Toàn Văn Sứ Ðiệp Hòa Bình

của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II

cho ngày mùng 1 tháng Giêng năm 2005

Ngày Quốc Tế Hòa Bình lần thứ XXXVIII

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

- Sứ Ðiệp Hòa Bình của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II cho ngày mùng 1 tháng Giêng năm 2005, Ngày Quốc Tế Hòa Bình lần thứ XXXVIII. (Bài I: số 1 và số 2 của sứ điệp Hòa Bình).

(Radio Veritas Asia 17/12/2004) - Quý vị và các bạn thân mến. Lúc 11 giờ trưa thứ Năm 16 tháng 12 năm 2004, tại Phòng "Gioan Phaolô II" của Văn Phòng Báo Chí Tòa Thánh, Ðức Hồng Y Renatô  Martinô, chủ tịch Hội Ðồng Tòa Thánh về Công Lý và Hòa Bình, đã chủ sự cuộc Họp Báo, để giới thiệu sứ điệp Hòa Bình của ÐTC Gioan Phaolô II, cho Ngày Quốc Tế Hòa Bình lần thứ 38, sẽ được cử hành vào ngày mùng 1 tháng Giêng năm 2005. Chủ đề của Sứ Ðiệp Hòa Bình dịp đầu năm 2005, là: "Ðừng để điều xấu thắng bạn, nhưng hãy thắng điều xấu bằng điều thiện". Ðây là câu kinh thánh, được trích từ thơ Roma chương 12, câu 21. Ðức Hồng Y Martino nhận định cách chung rằng với chủ đề được trích từ câu kinh thánh như trên, ÐTC đã đặt sứ điệp Hòa Bình của ngài, trong khung cảnh rộng lớn hơn của những suy tư về điều thiện và điều ác. Trong khung cảnh nầy, Hòa Bình được định nghĩa như  là "một điều tốt cần được cổ võ bởi điều thiện: hòa bình là một điều thiện cho con người, cho các gia đình, cho các quốc gia trên trái đất nầy, và cho toàn thể nhân loại; hòa bình là một điều thiện cần được gìn giữ và vun trồng nhờ qua những chọn lựa và những thực hiện điều tốt".

Ðức Hồng Y Martinô còn cho biết rằng nội dung của sứ điệp được chia ra làm 3 phần chính:

(1) Trong phần thứ nhất, Hòa Bình được nhìn trong tương quan của nó với điều thiện luân lý.

(2) Trong phần thứ hai của Sứ điệp, hòa bình được nhìn trong tương quan của nó với nguyên tắc căn bản của học thuyết xã hội của giáo hội; đó là nguyên tắc về "công ích";

(3) trong phần thứ ba của sứ điệp, hòa bình được bàn thảo trong tương quan chặt chẽ với việc hưởng dùng những của cải vật chất nầy và trong tương quan với một nguyên tắc khác nữa của học thuyết xã hội của giáo hội; đó là nguyên tắc về mục đích phổ quát của những của cải; nghĩa là những của cải trên mặt đất nầy là cho tất cả mọi người được hưởng dùng.

Tóm lại, ba phần chính của sứ điệp Hòa Bình năm 2005, có thể được tóm tắt như sau:

Phần I: tương  quan giữa hòa bình và điều thiện luân lý.

Phần II: tương quan giữa hòa bình và công ích.

Phần III: tương quan giữa hòa bình và những của cải trên trần gian nầy.

Giờ đây chúng ta hãy đọc bản dịch tiếng Việt nguyên văn Sứ Ðiệp Hòa Bình của ÐTC cho ngày Quốc Tế Hòa Bình, mùng 1 tháng giêng năm 2005.

 

Mở đầu sứ  điệp, nơi số 1, ÐTC đã viết như sau:

 

Phần mở đầu:

"Ðừng để điều xấu thắng bạn, nhưng hãy thắng điều xấu bằng điều tốt"

1. Vào khởi đầu năm mới, tôi muốn ngỏ lời với những vị có trách nhiệm các quốc gia và với tất cả mọi người nam nữ có thiện chí; họ ý thức rằng việc xây dựng nền hòa bình trong thế giới là điều thật cần thiết biết chừng nào. Tôi đã chọn làm chủ đề cho Ngày Quốc Tế Hòa Bình năm 2005 lời khuyến khích của Thánh Phaolô tông đồ trong thư gởi giáo đoàn Roma như sau: "Con đừng để cho điều xấu thắng mình, nhưng hãy thắng điều xấu bằng điều tốt." (Roma 12,21). Ðiều xấu không thể nào bị đánh bại bởi điều xấu: nếu đi trên con đường dùng điều xấu để thắng điều xấu, thì thay vì chiến thắng sự dữ, người ta sẽ bị sự dữ đánh bại.

Viễn tượng được thánh tông đồ Phaolô mô tả, làm nổi bật một sự thật căn bản: đó là hòa bình là kết quả của một cuộc chiến lâu dài và đầy cố gắng, một cuộc chiến được chiến thắng khi điều xấu bị đánh bại bởi điều tốt. Ðứng trước những biến cố bi thảm về những cuộc xung đột bạo tợn và huynh đệ tương tàn, đang xảy ra tại nhiều nơi khác nhau trên thế giới, trước những đau khổ khôn tả và những bất công phát sinh từ đó, thì chọn lựa duy nhất thật sự mang tính cách xây dựng là tránh xa điều xấu và gắn bó với điều thiện (x. Rom 12,9), như thánh Phaolô tông đồ đã gợi ý thêm như thế.

Hòa Bình là điều tốt cần được cổ võ bởi điều tốt: hòa bình là điều tốt cho con người, cho các gia đình, cho các quốc gia trên mặt đất nầy, và cho toàn thể nhân loại; tuy nhiên, hòa bình là một điều tốt cần được gìn giữ và vun trồng nhờ qua những chọn lựa và những thực hiện điều tốt. Như thế, người ta hiểu được sự thật sâu xa của câu châm ngôn khác nữa của thánh Phaolô tông đồ như sau: "Ðứng lấy ác báo ác cho bất cứ ai" (Roma 12,17). Cách thế duy nhất để thoát ra khỏi vòng lẩn quẩn điều ác làm phát sinh điều ác, là đón nhận lời sau đây của thánh Phaolô: "Ðừng để điều xấu thắng mình, nhưng hãy thắng điều xấu bằng điều tốt" (thư Roma 12,21).

 

Vừa  rồi là là số 1, là số nhập đề và giải thích chủ đề của sứ điệp Hòa Bình của ÐTC Gioan Phaolô II cho Ngày Quốc Tế Hòa Bình, mùng 1 tháng Giêng năm 2005. Như Ðức Hồng Y Mar-ti-nô đã lưu ý trong bài giới thiệu của ngài, ÐTC Gioan Phaolô II đã nói về Hòa Bình, trong viễn tượng suy tư  về điều thiện và điều ác, nghĩa là trong viễn tượng luân lý. Tiếp sau đây, chúng ta đọc sang phần I của sứ điệp,  nói về hòa bình trong tương quan với điều thiện luân lý. ÐTC đã chọn tiêu đề cho số 2 của sứ điệp Hòa Bình  là: Ðiều xấu, điều tốt và tình thương. ÐTC giải thích như sau:

 

Phần I

Ðiều xấu, điều tốt và tình thương

2. Ngay từ đầu, nhân loại đã biết được kinh nghiệm bi thảm về điều xấu và đã cố gắng tìm hiểu những gốc rễ của điều xấu cũng như  giải thích những nguyên nhân gây ra điều xấu. Ðiều xấu không phải là một "mãnh lực vô danh" tác động trong thế giới nhờ qua những cơ cấu định sẵn cách máy móc và vô tư. Ðiều xấu xuất hiện qua sự tự do của con người. Chính sự tự do --- một khả năng phân biệt con người khác với những sinh vật khác trên mặt đất, --- (chính sự tự do nầy) nằm ở trung tâm của thảm kịch điều xấu và nó liên lỉ đến với điều xấu. Ðiều xấu luôn có một dung mạo và một tên gọi; đó là dung mạo và tên gọi của những con nguời nam nữ đã tự do chọn lấy điều xấu. Kinh Thánh dạy rằng vào khởi đầu lịch sử, Ông Adam và Bà Evà nổi loạn chống lại Thiên Chúa và Abê-lê đã bị anh mình là Ca-In  giết chết. (x, STK 3-4). Ðó là những chọn lựa sai lầm đầu tiên. Và tiếp theo là vô số những chọn lựa sai lầm khác trong dòng lịch sử. Mỗi một chọn lựa sai lầm đều có chiều kích luân lý kéo theo trách nhiệm rõ ràng từ phía chủ thể và có ảnh hưởng đến những tương quan căn bản của con nguời với Thiên Chúa, với những kẻ khác và với tạo vật. Khi đào sâu thêm những yếu tố kết thành nó, thì điều xấu quả thật là việc bi thảm tách mình ra khỏi những đòi hỏi của tình yêu thương. Ngược lại, điều tốt luân lý phát sinh từ tình thương, được thể hiện như là tình thương và được hướng đến tình thương. Ý nghĩa nầy quả thật rõ ràng cho người kitô, là kẻ biết rõ rằng việc tham dự vào một Nhiệm Thể duy nhất của Chúa Kitô đặt người kitô trong tương quan đặc biệt không những với Chúa, mà còn với những anh chị em mình nữa. Ðường lối hành động của tình thương kitô, --- mà trong Phúc âm là trung tâm thôi thúc điều tốt luân lý, --- thúc đẩy, -- nếu phải đi đến tận cùng --- (thúc đẩy) cho đến việc yêu thương những kẻ thù nghịch nữa, như thánh tông đồ Phaolô đã dạy trong thư gởi các tín hữu Roma, chương 12 câu 20, như sau: "Nếu kẻ thù của con đói, thì hãy cho nó ăn; nếu nó khát, thì hãy cho nó uống" (Roma 12,20).

 

Quý vị và các bạn thân mến,

Chúng ta vừa tìm hiểu và đọc số 1 và số 2 của sứ điệp Hòa Bình của ÐTC Gioan Phaolô II cho ngày Quốc Tế Hòa Bình lần thứ 38, sẽ được cử hành vào mùng 1 tháng Giêng năm 2005. Trong mục thời sự lần tới chúng tôi sẽ tiếp tục giới thiệu Sứ Ðiệp Hòa Bình. Mong quý vị và các bạn đón nghe.

 

- Sứ Ðiệp Hòa Bình của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II cho ngày Quốc Tế Hòa Bình năm 2005. (Bài II: số 3 và số 4 của sứ điệp Hòa Bình).

(Radio Veritas Asia 18/12/2004) - Quý vị và các bạn thân mến. Trong bài trước, chúng ta đã biết rằng Sứ Ðiệp Hòa Bình của ÐTC Gioan Phaolô II cho Ngày Quốc Tế Hòa Bình, mùng 1 tháng Giêng năm 2005, gồm có 3 phần chính:

Phần I nói về  Hòa Bình trong tương quan với điều tốt luân lý.

Phần II nói về Hòa Bình trong tương quan với công ích.

Phần III nói về Hòa Bình trong tương quan với những của cải trên thế giới.

Chúng ta đang đọc phần I của Sứ Ðiệp Hòa Bình năm 2005. ÐTC  nói về Hòa Bình trong khung cảnh suy tư về điều Thiện điều Ác. Trong bài thời sự lần trước, chúng ta đã đọc hai số đầu, tức số 1 và số 2 của sứ điệp. Chúng ta đã nghe ÐTC xác định rằng: Sự  Dữ, không phải là một "sức mạnh vô danh", nhưng có dung mạo cụ thể của mỗi người chúng ta, khi chúng ta chọn làm điều xấu. Mỗi người chúng ta đều có thể làm điều xấu, vì con người có tự do quyết định. "Tự do con người" nằm ở trung tâm của thảm kịch điều xấu. Phân tích thêm nữa, ÐTC quả quyết rằng: con người làm điều xấu, khi con người tránh không thực hiện những đòi hỏi của tình thương. Ðiều xấu, theo nhận xét của ÐTC, được thể hiện trong nhiều hình thức khác nhau của những sinh họat xã hội và chính trị. Và để chống lại điều xấu, con người ngày nay cần gìn giữ và quý trọng kho tàng chung về các giá trị luân lý; những giá trị luân lý nầy không do con người tạo ra, nhưng được con người lãnh nhận từ Thiên Chúa. ÐTC nhắc đến điều chúng ta có thể hiểu như là "Luật Luân Lý Tự  Nhiên" phổ quát, chung cho tất cả mọi người, và ngài kêu gọi tôn trọng "đường lối thể hiện" của Luật Tự Nhiên đó. ÐTC dùng một từ ngữ chuyên môn, gọi đó là "Văn Phạm của Luật Luân Lý phổ quát". Tuân theo "Văn Phạm" của Luật Luân Lý Phổ Quát, con người không thể nào chấp nhận "bạo lực". ÐTC kêu gọi thực hiện công cuộc giáo dục các lương tâm, cho tất cả mọi người, nhưng nhất là cho thế hệ trẻ, giúp cho tất cả mọi người có được khả năng mở rộng đón nhận những đề nghị của sự phát triển toàn diện con người trong tình liên đới.

Sau đây chúng ta hãy đọc tiếp hai số 3 và 4 của Sứ Ðiệp Hòa Bình năm 2005, như sau:

 

"Văn Phạm" của luật luân lý phổ quát

3. Nhìn vào tình trạng hiện nay của thế giới, người ta không thể không nhìn thấy  điều xấu được phổ biến đáng kể trong nhiều hình thức xã hội và chính trị: từ sự vô trật tự xã hội cho đến sự nổi loạn và chiến tranh, từ sự bất công cho đến bạo lực chống lại kẻ khác và loại trừ người đó. Ðể  xác định con đường riêng của mình giữa những đòi buộc đối nghịch của điều thiện và điều ác, gia đình nhân loại hết sức cần tôn trọng phần gia tài chung các giá trị luân lý, đã được lãnh nhận như  là hồng ân của Chúa. Vì thế, với tất cả những ai đã quyết tâm chiến thắng điều xấu bằng điều tốt, thánh Phaolô mời gọi hãy vun trồng những thái độ cao cả và không vụ lợi sống quảng đại và sống hòa bình (x. Roma 12, 17-21).

Ngỏ lời với Ðại Hội Ðồng Liên Hiệp Quốc cách đây 10 năm, về công cuộc chung để phục vụ cho hòa bình, tôi đã nhắc đến "văn phạm" của luật luân lý phổ quát (2), đã được giáo hội nhắc lại trong nhiều lần phát biểu về vấn đề nầy. Gợi lên những giá trị và những nguyên tắc chung, luật luân lý phổ quát nầy hiệp nhất tất cả mọi người lại với nhau, dù có sự khác biệt về văn hóa riêng; luật luân lý phổ quát nầy không thể nào thay đổi: "luật nầy vẫn luôn như vậy giữa những thay đổi các ý tưởng và các phong tục và nâng đỡ sự khai triển các ý tưởng... Cả khi con người chối bỏ những nguyên tắc của luật luân lý phổ quát, người ta cũng không thể hủy diệt nó, cũng không thể bứng nó ra khỏi tâm hồn con người. Luôn luôn nó xuất hiện lại trong đời sống của các cá nhân và trong những sinh hoạt của các xã hội" (3).

4. "Văn Phạm chung nầy"  của luật luân lý phổ quát đòi buộc phải luôn luôn dấn thân và  có trách nhiệm, để làm sao cho đời sống con người và của các dân tộc, được tôn trọng và được cổ võ. Theo ánh sáng của luật luân lý phổ quát, người ta không thể nào không ghi nhận cách sâu xa những điều xấu có tính cách xã hội và chính trị đang ảnh hưởng trên giới, nhất là những điều xấu được khơi dậy do bởi tình trạng phổ biến của bạo lực. Trong khung cảnh nầy, làm sao không nghĩ đến đại lục Châu Phi đáng mến, nơi vẫn còn những xung đột đã và còn đang tiếp tục gây ra hàng triệu nạn nhân? Làm sao không nhắc đến tình trạng nguy hiểm tại Palestina, vùng đất của Chúa Giêsu, nơi người ta không thành công kết chặt, trong sự thật và trong công bằng, những mối dây của sự thông cảm lẫn nhau; những mối dây thông cảm nầy nầy bị chà đạp bởi cuộc xung đột, một cuộc xung đột được dung dưỡng mỗi ngày một cách đáng lo ngại bởi những tấn công và những hành động trả thù? Và còn phải nói gì nữa về hiện tượng bi thảm của nạn bạo lực khủng bố xem ra như đang đưa toàn thế giới đến một tương lai đầy sợ sệt và lo âu? Cuối cùng, làm sao không đau lòng nhận xét rằng thảm cảnh tại Iraq còn kéo dài trong những hoàn cảnh không chắc chắn và không an ninh cho tất cả mọi người?

Ðể  đạt đến điều thiện hảo của hòa bình, cần phải, với ý thức sáng suốt, xác nhận rằng bạo lực là một điều xấu không thể chấp nhận được và rằng bạo lực không bao giờ giải quyết được những vấn đề. "Bạo lực là một sự gian trá, bởi vì nghịch lại với sự thật của đức tin chúng ta, và nghịch lại với sự thật của nhân tính chúng ta. Bạo lực hủy diệt điều mà muốn bảo vệ, như: phẩm giá con người, sự sống, và sự tự do của con nguời" (4). Ðiều cần thiết là phải cỗ võ một công cuộc to lớn về giáo dục lương tâm, một công cuộc giáo dục tất cả, nhất là những thế hệ mới, về điều tốt, vừa đồng thời mở ra cho họ nhìn thấy những chân trời của sự phát triển nhân bản toàn diện và có tình liên đới; đây là sự phát triển mà Giáo Hội chỉ ra và mong ước  có được như vậy. Trên những nền tảng vừa nói, người ta có thể thiết lập một trật tự xã hội, kinh tế, chính trị, biết tôn trọng phẩm giá con người, tôn trọng sự tự do và những quyền lợi căn bản của mỗi người.

 

Quý vị và các bạn thân mến,

Trong mục thời sự lần tới, chúng ta sẽ đọc qua phần II của sứ điệp Hòa Bình năm 2005, nói về Hòa Bình trong tương quan với công ích. Mong quý vị và các bạn sẽ theo dõi.

 

- Sứ Ðiệp Hòa Bình của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II cho Ngày Quốc tế Hòa Bình mùng 1 tháng Giêng năm 2005. (Bài Thứ III: số 5, 6 và số 7 của sứ điệp Hòa Bình).

(Radio Veritas Asia 19/12/2004) - Quý vị và các bạn thân mến. Trong hai lần qua, chúng ta đã đọc qua được 4 số: 1, 2, 3, và 4, của sứ điệp Hòa Bình của ÐTC cho năm 2005. ÐTC đã trình bày về Hòa Bình như là điều thiện hảo của con người. ÐTC  đặt những suy tư của ngài về hòa bình trong viễn tượng luân lý rộng rải hơn về điều thiện và điều ác. Trong công cuộc xây dựng hòa bình, ÐTC kêu gọi thưc hiện nguyên tắc luân lý của Thánh Phaolô Tộng đồ: hãy phát triển điều thiện, hãy lấy điều thiện mà thắng điều ác. Ðây là phương thế duy nhất để thoát ra khỏi vòng lẩn quẩn "lấy ác báo ác". Hôm nay, chúng ta đọc sang phần II và một đoạn của Phần III của sứ điệp.

Phần II của Sứ Ðiệp nói về mối tương quan giữa Hòa Bình và Công Ích.

Phần III nói về mối tương quan giữa Hòa Bình và những của cải vật chất.

Phần II của Sứ Ðiệp Hòa Bình chỉ có một số duy nhất là số 5. ÐTC đã trình bày như sau về tương quan giữa Hòa Bình và Công Ích:

 

Phần II

Tương quan giữa Hòa Bình và Công Ích

5. Ðể  cổ võ cho Hòa Bình, bằng việc vượt thắng điều xấu bằng điều tốt, thì cần phải quan tâm đến công ích (5) và đến những chiều kích xã hội và chính trị của công ích. Thật vậy, khi người ta vun trồng công ích, thì người ta cũng vun trồng hòa bình. Thử hỏi con người có thể thực hiện cho mình hoàn toàn hay không, nếu rút bỏ đi bản tính xã hội của mình, nghĩa là trút bỏ đi bản chất "sống với" và "sống cho" kẻ khác? Công ích quan tâm đến con người. Công ích quan tâm đến tất cả mọi hình thức thể hiện đặc tính xã hội của con người như: gia đình, các nhóm, các hiệp hội, các thành phố, các vùng, các  quốc gia, những cộng đồng các dân tộc và cộng đồng các quốc gia? Cách nào đó, tất cả mọi người đều có liên hệ trong dấn thân phục vụ cho công ích, trong việc liên lỉ đi tìm điều tốt cho kẻ khác dường như thể đó chính là điều tốt cho mình vậy. Cách riêng trách nhiệm nầy thuộc về quyền hành chính trị, trên mọi cấp bực thực hành của nó, bởi vì quyền hành chính trị được mời gọi thiết lập toàn bộ những điều kiện xã hội cho phép và cổ võ nơi con người sự phát triển toàn diện nhân vị của họ (6).

Công ích đòi hỏi tôn trọng và cổ võ nhân vị và những quyền lợi căn bản của nó, cũng như đòi hỏi sự tôn trọng và cổ võ những quyền lợi của các quốc gia trong viễn tượng phổ quát. Công Ðồng Vaticanô II đã nói về điều nầy như sau: "Chính từ sự tùy thuộc lẫn nhau mỗi ngày một chặt chẽ hơn và được lan rộng từ từ đến toàn thế giới, mà nẩy sinh điều nầy là công ích ngày nay trở nên phổ quát hơn và bao gồm những quyền lợi và bổn phận có liên hệ đến toàn thể nhân loại. Tuy nhiên, mỗi cộng đoàn phải lưu ý đến những nhu cầu và những khát vọng hợp pháp của những cộng đoàn khác, và cả lưu ý đến công ích của toàn thể gia đình nhân loại" (7). Ðiều thiện hảo của toàn thể nhân loại, --- kể cả đối với những thế hệ tương lai, --- đòi hỏi một sự cộng tác quốc tế đích thật, mà mỗi quốc gia phải đóng góp phần của mình vào sự cộng tác nầy (8). Tuy nhiên, những cái nhìn rút gọn về thực tại con người biến đổi công ích thành như một "sự thiện hảo thuần túy xã hội và kinh tế", thiếu mọi chiều kích hướng đến điều siêu việt, và làm cho công ích nầy trở thành trống rỗng, mất đi lý do hiện hữu sâu xa nhất của nó. Công ích, ngược lại, có một chiều kích siêu việt, bởi vì Thiên Chúa là mục đích cuối cùng của những tạo vật (9). Hơn nữa, những người kitô biết rằng Chúa Giêsu đã giải bày rõ ràng về sự thực hiện công ích đích thật của nhân loại. Lịch sử tiến bước về Chúa Kitô và đạt đến chóp đỉnh thành toàn của nó trong Chúa Kitô: nhờ Chúa Kitô, bởi Chúa Kitô và trong viễn tượng hướng về Chúa Kitô, mọi thực tại con người có thể được dẫn  đưa đến sự thành toàn trọn hảo trong Thiên Chúa.

 

Tiếp sau đây, là số 6 của sứ điệp, số đầu tiên của phần III của sứ điệp Hòa Bình, nói về mối tương quan giữa Hòa Bình và việc xử dụng những của cải vật chất, những tài nguyên của trái đất nầy. ÐTC đã viết như sau:

 

Phần III

Ðiều Thiện hảo Hòa Bình và việc xử dụng những của cải trên trái đất nầy

6. Bởi vì điều Thiện hảo Hòa Bình được liên kết chặt chẽ với sự phát triển tất cả các dân nước, thì điều cần thiết là phải lưu ý đến những hệ luận luân lý của việc xử dụng những của cải trên mặt đất. Công đồng Vaticano II đã nhắc lại đúng lúc rằng "Thiên Chúa đã đặt trái đất và tất cả những gì trong đó cho tất cả mọi người và mọi dân nước hưởng dùng, sao cho những của cải đã được tạo dựng ra đến được với tất cả, theo tiêu chuẩn công bằng, với sự hướng dẫn của công bằng và sự đồng hành của đức bác ái " (10).

Việc thuộc về gia đình nhân loại làm cho mỗi người có được một thứ "quyền công dân quốc tế", làm cho người đó trở thành chủ thể của những quyền lợi và những bổn phận, xét vì mọi người được hiệp nhất với nhau vì có cùng một nguồn gốc chung và cùng có vận mệnh cuối cùng chung. Một đứa bé vừa được cưu mang, là đủ để nó trở thành chủ thể của những quyền lợi và đáng được chú ý chăm sóc và để kẻ khác có bổn phận đáp lại những quyền lợi nầy. Việc kết án chủ nghĩa chủng tộc, việc bảo vệ những nhóm thiểu số, việc trợ giúp cho những anh chị em tị nạn, việc động viên tình liên đới quốc tế đối với những ai cần được trợ giúp, đó là những hệ luận vững chắc của nguyên tắc về quyền công dân quốc tế.

 

ÐTC lưu ý rằng với cụm từ "những của cải trên mặt đất nầy" cũng bao gồm những "của cải mới", đó là những kiến thức khoa học và những tiến bộ kỷ thuật. Ngài viết như sau nơi số 7 của sứ điệp Hòa Bình như sau:

 

7. Ðiều Thiện hảo Hòa Bình ngày nay còn được nhìn trong tương quan chặt chẽ với những sự phong phú mới, đến từ sự hiểu biết khoa học và từ tiến bộ kỷ thuật. Cả những sự phong phú mới nầy, --- dựa theo nguyên tắc về mục đích phổ quát của những của cải trên mặt đất ---, cũng được đặt phục vụ cho những nhu cầu căn bản của con người. Những sáng kiến hợp thời trên bình diện quốc tế có thể được thực hiện, dựa theo nguyên tắc về mục đích phổ quát những của cải trên trần gian nầy, bằng cách bảo đảm cho tất cả - cá nhân cũng như  cộng đồng quốc  gia - những điều kiện căn bản để tham dự vào công cuộc phát triển. Ðiều nầy có thể thực hiện được, nếu người ta hạ bỏ đi những hàng rào ngăn cách và những độc quyền làm cho nhiều dân nước bị loại ra ngoài lề (11).

 

Quý vị và cácbạn thân mến,

Mục thời sự lần tới sẽ còn giới thiệu tiếp sứ điệp Hòa Bình của ÐTC, phần thứ III (tiếp theo), tương quan giữa Hòa Bình và Việc Xử Dụng những Của Cải, những Tài Nguyên của trái đất nầy. Mong quý vị và các bạn sẽ theo dõi.

 

- Sứ Ðiệp Hòa Bình của ÐTC Gioan Phaolô II cho Ngày Quốc Tế Hòa Bình mùng 1 tháng Giêng năm 2005. (Bài IV: số 7 (tiếp theo) và số 8 của sứ điệp Hòa Bình).

(Radio Veritas Asia 20/12/2004) - Quý  vị và các bạn thân mến. Như đã nói trước, phần thứ III của Sứ Ðiệp Hòa Bình năm 2005, là phần nói về tương quan giữa Hòa Bình và những của cải trên mặt đất nầy. Khi nói đến những của cải trên mặt đất nầy, ÐTC mở rộng quan niệm về "những của cải" trên mặt đất nầy bao gồm những "sự phong phú mới", "những tài nguyên mới", đó là những kiến thức khoa học và những tiến bộ kỷ thuật. Dựa trên nguyên tắc của giáo huấn xã hội của giáo hội về "mục đích phổ quát" của những của cải, --- nghĩa là mọi tài nguyên trên mặt đất nầy đã được Thiên Chúa tạo dựng cho tất cả mọi người được hưởng dùng --- ÐTC quả quyết rằng Hòa Bình có liên hệ chặt chẽ với phát triển, và rằng cần phải bỏ đi những hàng rào ngăn cách và những độc quyền, để không một dân nước nào bị loại ra ngoài lề, không được hưởng những "tài nguyên", những "của cải" của trái đất nầy, kể cả những "tài nguyên mới", "những của cải mới",  là những kiến thức khoa học và những tiến bộ kỷ thuật. ÐTC đã viết tiếp như sau trong phần III của sứ điệp Hòa Bình năm 2005:

 

Ðiều Thiện Hảo Hòa Bình sẽ được bảo đảm tốt hơn nếu với ý thức trách nhiệm nhiều hơn, cộng đồng quốc tế lãnh lấy vai trò lo cho những "của cải" --- hay "tài nguyên" --- mà cách chung được mọi người nhìn nhận như là "những của cải chung" --- "những tài nguyên chung". Ðó là những "của cải" mà tất cả mọi công dân đều được hưởng cách tự động, mà không cần phải có những quyết định thêm nữa để hưởng lấy những điều chung nầy. Trên bình diện của một quốc gia, đó là trường hợp của những "của cải chung" như  hệ thống tư pháp, hệ thống bảo toàn an ninh, hệ thống giao thông các đường xe hoặc hệ thống các đường sắt. Trong thế giới ngày nay chịu ảnh hưởng rõ rệt bởi hiện tượng toàn cầu hóa, thì càng ngày càng có nhiều hơn "những tài nguyên chung" mang lấy tính cách toàn cầu và đo đó gia tăng thêm những quan tâm chung mỗi ngày một hơn. Chỉ cần nghĩ đến công cuộc chiến đấu chống lại nạn ngghèo đói, đến việc mưu tìm hòa bình và an ninh, đến mối quan tâm lo lắng trước những thay đổi khí hậu, đến việc chận đứng sự lây nhiễm những bệnh tật. Cộng đồng quốc tế cần đáp lại những quan tâm trên bằng một hệ thống càng ngày càng rộng rải hơn  về những quyết định pháp lý, có khả năng điều động sự hưởng dùng những tài nguyên chung nầy, theo sự gợi hứng của những nguyên tắc phổ quát về công bằng và liên đới.

 

Và tiếp sau đây, ÐTC áp dụng nguyên tắc  về "mục đích phổ quát" của các của cải, --- nghĩa là các tài nguyên trên mặt đất đã được Thiên Chúa tạo dựng cho tất cả mọi người được hưởng dùng --- vào trong trường hợp cụ thể của công cuộc chống nạn nghèo đói. Ngài đã viết nơi số 8 của Sứ Ðiệp Hòa Bình, như sau:

 

8. Hơn nữa, nguyên tắc về "mục đích phổ quát" của những của cải cho phép ta đương đầu với thách thức của nạn nghèo đói một cách tương xứng, vừa lưu ý nhất là đến những hoàn cảnh cùng cực, trong đó còn hơn một tỉ người trên thế giới sinh sống. Cộng đồng quốc tế đã đặt ra cho mình mục tiêu ưu tiên, vào khởi đầu của ngàn năm mới, là từ nay đến năm 2015, sẽ làm giãm xuống một nửa tổng số những người nghèo. Giáo hội nâng đỡ và khuyến khích công cuộc dấn thân nầy, và mời gọi những ai tin vào Chúa Kitô hãy thể hiện tình yêu thương ưu tiên dành cho người nghèo, một cách cụ thể và trong mọi lãnh vực (12).

Thảm kịch nghèo đói xem ra được liên kết một cách chặt chẽ với vấn đề nợ nước ngoài của những quốc gia nghèo. Mặc dù đã có những tiến bộ đáng kể trong lãnh vực nầy, vấn đề nợ nước ngoài chưa gặp được một giải pháp tương xứng. Ðã 15 năm qua rồi, kể từ khi tôi lên tiếng kêu gọi dư luận quốc tế chú ý đến sự kiện nầy rằng nợ nước ngoài của các quốc gia nghèo "có liên hệ chặt chẽ với toàn bộ những vấn đề khác nữa, như vấn đề đầu tư nước ngoài, vấn đề sinh hoạt công bằng của những cơ quan quốc tế, vấn đề giá cả của những nguyên liệu và những vấn đề khác nữa... (13). Những thể thức mới đây để giãm bớt các món nợ, cách chung đã được đặt ra theo những đỏi hỏi  của người nghèo, chắc chắn đã làm cho phẩm chất của sự phát triển kinh tế được tốt hơn. Tuy nhiên, vì một loạt những yếu tố khác nhau, sự phát triển kinh tế nầy, xét trên bình diện số lượng,  còn cho thấy là chưa đạt đến kết quả, nhất là so với những mục tiêu đã được đề ra vào khởi đầu của ngàn năm thứ ba. Những quốc gia nghèo còn mắc kẹt trong vòng lẩn quẩn: những mức thu nhập thấp và việc tăng trưởng kinh tế chậm, cả hai yếu tố nầy giới hạn con số tiết kiệm; và rồi  đến phiên mình những nguồn đầu tư yếu và việc xử dụng không hữu hiệu nguồn vốn tiết kiệm, lại không cổ võ được cho sự tăng trưởng kinh tế.

 

Quý vị và các bạn thân mến,

Vừa rồi là vài nhận định của ÐTC, trong sứ điệp Hòa Bình năm 2005, về tương quan giữa Hòa Bình và việc xử dụng những của cải trên mặt đất nầy. Cần phân phối công bằng các tài nguyên, sao cho không một ai, không một dân nước nào, bị loại ra ngoài lề công cuộc phát triển kinh tế. Hẹn gặp lại quý vị và các bạn.

 

- Sứ Ðiệp Hòa Bình năm 2005 của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II. (Bài V:  số 9 và số 10 của sứ điệp Hòa Bình).

(Radio Veritas Asia 21/12/2004) - Quý vị và các bạn thân mến. Như quý vị và các bạn đã nghe qua, khi nói về tương quan giữa hòa bình và việc xử dụng những của cải trên trái đất nầy, ÐTC  Gioan Phaolô II đã nhắc lại nguyên tắc của giáo huấn xã hội của giáo hội về "mục đích phổ quát" của những của cải. Nguyên tắc nầy đã được Công Ðồng Vaticanô II xác nhận nơi số 69 của Hiến Chế Mục Vụ "Vui Mừng và Hy Vọng" nói về Giáo Hội trong thế giới ngày nay, như sau: "Thiên Chúa đã đặt định trái đất và mọi vật trên trái đất thuộc quyền xử dụng của mọi người và mọi dân tộc. Chính vì thế, của cải được tạo dựng phải được phân phối cho tất cả mọi người một cách công bằng, theo sự hướng dẫn của công bằng và với đức bác ái đi kèm". (69)

Một cách đặc biệt, nơi phần III của Sứ Ðiệp Hòa Bình, ÐTC Gioan Phaolô II đã trình bày một giáo huấn mới, khai triển rộng thêm nguyên tắc về "mục đích chung" của những của cải, đó là giáo huấn về "quyền công dân thế giới". ÐTC đã quả quyết một cách rõ ràng rằng: "Việc thuộc về gia đình nhân loại ban cho mỗi người một điều đặc biệt như "quyền công dân của thế giới", làm cho người đó trở nên chủ thể của những quyền lợi và những bổn phận, xét vì tất cả mọi người được hiệp nhất với nhau bởi cùng một nguồn gốc chung và bởi một vận mệnh cuối cùng chung."

Trong khung cảnh luân lý tổng quát, ÐTC trình bày lập trường của giáo hội công giáo về những vấn đề hết sức khẩn thiết, nằm trong chương trình hành động của cộng đồng quốc tế.

Vấn đề thứ nhất là vấn đề xử dụng những kiến thức khoa học và những tiến bộ kỷ thuật; đây là những gì được ÐTC gọi bằng cụm từ "những của cải mới". Những "của cải mới" nầy cũng có "mục đích chung" cho tất cả mọi người mọi dân nước, cũng giống như những "của cải trên trái đất nầy".

Vấn đề thứ hai là vấn đề về những điều được gọi là "những của cải chung", được mọi người "hưởng dùng một cách tự dộng" không cần phải làm thêm hành động thủ tục gì nữa để hưởng chúng. ÐTC kể ra những thí dụ về "của cải chung" như  sự an ninh, hệ thống giao thông các đường xe, vân vân...

Vấn đề thứ ba là vấn đề chống nạn nghèo đói. Về vấn đề nầy, ÐTC lưu ý đến ba điểm hết sức cụ thể: 1- nạn nợ nước ngoài của những quốc gia nghèo; 2- việc trợ giúp tài chánh  cho các quốc gia nghèo để  giúp cho công cuộc phát triển; và 3- việc "tưởng nghĩ ra" những sáng kiến mới của tình bác ái. Trong nguyên văn sứ điệp Hòa Bình, ÐTC dùng một từ hơi lạ một chút, là từ  "sự tưởng tượng của đức bác ái". Một  khi đã có đức bác ái thật sự trong tâm hồn mình, con người  luôn "tưởng tượng ra" những sáng kiến mới để phục vụ anh chị em mình.

Nơi số 8 của sứ điệp, mà chúng ta đã đọc qua trong bài trước, ÐTC đã nói lên quan điểm của ngài về việc cần tha bớt số nợ nước ngoài cho các quốc gia nghèo. Hôm nay chúng ta hãy đọc tiếp hai số 9 và 10 của sứ điệp Hòa Bình, nói đến hai điểm cụ thể còn lại.

Số 9: nói về việc trợ giúp tài chánh để phát triển như sau:

 

Việc trợ giúp tài chánh để phát triển

9. Như Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI đã quả quyết và chính tôi đã xác nhận, phương thế duy nhất thật sự hữu hiệu để giúp cho các Chính Phủ đương đầu với vấn đề bi thảm của sự nghèo đói, là cung cấp cho họ những phương tiện cần thiết, qua việc trợ giúp tài chánh từ ngoài --- trợ gíup công cũng như trợ giúp tư --- với những điều kiện có thể thi hành được, trong khung cảnh của những tương quan thương mại quốc tế, được quy định theo sự công bằng (14). Người ta cần thực hiện cuộc vận động luân lý và kinh tế, vừa biết tôn trọng những thỏa ước đã ký kết để phụ giúp cho những quốc gia nghèo, nhưng đàng khác sẵn sàng xét lại những thỏa ước mà kinh nghiệm đã chứng minh là quá nặng nề đối với một số quốc gia nào đó. Trong viễn tượng nầy, điều đáng mong ước và cần thiết là đưa một sức hăng say mới vào sự trợ giúp công cho công cuộc phát triển, và tìm cách thực hiện những đề nghị về những hình thức mới để trợ giúp tài chánh cho công cuộc phát triển (15), mặc cho những khó khăn mới có thể xảy ra. Vài chính phủ đã bắt đầu thẩm định nghiêm chỉnh những "thể thức" có triển vọng mang lại kết quả trong chiều huớng nầy, thẩm định những sáng kiến có ý nghĩa cần được tiếp tục, trong cách thức thật sự chia sẻ và trong sự tôn trọng nguyên tắc hỗ trợ. Cũng cần phải kiểm soát sao cho việc quản lý các tài nguyên kinh tế dành cho việc phát triển các quốc gia nghèo, được tuân theo những tiêu chuẩn của việc quản trị tốt, từ phía những người cung cấp cũng như từ phía những kẻ lãnh nhận. Giáo Hội khuyến khích và nâng đỡ những cố gắng nầy. Chỉ cần nhắc lại, thí dụ như, sự đóng góp quý giá của nhiều cơ quan công giáo về trợ giúp và phát triển.

 

Tiếp sau đây, nơi số 10 của sứ điệp Hòa Bình, chúng ta sẽ nghe ÐTC nói về "sức tưởng tượng của đức bác ái" để nghĩ ra những sáng kiến mới phục vụ con người. ÐTC đã viết như sau:

 

"Sức tưởng tượng của đức bác ái"

10. Vào lúc kết thúc Ðại Năm Thánh 2000, trong tông thư "Bước vào ngàn năm mới", tôi đã nhắc đến sự khẩn thiết của một sức tưởng tượng mới của đức bác ái (16), để phổ biến Tin Mừng của niềm Hy Vọng trong thế giới. Ðiều nầy được nhìn thấy rõ ràng, khi người ta gặp phải biết bao vấn đề và là những vấn đề tế nhị, cản trở công cuộc phát triển của đại lục Phi Châu: những vấn đề đó là những xung đột vũ trang, những cơn dịch bệnh tật mà hoàn cảnh nghèo cùng làm cho trở nên nguy hiểm hơn, những bất ổn chính trị đi kèm với tình trạng phổ biến về việc không có an sinh xã hội. Ðó là những thực tại bi thảm kêu gọi mở ra một con đường hoàn toàn mới cho Phi Châu: cần phải đưa ra những hình thức mới của tình liên đới, trên bình diện song phương và đa phương, với sự dấn thân một cách quyết định hơn của tất cả mọi người, trong ý thức hoàn toàn rằng điều thiện hảo của các dân nước Phi Châu là điều kiện cần thiết để đạt đến công ích cho tất cả.

Ước chi những dân nước tại Phi Châu biết làm chủ cho chính vận mệnh của họ; ước chi họ biết nắm lấy trong tay như những chủ thể của việc phát triển văn hóa, dân sự, xã hội và kinh tế của đất nước họ! Ước gì Phi Châu không còn chỉ là đối tượng của việc trợ giúp nữa, để có thể trở thành chủ thể có trách nhiệm biết tham dự một cách xác tín và có kết quả. Ðể đạt đến những mục tiêu nói trên, thì cần có một nền văn hóa mới trên bình diện chính trị, nhất là trong lãnh vực cộng tác quốc tế. Một lần nữa, tôi muốn xác nhận rằng việc thất bại không chu toàn được những gì đã hứa nhiều lần liên quan đến sự trợ giúp công cho việc phát triển, --- thí dụ như vấn đề cho đến nay  vẫn còn bỏ ngỏ về món nợ nặng nề nước ngoài tại những quốc gia Phi Châu và việc không có quyết định đặc biệt dành cho những quốc gia phi châu trong những tương quan thương mại quốc tế, --- tất cả kết thành những trở ngại trầm trọng cho hòa bình, và do đó cần được giải quyết và khẩn thiết vượt qua. Chưa bao giờ như ngày hôm nay, để thực hiện nền hòa bình trong thế giới, thì điều có tính cách quyết định và dứt khoát là ý thức về sự tùy thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia giàu có  và những quốc gia nghèo nàn; công cuộc phát triển của những quốc gia nghèo, hoặc trở nên như là một công cuộc chung tại tất cả mọi nơi trên thế giới, hoặc phải chịu cảnh đi thụt lùi, cả tại những vùng đã có tiến bộ liên lỉ.

 

Quý vị và các bạn thân mến,

Trong mục thời sự lần tới, chúng tôi sẽ đọc phần kết luận của sứ điệp Hòa Bình năm 2005. Mong quý vị và các bạn sẽ theo dõi.

 

- Sứ Ðiệp Hòa Bình năm 2005 của ÐTC Gioan Phaolô II. (Bài cuối cùng: Kết luận sứ điệp, số 11 và số 12).

(Radio Veritas Asia 22/12/2004) - Quý vị và các bạn thân mến. Ðọc qua ba phần chính của Sứ Ðiệp Hòa Bình, chúng ta có thể có cảm tưởng chung rằng trong công cuộc xây dựng hòa bình, cuộc chiến giữa thiện và ác chưa đi đến hồi kết thức. Những vấn đề về chiến tranh, bạo lực, nghèo đói, và chậm tiến vẫn còn đó. Nhưng ÐTC không vì thế mà trở nên bi quan. ÐTC kết luận sứ điệp Hòa Bình năm 2005 với lời kêu gọi hãy giữ vững niềm hy vọng. Ðặc biệt, những người kitô lại càng có lý do nhiều hơn để giữ vững hy vọng, vì Chúa Giêsu Kitô đã cứu chuộc chúng ta, và quyền năng Thánh Thần của ngài đã được trao ban cho chúng ta, để chúng ta có thể đạt đến sự trọn lành, và đưa xã hội và lịch sử con nguời đến chỗ thành toàn. ÐTC xác tín rằng lịch sử đang tiến đến điều thiện. Sự dữ đã bị đánh bại rồi trong cái chết và sống lại của Chúa Kitô. Giờ đây, kết hiệp với Chúa Kitô trong bí tích Thánh Thể, người kitô sẽ đạt được chiến thắng trên sự dữ, mỗi ngày một tiến gần đến chiến thắng cuối cùng của điều thiện trên điều ác, nhờ sức mạnh của Chúa, sức mạnh được trao ban hằng ngày qua việc Cử Hành Bí Tích Thánh Thể. ÐTC đã quả quyết một cách mạnh mẽ và lạc quan rằng: "Sự dữ khắp nơi đã bị thất bại do bởi sức mạnh phổ quát của ơn cứu rỗi do Chúa Kitô thực hiện". Và ngài mời gọi mọi người kitô hãy chứng minh bằng đời sống rằng tình yêu thương là sức mạnh duy nhất có thể dẫn đưa dến sự trọn lành cá nhân và xã hội. Chiến thắng của sự thiện trên sự dữ là chiến thắng của tình  yêu thương, chớ không phải của những vũ khí. Tình yêu thương là sức mạnh làm cho lịch sử tiến đến điều thiện và hòa bình. Sau đây, chúng ta hãy đọc hai số 11 và 12, là hai số kết luận của Sứ Ðiệp Hòa Bình Năm 2005.

 

Phần Kết Luận

Tính cách phổ quát của điều dữ và niềm hy vọng kitô

11. Trước biết bao thảm cảnh đang gây đau thương cho thế giới, những người kitô với lòng khiêm tốn tin tưởng tuyên xưng rằng chỉ một mình Thiên Chúa mới làm cho con người và các dân tộc có khả năng vượt qua điều dữ để đạt đến điều thiện. Với cái chết và sự phục sinh của mình, Chúa Kitô đã cứu rỗi chúng ta và đã chuộc chúng ta lại "bằng một giá thật đắt" (1 Co 6,20; 7, 23), đem lại ơn cứu rỗi cho tất cả mọi người. Với sự trợ giúp của Chúa, tất cả mọi người có thể chiến thắng sự dữ bằng sự thiện.

Dựa trên niềm xác tín chắc chắn rằng sự dữ sẽ không thể thắng được, người kitô vun trồng niềm hy vọng kiên vững, một niềm hy vọng có sức nâng đỡ họ trong công cuộc cổ võ cho công bằng và hòa bình. Mặc cho những tội lỗi cá nhân và những tội xã hội ảnh hưởng trên hành động của con người, niềm hy vọng vẫn khắc ghi một sự hăng say luôn được canh tân vào trong dấn thân phục vụ cho công bằng và hòa bình, cùng với niềm tin tưởng vững chắc vào khả thể xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.

Nếu "mầu nhiệm tội lỗi" (2 Ts 2,7) hiện diện và tác động trong thế giới, thì chúng ta cũng không nên quên rằng con người được cứu chuộc có tích chứa nơi chính mình những năng lực đủ để đối phó với mầu nhiệm tội lỗi nầy. Ðược tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa và đã được cứu chuộc bởi Chúa Kitô, Ðấng kết hiệp một cách nào đó với mọi người" (18), con người có thể cộng tác tích cực vào việc làm cho sự thiện được chiến thắng. Tác động của "Thánh Thần của Ðức Chúa hiện diện đầy tràn trong vũ trụ" (Kn 1,7). Những người kitô, nhất là những anh chị em giáo dân, "không che dấu niềm hy vọng nầy trong cỏi thâm sâu tâm hồn họ, nhưng, với sự trở lại liên lỉ và với chiến đấu chống lại "những kẻ thống trị thế giới tối tăm và chống lại những thần dữ" (Eph 6,12), những người kitô nói lên niềm hy vọng vào chiến thắng của sự thiện trên sự dữ , cả nhờ qua những cơ cấu của đời thường" (19).

12. Không một người nam nữ thiện chí nào có thể tránh né việc dấn thân trong chiến đấu để thắng sự dữ bằng điều thiện. Ðây là cuộc chiến cần được thực hiện một cách hữu hiệu với những khí giới của tình thương. Khi sự thiện chiến thắng sự dữ, thì tình yêu thương được ngự  trị; và nơi nào có tình thương ngự trị, thì ở đó có hòa bình. Ðây là giáo huấn của Tin Mừng, được Công đồng Vaticanô II đề nghị lại với những lời như sau: "Ðịnh luật căn bản của sự trọn lành của con người, và do đó của sự biến đổi thế giới, là mệnh lệnh mới sống đức bác ái." (20).

Ðiều nầy cũng đúng trong lãnh vực xã hội và chính trị. Về vấn đề nầy, Ðức Giáo Hoàng Lê-ô  thứ  XIII đã viết rằng: tất cả những ai có bổn phận chăm sóc cho điều thiện hảo Hòa Bình trong những tương quan giữa các dân nước, thì phải nuôi dưỡng trong chính mình và thắp lên nơi những kẻ khác "đức bác ái, là chúa và là nữ hoàng của tất cả mọi nhân đức" (21). Ước chi những người kitô trở nên những chứng nhân đầy xác tín về sự thật nầy; ước chi họ biết làm chứng bằng đời sống họ rằng tình yêu là sức mạnh duy nhất, có khả năng dẫn đến sự trọn lành cá nhân và xã hội, là sức năng động duy nhất có thể làm cho lịch sử  tiến đến điều thiện và hòa bình.

Trong Năm nay là năm được dành cho Bí tích Thánh Thể, ước chi những con cái của Giáo Hội  gặp được trong Bí Tích Cao Cả của Tình Yêu nguồn mạch cho mọi sự hiệp thông: sự hiệp thông với Chúa Giêsu, Ðấng Cứu Thế, và trong Chúa sự hiệp thông với mọi người. Chính nhờ sức mạnh của cái chết và sống lại của Chúa Kitô, được làm cho hiện diện một cách bí tích trong mọi cử hành ThánhThể, mà chúng ta được cứu thoát khỏi sự dữ và được trở nên có khả năng làm điều thiện. Chính trong sức mạnh của đời sống mới được Chúa Kitô ban cho, mà chúng ta có thể nhìn nhận nhau như những anh chị em, vượt qua mọi khác biệt về ngôn ngữ, quốc tịch và văn hóa. Tắt một lời, chính nhờ qua sự tham dự vào cùng một Bánh Mình Thánh và cùng một chén Máu Thánh, mà chúng ta có thể cảm thấy mình như là "đại gia đình của Thiên Chúa" và cùng nhau góp phần đặc biệt và hữu hiệu vào việc thiết lập một thế giới có nền tảng trên những giá trị công bằng, tự do và hòa bình.

 

Từ Ðiện Vatican, ngày 8 tháng 12 năm 2004

Gioan Phaolô Ðệ Nhị, giáo hoàng, (ấn ký).

 

Quý vị và các bạn thân mến, vừa rồi là phần kết luận của Sứ Ðiệp Hoà Bình năm 2005 của  ÐTC  Gioan Phaolô II. ÐTC đã xác tín nói lên niềm hy vọng kitô rằng lịch sử con người nhờ ơn cứu rỗi của Chúa mà tiến đến sự thiện, tiến đến công bằng, tự do và hòa bình, mặc cho sự dữ còn hiện diện khắp nơi trong thế giới.

Hẹn gặp lại quý vị và các bạn.

 

(Ðặng Thế Dũng)


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page