Tường thuật Ngày Chúa Nhật Lễ Lá

và Ngày Quốc Tế Giới Trẻ

tại Roma (4/04/2004)

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Tường thuật Ngày Chúa Nhật Lễ Lá và Ngày Quốc Tế Giới Trẻ tại Roma (4/04/2004).

(Radio Veritas Asia 5/04/2004) - Quý vị và các bạn thân mến, lúc 10 giờ sáng Chúa Nhật (4/04/2004), ÐTC Gioan Phaolô II đã chủ tế Thánh Lễ Chúa Nhật Lễ Lá tại Quảng Trường Thánh Phêrô, Roma, với sự tham dự của khoảng 40 ngàn tín hữu, trong số nầy có những nhóm bạn trẻ đến từ nhiều quốc gia trên thế giới, trước là để tham dự "Diễn Ðàn Quốc Tế Giới Trẻ" lần thứ VIII, được tổ chức từ ngày 31 tháng 3 cho đến mùng 4 tháng Tư năm 2004, và sau đó là cùng với ÐTC cử hành ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần thứ 19, vào Chúa Nhật Lễ Lá (4/04/2004). Bài giảng của ÐTC có nội dung hướng về hai điểm chính: ý nghĩa của Chúa Nhật Lễ Lá và những lời khuyên của ÐTC dành cho người trẻ trong xã hội hôm nay.

Kính mời quý vị và các bạn theo dõi bài giảng của ÐTC trong thánh lễ  Chúa Nhật Lễ Lá (4/04/2004) tại quảng trường thánh Phêrô ở Roma. ÐTC đã nói như sau:

 

"Chúc Tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến" (Lc 19,38)

Với những lời nầy, dân chúng tại Giêrusalem đã tiếp đón Chúa Giêsu khi ngài tiến vào Thành Thánh, và chúc tụng Chúa như là Vua của Israel. Nhưng vài ngày sau đó, cũng chính những người nầy từ chối Chúa với những lời thù nghịch: "Hãy đóng đinh nó đi! Hãy đóng đinh nó đi!" (Lc 23,21). Phụng vụ của Chúa Nhật Lễ Lá làm cho chúng ta sống lại hai giây phút nầy của tuần lễ cuối cùng của cuộc đời trên trần gian của Chúa Kitô.

Trong bầu khí vui tươi, có đượm nét ưu buồn, đặc điểm của Chúa Nhật Lễ Lá, chúng ta cử hành Ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần thứ 19. Năm nay (2004), Ngày Quốc tế giới trẻ có chủ đề là: "Chúng tôi muốn gặp thấy Chúa Giêsu!" (Gn 12,21) Ðây là lời yêu cầu mà vài người Hy Lạp đã nói với các tông đồ, khi họ đến dự lễ Vượt Qua tại Giêrusalem.

Trước đám đông dân chúng đến nghe Người giảng dạy, Chúa tuyên bố như sau: "Phần Ta, khi bị treo lên, Ta sẽ lôi kéo tất cả về với Ta! (Gn 12,32). Ðó là câu trả lời của Chúa: Tất cả những ai đi tìm Con Người, thì sẽ gặp thấy Người, trong ngày lễ Vượt  Qua, như là Con Chiên bị sát tế để cứu rỗi thế gian.

Trên thập giá, Chúa Giêsu chịu chết thay cho mỗi người chúng ta. Như thế, Thập Giá là dấu chỉ cao cả nhất và hùng hồn nhất cho tình thương nhân từ của Chúa, là dấu chỉ duy nhất của ơn cứu rỗi cho từng thế hệ và cho toàn thể nhân loại.

Cách đây 20 năm, vào cuối Năm Thánh  của Ơn Cứu Ðộ (1984)ä, Tôi đã trao cho các bạn trẻ  Thập Giá của Năm Thánh. Trong dịp đó, Tôi đã khuyến khích các bạn trẻ hãy sống như những đồ đệ trung thành của Chúa Kitô, Ðấng là Vua chịu đóng đinh, Ðấng "xuất hiện cho chúng ta như là Ðấng giải phóng con người khỏi những gì giới hạn. Làm giãm bớt và gần như hủy diệt sự tự do,  nơi tận gốc rễ của nó, trong tâm hồn, trong lương tâm con người" (trích Thông Ðiệp Redemptor Hominis, số 12).

Từ đó Thánh Giá tiếp tục cuộc hành trình qua nhiều quốc gia, để chuẩn bị cho những Ngày Quốc Tế Giới Trẻ. Trong những cuộc hành hương nầy, Thánh Giá đã đi qua các đại lục: như ngọn lửa được chuyền từ tay người nầy sang người khác, Thánh Giá được rước từ nước nầy sang nước khác; Thánh giá đã trở thành dấu chỉ sáng ngời cho lòng tin tưởng đang linh động những thế hệ trẻ của ngàn năm thứ ba.

Hỡi các bạn trẻ chúng con thân mến, cử hành kỷ niệm 20 năm khởi đầu biến cố cuộc hành trình thiêng liêng ngoại thường nầy, chúng con hãy cho phép cha lặp lại những lời phó thác lúc đó, như sau: "Cha trao cho chúng con Thánh Giá của Chúa Kitô! Chúng con hãy mang nó đi trong thế gian như là dấu chỉ của tình yêu thương của Chúa Giêsu đối với nhân loại, và chúng con hãy công bố cho tất cả mọi người biết rằng chỉ trong một mình Chúa Kitô, Ðấng đã chết và đã sống lại, mới có ơn cứu rỗi" (Insegnamenti VII,1).

Chắc rằng, sứ điệp mà Thánh Giá thông truyền, không  phải là một sứ điệp dễ hiểu cho thời đại chúng ta, thời mà trong đó sự sung túc và tiện nghi vật chất đuọc đề nghị và được tìm kiếm như là những giá trị ưu tiên. Nhưng chúng con, hỡi các bạn trẻ thân mến, chúng con đừng sợ công bố, trong mọi hoàn cảnh, Phúc âm của Thập Giá. Chúng con đừng sợ sống ngược chiều!

Chúa Giêsu Kitô đã tự hạ và sống vâng phục cho đến chết, và chết trên thập giá. Vì thế Thiên Chúa Cha đã tôn vinh Người (Phil 2,6.8-9), Bài ca kỳ diệu nơi thơ của thánh Phaolô gởi cho các tín hữu Philliphê, đã nhắc lại cho chúng ta nhớ rằng Thập Giá có hai khía cạnh không thể tách rời ra được; Thập giá là đau khổ vừa đồng thời là vinh quang. Sự đau khổ và sự sỉ nhục do cái chết của Chúa Giêsu được kết hiệp sâu xa với sự tôn vinh và vinh quang của biến cố Phục Sinh.

Anh chị em rất thân mến! Và các bạn trẻ thân mến, chúng con đừng bao giờ quên sự thật đầy an ủi nầy. Cuộc Thương Khó và sự Phục sinh của Chúa Kitô kết thành trung tâm của đức tin chúng ta, và là sự nâng đỡ cho chúng ta trong những thử thách hằng ngày không tránh được.

Nguyện xin Mẹ Maria, Người Nữ Ðồng Trinh sầu bi và là người chứng im lặng của niềm vui phục sinh, Xin Mẹ giúp chúng ta sống theo Chúa Kitô chịu đóng đinh và và giúp chúng ta khám phá trong mầu nhiệm Thập Giá ý nghĩa trọn vẹn của cuộc sống.

 

Quý vị và các bạn thân mến,

Vừa rồi là bài giảng của ÐTC trong thánh lễ Chúa Nhật Lễ Lá (4/04/2004). Lúc kết thúc thánh lễ, có biến cố đặc biệt là cuộc tiếp vận truyền hình trực tiếp từ Quảng Trường Thánh Phêrô ở Roma đến thủ đô Berlin của Ðức Quốc, nơi có khoảng 1 ngàn bạn trẻ tựu nhau quanh Thánh Giá Giới Trẻ, vừa được rước đến thủ đô, để rồi từ nay sẽ được rước đi khắp nơi nước Ðức, cho đến tháng 8 năm 2005. Lúc đó, Thập Giá Giới Trẻ sẽ được rước về Cologne, nơi diễn ra Ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần thứ XX.

 

(Ðặng Thế Dũng)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page