Phỏng vấn về các Nữ Ðan Viện

trong Giáo Hội Công Giáo

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Phỏng vấn về các Nữ Ðan Viện trong Giáo Hội Công Giáo.

(Radio Veritas Asia 23/11/2004) - Quý vị và các bạn thân mến. Ngày 21 tháng 11 hằng năm, trong niên lịch phụng vụ của Giáo Hội Công Giáo, là ngày lễ Ðức Mẹ Dâng Mình Cho Thiên Chúa. Và do ngày lễ nầy, mà ngày 21 tháng 11 đã được thiết lập như  là Ngày Các Nữ Ðan Viện. Tuy nhiên, đặc biệt trong năm 2004 nầy, ngày 21 tháng 11 lại là Ngày Chúa Nhật Kính Trọng Thể Chúa Kitô Vua; và do đó, ngày Lễ Ðức Mẹ Dâng Mình cho Thiên Chúa và Ngày Các Nữ Ðan Viện, không được nhiều người chú ý đến.

Mục thời sự hôm nay xin được trở lại với ngày 21 tháng 11 như là Ngày của Các Nữ Ðan Viện, và gởi đến quý vị và các bạn bài Phỏng Vấn Mẹ Sofia Cicchetti, bề trên của cộng đoàn nữ đan viện trong Nội Thành Vatican.

Ở đây, xin được nhắc đến một điều đặc biệt chỉ mới có trong Nội Thành Vatican, cách đây 10 năm mà thôi. Ðó là cách đây 10 năm, chính Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã thiết lập trong Nội Thành Vatican một Ðan Viện cho các Nữ Tu Chiêm Niệm, để hằng ngày cầu nguyện cho toàn thể giáo hội, từ bên cạnh Vị Chủ Chăn của toàn thể giáo hội. Tuy nhiên, theo ý của Ðức Thánh Cha, Ðan Viện Các Nữ Tu Chiêm Niệm trong Nội Thành Vatican, không phải là của riêng một ngành chiêm niệm nào đó; nhưng cứ theo chu kỳ năm (05) năm một lần, các nữ tu chiêm niệm thuộc các ngành tu đức khác nhau, luân phiên đến cư ngụ tại Ðan Viện nầy. Do đó, trong 10 năm qua, đã có hai dòng nữ chiêm niệm đến sống tại Ðan Viện nầy. Trước hết là cộng đoàn các nữ tu chiêm niệm Clara, rồi đến cộng đoàn các nữ tu chiêm niệm Carmêlô. Và hôm ngày mùng 7 tháng 10 năm 2004, đến phiên các nữ tu chiêm niệm Biển Ðức. Mẹ Bề Trên của Cộng Ðoàn Nữ Tu Chiêm Niệm Biển Ðức hiện đang cư ngụ tại Ðan Viện trong Nội Thành Vatican là Mẹ Sofia Cicchetti.

Ðặc Phái Viên của Ðài Phát Thanh Vatican, anh Giovanni Perduto, đã đến phỏng vấn Mẹ Sofia hôm thứ Bảy ngày 20 tháng 11 năm 2004, áp ngày lễ Ðức Mẹ Dâng Mình cho Thiên Chúa, Ngày Các Nữ Ðan Viện trong Giáo hội Công giáo. Giờ đây, kính mời quý vị và các bạn, theo dõi bài phỏng vấn nầy.

Hỏi 1: Xin Mẹ cho biết cách chung về ơn gọi của các nữ tu chiêm niệm trong giáo hội như thế nào?

Ðáp: Các Nữ Tu Chiêm Niệm làm chứng cho chỗ đứng thứ nhất của Thiên Chúa trên tất cả mọi sự và trên tất cả mọi tạo vật. Ðược Thiên Chúa quan phòng khơi dậy trong Giáo Hội, đời sống đan viện là một hồng ân quý giá và phong phú cho toàn thể Dân Chúa. Ðời sống đan tu loan báo và làm chứng cho Nước Chúa, bên cạnh và trong sự hòa hợp với những thừa tác vụ khác trong giáo hội, được hướng đến việc rao giảng Phúc âm và những thể hiện đa diện của công việc mục vụ. Những cộng đoàn đan tu chiêm niệm đã luôn luôn góp phần rất nhiều, dù cho một cách mầu nhiệm, vào việc bảo vệ và phổ biến Phúc Âm, vừa làm lan tỏa bên cạnh những bước đi và những mệt nhọc tông đồ của những nhà truyền giáo, (làm lan tỏa) mùi hương thơm quý giá của việc cầu nguyện, của lời khẩn cầu, của việc đền tội trong tâm tình yêu thương và đền bù.

Hỏi 2: Nhiều người đã thắc mắc hỏi: những Nữ Tu Chiêm Niệm có làm ích gì cho xã hội hay không? Xin Mẹ bề trên vui lòng cho biết ý kiến của Mẹ như thế nào?

Ðáp: Trong xã hội hiện nay, một xã hội mang tính cách thực dụng và chủ trương phải có hiệu quả, và trong đó, người ta chỉ nhìn nhận giá trị của "điều gì hữu ích cho tôi, điều gì làm tôi ưa thích và mãn nguyện", (trong một xã hội như thế) thì dĩ nhiên người ta cho rằng cuộc sống của những nữ tu chiêm niệm "không có" ích gì cả. Nhưng cuộc sống của các nữ tu chiêm niệm có được ý nghĩa thật sự và trọn đầy, chỉ trong viễn tượng của đức tin và tình thương mà thôi. Các nữ tu chiêm niệm được mời gọi "yêu mến lại" Ðấng là Tình Thương vô cùng, nhân danh cho tất cả mọi người, vì phần rỗi toàn diện của tất cả mọi anh chị em trên thế giới. Một chút tình yêu trong sạch  là điều quý giá hơn trước nhan Thiên Chúa và có ích hơn cho Giáo Hội cũng như cho xã hội, hơn là tất cả những công việc khác gọp chung lại,

Hỏi 3: Xin Mẹ Bề Trên cho biết Ðức Piô XII đã trình bày về người nữ tu chiêm niệm như thế nào?

Ðáp: Ðức Giáo Hoàng Piô XII, trong tông hiến "Vị hôn thê của Chúa Kitô" đã trình bày các nữ tu chiêm niệm như là những kẻ phải luôn luôn và khắp nơi đặt việc chiêm niệm như  là mục tiêu đầu tiên và chính thức của trọn cả cộng đồng hay của từng cá nhân nữ tu. Sau đó, Ðức Piô XII nhấn mạnh đến khía cạnh tông đồ của những chị nữ tu chiêm niệm. Công vịc tông đồ nầy mời gọi nữ tu chiêm niệm hoàn toàn tận hiến cho những nhu cầu của toàn thể giáo hội, và của tất cả mọi người. Công việc tông đồ nầy cần được thực hiện trong cách thức đặc biệt qua ba phương thế: nêu gương sống trọn lành, cầu nguyện chung (phụng vụ giờ kinh) và cầu nguyện riêng cá nhân. Người ta cũng nói đến việc "dâng hiến" để hoàn tất cách quảng đại những gì còn thiếu trong sự thương khó của Chúa Kitô, để mưu ích cho Nhiệm Thể Người là Giáo Hội. Ðức Piô XII cũng đã nhắc đến công việc lao động thích hợp, để có thu nhập cho cuộc sống.

Hỏi 4: Xin Mẹ Bề Trên cho biết hiện có bao nhiêu nữ tu chiêm niệm trên thế giới?

Ðáp: Tôi không biết chính xác là bao nhiêu. Nhưng tôi đoán chung tất cả là khoảng 50 ngàn nữ tu chiêm niệm trong toàn thể giáo hội. Cách riêng, ngành các nữ tu Clara có khoảng 20 ngàn, ngành Carmêlô có khoảng 12 ngàn, và ngành Biển Ðức có khoảng 5 ngàn. Các nữ tu chiêm niệm chúng tôi có thể được so sánh như là những cánh tay của Ông Môi Sen đưa lên cao, trong khi đó nơi thung lũng của cuộc sống hằng ngày, những anh chị em của chúng tôi trong thế giới và trong giáo hội đang phải chiến đấu trong cuộc chiến của cuộc đời và cuộc chiến của đức tin. Chúng tôi dâng hiến chính mình cùng với Chúa Giêsu, nhờ Chúa Giêsu và trong Chúa Giêsu, để toàn thế giới được ơn cứu rỗi. Một cách đặc biệt trong Năm Thánh Thể nầy, chúng tôi muốn làm sống lại một cách sâu xa hơn cách thức chúng tôi sống Mầu Nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô, Ðấng qua kinh nghiệm cái chết, đã loan báo Tin Mừng cho mọi người biết rằng họ có khả thể sống hoàn toàn cho Thiên Chúa, trong Chúa Giêsu Kitô.

 

(Ðặng Thế Dũng)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page