Ðức tân Giáo Hoàng Biển Ðức XVI

là vị Giáo Hoàng

cương nghị nhưng dung hòa

chính thống nhưng canh tân

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Ðức tân Giáo Hoàng Biển Ðức XVI là vị Giáo Hoàng "cương nghị nhưng dung hòa, chính thống nhưng canh tân".

Niềm vui phấn khởi và lời chào thân thương

"Anh chị em thân mến, sau Ðức đại Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II, các Hồng Y đã chọn tôi, một công nhân tầm thường, thấp hèn trong vườn nho của Chúa. Sự kiện Chúa biết làm việc và hành động ngay bằng những dụng cụ khiếm khuyết an ủi tôi, và nhất là tôi trông cậy ở lời cầu nguyện của anh chị em và tôi tin tưởng vào sự giúp đỡ thường hằng của Thiên Chúa. Chúng ta hãy tiến lên! Chúa sẽ giúp đỡ chúng ta và Ðức Maria, Mẹ chí thánh của Ngài, luôn đứng bên cạnh chúng ta. Cám ơn anh chị em. "

Trên đây là lời đầu tiên của Ðức Tân Giáo Hoàng Biển Ðức XVI (Bênêditô XVI) mến chào hàng trăm ngàn giáo dân đứng chen chúc dưới công trường Thánh Phêrô và dọc suốt con đường Hòa Giải từ chiều để chờ đợi làn khói trắng tỏa ra lúc 18 giờ. Tất cả đều hân hoan, hồi hộp, hát thánh ca hay cầu nguyện thầm lặng, chờ đợi giây phút lịch sử: Ðức Hồng Y Jorge Arturo Medina công bố: "Chúng ta hãy cảm tạ Thiên Chúa, vì chúng ta có vị Giáo Hoàng mới, đó là Ðức Hồng Y đáng kính Giuse Ratzinger, đã được chọn làm Giáo Hoàng và lấy danh hiệu là Ðức Biển Ðức XVI".

Từ gia đình đến chức linh mục

Ðức Giáo Hoàng Biển Ðức sinh ngày 16.04.1927 tại Marktl am Inn, trong giáo phận Passau, nước Ðức và mang tên là Joseph Ratzinger. Ông nội ngài là một chủ trại ở vùng Basse Bavière và ba ngài là ông Joseph, sĩ quan hiến binh, thân mẫu là bà Maria lo việc nội trợ. Ngài có người anh là Ðức Ông Georg, chịu chức linh mục cùng ngày với ngài, và người em gái là bà Maria, hiện còn sống. Từ năm 1946 đến 1951, ngài theo phân khoa triết học và thần học tại đại học Munich và trường cao đẳng triết học và thần học tại Freising.

Ngày 29.6.1951, ngài chịu chức linh mục và được bổ nhiệm làm giáo sư. Năm 1953, ngài bảo vệ luận án tiến sĩ thần học "Dân Chúa và Nhà Ðức Chúa Trời trong học thuyết Giáo Hội của thánh Autinh " (Peuple et maison de Dieu dans la doctrine de l'Eglise de Saint Augustin). Bốn năm sau ngài lại lãnh thêm bằng cao học về sư phạm với công trình khảo cứu về "thần học lịch sử của thánh Bonaventura". Ngài được mời giảng dạy tại các đại học Freising, Bonn, Munster, Tubingen, Ratisbonne và Cologne. Kể từ 1962, cha Ratzinger trở thành nhà thần học quốc tế, đặc biệt là chuyên viên thần học của Hồng Y Joseph Frings, tổng giám mục Cologne, tại Công Ðồng Vatican II.

Những nấc thang cao phục vụ

Ngày 24.3.1977, Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI chọn ngài làm tổng giám mục Munich và Freising. Bốn năm sau, ngày 25.11.1981, Ðức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II triệu ngài về Roma làm Tổng trưởng Bộ Ðức Tin, đồng thời kiêm Chủ tịch Ủy Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh, Ủy Ban Giáo Hoàng về Thần Học và Ủy Ban Giáo Hoàng soạn thảo cuốn "Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo". Ðến năm 1998, ngài được cử làm Phó chủ tịch Hồng Y Ðoàn, và năm 2002, lên là Niên Trưởng Hồng Y Ðoàn thay thế Ðức Hồng Y Gantin. Cho đến nay, Ðức Joseph Ratzinger đã làm việc tại Giáo triều đúng 25 năm. Ngài đã điều hành hầu hết công việc xuất bản các văn kiện chính thức của Tòa Thánh. Chính ngài cũng viết và xuất bản nhiều sách về thần học, tu đức. Suốt 25 năm, ngài luôn được sự tín nhiệm của Ðức Gioan-Phaolô II. Nhất là từ năm 2000, Ðức Ratzinger là cánh tay phải của Ðức cố Giáo Hoàng. Có lẽ vì vậy mà Ðức Joseph Ratzinger được giáo dân nhận định như một "người của quan Phòng"(Homme de la Providence), hay các cơ quan truyền thông gọi là "người được sủng ái" (le favori), và hầu hết các báo chí, các cuộc thăm dò đều xếp ngài là số một trong các vị Hồng Y "có thể được bầu làm Giáo Hoàng" (Papapiles). Hôm nay thì quả thật "tiếng dân là tiếng Chúa" (Vox populi vox Dei), và chúng ta phải ngước mắt lên trời dâng lời "Tạ ơn Chúa" (Deo gratias) và cầu nguyện nhiều cho Ðức Tân Giáo Hoàng Biển Ðức XVI như lời Ngài đã xin.

Danh hiệu "Biển Ðức XVI"

Tại sao Ðức tân Giáo Hoàng lấy danh hiệu là "Biển Ðức XVI": - Chúng ta biết Ðức Giáo Hoàng Biển Ðức XV (1914-1922) cai trị Giáo Hội vào thời Ðại Chiến I (1917-1924); triều đại của ngài còn được đánh dấu bởi hai biến cố lớn là việc Ðức Mẹ hiện ra ở Fatima (1916-1917) và Ðại Cách Mạng Nga Sô (1917)... Những biến cố đó đã đặt Ðức Giáo Hoàng trước bao nhiêu khó khăn lớn về mục vụ và chính trị... Ngài là con người dung hòa, giữ cho Giáo Hội không liên lụy vào chiến tranh, làm trung gian giữa các phe lâm chiến để cứu vãn hòa bình thế giới. Ðức Biển Ðức XV còn là vị Giáo Hoàng Canh Tân, ngài đã hoàn thành bộ Giáo Luật 1917, cổ võ Tinh thần Ðại Kết, thiết lập thánh bộ Giáo Hội Ðông Phương và Giáo hoàng học viện Ðông Phương (1917). Qua những sự việc trên đây chúng ta hiểu tại sao Ðức Tân Giáo Hoàng lấy danh hiệu là Biển Ðức XVI. Trước tiên Ðức tân Giáo Hoàng là người "canh giữ đức tin công giáo" như ngài đã làm từ bao nhiêu năm nay. Nhiều người khuynh tả hay cấp tiến cho ngài là "bảo thủ". Ðiều đó không đúng. Như Ðức Biển Ðức XV, Ðức Biển Ðức XVI sẽ là vị Giáo Hoàng "cương nghị nhưng dung hòa, chính thống nhưng canh tân, lo hướng dẫn Giáo Hội Công Giáo nhưng cởi mở và quan tâm đến tất cả những gì tương quan tới con người nói chung và đến từng quốc gia, từng vấn đề quốc tế, từng giới cao niên hay tuổi trẻ... 

(giaoxuvnparis.org)

 

Ðức Ông Mai Ðức Vinh


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page