Tường Thuật Thánh Lễ An Táng

cho Ðức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Tường Thuật Thánh Lễ An Táng cho Ðức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

(Trước Ðền Thờ Thánh Phêrô vào thứ Sáu, 08/04/2005 lúc 10g)

Rôma - Thứ Sáu, 08/04/2005 - Mặc dù ban đêm rất lạnh nhưng hàng chục ngàn bạn trẻ đã đóng đô nằm la liệt ngủ trên đường phố, trên các vỉa hè để mong sáng sớm dành được một chỗ tham dự thánh lễ trong quảng trường. Từ 7 giờ sáng người ta đã không nhúc nhích được chút nào nữa, mọi người án binh bất động ngay tại chỗ. Hàng chục ngàn bạn trẻ từ Balan mới đến được Rôma buổi sáng sau 24 tiếng đồng hồ đi bằng xe Bus cũng nhập vào đoàn người này. Ai cũng muốn được tham dự trực tiếp vào biến cố lớn lao lịch sử chưa từng có trong Giáo Hội và trong lịch sử nhân loại.


Lúc 10 giờ sáng thứ Sáu, mùng 8/04/2005, hàng triệu người tham dự thánh lễ An Táng của Ðức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Trong quảng trường Thánh Phêrô, từ sáng không còn chỗ nhúc nhích với sự hiện diện trên 300,000 người, phần lớn là người Balan với rừng cờ của nước Balan màu trắng và đỏ. Hơn 3 triệu người bên ngoài phải theo dõi qua 27 màn ảnh lớn trên mọi nẻo đường, trong các sân của các đền thờ khác và trong các sân vận động của Rôma.


Trong quảng trường từ sáng không còn chỗ nhúc nhích với sự hiện diện trên 300,000 người, phần lớn là người Balan với rừng cờ của nước Balan màu trắng và đỏ. Hơn 3 triệu người bên ngoài phải theo dõi qua 27 màn ảnh lớn trên mọi nẻo đường của Rôma. Các hàng quán, trường học và công sở đều đóng cửa ngày hôm nay. Tất cả mọi giao thông từ buổi sáng vào trung tâm thành phố Rôma đều ngừng lại, người ta chỉ di chuyển được đường bộ mà thôi.

Từ 9 giờ các phái đoàn ngoại giao đã đến từ cổng sau của Tòa Thánh và đi xuyên qua đền thờ Thánh Phêrô ra ngoài tiền đường và được đưa vào chỗ ngồi đã chỉ định cho từng nước. Theo phương cách ngoại giao: nước nào có quan hệ lâu đời với Tòa Thánh thì ngồi ghế hàng đầu và cứ tiếp tục xuống hàng sau. Nước Mỹ có quan hệ muộn cho nên người ta nhìn thấy tổng thống Bush ngồi hàng sau. Khối Á Rập theo Hồi Giáo cũng có nhiều đại diện tham dự.

Trước tiền đường Thánh Phêrô treo khăn nhung đỏ và hình Chúa Kitô Phục Sinh, Bàn thờ lớn rất đơn giản không mái che, không bông hoa rực rỡ.

Tiếng chuông của đền thờ được rung lên vào lúc 9g30.

Hàng ngàn Giám Mục, khoảng 2,400 vị trong phẩm phục đỏ đến trước nhận chỗ ngồi bên trái bàn thờ. Ðại diện các tôn giáo lớn cũng được ngồi ngay trong hàng ghế giám mục. Ðây là một nghĩa cử rất kính trọng với các tôn giáo khác.

200 phái đoàn chính phủ các quốc gia gồm những nguyên thủ, tổng thống, thủ tướng, chủ tịch nước với 1,400 người ngồi bên phải bàn thờ. Các thân nhân của Ðức cố Giáo Hoàng và những nhân viên Tòa Thánh ngồi ngay bên hàng ghế phải, hàng đầu gồm có vị thư ký riêng từ 40 năm phục vụ bên cạnh Ðức cố Giáo Hoàng, các Sơ từ giáo phận Krakau chăm sóc nhà cửa và bữa ăn cho Ngài.

Nhìn những hình ảnh đặc biệt có một không hai như thế, một nhà bình luận truyền hình đã phải thốt lên: "Ðây là một lễ nghi đại kết lớn nhất của lịch sử nhân loại gồm các giáo chủ của Giáo Hội đông phương, các đại diện của Hồi Giáo, Tin Lành, Anh Giáo, Phật Giáo..." Và ông ta phấn khởi nói tiếp: "Ðây là một liên hiệp quốc đúng nghĩa thật sự với hàng trăm nguyên thủ quốc gia không cùng quan điểm cũng như khác đường hướng chính trị đã ngồi gần sát gần nhau mà không có sự tranh câi."

Trời hôm nay không có nắng nhưng gió nhiều làm cho cả cuốn kinh thánh đặt trên quan tài phải gập lại.

Ðúng 10g các đoàn tổng hợp của đền thờ Thánh Phêrô đã cất hát tiếng Latinh: "Lạy Chúa xin cho các linh hồn được nghỉ yên muôn đời và cho ánh sáng ngàn thu chiếu soi trên các linh hồn ấy." Trong khi ấy quan tài của Ðức cố Giáo Hoàng được đón ra ngoài sân đền Thánh Phêrô với Thánh Giá nến cao. Cỗ quan tài đơn giản màu vàng nhạt được 12 người vác trên vai và đặt ngay dưới đất trước bàn thờ. Trên nắp quan tài ở cuối chân có khắc hình thánh giá nhỏ và một chữ M, tượng trưng cho Mẹ Maria là người Mẹ thương mến trong suốt cuộc đời của Ðức cố Giáo Hoàng. Vị trưởng ban nghi lễ, Ðức Tổng Giám Mục Pietro Marini đặt sách Phúc Âm trên quan tài, điều này diễn tả suốt cuộc đời của Ðức cố Giáo Hoàng để sống Lời Chúa và công bố Lời Chúa. Bên trái là cây nến Phục Sinh, một hình ảnh sự sống lại của Chúa Kitô. Cách thế trang trí rất đơn giản của lễ an táng như thế muốn nhắc nhở khi chết là không còn gì nữa và phải trở về với cát bụi, cho dù là Giáo Hoàng, kế vị Thánh Phêrô.

Khi tẩm liệm Ðức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong quan tài gỗ thứ nhất, mặt Ðức Giáo Hoàng được phủ bằng vải lụa trắng và trong cỗ quan tài được đặt một túi nhỏ đựng tiền cắc đã phát hành trong thời cai quản của Ðức cố Giáo Hoàng. Một đặc ân dành cho vị thư ký riêng đã tận tụy phục vụ Ðức cố Giáo Hoàng trong suốt thời gian hơn 40 năm qua là Ðức Tổng Giám Mục Stanislaw Sziwisz sẽ nhận phủ vải lụa trắng lên mặt Ðức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Và sau đó được đặt vào quan tài thứ hai làm bằng kẽm, trên đó khắc tên Ðức Giáo Hoàng bằng tiếng Latinh và mốc thời gian 26 năm làm Giáo Hoàng. Khi quan tài kẽm đã được bịt kín nhằm làm giảm quá trình phân huỷ thân xác, cỗ quan tài hai lớp này lại được đặt vào trong một chiếc hòm làm bằng gỗ quách, tức cỗ quan tài thứ ba bọc bên ngoài đang được đặt trước bàn thờ.

Sau khi đặt quan tài trước bàn thờ xong thì đoàn chủ tế gồm 160 Hồng Y hiện diện (của tổng số 183 Hồng Y trên thế giới, 23 vị không đến được vì bệnh tật) với phẩm phục màu đỏ, mầu của đại lễ và cũng chính là mầu tang của vị Giáo Hoàng. Cuối cùng là vị chủ tế, Ðức Hồng Y Niên Trưởng Joseph Ratzinger, Tổng Trưởng Bộ Ðức Tin, người Ðức, tiến lên hôn bàn thờ và xông hương. Hồng Y Ðoàn tiến về chỗ ngồi phía sau bàn thờ. Cuộc tiến ra hôn bàn thờ của đoàn Hồng Y đã phải mất tới 15 phút.

Thánh lễ được bắt đầu bằng dấu Thánh Giá, kinh cáo mình, thương xót, lời nguyện, 2 Bài Ðọc và Phúc Âm theo Thánh Gioan (21: 15-19): khi Ðức Giêsu hỏi ông Simon Phêrô: "Này anh Simon, con ông Gioan, anh có mến Thầy hơn các anh em này không? " Ông đáp: "Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy." Ðức Giê-su nói với ông: "Hãy chăm sóc chiên con của Thầy."

Ðức Hồng Y Ratzinger giảng lễ bằng tiếng Ý và nhắc lại cuộc đời của Ðức cố Giáo Hoàng bằng câu Chúa Giêsu gọi Phêrô: Hãy theo Thầy! Ðó là lời mời gọi mà Ðức cố Giáo Hoàng đã vâng phục và lãnh nhận trách nhiệm cai quản Hội Thánh trong suốt 26 năm vừa qua. Hãy theo Thầy! Mà Karol Josef Wojtyla đã làm từ thuở thơ ấu, đời học sinh, sinh viên, làm kịch, làm thơ, làm thợ. Hây theo Thầy! Ngài theo tiếng gọi, học triết lý, học thần học và chịu chức linh mục, làm giám mục, hồng y và cuối cùng vào ngày 16/10/1978 được bầu làm Giáo Hoàng cai quản Giáo Hội. Ngài đã phục vụ Giáo Hội đến giây phút cuối cùng cho Chúa Kitô và cho chúng ta. Vì yêu thương, Ngài đã hiến trọn từng ngày từng giờ cho Chúa Kitô, phục vụ nhân loại.

Ðức Hồng Y chủ tế nhắc đến vai trò quan trọng của Giới Trẻ trong cuộc đời của Ðức cố Giáo Hoàng, nhất là trong những ngày hấp hối, Ðức cố Giáo Hoàng cảm thấy hạnh phúc an bình khi được hàng chục ngàn Giới Trẻ canh thức trong quảng trường Thánh Phêrô lúc Ngài lâm chung. Câu nói cuối cùng là: "Các con hãy vui mừng, Cha cũng vậy." Ðể kết thúc Ðức Hồng Y Ratziger nhấn mạnh thêm và giơ tay phải chỉ lên trời: "Sự chúc lành cho thành Rôma và cho thế giới (Orbi et Urbi) lần cuối ngay nơi cửa sổ thư phòng vào ngày Chúa nhật Phục Sinh tại quảng trường thì ngay lúc này chính Ngài đang đứng bên cửa sổ trên thiên quốc bên cạnh Thiên Chúa đang chúc lành cho mọi người chúng ta." Xin Ðức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II chúc lành cho chúng con là những người đang còn dưới thế và xin Ðức cố Giáo Hoàng cầu nguyện cho chúng con. Amen.

Sau bài giảng cả rừng người vỗ tay và hô to dài lâu: "SANTO... SANTO... SANTO" (Ðấng thánh... đấng thánh...) và giơ cao nhiều biểu ngữ lớn ghi hàng chữ màu xanh màu đỏ: "Santo Subito" - giáo dân muốn Ngài được phong thánh liền ngay lập tức, rồi lại hô to: "Giovanni Paolo."

Tiếp tục ca đoàn và cộng đoàn hát chung kinh Tin Kính (Credo, Cedo. Amen!). Sau đó giáo dân dâng lời nguyện được đọc bằng tiếng Ý, Pháp, Anh, Philiphin, Balan...


Cuối Thánh Lễ An Táng, Nghi thức Từ Biệt được cử hành theo hai nghi thức Latinh và Ðông Phương thật cảm động. Cử hành nghi thức latinh, trước hết Ðức Hồng Y Ratzinger đọc Lời Nguyện, rảy nước Thánh và xông hương quanh Quan Tài. Kế đến, Ðức Hồng Y Camillo Ruini tiến ra gần bên quan tài đọc lời Phó Dâng, trong khi ca đoàn hát Kinh Cầu Các Thánh bằng tiếng latinh... 


Ca đoàn hát bài dâng lễ: "Con ca tụng Chúa là sức mạnh của con, chính Ngài là nơi con trú ẩn." Lễ vật được dâng lên cho chủ tế do các phái đoàn các nước đại diện cho 5 châu.

Phần phụng vụ Thánh Thể với lễ qua Rôma I và các Hồng Y di chuyển đến vây quanh bàn thờ cho đến lúc rước lễ.

Sau Thánh Lễ là nghi thức làm phép xác, Ðức Hồng Y Eduardo Martinez đọc lời nguyện phó dâng, sau đấy là nghi thức làm phép xác theo lễ nghi Ðông Phương do các Ðức Thượng Phụ hát chung, xông hương và vẩy nước phép. Kết thúc là lời nguyện của Ðức Hồng Y Ratzinger.

Tiếp theo ca đoàn hát "Linh Hồn Tôi Ngợi Khen Chúa" (Magnificat) thì 12 người khiêng quan tài tiến ra khiêng linh cữu vào đền Thánh Phêrô. Lại một lần nữa họ dừng lại trước cổng đền thờ và xoay quan tài lại để chào thế giới, chào giáo hữu lần cuối trước khi Ðức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II được chôn cất trong hầm mộ Ðức Giáo Hoàng, ngay bên cạnh mộ Thánh Phêrô, nơi trước đây Á Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII đã được chôn cất. Lúc này mọi người hiện diện vỗ tay thật lâu, một biểu tượng chia tay cụ thể đầy thắm thiết nhất với Ðức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ngài sẽ an nghỉ bên cạnh những người tiền nhiệm của mình như Gioan Phaolô I và Phaolô VI. Trên mộ bia của Ngài sẽ được ghi bằng tiếng Latinh: "IOANNES PAVLVS PP. II"

Ðúng 12g30 lễ nghi an táng bên ngoài công trường kết thúc và Ðức cố Giáo Hoàng được chôn cất dưới hầm mộ trong vòng Hồng Y Ðoàn và những người thân yêu của Ðức cố Giáo Hoàng và không có truyền hình trực tiếp.

Ðúng vào giờ cử hành thánh lễ an táng hôm nay tại Rôma, thì nhiều nơi trên toàn thế giới cũng cùng dâng thánh lễ, nhất là ngay tại quê hương Balan của Ðức cố Giáo Hoàng, hằng triệu người đến tham dự, có nơi cử hành ngoài trời với 300,000 người tham dự. Mọi người cùng thông hiệp cầu nguyện cho người Cha Chung. Ngoài ra khoảng 2 tỷ người theo dõi truyền hình trực tiếp.

Thành phố Rôma thở phào nhẹ nhõm vì lo lắng cho khách hành hương hơn 4 triệu người và nhất là lo an toàn cho 200 phái đoàn nguyên thủ quốc gia đã làm cho các nhân viên chìm nổi giữ gìn an ninh phải nhức đầu trong những ngày qua. Hằng triệu giới trẻ thuộc đủ mọi quốc gia hiện diện mà không xảy ra bạo động, ẩu đả thì đấy có phải là một ước mơ lớn của các chính phủ đang hiện diện và của ông Annan, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc. Ðối với tôi thì vị thánh Gioan Phaolô II đang đứng nơi cửa sổ thư phòng trên thiên quốc bầu cử cho mọi người chúng ta.

Xin Ðức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II chúc lành cho chúng con là những người đang còn dưới thế và xin Ðức cố Giáo Hoàng cầu nguyện cho chúng con. Amen.

 

(LM Phaolô Phạm Văn Tuấn)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page