Ðại Hội Thế Giới lần thứ I

các cơ quan giáo hội hoạt động

cho công lý và hòa bình

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Ðại Hội Thế Giới lần thứ I các cơ quan giáo hội hoạt động cho công lý và hòa bình.

Tin  Roma (Apic 28/10/2004) - Khoảng 300 đại biểu  của các hội đồng giám mục và của các cơ quan giáo hội hoạt động cho công lý và hòa bình, đến từ 92 quốc gia trên thế giới, đang tham dự Ðại Hội Thế Giới lần đầu tiên, được Hội Ðồng Tòa Thánh Công Lý và Hòa Bình, tổ chức tại Roma, từ thứ Tư 27 cho đến thứ Bảy 30 tháng 10 năm 2004.

Ngỏ lời trong Phiên Họp Khai Mạc hôm thứ Tư 27 tháng 10 năm 2004, Ðức Hồng Y Angelo Sodano, quốc vụ khanh Tòa Thánh, và Ðức Hồng Y Renato Martino, chủ tịch Hội Ðồng Tòa Thánh Công Lý và Hòa Bình, cả hai đều đã mời gọi các tham dự viên hãy cổ võ giáo huấn xã hội của Giáo Hội, ngõ hầu rao giảng phúc âm cho xã hội và cổ võ cho công bằng và hòa bình.

Trong bài diễn văn khai mạc, Ðức Hồng Y Sodano, quốc vụ khanh Tòa Thánh, đã nói như sau: "Công Bằng và Hòa Bình cần phải được cổ võ đúng theo giáo huấn xã hội của giáo hội, ngõ hầu điều gì cần phải làm, không đến từ ý thức hệ về công bằng và hoà bình trên danh nghĩa, nhưng đến từ thực tế. Vậy xin hãy mở rộng đôi mắt quan sát, hãy chú ý đến những dấu chỉ của thời đại, hãy chú tâm và có thiện cảm đối với những kẻ khác biệt với mình. Giáo Hội có bổn phận rao giảng phúc âm và thánh hóa toàn bộ đời sống của con người, kể cả lãnh vực xã hội. Từ trước, Ðức Phaolô VI quả quyết rằng thế giới đang "bị bệnh". Và từ đó, căn bệnh xem ra trở nên trầm trọng hơn; những bất công và những bạo lực trở nên nhiều hơn. Chỉ cần nghĩ đến những nơi mà việc hạ nhục kẻ khác trở thành như một thói quen trong cuộc sống; chỉ cần nghĩ đến những vùng trên thế giới đang có chiến tranh, và nạn khủng bố. Hoàn cảnh thế giới như thế đòi buộc tất cả mọi người  dấn thân nghiêm chỉnh vào trong hoạt động xã hội.

Ðức Hồng Y Sodano đề ra ba mục tiêu chính cho hoạt động xã hội của giáo hội:

- Mục tiêu thứ nhất tác động trên con người, nhắm làm sao phát triển nội tâm con người trên bình diện luân lý và tôn giáo; không có sự phát triển nội tâm nầy, thì công cuộc canh tân xã hội không thể nào bền vững được.

- Mục tiêu thứ hai tác động trên các cơ cấu: phải chú ý làm sao để các cơ cấu nầy không bị cuốn hút vào trong một nền văn hóa biệt lập.

- Và mục tiêu thứ ba tác động trên văn hóa để bảo vệ một tâm thức yêu chuộng công bằng và hòa bình.

Phần Ðức Hồng Y Renato Martino, chủ tịch Hội Ðồng Toà Thánh Công Lý và Hòa Bình, thì ngài nhấn mạnh rằng người ta không thể nào đề cập đến những vần đề của thời hiện đại, mà không nhờ đến giáo huấn xã hội của giáo hội. Tập Sách "Tổng Lược Giáo Huấn Xã Hội của Giáo Hội", được phát hành hôm ngày 25 tháng 10 năm 2004, sau 5 năm biên soạn, là một phương thế hết sức quan trọng, để thực hiện công cuộc tái rao giảng phúc âm. Ðức Hồng Y cũng nhấn mạnh rằng những thảo luận trong bốn ngày Ðại Hội nên tập trung vào vấn đề "công bằng trong thời đại toàn cầu hóa". Kết thúc bài diễn văn của mình trong phiên họp khai mạc hôm thứ Tư  27 tháng 10 năm 2004, Ðức Hồng Y Martino quả quyết với các tham dự viên Ðại Hội rằng: "Ðể  khởi động lại công tác mục vụ của mình trong thực tại xã hội hiện nay, giáo hội không nên sợ phải làm một cuộc xét mình thật sâu xa".

 

(Ðặng Thế Dũng)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page