Sứ Ðiệp của ÐTC Gioan Phaolô II

cho ngày Quốc Tế Giới Trẻ năm 2004

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

- Sứ Ðiệp của ÐTC Gioan Phaolô II cho ngày Quốc Tế Giới Trẻ năm 2004 (Phần I).

(Radio Veritas Asia 2/03/2004) - Quý vị và các bạn thân mến, Như chúng tôi đã nói trong bản tin hôm mồng 1/03/2004, ÐTC Gioan Phaolô II đã ấn ký Sứ Ðiệp cho Ngày Quốc tế Giới Trẻ năm 2004, hôm Chúa Nhật 22 tháng 2 năm 2004, đúng ngày lễ kính Ngai Tòa của Thánh Phêrô. Sau đó, vào ngày thứ Hai mùng 1 tháng 3 năm 2004, Sứ Ðiệp được công bố cho mọi người; và chủ đề của Sứ Ðiệp là: "Chúng tôi muốn gặp thấy Chúa Giêsu!" Ðây là lời yêu cầu của vài người Hy Lạp về Giêrusalem dự lễ nói với tông đồ Philíp, như được ghi lại nơi Phúc âm theo thánh Gioan chương 12, câu 21. ÐTC đã khuyến khích các bạn trẻ hãy đào sâu kinh nghiệm gặp gỡ với Chúa Giêsu, để sống tự do và yêu thương, để  cuộc đời mình được có ý nghĩa trọn vẹn.

Mục thời sự hôm nay mời quý vị và các bạn theo dõi phần  thứ nhất của sứ điệp nầy. Phần còn lại, chúng tôi sẽ đọc tiếp trong mục thời sự kỳ tới.

ÐTC bắt đầu sứ điệp như sau:

 

"Chúng tôi muốn gặp thấy Chúa Giêsu" (Gn 12,21)

Các bạn trẻ rất thân mến,

Năm 2004 là giai đoạn cuối cùng trước cuộc Gặp Gỡ Lớn Lao tại  thành phố Cologne, nơi sẽ đuọc cử hành Ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần thứ XX vào năm 2005. Cha mời gọi chúng con hãy gia tăng cuộc hành trình chuẩn bị thiêng liêng, vừa đào sâu chủ đề mà cha đã chọn cho Ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần thứ XIX năm 2004 nầy: "Chúng tôi muốn gặp thấy Chúa Giêsu!" (Gn 12,21).

Ðây là lời yêu cầu mà vài người Hy Lạp một ngày kia đã nói với các tông đồ. Họ muốn biết ai là Chúa Giêsu. Ðây không phải chỉ đơn thuần là một cuộc đến gần bên cạnh để biết con người Giêsu là như thế nào. Ðược thôi thúc bởi sự tò mò và bởi linh cảm Rằng Họ Có Lẽ Sẽ Gặp Ðược Câu Trả Lời Cho Những Thắc Mắc Căn Bản Của Mình, họ muốn biết Chúa Giêsu thật sự là ai và ngài đến từ đâu.

Các bạn trẻ thân mến,

Cha mời gọi cả chúng con nữa, hãy bắt chước những người "hy lạp" nầy; họ đã ngỏ lời với tông đồ Philíp, do thúc đẩy của ước muốn "gặp thấy Chúa Giêsu". Ước chi sự tìm kiếm của chúng con không đơn thuần bị thôi thúc bởi sự tò mò trí thức, --- mà thật ra sự tò mò trí thức nầy tự nó đã cóù giá trị nào đó rồi --- nhưng được khích lệ nhất là bởi nhu cầu nội tâm muốn gặp câu trả lời cho thắc mắc về ý nghĩa của cuộc đời chúng con. Như  chàng thanh niên giàu có trong Phúc Âm, chúng con hãy đi tìm Chúa Giêsu, để hỏi ngài: "Con phải làm gì để được sống đời đời?" (Mc 10,17). Thánh Sử Marcô xác định rõ rằng Chúa Giêsu nhìn chàng thanh niên và yêu mến anh ta. Chúng con cũng hãy nghĩ đến biến cố khác nữa trong đó Chúa Giêsu nói với Na-tha-na-el: "Trước khi Philip gọi con, thì Thầy đã nhìn thấy con dưới gốc cây vã"; với lời nầy, Chúa làm phát sinh nơi tâm hồn của Nathanael, --- một con người do thái đúng nghĩa, một con người  không có chút gì gian dối (x. Gn 1,47) --- một lời tuyên xưng đức tin thật tốt đẹp: "Thưa Thầy, Thầy là Con Thiên Chúa!" (Gn 1,49). Ai đến với Chúa Giêsu với tâm hồn không thành kiến, thì có thể đạt đến đức tin khá dễ dàng hơn, bởi vì chính Chúa Giêsu đã nhìn thấy và yêu mến người đó trước. Khía cạnh cao cả nhất của phẩm giá con người hệ tại nhất là nơi ơn gọi của người đó sống trong sự trao đổi với Thiên Chúa, trong cuộc "trao đổi cái nhìn" sâu xa, có sức biến đổi cuộc đời. Ðể có thể gặp thấy Chúa Giêsu, thì trước hết cần để cho Ngài hướng dẫn mình!

Ước muốn gặp thấy Thiên Chúa là ước muốn luôn hiện diện trong con tim của mọi người nam nữ. Các bạn trẻ thân mến, chúng con hãy nhìn vào đôi mắt Chúa Giêsu, ngõ hầu được phát triển trong chúng con ước muốn nhìn thấy Ánh Sáng, ước muốn cảm nếm Sự Thật rạng ngời. Dù chúng ta có ý thức hay không, Thiên Chúa đã tạo dựng chúng ta bởi vì ngài yêu thương chúng ta và ngõ hầu chúng ta yêu mến ngài. Ðó là lý do của nỗi "nhớ về Thiên Chúa không thể nào dẹp bỏ được", một "nỗi nhớ nhung" trong tâm hồn con người: "Lạy Chúa, con tìm nhan thánh Chúa. Xin đừng lánh mặt xa con!" (TV 27,8). Dung Nhan Thiên Chúa --- và chúng ta đã biết rõ --- Thiên Chúa đã mạc khải cho chúng ta biết Dung Nhan Ngài trong Chúa Giêsu Kitô.

Các bạn trẻ thân mến,

Cả chúng con nữa, chúng con có muốn chiêm ngắm nét đẹp của Dung Nhan Thiên Chúa không? Ðây là câu hỏi của Cha cho chúng con trong Ngày Quốc Tế Giới Trẻ của năm 2004 nầy. Chúng con đừng trả lời cách vội vã. Trước hết chúng con hãy thực  hiện cuộc thinh lặng nơi chúng con. Chúng con hãy để phát sinh từ tâm hồn ước muốn nồng nhiệt gặp thấy Thiên Chúa, một ước muốn đôi khi bị bóp nghẹt bởi những tiếng động ồn ào của thế gian và bởi những quyến rủ của các thú vui. Chúng con hãy để cho ước muốn đó được phát triển và chúng con sẽ có được kinh nghiệm kỳ diệu gặp gỡ với Chúa Giêsu. Kitô giáo không phải chỉ là một giáo lý; kitô giáo là một cuộc gặp gỡ trong đức tin với Thiên Chúa, Ðấng trở nên hiện diện trong lịch sử với việc nhập thể của Chúa Giêsu.

Bằng mọi cách, chúng con hãy cố gắng làm cho cuộc gặp gỡ nầy có thể được, vừa nhìn về Chúa Giêsu, Ðấng say mê đi tìm chúng con. Chúng con hãy tìm Chúa với đôi mắt xác thể chúng con qua những biến cố trong đời sống và trong dung mạo của kẻ khác; nhưng chúng con cũng hãy tìm Chúa với đôi mắt tinh thần, nhờ qua việc cầu nguyện và suy niệm Lời Chúa, bởi vì "việc chiêm ngắm dung nhan Chúa Kitô không thể nào không được gợi hứng bởi  tất  cả những gì Kinh Thánh nói với chúng ta về Ngài". (tông huấn "Bước vào ngàn năm mới" số 17).

Găp thấy Chúa Giêsu, chiêm ngắm dung nhan Ngài, tuy là một ước muốn không thể nào xóa bỏ đi được, nhưng là một ước muốn mà con người --- buồn thay --- có thể làm méo mó đi. Ðây là điều đã xảy ra do tội lỗi, mà điểm thiết yếu hệ tại ở việc quay mặt khỏi Ðấng tạo hóa, để hướng nhìn về tạo vật.

Những người "hy lạp" kia đi tìm sự thật, có lẽ sẽ không thể đến với Chúa Kitô, nếu ước muốn của họ, --- phát sinh từ một hành động tự do và tự ý --- không được thể hiện bằng một quyết định rõ ràng: "chúng tôi muốn gặp thấy Chúa Giêsu". Sống thật sự tự do, có nghĩa là can đảm chọn Ðấng mà bởi ngài chúng ta đã được tạo dựng và chấp nhận quyền của ngài trên đời sống chúng ta. Chúng con ghi nhận được điều nầy từ tận thâm tâm chúng con: tất cả mọi của cải trên trần gian, tất cả mọi thành công nghề nghiệp, cả tình  yêu thương mà chúng con mơ ước, tất cả mọi điều nầy không bao giờ có thể  thõa mãn những chờ đợi thâm sâu nhất của chúng con. Chỉ có cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu mới có thể mang đến ý nghĩa trọn vẹn cho cuộc sống chúng con: "Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con cho Chúa, nên tâm hồn con luôn xao xuyến cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa", thánh Augustinô đã viết như thế (Confessioni, I,1). Chúng con đừng để mình bị lo ra trong việc đi tìm gặp gỡ Chúa. Chúng con hãy kiên trì, bởi vì cuộc đi tìm nầy có liên hệ đến việc thực hiện toàn vẹn chính chúng con, cũng như có liên quan đến niềm vui chúng con.

Chúng con thân mến, nếu chúng con học khám phá Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể, thì chúng con cũng sẽ biết khám phá Ngài trong những anh chị em xung quanh chúng con, đặc biệt nơi những người nghèo cùng nhất. Bí Tích Thánh Thể, --- khi được lãnh nhận với tình yêu mến và được tôn thờ với lòng sốt sắng, --- trở nên trường học sống tự do và bác ái, để thực hiện mệnh lệnh tình thương. Chúa Giêsu nói với chúng ta ngôn ngữ diệu kỳ của việc cho đi chính mình, cho đến mức độ hy sinh chính mạng sống mình. Phải chăng đây là điều dễ dàng? Không đâu, và chúng con biết rõ điều nầy! Việc quên đi chính mình không phải là điều dễ dàng; việc quên đi chính mình đưa chúng ta ra khỏi thứ tình yêu chiếm hữu và chỉ lo nghĩ đến mình, để mở rộng con người chúng ta đón nhận niềm vui của tình yêu tận hiến chính mình. Trường Học Tự Do và Bác Ái nầy của Bí Tích Thánh Thể dạy chúng ta biết vượt qua những cảm xúc hời hợt, để ăn rễ vững chắc vào trong những gì là chân thật và tốt lành; được tự do khỏi việc đóng kín trong chính mình để sẳn sàng mở rộng đón nhận kẻ khác, Trường Học Bí Tích Thánh Thể dạy chúng ta biết đi từ "tình yêu cảm xúc" đến tình yêu hữu hiệu bằng hành động. Bởi vì yêu thương không phải chỉ là một tình cảm; nhưng là một hành động của ý chí, liên lỉ đặt điều thiện hảo của kẻ khác trước lợi ích của chính mình: "Không ai có tình yêu thương lớn hơn kẻ thí mạng sống mình cho bạn hữu" (Gn 15,13).

 

Quý vị và các bạn thân mến,

Vừa rồi là một phần của sứ điệp của ÐTC Gioan Phaolô II cho ngày Quốc Tế Giới Trẻ năm 2004, sẽ được cử hành ở cấp giáo phận, vào Chúa Nhật Lễ Lá, ngày 4 tháng 4 năm 2004. Phần còn lại của sứ điệp, sẽ được gởi đến quý vị và các bạn trong mục thời sự kỳ tới. Mong quý vị và các bạn sẽ theo dõi.

 

- Sứ Ðiệp của ÐTC Gioan Phaolô II cho Ngày Quốc Tế Giới Trẻ năm 2004 (Phần II).

(Radio Veritas Asia 3/02/2004) - Quý vị và các bạn thân mến, trong Mục Thời Sự lần trước chúng tôi đã đọc Phần I sứ điệp của ÐTC cho Ngày Quốc Tế Giới Trẻ năm 2004, về chủ đề: "Chúng tôi muốn gặp thấy Chúa Giêsu". ÐTC đã khuyến khích giới trẻ hãy đến gặp Chúa Giêsu, chiêm ngắm dung nhan Chúa trong bí tích Thánh Thể. Hôm nay, tiếp tục đề tài nầy, ÐTC mời gọi các bạn trẻ hãy gặp Chúa nơi dung mạo người nghèo, nơi giáo hội, nơi những bạn cùng lứa tuổi. ÐTC mời gọi các bạn trẻ hãy trở nên những chứng nhân, những tiên tri loan báo một thế giới không bao giờ qua đi. Ðây mời quý vị và các bạn theo dõi tiếp phần còn lại của Sứ Ðiệp.

ÐTC viết tiếp như sau:

 

Chính với sự tự do nội tâm và tình bác ái nồng nhiệt mà Chúa Giêsu dạy chúng ta biết gặp ngài nơi kẻ khác, nhất là nơi dung mạo bịï biến dạng của người nghèo. Chân Phước Têrêsa thành Calcutta thường thích trao "tấm danh thiếp" trên đó có viết những dòng chữ như sau: "Hoa trái của thinh lặng là cầu nguyện; hoa trái của cầu nguyện là đức tin; hoa trái của đức tin là tình yêu; hoa trái của tình yêu là việc phục vụ; hoa trái của phục vụ là hòa bình". Ðó là con đường đến gặp Chúa Giêsu. Chúng con hãy đến để phục vụ tất cả những nỗi khổ đau của con người, với sức hăng hái của lòng quảng đại chúng con và với tình yêu mà Thiên Chúa đổ xuống trong tâm hồn chúng con nhờ Chúa Thánh Thần: "Quả thật, Thầy nói với anh em: mỗi lần anh em làm những điều nầy cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Thầy đây, là anh em làm cho Thầy" (Mt 25,40). Thế giới đang khẩn thiết cần một dấu chỉ vĩ đại có tính cách tiên tri của tình bác ái huynh đệ! Thật vậy, chỉ nói về Chúa Giêsu mà thôi thì không đủ; còn cần phải làm cho kẻ khác, cách nào đó,  "nhìn thấy" Chúa, bằng chứng tá hùng hồn của chính cuộc sống chúng ta (x. tông thư "Bước vào ngàn năm mới, số 16).

Và chúng con đừng quên đi tìm Chúa Kitô và nhận ra sự hiện diện của Chúa trong Giáo Hội. Giáo Hội là như sự kéo dài của hành động cứu rỗi của Chúa trong thời gian và không gian. Chính trong giáo hội và qua giáo hội mà Chúa Giêsu tiếp tục trở nên hữu hình ngày hôm nay và làm cho con người được gặp thấy ngài. Trong những giáo xứ chúng con sinh sống, trong những phong trào và cộng đoàn của chúng con, chúng con hãy tiếp nhận lẫn nhau, để gia tăng sự hiệp thông giữa chúng con. Và đây là dấu chỉ hữu hình cho sự hiện diện của Chúa Kitô trong giáo hội, một giáo hội thường bị che mờ bởi những tội lỗi của con người.

Chúng con cũng đừng ngạc nhiên, nếu chúng con gặp Thánh Giá trên đường chúng con đi. Thử hỏi Chúa Giêsu đã không nói cho những môn đệ của Chúa rằng nếu hạt giống rơi xuống đất mà không thối đi, thì không thể sinh hoa trái, hay sao? (x. Gn 12, 23-26) Chúa đã chỉ cho biết cuộc đời của ngài, một cuộc đời được cho đi cho đến chết, là phong phú như thế nào. Chúng con biết rõ điều nầy: sau sự phục sinh của Chúa Kitô, cái chết không bao giờ có thể nói lời cuối cùng được nữa. Tình thương mạnh hơn cái chết. Nếu Chúa Giêsu đã chấp nhận chịu chết trên thập giá, để trở nên nguồn mạch sự sống và dấu chỉ cho tình yêu, thì đó không phải vì sự yếu đuối, cũng không phải vì yêu thích sự đau khổ. Chính vì để thực hiện ơn cứu rỗi cho chúng ta và để làm cho chúng ta từ nay được tham dự vào sự sống của Thiên Chúa.

Và chính đây là sự thật mà Cha đã muốn nhắc lại cho các bạn trẻ trên thế giới, khi trao cho họ cây Thánh Giá Lớn bằng gỗ, vào cuối Năm Thánh Cứu Ðộ, đã được cử hành  năm 1984. Từ đó đến nay, Thánh Giá nầy đã đi qua nhiều nơi, để chuẩn bị cho ngày Quốc Tế Giới Trẻ. Hàng trăm ngàn người trẻ đã cầu nguyện quanh Thánh Giá nầy. Ðặt dưới chân Thánh Giá những gánh nặng họ phải vác lấy, các bạn trẻ khám phá mình được Thiên Chúa yêu thương và nhiều người trẻ đã gặp được sức mạnh để thay đổi đời sống.

Năm nay, kỷ niệm 20 năm biến cố nầy, --- tức biến cố trao Thánh Giá cho giới trẻ --- Thánh Giá sẽ được đón tiếp long trọng tại thủ đô Berlin, rồi từ đó được rước đi khắp nơi nước Ðức, để rồi vào năm 2005, Thánh Giá sẽ được rước đến thành phố COLOGNE. Hôm nay, cha muốn lặp lại cho chúng con những lời cha đã nói lúc đó như sau: "Các bạn trẻ thân mến, Cha trao cho chúng con Thập Giá của Chúa Kitô! Chúng con hãy mang lấy trong thế giới như là dấu chỉ tình yêu của Chúa Giêsu cho nhân loại và hãy loan báo cho tất cả rằng không có ơn cứu rỗi, ngoại trừ trong Chúa Kitô, Ðấng đã chết và sống lại".

Những bạn đồng tuổi chúng con đang chờ đợi chúng con trở thành những chứng nhân cho Ðấng mà chúng con đã gặp thấy và là Ðấng ban cho chúng con sự sống. Trong thực tế cuộc sống hằng ngày, chúng con hãy trở thành những chứng nhân trung kiên cho tình yêu mạnh hơn cái chết. Chúng con hãy lãnh lấy thách thức nầy! Chúng con hãy đặt những tài năng và sức hăng say tuổi trẻ để phục vụ cho việc rao giảng Tin Mừng. Chúng con hãy là những người bạn hăng say của Chúa Giêsu, để trình bày Chúa cho tất cả những ai ao ước gặp thấy Ngài, nhất là những kẻ sống xa ngài. Hai tông đồ Philíp và Anrê đã hướng dẫn những người "hy lạp"  đến gặp Chúa Giêsu: Thiên Chúa dùng tình bạn để hướng dẩn các tâm hồn đến với nguồn mạch của tình thương Thiên Chúa. Chúng con hãy cảm thấy mình có trách nhiệm rao giảng Phúc âm cho tất cả những bạn đồng tuổi chúng con.

Nguyện xin Ðức Nữ  Ðồng Trinh Maria, --- Ðấng suốt đời đã hoàn toàn dấn thân chiêm ngắm dung nhan Chúa Kitô, --- Xin Mẹ luôn gìn giữ chúng con dưới cái nhìn của Con Mẹ (x. Tông thư Kinh mân Côi, số 10) và nâng đỡ chúng con trong việc chuẩn bị Ngày Quốc tế Giới Trẻ tại Cologne; ngay từ bây giờ, cha mời gọi chúng con hãy hướng về Ngày nầy với sự hăng say đầy tinh thần trách nhiệm và được thể hiện trong hành động. Ðức Nữ Ðồng Trinh Nazareth, như một người Mẹ đầy chú ý và kiên nhẫn, sẽ đào luyện trong chúng con một tâm hồn chiêm ngắm và sẽ dạy chúng con nhìn vào Chúa Giêsu, ngõ hầu, trong thế giới chóng qua nầy, chúng con  trở nên những tiên tri loan báo thế giới không bao giờ qua đi.

Với lòng mộ mến, Cha ban phép lành đặc biệt cho chúng con; ước chi phép lành nầy luôn đồng hành với chúng con trên đường đời.

 

Vatican ngày 22 tháng 2 năm 2004,

ký tên Gioan Phaolô II.

 

Quý vị và các bạn thân mến,

Vừa rồi là phần cuối cùng của sứ điệp ÐTC Gioan Phaolô II gởi cho Ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần thứ XIX, sẽ được cử hành vào chúa nhật lễ lá, ngày mùng 4 tháng 4 năm 2004. Hẹn gặp lại quý vị và các bạn.

 

(Ðặng Thế Dũng)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page