Thư Mục Vụ Mùa Chay

của Ðức Cha Phaolô Bùi Văn Ðọc

Giáo Phận Mỹ Tho

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Thư Mục Vụ Mùa Chay

Năm 2004

 

Kính gởi : Quý Cha,

Quý nam nữ tu sĩ, chủng sinh

và anh chị em giáo dân.

Anh chị em thân mến,

 

Mùa Chay Thánh năm nay đến với chúng ta trong khung cảnh xã hội đang có dịch cúm gà, đã gây nhiều thiệt hại và tạo nên những hoang mang lo lắng trong mọi tầng lớp dân chúng. Tuy nhiên, khác với thời xưa, ngày nay ít có ai coi các bệnh tật và thiên tai là những hình phạt của Thiên Chúa. Chính Chúa Giêsu đã có thái độ rõ ràng trong câu chuyện tháp Silôe bị sập đè chết nhiều người ở Giêrusalem. Không phải những người bị chết trong tai nạn ấy hay những người Galilê bị quan Philatô giết là những người tội lỗi hơn những người khác! Nhưng Chúa Giêsu đã dùng hai ví dụ ấy để nhắc nhở các thính giả của Người và thúc giục họ nỗ lực sống tốt hơn.

Chúng ta hãy biết cảm thương những người dân chăn nuôi gà vịt đã mất mát quá nhiều trong dịch cúm gà đang hoành hành tại Việt Nam và nhiều Nước Á châu . Và còn biết bao nhiêu người khác bị ảnh hưởng, mà những người đáng thương hơn vẫn là những người nghèo. Chắc chắn không nên trông đợi sự giúp đỡ từ bên ngoài, vì không chỉ riêng Việt Nam chúng ta bị, mà còn rất nhiều nước khác trên thế giới, đặc biệt là tại Á Châu. Và ngoài dịch cúm gà, trên thế giới hiện còn biết bao nhiêu thiên tai hoạn nạn khác xảy ra nhiều lần và ở nhiều nơi.

Thái độ của người công giáo là cảm thương và liên đới. Trong Mùa Chay năm nay, xin anh chị em bớt ăn bớt mặc, tiết kiệm được bằng nào hay bằng đó, để có một chút tiền mọn, biểu lộ tình làng nghĩa xóm đối với những người kiệt quệ vì trận dịch cúm gà. Chúng ta không thể làm gì nhiều, vì ta cũng là những người nghèo, nhưng có thể biểu lộ lòng thương xót đối với những người nghèo hơn ta. Hãy chia sẻ với những người ở gần mình và nghèo hơn mình. Hãy nhớ lời của Chúa Giêsu trong đoạn Tin Mừng Mátthêu về cuộc phán xét chung:

"Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han." (Mt 25, 35-36)

Trong Mùa Chay, Giáo Hội thường nhắc nhở chúng ta ăn chay, cầu nguyện và bố thí.

Trước hết chúng ta hãy cố gắng thực hiện lời thư thánh Phêrô:

"Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé" (1 Pr 5, 8 ).

Ý nghĩa quan trọng của chay tịnh là sống tiết độ. Tiết độ là một nhân đức luân lý Kitô giáo mà nhiều người hay quên, kể cả người nghèo lẫn người giàu. Có một số người, dù gia đình rất nghèo, khi có được chút tiền là đi uống rượu. Rượu đã làm cho nhiều người bị những chứng bệnh trầm trọng và có khi bị chết nữa. Ðó là chưa kể trường hợp những người chồng khi say rượu thường hay đập bể chén bát, đánh vợ đánh con. Một số người khác, tuy rất nghèo khổ, vẫn không bỏ hút thuốc lá. Hút thuốc vừa mất một số tiền để chi cho thuốc lá, vừa mất một số tiền khác để chữa bệnh. Một ít người giàu hoặc làm ăn khắm khá, cưng chiều con cái, cho ăn quá nhiều làm mắc bệnh béo phì.

Sống tiết độ làm cho con người được khoẻ mạnh, không những về thể lý, mà cả về tâm lý và tinh thần. Một con người tiết độ thường có đời sống tâm lý quân bằng, không bị căng thẳng, ít khi xuống tinh thần. Tiết độ còn giúp cho con người biết tự chủ, chiến thắng chính mình, là điều thường rất khó khăn đối với mọi người, kể cả những người công giáo.

Sống tiết độ còn giúp cho chúng ta tiết kiệm được một số tiền để lo cho gia đình, để giúp đỡ người nghèo. Theo tinh thần Phúc Âm, chúng ta ăn chay không vì hà tiện hay tiếc tiền, nhịn ăn và tích luỹ vàng bạc trong ngăn kéo, nhưng là để chia sẻ cho người nghèo, giống như miếng bánh bẻ làm đôi cho người nghèo một nửa.

Không biết có phải đa số giáo dân trong vùng Ðồng Tháp Mười của chúng ta quen lãnh nhận nhiều hơn là quen chia sẻ? Biết cho và biết nhận mới là thái độ đúng đắn và quân bằng của người Kitô hữu, không tham lam, không ham mê và nô lệ của cải vật chất. Ðể khỏi làm tôi tiền bạc, tất cả chúng ta đều phải tập chia sẻ, kể cả giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ, chủng sinh và anh chị em giáo dân. Chúng ta hằng ngày cử hành lễ Bẻ Bánh là bí tích Thánh Thể, lẽ nào chúng ta không tập thói quen chia sẻ hay sao?

Tiết độ còn làm cho chúng ta dễ định tâm để cầu nguyện. Bụng đầy quá thì dễ ngủ gục hơn là cầu nguyện. Mùa Chay là mùa cầu nguyện, là thời gian tĩnh lặng để chúng ta tiếp xúc với Chúa nhiều hơn, gần gủi và thân mật với Chúa hơn. Mùa Chay tập cho chúng ta thông phần mầu nhiệm Tử Nạn Phục Sinh của Chúa Kitô, cùng chết với Chúa để cùng sống lại với Người.

Ơn cứu rỗi chúng ta đến từ Thập Giá Chúa Kitô. Thánh Phaolô mời gọi chúng ta đóng đinh tính xác thịt vào thánh giá Chúa. Là người Kitô hữu, chúng ta thuộc về Chúa Kitô; chúng ta đừng quên lời thánh Phaolô căn dặn các tín hữu giáo đoàn Galát: "Những ai thuộc về Ðức Kitô Giêsu thì đã đóng đinh tính xác thịt vào thập giá cùng với các dục vọng và đam mê. Nếu chúng ta sống nhờ Thần Khí, thì cũng hãy nhờ Thần Khí mà tiến bước" (Gl 5, 24-25).

Mọi người Kitô hữu đã chịu phép rửa đều được kêu gọi nên thánh, và nên thánh là sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần là Ðấng Thánh Hoá chúng ta. Chúa Thánh Thần hoạt động mạnh mẽ nơi chúng ta khi chúng ta cầu nguyện, vì cầu nguyện là hô hấp thiêng liêng, là hít thở Thần Khí. Không cầu nguyện, chúng ta sẽ thiếu khí thiêng để hít thở và đời sống đạo của chúng ta sẽ chết.

Cầu nguyện thường đi đôi với hy sinh. Những hy sinh nho nhỏ hằng ngày giúp chúng ta cầu nguyện sốt sắng hơn. Những hy sinh ấy là của lễ thiêng liêng thông phần vào Hy Tế Thập Giá của Chúa Kitô dâng lên cho Thiên Chúa Cha làm của lễ đẹp lòng Chúa Cha mọi đàng. Ðỉnh cao của cầu nguyện là hy tế thánh lễ phải được đưa vào đời sống, thì bấy giờ chúng ta mới được Thiên Chúa nâng lên, cho thông phần Sự Sống và Hạnh Phúc của Người.

Còn một khía cạnh khác giống như tiết độ cũng rất quan trọng là tiết chế trong lời nói. Có những người trách người công giáo là nói nhiều mà làm ít. Có đúng như vậy không? Chính cuộc sống và cách cư xử của chúng ta với những người chung quanh là câu trả lời. Chúng ta nên vui vẻ và niềm nở với mọi người. Như lời Chúa Giêsu dạy Mùa chay không phải là mùa gương mặt rầu rĩ để cho người khác biết mình ăn chay. Nhưng vui vẻ niềm nở không có nghĩa là nói nhiều. Mùa Chay giúp chúng ta tập kiêng cử những lời nói gây thiệt hại cho người khác.

Người xưa có câu nhất ngôn xuất khẩu, tứ mã nan truy, một lời thốt ra khỏi cửa miệng, bốn con ngựa đuổi theo khó mà kịp. Trong đời sống gia đình có những lời nói như những mũi kim đâm vào trái tim của nhau. Kim nhọn của con cái đâm vào trái tim của cha mẹ, vợ đâm vào trái tim chồng, và chồng đâm vào trái tim vợ... Trong xã hội, người ta hay đâm chém nhau bằng những lời nói. Lời nói có khi là thuốc độc giết chết tình yêu và các thứ tình bằng hữu khác. Có rất nhiều lời nói đưa tới đổ vỡ trong cuộc sống của bản thân và tha nhân. Những tội nói xấu, nói hành thường được coi là nặng nề đối với luân lý Kitô giáo.

Nhờ tiết chế trong lời nói mà ta có được sự tĩnh lặng cần thiết trong Mùa Chay để gặp gỡ Chúa, chuẩn bị tâm hồn mừng ngày Chúa Sống Lại. Hãy để dành lời lẽ của chúng ta cho công cuộc rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa, để loan truyền việc Chúa chịu chết và tuyên xưng việc Chúa sống lại cho tới khi Chúa lại đến.

Năm nay là Năm Thánh Truyền Giáo của Giáo Hội Việt Nam, mọi người chúng ta hãy quyết tâm dùng lời nói và cuộc sống để loan báo Tin Mừng Tình Yêu của Thiên Chúa, Tin Mừng Chúa Phục Sinh, Ðấng Cứu Ðộ Duy Nhất của loài người.

Trong niềm hy vọng này, tôi cầu chúc cho Quý Cha, quý tu sĩ nam nữ, chủng sinh và toàn thể anh chị em được tràn đầy ân sủng và sức mạnh của Tình Yêu Thiên Chúa.

 

Thân ái kính chào.

 

Mỹ Tho, ngày 12 tháng 02 năm 2004

Giám Mục Giáo Phận

+ Phaolô Bùi Văn Ðọc

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page