và giáo dân đến từ châu Mỹ, và theo lời đề nghị của tôi, tất cả đều mang khăn tang trắng. Hình ảnh một đoàn người mang khăn tang trắng trên vai đã gây ấn tượng lớn tại Ðền Thờ Thánh Phêrô hôm đó. Các ống kính truyền hình tập trung vào đoàn Việt Nam, và hình ảnh này chắc chắn đã được truyền đến nhiều nơi trên thế giới. Trong văn hoá Việt Nam, khăn tang trắng diễn tả nỗi đau buồn của người còn sống khi người thân qua đời. Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II là người Ba Lan chứ không phải Việt Nam nhưng ngài thực sự là người thân, rất thân, nói cho chính xác hơn nữa, ngài là một người Cha của mỗi tín hữu. Và như thế, ở tự nó, sự hiện diện của chiếc khăn tang trắng giữa lòng Ðền Thánh Phêrô đã nói lên mầu nhiệm Giáo Hội, mầu nhiệm hiệp thông rộng lớn, vượt trên mọi biên giới của quốc gia, ngôn ngữ và chủng tộc. Ðồng thời, sự hiện diện của những chiếc khăn tang trắng cũng nói lên dấu ấn của văn hoá Việt Nam trong đời sống của Giáo hội, một Giáo Hội phổ quát cho mọi dân tộc, nhưng cũng là một Giáo Hội ôm ấp lấy những giá trị và truyền thống văn hoá cao đẹp của mỗi dân tộc, làm nên vườn hoa sống động và tươi thắm của Nước Trời.

Thứ Sáu 8.4.2005

Thánh Lễ An Táng Ðức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II

Sáng hôm nay, quảng trường Thánh Phêrô dường như là một thế giới thu nhỏ. Hầu hết đại diện cấp cao nhất của các quốc gia trên thế giới đều có mặt tại đây. Linh cữu của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II - một cỗ quan tài hết sức đơn sơ và bình dị được đặt sát đất - đã trở thành điểm quy tụ của cả gia đình nhân loại. Còn hình ảnh nào đẹp hơn để diễn tả ý nghĩa của mầu nhiệm Giáo hội là dấu chỉ và khí cụ xây dựng sự hiệp nhất giữa nhân loại với Thiên Chúa cũng như giữa nhân loại với nhau! Còn chứng từ nào thuyết phục hơn để nêu cao sức mạnh yêu thương và hiệp nhất của Tin Mừng!

Trong bài giảng, dựa trên trình thuật Tin Mừng về cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và thánh Phêrô bên biển hồ Tibêria (Ga 21, 15-19), Ðức Hồng Y Niên trưởng Ratzinger đã làm nổi bật chủ đề Theo Chúa xuyên qua cuộc đời Ðức Cố Giáo Hoàng.

Từ một chàng thanh niên say mê văn chương, thi ca và kịch nghệ, Karol Woyztyla đã can đảm giã từ tất cả để đáp lại tiếng gọi của Thầy Giêsu, tu học trong một giai đoạn hết sức khó khăn của đất nước, và cuối cùng lãnh nhận chức linh mục ngày 1.11.1946. Cuộc đời linh mục của cha Karol là lời đáp trả liên lỉ tiếng gọi của Thầy Chí Thánh để trở thành sứ giả Tin Mừng không mệt mỏi, đi đến mọi nơi và làm trổ sinh hoa trái trong triệu tâm hồn (x.Ga 15,16), và để trở thành mục tử tốt lành hiến mạng sống cho đoàn chiên (x. Ga 10,11). Sở dĩ sống được như thế là vì cha Karol đã "ở lại trong tình yêu của Thầy" (Ga 15,9), nhờ đó học được nghệ thuật yêu thương của Thầy Giêsu.

Ðang lúc say mê với công việc nghiên cứu triết học và mục vụ giới trẻ, thì cha Karol Woyztyla lại một lần nữa chấp nhận giã từ những gì mình thích để đáp lại tiếng gọi của Thầy: trở thành giám mục. Quả thật, cha Karol đã sống theo Lời Chúa "Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất, và ai đành mất mạng sống mình thì sẽ giữ được" (Lc 17,33). Cha Karol đã không níu kéo gì lại cho mình nhưng hiến dâng tất cả cho Chúa Kitô, rồi Chúa cho ngài cảm nghiệm rằng chính những gì ngài tưởng như phải mất (văn chương, thi ca, kịch nghệ) thực ra lại đóng góp cách phong phú vào sứ vụ của ngài: rao giảng Tin Mừng đến tận cùng trái đất.

Năm 1978, đáp lại câu hỏi của Thầy Giêsu: "Karol, con có yêu mến Thầy không?" Ðức Hồng Y Karol Woyztyla, Tổng giám mục Cracovia, đã trả lời: "Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy." Và Thầy Giêsu nói: "Hãy chăm sóc chiên của Thầy" (x. Ga 21,17). Tình yêu Chúa Kitô là sức mạnh lớn nhất trong cuộc đời Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II, và sức mạnh đó như một ngọn đuốc toả ra ánh sáng nồng ấm cuốn hút mọi người, nhất là các bạn trẻ.

"Hãy theo Thầy." Ðức Gioan Phaolô II đã theo Thầy suốt cả cuộc đời, và theo Thầy đến đỉnh thập giá. Trong những năm tháng cuối đời, ngài cảm nghiệm từng lời Chúa Kitô đã nói với Phêrô: "Khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn" (Ga 21, 18). Tuy nhiên, Ðức Gioan Phaolô II đã đón nhận mọi đau khổ trong sự hiệp thông sâu xa với Chúa Kitô, và vì thế, chính những đau khổ đó lại trở thành sứ điệp hết sức thuyết phục và ích lợi cho toàn thế giới.

Ðức Hồng Y Niên trưởng đã kết thúc bài giảng bằng một hình ảnh tuyệt vời: "Không ai trong chúng ta có thể quên rằng Chúa nhật Phục Sinh tuần trước, dù đau yếu, Ðức Thánh Cha vẫn đến bên cửa sổ Phủ Tông Toà và một lần nữa ban phép lành cho toàn thế giới urbi et orbi. Chúng ta có thể chắc chắn rằng Ðức Giáo Hoàng yêu quý của chúng ta giờ đây đang đứng bên cửa sổ Nhà Cha trên trời để nhìn chúng ta và chúc lành cho tất cả chúng ta. Vâng, thưa Ðức Thánh Cha, xin Ngài chúc lành cho chúng con."

Cả quảng trường oà lên tiếng vỗ tay vì hạnh phúc. Một kết thúc tuyệt đẹp của hành trình Theo Chúa.

Phần 2

Hướng Ðến Một Giai Ðoạn Mới Của Giáo Hội

Thứ Bảy 9.4.2005

Sau Thánh Lễ An táng Ðức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Hồng Y đoàn đã gặp lại trong Hội nghị VI. Trong dịp này, Ðức Hồng Y Alfonso Lopez Trujillo đã thay mặt Hồng Y đoàn cảm ơn Ðức Hồng Y Niên trưởng và Ðức Hồng Y Nhiếp chính cũng như các cơ quan Toà Thánh đã lo liệu mọi việc trong dịp lễ tang được hết sức tốt đẹp. Ngài cũng cảm ơn Chính quyền Italia và thành Rôma cũng như tất cả các tín hữu hành hương. Sau đó, chúng tôi bàn đến Tuần Cửu nhật để cầu nguyện cho Ðức Cố Giáo Hoàng, đồng thời xác định lại một lần nữa ngày giờ khai mạc Mật Viện bầu Giáo Hoàng mới: 16g30 ngày 18.4.2005. Hồng Y đoàn cũng được lưu ý là thời gian kể từ Lễ An Táng cho đến khi khai mạc Mật Viện phải là thời gian thinh lặng và cầu nguyện, chuẩn bị cho việc thi hành một trách nhiệm hết sức quan trọng đối với toàn thể Giáo Hội. Vì thế, các Hồng Y yêu cầu báo chí và các phương tiện truyền thông không thực hiện những cuộc phỏng vấn vì không thích hợp. Chúng tôi cũng được thông báo về sự vắng mặt của hai Hồng Y vì lý do sức khoẻ: Ðức Hồng Y James Sin (Philippines) và Ðức Hồng Y Adolfo Antonio Suarez Rivera, nguyên Tổng giám mục Monterrey (Mexico).

Chúa nhật 10.4.2005

Thánh Lễ với cộng đoàn Thánh Giustinô

Khi được Ðức Giáo Hoàng chọn vào Hồng Y Ðoàn, mỗi vị Hồng Y được ban cho một tước hiệu gắn với một giáo phận hay một ngôi nhà thờ cổ trong thành Rôma. Khi lãnh mũ Hồng Y, tôi đã được ban tước hiệu gắn với nhà thờ Thánh Giustinô. Vì thế, mỗi lần đến Rôma làm việc, tôi đều cố gắng thu xếp thời giờ đến chào thăm các linh mục sở tại và dâng Thánh Lễ với cộng đoàn. Hôm nay, sau khi đã cử hành Lễ An Táng Ðức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, tôi lại đến nhà thờ thánh Giustinô để cùng với cộng đoàn dâng Thánh Lễ cầu nguyện cho Ngài.

Mỗi lần đến thăm cộng đoàn này, tôi đều cảm nhận mối chân tình và lòng quý mến mỗi ngày một thâm sâu hơn của cộng đoàn dành cho tôi cũng như cho Giáo Hội Việt Nam. Không chỉ là mối quan hệ xã giao, vị linh mục chánh xứ và các linh mục phụ tá cũng như cộng đoàn ở đây còn muốn có những việc làm cụ thể để bày tỏ sự hiệp thông. Vì thế, trong thời gian sắp tới, sẽ có một linh mục trong giáo phận chúng ta đến ở trọ và giúp mục vụ tại đây trong thời gian tu học tại Rôma. Ðây cũng là hình ảnh cụ thể diễn tả tính phổ quát của Giáo Hội Công Giáo. Dù mang quốc tịch khác nhau và thuộc những nền văn hoá khác nhau, tất cả chúng ta đều là anh chị em trong một gia đình duy nhất: gia đình của Thiên Chúa và là Thân Mình mầu nhiệm của Chúa Kitô.

Tuần lễ từ 11 - 16.4.2005

Chuẩn bị cho Mật Viện bầu Giáo Hoàng

Trong suốt tuần lễ này, Hồng Y đoàn tiếp tục làm việc chung mỗi ngày. Mục đích chính là để tìm hiểu kỹ lưỡng nội quy về việc bầu Giáo Hoàng, đồng thời cũng là dịp để các Hồng Y biết nhau cũng như biết tình hình đời sống của các Giáo Hội địa phương nhiều hơn. Vì tầm quan trọng của việc bầu vị Giáo Hoàng mới, nên có rất nhiều chi tiết liên quan đến việc bầu chọn này. Ở đây chỉ xin ghi lại một đôi nét chính yếu để anh chị em biết diễn tiến việc bầu vị Giáo Hoàng mới được tiến hành ra sao.

Theo Tông hiến Universi Dominici Gregis (Ðoàn chiên phổ quát của Chúa) do Ðức Gioan Phaolô II ban hành ngày 22.2.1996, thì phải tổ chức bầu Giáo Hoàng mới trong vòng 15 ngày kể từ khi Ðức Giáo Hoàng trước qua đời, và không được để quá 20 ngày. Cử tri đoàn bầu Giáo Hoàng mới sẽ gồm các vị Hồng Y dưới 80 tuổi (tính đến trước ngày vị Giáo hoàng qua đời), và con số cử tri đoàn sẽ không được quá 120 vị. Như thế, sẽ có 115 Hồng Y tham dự cuộc bầu Giáo Hoàng lần này, hình như đông nhất từ xưa tới nay.

Cuộc họp bầu Giáo Hoàng được gọi là Mật Viện và sẽ được diễn ra tại Nhà nguyện Sixtina. Cử tri đoàn sẽ ở trong nhà trọ mang tên Domus Sanctae Marthae (Nhà của thánh nữ Matta) và sẽ đến Nhà nguyện Sixtina để bỏ phiếu. Hai nơi này phải được tổ chức thế nào để bảo đảm được tính cẩn mật của Mật Viện bầu Giáo Hoàng.

Tại Nhà nguyện Sixtina, các Hồng Y sẽ tuyên thệ. Ðức Hồng Y Niên trưởng sẽ đọc lớn tiếng công thức đã có sẵn. Sau đó, mỗi Hồng Y sẽ tiến lên đặt tay trên Sách Phúc Âm và đọc lời tuyên thệ: "Và con đây, Hồng Y... hiệu toà... con hứa và tuyên thệ như trên. Xin Thiên Chúa và Sách Phúc Âm mà con đang đụng tới đây, giúp con được như vậy." Sau đó, vị Chưởng nghi sẽ tuyên bố "Extra Omnes" tức là mọi người hãy ra khỏi Nhà nguyện Sixtina. Trong Nhà nguyện sẽ chỉ còn lại các Hồng Y, vị Chưởng nghi, và vị được chọn đọc bài suy niệm về trách nhiệm nặng nề khi tham dự việc bầu Giáo Hoàng mới. Xong bài suy niệm, hai vị này cũng sẽ rời Nhà nguyện và sẽ chỉ còn lại các Hồng Y mà thôi.

Việc bầu Giáo Hoàng sẽ theo cách duy nhất là bỏ phiếu kín. Cần phải có 2/3 số phiếu của các vị có mặt, cuộc bỏ phiếu mới thành công; nếu chưa đủ thì phải bầu lại. Mỗi lần bỏ phiếu được tiến hành theo 3 giai đoạn: chuẩn bị và phát phiếu bầu, bỏ phiếu, và kiểm soát phiếu. Khi bỏ phiếu, mỗi Hồng Y sẽ viết tên vị mình muốn chọn, gấp lại, đưa lên bàn thờ là nơi để thùng phiếu, giơ cao lên và đọc: "Có Chúa là Ðấng sẽ phán xét tôi làm chứng cho tôi, là tôi đã chọn người mà tôi nghĩ là Chúa muốn."

Nếu sau 7 lần bỏ phiếu mà chưa bầu được vị Giáo Hoàng mới, thì sẽ ngưng lại một ngày để cầu nguyện, rồi bỏ phiếu thêm 7 lần nữa theo thể lệ như trước. Nếu vẫn chưa có Giáo Hoàng mới thì lại ngưng một ngày nữa rồi bỏ phiếu 7 lần nữa. Trong trường hợp vẫn chưa bầu được vị Giáo Hoàng mới, Hồng Y Nhiếp chính sẽ theo những điều ghi trong Tông hiến (số 75 & 76) để thi hành.

Ngoài mục đích tìm hiểu Nội Quy về việc bầu vị Giáo Hoàng mới, tuần lễ này đối với tôi còn là thời gian quý báu để hiểu biết các Ðức Hồng Y và các Giáo Hội địa phương nhiều hơn; nhờ đó mối hiệp thông với Giáo Hội trở nên thiết thực và gắn bó hơn.

Như đã nói, có 115 Hồng Y sẽ tham dự Mật Viện bầu Giáo Hoàng lần này. Các ngài đến từ nhiều quốc gia khác nhau, với những trọng trách khác nhau, và cộng đoàn Giáo Hội địa phương của các ngài cũng có những hoàn cảnh khác nhau. Làm sao có thể biết hết được từng vị một, nhất là tôi chỉ là thành viên của Hồng Y đoàn được hơn 2 năm. Trong tuần lễ này, ngoài những giờ tìm hiểu Nội Quy việc bầu Giáo Hoàng, chúng tôi còn được nghe nhiều bài phát biểu từ nhiều vị Hồng Y trình bày hoàn cảnh của mỗi Giáo hội địa phương. Thêm vào đó, trong những giờ giải lao, tôi còn có dịp gặp gỡ và trao đổi riêng với nhiều vị, hoặc là tôi chủ động tìm đến gặp các ngài, hoặc là các ngài tìm gặp tôi để hỏi về tình hình Việt Nam. Qua những bài phát biểu cũng như những cuộc gặp gỡ như thế, sự hiểu biết của tôi về Giáo Hội mở rộng ra rất nhiều, và tôi nhận ra rằng: ở bất cứ nơi đâu, Giáo Hội cũng đang phải đương đầu với nhiều khó khăn và thách đố, đòi hỏi người môn đệ Chúa Kitô phải nỗ lực rất nhiều để có thể chu toàn sứ mạng loan báo Tin Mừng.

Cũng chính trong dịp này, Giáo Hội Việt Nam được biết đến nhiều hơn. Khi trình bày về đời sống Giáo Hội, Ðức Hồng Y Sepe, Tổng Trưởng Bộ Truyền Giảng Tin Mừng, đã nhắc đến Giáo Hội Việt Nam và đánh giá là một Giáo Hội năng động và linh hoạt. Vì thế, nhiều vị Hồng Y đến chúc mừng tôi, đồng thời trao đổi với tôi về đời sống cũng như kinh nghiệm của Giáo Hội quê hương chúng ta. Xin tạ ơn Chúa vì những cuộc gặp gỡ quý báu này.

18 - 19.4.2005

Mật Viện bầu Giáo Hoàng

Từ chiều Chúa Nhật 17.4.2005, 115 Hồng Y tham dự Mật Viện bầu Giáo Hoàng bắt đầu đến Domus Santae Marthae là nơi các ngài sẽ ở trong suốt thời gian tiến hành việc bầu Giáo Hoàng. Tại đây, không có việc phân chia phòng trước nhưng mỗi Hồng Y sẽ bắt thăm, trúng số nào thì ở phòng đó. Các ngài cũng được yêu cầu không giao tiếp với người ở ngoài dù bằng thư từ, điện thoại hay những phương tiện khác. Trước đó, các chuyên viên còn kiểm soát để không có các loại máy quay phim, ghi âm hay ghi hình được cài đặt bên trong.

Sáng ngày 18.4.2005, lúc 10 giờ, với sự chủ toạ của Ðức Hồng Y Niên Trưởng Ratzinger, chúng tôi đã cử hành Thánh Lễ cầu nguyện cho việc bầu Vị Giáo Hoàng mới. Chiều hôm đó, lúc 4g30, tất cả chúng tôi có mặt tại Phòng Benedizione, và từ đây rước kiệu tới Nhà nguyện Sixtina. Mật Viện bầu Vị Giáo Hoàng mới chính thức bắt đầu.

Trong suốt thời gian tiến hành Mật Viện, một bầu khí thật tĩnh lặng bao trùm Nhà nguyện Sixtina cũng như Toà nhà trọ Domus Santae Marthae. Bầu khí đó giúp chúng tôi lắng đọng tâm hồn, cảm nhận sâu hơn sự hiện diện của Chúa, nhìn rõ hơn khuôn mặt của Giáo Hội hôm nay, thấy rõ hơn đâu là ích lợi thật của Giáo Hội, và xin Chúa chỉ cho chúng tôi thấy ai là vị mục tử như lòng Chúa mong ước.

Cũng trong thời gian này, có những sự kiện tưởng như ngẫu nhiên nhưng tôi tin là do Chúa Quan Phòng sắp đặt. Chiều tối Chúa nhật, khi sắp bắt đầu tiến hành Mật Viện, tôi vẫn còn bị cảm lạnh. Vì thế, tôi về phòng uống thuốc và nghỉ ngơi; không ngờ mệt quá rồi thiếp đi. Ðến khi chợt tỉnh thì đúng giờ dùng cơm tối. Tôi vội xuống phòng ăn thì hầu như các vị đã ngồi kín cả nên phải đi tìm chỗ. Cuối cùng, khi tìm được chỗ thì mới thấy các vị cùng bàn là Ðức Hồng Y McCarrick (Washington, D.C) Ðức Hồng Y Georges (Chicago), và đối diện là Ðức Hồng Y Niên Trưởng Joseph Ratzinger. Trong bữa ăn, hai vị Hồng Y người Mỹ hỏi tôi về tình hình Giáo Hội tại Việt Nam. Tôi kể cho các ngài nghe một số chuyện, kể cả Ngày Cầu nguyện cho các bệnh nhân HIV/AIDS được tổ chức mới đây tại Trung Tâm Văn Hoá Công Giáo, và công việc mục vụ chăm lo cho những người mang bệnh của thời đại. Dù Ðức Hồng Y Ratzinger không trực tiếp hỏi thăm nhưng sau này tôi hiểu là ngài vẫn lắng nghe và muốn biết rõ hơn về tình hình Giáo Hội tại Việt Nam.

Hai hôm sau, tôi vào phòng ăn khi các vị đã ngồi hầu như kín chỗ, nên một lần nữa lại phải đi tìm chỗ. Ðến khi ngồi xuống thì mới biết là ngồi ngay bên tay trái của Ðức Hồng Y Joseph Ratzinger. Lần này, ngài trực tiếp hỏi tôi về đời sống Giáo Hội và về tình hình ơn gọi linh mục tu sĩ tại Việt Nam. Tôi trình bày cho ngài những nét chính yếu, và ngài tỏ ra chăm chú lắng nghe với nhiều thiện cảm.

Những sự kiện này tưởng như ngẫu nhiên nhưng khi Ðức Hồng Y Joseph Ratzinger được bầu làm Giáo Hoàng, nhìn lại, tôi nghĩ đây là do sự quan phòng của Chúa để ngay từ những ngày đầu sứ vụ, vị Giáo Hoàng mới đã có những hiểu biết và mối quan tâm đối với Giáo Hội quê hương chúng ta.

Ðức Tân Giáo Hoàng Bênêđitô XVI

Giây phút gây xúc động nhất cho tôi trong Mật Viện bầu Tân Giáo Hoàng là sau khi số phiếu bầu cho Ðức Hồng Y Niên trưởng Joseph Ratzinger đã lên trên 2/3 tổng số 115 Hồng y hiện diện, một tràng pháo tay kéo dài đã vang lên trong Nhà nguyện Sixtina. Ngay sau đó, vị Hồng Y niên trưởng thứ hai là Ðức Hồng Y Sodano tiến lên hỏi ngài: "Ngài có nhận kết quả cuộc bỏ phiếu vừa diễn ra theo đúng Giáo Luật tiến cử Ngài vào chức vụ Thủ Lãnh tối cao của Giáo Hội không?" Ðức Hồng Y Ratzinger trả lời: "Tôi xin đón nhận Thánh Ý Chúa được bày tỏ qua cuộc đầu phiếu này." Ðức Hồng Y Sodano hỏi tiếp: "Ngài muốn nhận danh hiệu gì?" Vị Giáo Hoàng mới trả lời: "Tôi sẽ được gọi là Bênêđitô XVI."

Lại một tràng pháo tay vang lên và kéo dài trong ngôi nhà nguyện cổ kính. Sau đó, Ðức Hồng Y Sodano chào mừng vị Tân Giáo Hoàng: "Trọng kính Ðức Thánh Cha, trong giờ phút long trọng này, giờ phút do ý định nhiệm mầu của Chúa Quan Phòng, Cha đã được bầu lên Toà Thánh Phêrô. Xin Cha nhớ lại lời Chúa Giêsu Kitô hứa trao cho Phêrô và các Ðấng kế vị quyền thủ lãnh của thừa tác vụ tông đồ và của tình yêu. Chúng ta hãy cùng với Ðức Trinh Nữ Maria Mẹ Thiên Chúa và tất cả các thánh dâng lời cầu nguyện và tạ ơn Thiên Chúa vì Người đã tuyển chọn Cha..."

Giây phút này, tôi nhớ lại lời Chúa đã hứa ban cho Dân Người những mục tử như lòng Người mong ước. Lời hứa đó một lần nữa đang trở thành hiện thực ngay giây phút lịch sử này. Một lần nữa, Thiên Chúa lại bày tỏ lòng từ bi nhân hậu và tình thương chăm sóc đối với Dân Người. Ðiều này làm cho tôi xúc động đến nỗi không cầm được nước mắt.

Ngay sau đó, từng vị Hồng Y lần lượt tiến lên bày tỏ lòng tùng phục đối với vị Thủ lãnh vừa được Thiên Chúa tuyển chọn, và chính giây phút này đã đem lại cho tôi sự bình an và niềm vui khó tả. Khi đi lên, tôi đã chuẩn bị lời lẽ và nghĩ rằng sẽ chỉ có mình nói với Ðức Tân Giáo Hoàng. Thật không ngờ, ngài lại ngỏ lời với tôi trước: "Rất cảm ơn Ðức Hồng Y về những việc tốt lành ngài đã làm ở Việt Nam." Có lẽ là vì trong những lần gặp gỡ tại phòng ăn, ngài đã nghe tôi chia sẻ về tình hình Giáo Hội tại Việt Nam nên Ngài đã ngỏ lời trước. Tôi cảm ơn Ðức Tân Giáo Hoàng và thưa với Ngài: "Thưa Ðức Thánh Cha, con rất hân hạnh dâng lên Ðức Thánh Cha lời chúc mừng và lòng tùng phục chân thành của con. Xin Ðức Thánh Cha tin rằng bản thân con, các giám mục Việt Nam và toàn thể Dân Chúa tại Việt Nam hằng ngày đồng hành với Ðức Thánh Cha bằng lới cầu nguyện cũng như bằng nỗ lực tiếp nối sứ vụ yêu thương và phục vụ của Chúa Kitô trên đất nước Việt Nam và đối với dân tộc Việt Nam."

Khi kể lại điều này cho một số anh chị em linh mục tu sĩ giáo dân Việt Nam, tôi đã nói đùa với họ: Trước đây, Việt Nam "ở trong trái tim" của Ðức Gioan Phaolô II, còn bây giờ, ít ra Việt Nam cũng đã "lọt vào mắt xanh" của Ðức Bênêđitô XVI!

20.4.2005

Thánh Lễ đầu tiên với Ðức Giáo Hoàng Bênêđitô XVI

Hôm nay, Ðức Giáo Hoàng Bênêđitô XVI dâng Thánh Lễ đồng tế với các Hồng Y tại Nhà nguyện Sixtina. Sau Thánh Lễ, ngài đã có một bài phát biểu để trình bày tổng quát về đường hướng triều đại Giáo Hoàng của ngài.

Theo ngài, sự ra đi của Ðức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, rồi những ngày tang lễ và đỉnh cao là Thánh Lễ An táng, đã là thời gian ân sủng đặc biệt, giúp cho mỗi người cảm nghiệm được quyền năng Thiên Chúa, Ðấng đã quy tụ mọi dân tộc thành một gia đình duy nhất nhờ sức mạnh hiệp nhất của chân lý và tình yêu. Ðón nhận ân huệ đó thúc đẩy Giáo Hội phải đi tới phía đằng trước.

Nói đến trọng trách vừa được trao phó, ngài cảm thấy âu lo vì gánh nặng quá lớn đối với đôi vai nhỏ bé của mình, nhưng vững tin vào lời hứa của Chúa: "Con là Phêrô, nghĩa là Tảng Ðá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Giáo Hội của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi" (Mt 16, 18), ngài xin phó thác mọi sự cho Chúa. Ðồng thời, ngài xin các Hồng Y và các giám mục nâng đỡ và đồng hành với ngài trong trách nhiệm mới.

Theo gương Ðức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, ngài nhìn Công Ðồng Vaticanô II như Tin Mừng được hiện tại hoá cho thế giới hôm nay. Vì thế, chương trình của ngài là "thực hiện các chỉ thị của Công Ðồng theo chân của các vị tiền nhiệm và trong sự tiếp nối trung thành với truyền thống hai ngàn năm của Giáo Hội."

Trong sự quan phòng của Chúa, triều đại Giáo Hoàng của Ðức Bênêđitô được bắt đầu trong bối cảnh của Năm Thánh Thể. Vì thế, ngài nhấn mạnh đến Thánh Thể như tâm điểm của đời sống Kitô hữu và nguồn sức mạnh cho công cuộc rao giảng Tin Mừng. Chính nhờ hiệp thông với Chúa Kitô Thánh Thể mà các tín hữu được hiệp nhất với nhau, và dấn thân loan báo Tin Mừng, phục vụ con người, nhất là những người nghèo khổ và bị bỏ rơi. Do đó, ngài nhấn mạnh đến những cao điểm trong Năm Thánh Thể: cử hành trọng thể lễ Mình Máu Thánh Chúa, Ðại hội Giới Trẻ Thế giới tại Cologne với chủ đề Thánh Thể (tháng 8.2005), và Thượng Hội Ðồng Giám Mục Thế Giới cũng về đề tài Thánh Thể (tháng 10.2005).

Trong hướng đi tổng quát trên, ngài bày tỏ mối quan tâm đặc biệt đến việc đối thoại đại kết, coi đó như cam kết có tầm quan trọng hàng đầu của ngài, và hứa sẽ làm hết sức để xây dựng sự hiệp nhất trọn vẹn và hữu hình giữa các môn đệ Chúa Kitô. Ước mơ hiệp nhất đó đòi hỏi phải có những nghiên cứu thần học và lịch sử, nhưng quan trọng nhất là việc thanh tẩy ký ức, vì chỉ có thế các tâm hồn mới có thể đón nhận chân lý trọn vẹn của Chúa Kitô.

Cuối cùng, ngài nhấn mạnh đến trách nhiệm của Giáo hội là phải làm cho Ánh Sáng Chúa Kitô được chiếu toả khắp nơi. Trong hướng đi đó, ngài muốn đối thoại với các tôn giáo và mọi người thiện chí nhằm kiếm tìm thiện hảo đích thực cho con người và xã hội. Giới trẻ, tương lai của Giáo hội và nhân loại, được Ðức Tân Giáo Hoàng quan tâm đặc biệt, và ngài hứa với các bạn trẻ là sẽ lắng nghe mọi khát vọng của họ nhằm giúp họ gặp gỡ Chúa Kitô, Mùa Xuân Vĩnh Cửu, cách sống động và sâu xa hơn.

Tắt một lời, hiệp thông và hiệp nhất mang lại cho Giáo Hội sự sống dồi dào hơn và một sức mạnh to lớn hơn. Ðối thoại và phục vụ giúp cho Giáo Hội chu toàn sứ vụ cách hiệu quả hơn trong thế giới ngày nay.

Bài phát biểu đã được kết thúc bằng những lời lẽ giống như lời tuyên xưng đức tin của Ðức Tân Giáo Hoàng: "Mane nobiscum, Domine! Lạy Chúa, xin ở lại cùng chúng con. Lời khẩn nài này cũng là lời cầu nguyện của trái tim tôi vào thời điểm khởi đầu sứ vụ mà Chúa Kitô đã kêu gọi tôi. Như Phêrô, tôi hứa sẽ trung thành với Chúa Kitô vô điều kiện. Khi tận hiến trọn vẹn cho việc phục vụ Giáo Hội của Chúa, tôi chỉ muốn phục vụ một mình Người mà thôi."

22.4.2005

Ðến thăm Ðại Sứ Việt Nam tại Rôma

Từ khi đến Rôma (6.4.2005), tôi phải thường xuyên tham dự các Hội Nghị của Hồng Y Ðoàn để chuẩn bị lễ tang cho Ðức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, sau đó để bầu Vị Giáo Hoàng mới. Hôm nay, sau khi đã có Ðức Tân Giáo Hoàng, tôi mới có thể thu xếp thời giờ đến thăm Ông Ðại Sứ Việt Nam tại Rôma.

Ông Ðại Sứ và một tuỳ viên đã tiếp đón tôi rất thân tình và gần gũi. Trong câu chuyện, ông cho tôi biết Chính Phủ Việt Nam đã chỉ thị cho ông tham dự lễ tang của Ðức Cố Giáo Hoàng cũng như lễ đăng quang của Ðức Giáo Hoàng mới, nhưng ông không nhận được thiệp mời. Nhân dịp này, tôi giải thích cho ông truyền thống của Toà Thánh Vatican: có lẽ vì lý do đơn giản là các Hồng y đứng đầu các Bộ của Vatican, cả Bộ Ngoại Giao, đều tạm bãi nhiệm từ lúc Ðức Giáo Hoàng từ trần, nên không có ai có tư cách đại diện Vatican gửi giấy mời quý khách tham dự lễ tang của vị Giáo Hoàng qua đời, cũng như lễ đăng quang của vị tân Giáo Hoàng, nhưng Vatican trân trọng đón tiếp tất cả các vị đại diện các quốc gia đến tham dự. Có lẽ nhờ đó, ông Ðại Sứ Việt Nam đã có mặt trong dịp lễ đăng quang của Ðức Tân Giáo Hoàng Bênêđitô XVI. Sự hiện diện của ông chắc chắn đã đem lại niềm vui cho nhiều người, đồng thời củng cố mối quan hệ giữa Chính Phủ Việt Nam và Toà Thánh Vatican.

Cũng trong buổi gặp gỡ này, ông Ðại Sứ đã hỏi tôi về tiến trình bầu Vị Giáo Hoàng mới. Tôi đã nói với ông rằng điều quan trọng nhất là sự lắng đọng và tâm tĩnh của mỗi vị Hồng Y để xua tan đi những tham vọng cá nhân hay bè phái, để thấy rõ hơn đâu là ích lợi thật của Giáo Hội và ai là người xứng đáng nhất để lãnh nhận trách nhiệm. Ông lắng nghe và nói với tôi nếu như thế thì vị được bầu chắc chắn sẽ đem lại rất nhiều ích lợi cho Giáo Hội. Có nhiều người cũng cùng một suy nghĩ và đánh giá như ông, và ước mong những cuộc bầu cử trên đất nước họ cũng diễn ra như vậy, nhằm đem lại lợi ích tối ưu cho dân tộc họ.

24.4.2005

Lễ Khai Mạc sứ Vụ Mục Vụ Chủ Chiên của Ðức Tân Giáo Hoàng Bênêđitô XVI

Quảng trường Thánh Phêrô không chỉ tràn ngập người trong dịp lễ tang Ðức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, nhưng hôm nay, trong ngày lễ đăng quang của Ðức Tân Giáo Hoàng Bênêđitô XVI, cả quảng trường thánh Phêrô cũng như đại lộ Hoà Giải đều chật ních và dày đặc người và người, không còn chỗ đứng.

Nghi thức diễn ra hết sức trang trọng, và điều mọi người chờ đợi là bài giảng của Ðức Thánh Cha, để xem ngài vạch ra đường hướng gì cho triều đại Giáo Hoàng của ngài.

Khởi đầu bài giảng, Ðức Bênêđitô XVI nhắc lại sự kiện là trong những ngày này, Kinh Cầu Các Thánh đã được hát ba lần trong ba dịp lễ: khi an táng Ðức Gioan Phaolô II, khi các Hồng Y bắt đầu Mật Viện, và hôm nay khi cử hành Lễ đăng quang của Ðức Tân Giáo Hoàng. Sự kiện đó làm nổi bật mầu nhiệm Hiệp Thông Các Thánh, và nói với chúng ta rằng: người tin Chúa không bao giờ cô độc. Các Thánh đã đón Ðức Cố Giáo Hoàng vào Nước Trời, các ngài cũng đồng hành với 115 vị Hồng Y khi vào Mật Viện để tìm kiếm người Chúa chọn, và hôm nay, vị Giáo Hoàng mới cũng tin tưởng rằng Các Thánh đang đồng hành để nâng đỡ, bảo vệ, chở che ngài trong trách nhiệm làm Ðấng Kế Vị Thánh Phêrô. Tuy nhiên, mầu nhiệm hiệp thông các thánh không chỉ liên hệ đến các thánh trên trời mà còn bao hàm mọi tín hữu Chúa Kitô; vì thế, Ðức Tân Giáo Hoàng xin mọi người trong Giáo Hội đồng hành với ngài và cầu nguyện cho ngài.

Ngỏ lời với cộng đoàn tham dự Thánh Lễ, Ðức Tân Giáo Hoàng nói: Ngài không có ý khai triển chương trình hành động cho triều đại Giáo Hoàng của ngài ở đây. Ðiều quan trọng nhất, theo ngài, là vị Giáo Hoàng sẽ cùng với toàn thể Giáo Hội lắng nghe Lời Chúa và tìm kiếm Thánh Ý Chúa, và để cho chính Chúa dẫn dắt Giáo Hội. Thay vì khai triển chương trình hành động, ngài muốn chia sẻ với mọi người về ý nghĩa của hai biểu tượng phụng vụ gắn liền với các bài Thánh Kinh được công bố trong Thánh Lễ.

Biểu tượng thứ nhất là dây Pallium - sợi dây làm bằng lông chiên - được choàng lên cổ vị Tân Giáo Hoàng. Ðây là biểu trưng cho cái ách của Chúa Kitô và cho Thánh Ý Thiên Chúa. Người mang sợi dây đó phải phục vụ Thánh Ý Thiên Chúa, và phục vụ Thánh Ý cũng chính là phục vụ ơn cứu độ nhân loại. Ðồng thời, sợi dây làm bằng lông chiên đó cũng gọi về những con chiên lạc mà Chúa Kitô vác trên vai và đem về nhà. Tất cả nhân loại và từng người trong nhân loại đều là chiên lạc, và Chúa Kitô là Mục Tử nhân lành, đã đến và mang nhân loại trên vai Ngài. Ðồng thời, Ngài mời gọi chúng ta cũng phải "vác nhau trên vai" nghĩa là nâng đỡ nhau.

Sợi dây này cũng diễn tả sứ mạng của Vị Mục Tử. Ðó là sứ mạng dẫn đoàn chiên ra khỏi hoang địa khô cằn, và đưa chiên đến đồng cỏ xanh với dòng suối mát. Thế giới hôm nay cũng đầy dẫy những hoang địa khô cằn không chỉ vì đói nghèo và thiếu thốn vật chất, nhưng còn vì đói khát tinh thần và tình yêu. Theo gương Chúa Giêsu, người mục tử phải dẫn chiên ra khỏi hoang địa khô cằn đó và đưa chiên đến miền đất sự sống. Sứ mạng đó chỉ có thể hoàn thành nếu chúng ta mang lấy tình yêu của Chúa Kitô, một tình yêu mãnh liệt đến độ hiến dâng mạng sống trên Thánh Giá. Ðức Tân Giáo Hoàng nhấn mạnh: "Thế giới này được cứu thoát bởi Ðấng bị đóng đinh chứ không phải bởi những kẻ đóng đinh Ngài," và ngài xin mọi người cầu nguyện cho ngài để ngài càng ngày càng yêu Chúa và yêu đoàn chiên Chúa nhiều hơn.

Biểu tượng thứ hai là Nhẫn Ngư Phủ. Chiếc nhẫn này gọi về mẻ lưới kỳ diệu mà Phêrô và các tông đồ đã có được nhờ Chúa Kitô Phục Sinh (x.Ga 21,1-8), và lời của thánh Phêrô: "Vâng lời Thầy, con sẽ thả lưới" (Lc 5,5). Theo một nghĩa nào đó, tất cả nhân loại đang sống trong dòng nước ô nhiễm, trong đại dương của tăm tối. Tin Mừng Chúa Kitô là tấm lưới lôi chúng ta ra khỏi dòng nước ô nhiễm để đưa vào miền đất thanh khiết, chan hoà ánh sáng của Chúa. Do đó, sứ mạng của mục tử là phải kéo con người ra khỏi dòng nước ô nhiễm và dẫn đưa họ đến miền đất sự sống. Lẽ sống của mục tử chính là bày tỏ khuôn mặt Thiên Chúa cho con người, vì chỉ nơi Chúa, con người mới có sự sống dồi dào.

Trong tầm nhìn về sứ mạng đó, Ðức Tân Giáo Hoàng bày tỏ mối quan tâm đặc biệt đến sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu, làm sao để chỉ có một Chúa Chiên và một đoàn chiên. Vì thế, ngài cầu xin Chúa làm cho mọi Kitô hữu trở thành những tôi tớ phục vụ sự hiệp nhất.

Ðể kết thúc bài giảng, Ðức Tân Giáo Hoàng nhắc lại lời mời gọi quen thuộc của Ðức Gioan Phaolô II: "Ðừng sợ! Hãy mở rộng cửa cho Chúa Kitô." Và ngài xác quyết với mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ: "Hãy mở rộng cửa cho Chúa Kitô. Ngài sẽ không lấy mất của các con điều gì; trái lại, Ngài sẽ ban cho chúng con mọi sự. Khi chúng ta hiến dâng chính mình cho Chúa, chúng ta sẽ lãnh nhận lại gấp trăm. Phải, hãy mở rộng cửa cho Chúa Kitô và chúng con sẽ tìm được sự sống đích thực."

Lời giảng của Ðức tân Giáo Hoàng được những tràng pháo tay của nhiều trăm ngàn người liên hồi tán đồng, làm vang dội cả quảng trường mênh mông.

26.4.2005

Ðoàn Việt Nam dâng lễ nơi mộ Thánh Phêrô

Hôm nay, cùng với một số đông linh mục, tu sĩ và giáo dân Việt Nam đến từ nhiều nơi, tôi dâng Thánh Lễ nơi mộ Thánh Phêrô, bên cạnh là phần mộ Ðức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

Trong bài giảng Thánh Lễ hôm đó, tôi đã chia sẻ với cộng đoàn rằng: chúng ta đang có mặt nơi mộ phần của Thánh Phêrô, cái nôi của đức tin Kitô giáo. Chính từ đây mà các vị thừa sai đã được sai đến Việt Nam để loan báo Tin Mừng Chúa Kitô cho cha ông ta, và gieo vãi hạt giống đức tin trên quê hương Việt Nam. Cha ông chúng ta đã hết lòng đón nhận Tin Mừng của Chúa, và can đảm làm chứng cho đức tin đến độ hi sinh cả mạng sống, đem lại biết bao điều kỳ diệu cho Giáo Hội cũng như cho quê hương và dân tộc Việt Nam. Các gia đình Việt Nam đã và đang cống hiến rất nhiều ơn gọi không những cho Giáo Hội tại quê nhà mà còn cho nhiều Giáo Hội địa phương khác trên thế giới. Các tín hữu Việt Nam đang góp phần tích cực vào việc bảo vệ và xây dựng nền văn hoá sự sống, chống lại nền văn hoá sự chết đang lan tràn khắp nơi trong xã hội ngày nay.

Tôi cũng chia sẻ với cộng đoàn những cố gắng của giáo phận Sàigòn trong sứ mạng loan báo Tin Mừng, cụ thể là dự án xây dựng Trung Tâm Văn Hoá Công Giáo thành nơi lưu giữ và khơi dậy di sản đức tin của các bậc tiền nhân, đồng thời đào tạo anh chị em giáo dân cho sứ mạng loan báo Tin Mừng trong nhiều lãnh vực và môi trường khác nhau. Ước gì tất cả chúng ta biết trân trọng gia sản đức tin cha ông đã để lại, và phát huy di sản đó mỗi ngày một phong phú hơn.

27.4.2005

Buổi triều yết đầu tiên của Ðức Giáo Hoàng và ấn tượng Việt Nam

Sau khi cử hành Lễ Ðăng Quang vào ngày 24.4.2005, hôm nay, 27.4.2005, Ðức Tân Giáo Hoàng đã có buổi triều yết đầu tiên tại Quảng Trường Thánh Phêrô. Ðoàn Việt Nam cũng đã có mặt trong buổi triều yết đầu tiên này, bên cánh phải Ðức Giáo Hoàng, đối diện với các Hồng Y, Giám mục và ngoại giao đoàn.

Trước hết, Ðức Giáo Hoàng ngỏ lời với tất cả mọi người có mặt hôm đó, có lẽ lối 50,000 người. Sau đó, vị Chưởng nghi đã giới thiệu với Ngài từng đoàn hành hương đến từ nhiều đất nước khác nhau. Khi đoàn Việt Nam được giới thiệu, Ðức Giáo Hoàng đã giơ tay chào rất vui vẻ, và cả đoàn hát lên bài ca "Việt Nam Việt Nam". Ðức Giáo Hoàng lại chắp hai tay xá xá, một cử chỉ theo văn hoá Ðông phương. Lần lượt tới phiên, tôi tiến lên, quỳ trước Ðức Thánh Cha, cảm ơn Ngài về mọi sự, xin Chúa ban sức khoẻ thật dồi dào cho Ngài, và xin phép Ngài để trở về Việt Nam tiếp tục công tác mục vụ trong giáo phận. Ðồng thời, tôi thưa với Ngài: Chúa Giêsu đã nói: "Ta biết chiên ta và chiên Ta biết Ta." Ðoàn chiên Việt Nam cũng cần biết Ðức Thánh Cha để cầu nguyện cho Ðức Thánh Cha hằng ngày và lắng nghe lời chỉ dạy của Ðức Thánh Cha. Vì thế, tôi giới thiệu đoàn Việt Nam cho ngài. Tôi thấy ngài có vẻ xúc động, xiết chặt tay tôi, và ngài nói rằng: "Thật là tuyệt vời".

Ước mong rằng mối tình hiếu thảo của đoàn chiên Việt Nam với Vị Mục Tử tối cao sẽ đem lại nhiều hoa trái dồi dào cho đời sống Giáo Hội cũng như cho quê hương Việt Nam của chúng ta.

Thay lời kết

So sánh với nhiều Mật Viện bầu Giáo Hoàng trong lịch sử, cuộc bỏ phiếu lần này diễn ra khá nhanh chóng. Chỉ sau 2 ngày với 4 vòng bỏ phiếu, Ðức Hồng Y Joseph Ratzinger, Tổng Trưởng Bộ Giáo Lý Ðức Tin và là Niên Trưởng Hồng Y Ðoàn, đã được bầu làm Vị Giáo Hoàng thứ 265 trong lịch sử Giáo Hội. Kết quả này đã nói lên sự tín nhiệm cao mà các Hồng Y cũng như Giáo Hội toàn cầu đặt nơi vị Tân Giáo Hoàng.

Tôi hy vọng rằng Ðức Bênêđitô XVI sẽ là (1) một sứ giả Tin Mừng không mỏi mệt, giúp cho Giáo Hội Chúa Kitô chu toàn sứ mạng làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa đối với loài người, (2) một Mục tử can đảm dẫn dắt Dân Chúa vượt qua những cám dỗ và thách đố của nền văn hoá thực dụng, hưởng thụ, và duy vật chất trong xã hội ngày nay, để tiến đến sự sống dồi dào của Chúa Kitô Phục Sinh, (3) một vị lãnh đạo tinh thần khiêm tốn phục vụ Thiên Chúa và loài người qua những sáng kiến khôn ngoan, nhằm xây dựng một cộng đồng nhân loại mới sống trong sự thật và thánh thiện, trong tình yêu thương và an bình của Chúa Kitô.

Ðể kết thúc những dòng này, tôi muốn ghi lại ở đây một ấn tượng khó quên về Ðức Tân Giáo Hoàng. Trước khi được chọn làm Giáo Hoàng, với tư cách là Niên trưởng của Hồng Y Ðoàn, ngài đã thường xuyên điều khiển các phiên họp của các Hồng Y cũng như chủ sự những nghi lễ chính của giáo triều. Trong suốt thời gian đó, hầu như tôi không thấy Ngài cười, và không ít người nhận xét đó là bản tính cố hữu của ngài. Tuy nhiên, từ khi được Chúa chọn làm Thủ Lãnh cho Dân Chúa, Ngài luôn nở nụ cười niềm nở mọi nơi và mọi lúc, đem niềm vui đến cho tất cả mọi người.

Trong bài giảng lễ An Táng Ðức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, một trong những lời của Ðức Hồng Y Niên Trưởng Ratzinger được mọi người vỗ tay hoan hô thật lâu là khi ngài khẳng định: Giáo Hội Chúa Kitô luôn sống động và mãi trẻ trung. Phải chăng nụ cười trên môi của vị Tân Giáo Hoàng cũng là dấu chỉ của một Giáo Hội luôn sống động và mãi mãi trẻ trung?

 

+ ÐHY G.B. Phạm Minh Mẫn

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page