Giáo Phận Mỹ Tho

Khai Mạc Năm Thánh Thể

vào Chúa Nhật 17 tháng 10 năm 2004

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Giáo Phận Mỹ Tho Khai Mạc Năm Thánh Thể vào Chúa Nhật 17 tháng 10 năm 2004.

Tin Việt Nam /Mỹ Tho (17/10/2004) - Vào lúc 17 giờ 00 ngày 17 tháng 10 năm 2004, tại nhà thờ Chánh Toà Mỹ Tho, Ðức giám mục giáo phận Phaolô Bùi Văn Ðọc đã bắt đầu Thánh lễ khai mạc Năm Thánh Thể với đoàn rước dẫn đầu gồm các nữ tu của Dòng Thánh Phaolô Mỹ Tho và Hội Dòng Mến Thánh Giá Tân An, đến các Cha đồng tế, và sau cùng là Ðức Cha chủ tế, từ nhà xứ dần dần tiến vào nhà thờ, trong lúc ca đoàn và đông đảo cộng đoàn dân Chúa hân hoan hát ca nhập lễ. Ngôi thánh đường thường ngày nhìn khá rộng rãi mà giờ đây đã chật không còn chỗ trống, giáo dân từ các giáo xứ lân cận qui tụ về dự lễ rất đông, những người đến sau đành tiếc nuối đứng bên ngoài dự lễ, hai bên hành lang nhà thờ cũng có rất nhiều giáo dân đứng dự lễ.

Bầu khí thánh lễ vào buổi chiều trong nhà thờ với ánh đèn màu vàng càng làm tăng thêm sự ấm áp, sự gần gũi cho cộng đoàn dân Chúa khi tham dự thánh lễ, càng tăng thêm ý nghĩa cho thánh lễ là nơi qui tụ và hiệp thông của mọi thành phần dân Chúa trong Giáo Hội. Ðức giám mục, vị cha chung của giáo phận khởi đầu thánh lễ với những lời khai mạc vui tươi đầy khích lệ làm cho mọi thành phần tham dự thánh lễ như được tăng thêm sức mạnh, mở ra một hứa hẹn cho đời sống đức tin trong Năm Thánh Thể được phong phú và sống động.

Trong bài giảng, Ðức Cha nhấn mạnh đến sự hiện diện của Chúa Kitô trong mầu nhiệm Thánh Thể, Ngài hiện diện với chúng ta cho đến tận thế. Thánh Thể là nơi dân Chúa được qui tụ, được nuôi dưỡng và được thăng tiến. Phép lạ hoá bánh là hình ảnh việc Chúa không ngừng nuôi dưỡng nhân loại bằng chính sự sống của Ngài, cũng là sự sống của Thiên Chúa. Năm chiếc bánh và hai con cá của một em nhỏ tượng trưng cho sự góp phần nhỏ bé của chúng ta vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Năm chiếc bánh và hai con cá không là gì so với con số nhiều ngàn người ăn. Nhưng chính việc góp phần nhỏ bé đó đã khiến Chúa làm nên một phép lạ vĩ đại, nuôi sống hằng bao nhiêu ngàn người. Thánh lễ là một công việc thánh thiện, cao vời nhất của Giáo Hội và của chúng ta là những người kitô hữu. Mỗi lần dâng Thánh Lễ là chúng ta dâng Chúa Giêsu lên cho Chúa Cha. Chúng ta hãy kết hợp đời mình với Chúa Giêsu để dâng lên Thiên Chúa làm của lễ chúc tụng tạ ơn Người. Nhưng rồi Thiên Chúa lại ban chính Chúa Giêsu cho chúng ta làm của ăn, làm bánh sự sống. Tất cả chúng ta đều được mời gọi thông phần, chia sẻ sự sống của Chúa để nên một với Chúa trong Chúa Thánh Thần là Tình Yêu.Thánh lễ diễn tiến trong bầu khí tin tưởng, vui tươi nhưng cũng thật sốt sắng. Thánh lễ kết thúc vào lúc 18 giờ 05 phút. Mọi người ra về tràn đầy hy vọng và quyết tâm sống Năm Thánh Thể cách tích cực theo tinh thần của giáo hội.

Trong Mục Thời Sự Tiếp theo phần tin tức hôm nay (20/10/2004), chúng tôi sẽ phát nguyên văn bài giảng của Ðức Cha Phaolô Bùi Văn Ðọc, trong thánh lễ khai mạc Năm Thánh Thể tại Giáo Phận Mỹ Tho của ngài. Mong quý vị sẽ cho nghe.

 

Bài Giảng của Ðức Cha Phaolô Bùi Văn Ðọc trong Thánh Lễ Khai Mạc Năm Thánh thể tại Giáo Phận Mỹ Tho, Chúa Nhật 17 tháng 10 năm 2004:

 

Anh chị em rất thân mến.

Hôm nay (17/10/2004), cùng với Ðức Thánh Cha và nhiều nơi trong Giáo Hội toàn cầu, chúng ta khai mạc Năm Thánh Thể. Hôm nay là Ðỉnh cao của tuần Ðại Hội Thánh Thể tại Mêhicô, nơi mà các đại diện từ khắp Năm Châu tụ họp về cử hành Ðại Hội. Thật là một dịp hết sức tốt để giáo phận chúng ta biểu lộ lòng tin và lòng yêu mến Thánh Thể.

Thánh Thể, chính là bản thân Chúa Kitô hiện diện ở giữa chúng ta, mặc dù mắt phàm của chúng ta không thấy. Yêu mến Thánh Thể là yêu mến chính Chúa Kitô mà chúng ta gặp gỡ bằng đức tin khi cử hành Thánh Lễ. Sự hiện diện của Chúa mang đến niềm vui, sức mạnh, sự sống cho chúng ta trong cuộc đời lữ thứ trần gian. Ðể hiện diện với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế, Chúa Giêsu đã thiết lập bí tích Thánh Thể tại nhà Tiệc Ly trong đêm mà Ngài bị Giuđa nộp.

Thánh Phaolô tường thuật rất vắn tắt cho chúng ta, điều mà người nói đã lãnh nhận từ nơi Chúa: trong đêm bị nộp, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi bẻ ra và nói Này là Mình Thầy sẽ tự hiến vì anh em. Rồi Ngài cầm lấy chén rượu và nói Chén này là Giao Ước mới, lập bằng Máu Thầy. Ðó là lời truyền phép đã làm cho bánh và rượu trở nên Mình và Máu Thánh Chúa. Và Chúa Giêsu đã truyền lệnh cho các môn đồ hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy.

Mỗi lần chúng ta cử hành nghi thức Chúa truyền dạy, mà nghĩ tới Ngài, thì Ngài hiện diện thực sự ở giữa chúng ta, mặc dù mắt ta không thấy. Chính bản thân Ngài ở giữa chúng ta, hiện diện với chúng ta. Chúa đến với chúng ta trong mầu nhiệm tử nạn Phục sinh của Người. Cái chết và sự sống lại của Chúa là sự kiện lịch sử, nhưng cũng là mầu nhiệm cứu độ, vượt qua lịch sử, vượt qua thời gian và không gian, do đó chúng ta có thể cử hành trong ngày hôm nay. Sau lời truyền phép, chúng ta tung hô Lạy Chúa, chúng con loan truyền việc Chúa chịu chết, tuyên xưng việc Chúa sống lại cho tới khi Chúa lại đến.

Mầu nhiệm Tử Nạn Phục Sinh của Chúa là trọng tâm của lịch sử cứu độ, trọng tâm đức tin kitô giáo của chúng ta. Chúa đã hy sinh chịu chết và chết trên thập giá, để cho chúng ta được ơn tha tội, được giải thoát khỏi mọi sự dữ, kể cả sự chết. Chúa chết trên thập giá để cho ta sống, Chúa đã tự hiến làm lương thực nuôi dưỡng mọi người chúng ta. Cái chết của Chúa là cái chết cứu độ, là cái chết làm cho sống. Chúng ta tưởng nhớ cái chết của Chúa để thông phần Sự sống lại của Người.

Bài Tin mừng tường thuật việc Chúa Giêsu làm phép lạ, hoá bánh ra nhiều để nuôi dưỡng những người đến nghe Chúa giảng dạy. Phép lạ hoá bánh trong bài tin mừng hôm nay là hình ảnh việc Chúa không ngừng nuôi dưỡng nhân loại bằng chính sự sống của Ngài, cũng là sự sống của Thiên Chúa. Năm chiếc bánh và hai con cá của một em nhỏ tượng trưng cho sự góp phần nhỏ bé của chúng ta vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Năm chiếc bánh và hai con cá không là gì so với con số nhiều ngàn người ăn. Nhưng chính việc góp phần nhỏ bé đó đã khiến Chúa làm nên một phép lạ vĩ đại, nuôi sống hằng bao nhiêu ngàn người.

Bí tích Thánh Thể mà Chúa Giêsu thiết lập còn được gọi là bí tích tạ ơn. Chúa Giêsu là người con hiếu thảo đã không ngừng chúc tụng tạ ơn Thiên Chúa Cha, mỗi khi Người làm bất cứ việc gì. Chúa Giêsu tạ ơn Chúa Cha vì tình thương bao la của Chúa Cha đối với bản thân Ngài và toàn thể nhân loại. Ngài cũng dạy chúng ta dâng của lễ tạ ơn Chúa Cha, và của lễ mà chúng ta dâng, chính là Ngài. Ngài là Tư Tế và là Của Lễ, đẹp lòng Chúa Cha mọi đàng.

Thánh lễ là một công việc thánh thiện, cao vời nhất của Giáo Hội và của chúng ta là những người kitô hữu. Mỗi lần dâng Thánh Lễ là chúng ta dâng Chúa Giêsu lên cho Chúa Cha. Chúng ta hãy kết hợp đời mình với Chúa Giêsu để dâng lên Thiên Chúa làm của lễ chúc tụng tạ ơn Người. Nhưng rồi Thiên Chúa lại ban chính Chúa Giêsu cho chúng ta làm của ăn, làm bánh sự sống. Tất cả chúng ta đều được mời gọi thông phần, chia sẻ sự sống của Chúa để nên một với Chúa trong Chúa Thánh Thần là Tình Yêu và là Ơn thông hiệp.

 

(Phaolô Bùi Văn Ðọc , giám mục Mỹ Tho)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page