Thư Chung Mùa Chay 2003

của ÐHY Phạm Ðình Tụng

Tổng Giáo Phận Hà Nội

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Thư Chung Mùa Chay 2003 của

Ðức Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Ðình Tụng

Tổng Giám Mục Hà Nội

 

Gửi các Cha,

Các Nam Nữ Tu Sĩ, các Chủng Sinh

và Anh Chị Em giáo hữu Giáo Phận Hà Nội

 

Với Chủ Ðề: "Vai trò làm ngôn sứ của người Kitô hữu"

1. Khi sáng tạo vũ trụ vạn vật Thiên Chúa chỉ định cho chúng một vai trò làm ngôn sứ, tùy theo bản tính, khả năng và hoàn cảnh của mỗi loài.

Làm ngôn sứ có nghĩa là biểu lộ hay nói lên một đức tính của Thiên Chúa hoặc loan truyền một mệnh lệnh của ngài.

2. Các loài thọ tạo vô tri giác như đất đá, cỏ cây, chim trời, cá biển thì làm ngôn sứ một cách tự nhiên theo bản tính của chúng như một bông hoa đẹp biểu lộ vẻ đẹp của Thiên Chúa, một trận cuồng phong bão lụt làm sập nhà, đổ của nói lên sức mạnh và quyền phép của Thiên Chúa, con gà mẹ ấp ủ con dưới cánh nói lên lòng nhân từ và sự săn sóc của Thiên Chúa đối với loài người.

"Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa - Không trung loan báo việc tay Ngài làm - Ngày qua nhắc bảo cho ngày tới - Ðêm này kể lại với đêm kia - Chẳng một lời một lẽ - Chẳng một tiếng âm thanh, mà tiếng vang đã dội khắp địa cầu và thông điệp đã loan đến chân trời góc biển" (Thánh Vịnh 18A).

3. Riêng con người có trí khôn thì làm ngôn sứ một cách hiểu biết, và nhiều trường hợp đã được sai chính thức đi như các tiên tri thời Cựu Ước, các tông đồ thời Tân Ước và các vị thừa sai, mục tử ngày nay.

Các ngôn sứ thường có một tầm nhìn sâu xa, xuyên qua các biến cố trong lịch sử để nhận ra kế hoạch của Thiên Chúa. Ðang khi mà những người đương thời có thái độ thản nhiên ăn chơi hưởng thụ trong cảnh bình an trước mắt, thì các ngôn sứ lên tiếng báo động về những tai họa sẽ xảy ra. Trái lại, khi mà dân Chúa chán nản, tuyệt vọng trong cảnh lưu đầy khổ cực thì các ngôn sứ hát bài hoan ca báo ngày giải phóng.

Vì có những lời nói và thái độ ngược chiều như thế nên các ngôn sứ thường bị phản đối và bách hại: ngôn sứ Elia phải trốn lên hoang địa để khỏi bị hoàng hậu Jesabel tìm giết, ngôn sứ Giêrêmia bị bỏ xuống một giếng cạn. Chúa Giêsu là Vua các ngôn sứ cũng bị người ta chống đối và đóng đanh trên thập giá chỉ vì Người nói lời chân lý và không thỏa hiệp với sự gian tà.

4. Vai trò ngôn sứ của người Kitô Hữu.

Người Kitô hữu khi chịu Phép Rửa Tội, nhất là khi chịu Phép Thêm Sức cũng nhận lãnh sứ mệnh làm ngôn sứ giữa trần gian.

Bằng cách nào?

Bằng lời nói, nếp sống, đặc biệt bằng việc bác ái yêu thương.

a. Bằng lời nói.

Giữa môi trường mà nói dối được sử dụng thường xuyên như cơm bữa, thì người Kitô hữu phải tôn trọng sự thật theo luật của Chúa: "Có thì nói có, không thì nói không, thêm thắt điều gì là do ma quỷ cám dỗ".

Ðiều này không phải là dễ, phải có can đảm và phải có ơn Chúa mới thực hiện được, mà thực hiện được đó là làm ngôn sứ cho Chúa.

b. Bằng lập trường và nếp sống.

Trung thành với tiếng lương tâm theo ánh sáng Phúc Âm: một nữ bác sĩ vui lòng bị giáng xuống làm hộ lý chỉ vì bà từ chối không tham gia công tác phá thai. Ðó là làm ngôn sứ cho Chúa.

c. Bằng tình yêu thương.

Trong các lãnh vực khác như kinh tế, khoa học, kỹ thuật, Chúa không đòi chúng ta phải làm cá nhân xuất sắc, nếu làm được thì càng tốt. Còn trong lãnh vực yêu thương, Chúa đòi chúng ta phải đi hàng đầu. Bởi vì yêu thương là giới luật riêng Chúa truyền dạy, yêu thương cũng là dấu chỉ những người tín hữu Chúa. Như lời Chúa nói với các tông đồ, trong bữa tiệc ly: "Người ta cứ dấu này mà nhận biết anh em là môn đệ của Thầy là anh em yêu thương nhau".

Các tín hữu thời Giáo Hội sơ khai ý thức tầm quan trọng của lời Chúa dạy nên đã triệt để thi hành đức yêu thương sách Tông Ðồ Công Vụ thuật lại:

"Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung, ai có điền thổ đem bán đi lấy tiền chia cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu". Thấy thế, những người lương dân đều thán phục và ca tụng: "Hãy xem những người Kitô hữu họ yêu thương nhau biết chừng nào!"

5. Trong thực hành, chúng ta phải làm gì?

Phải mở mắt mà nhìn, mở lòng mà thương cảm, mở tay ra mà cho đi.

a. Trước hết ta phải mở mắt mà nhìn.

Nhìn Chúa Kitô trong người lân cận và tin những việc ta làm cho họ là làm cho chính Chúa và Người sẽ trả công bội hậu cho ta đời này và đời sau.

b. Mở lòng mà thương cảm.

Chúng ta phải mở lòng mà thương cảm những nỗi thiếu thốn đau khổ của anh em ta, đừng như người ngồi trên bộ chọc gậy xuống nước rồi nói không thấy lạnh đang khi người khác phải lội xuống bùn lạnh đến buốt xương.

c. Phải mở tay ra mà cho.

Cho một của cải vật chất, cho một lời an ủi, cho một sự giúp đỡ nhỏ mọn, cho một sự thăm viếng thân mật, cho một lời cầu nguyện kín đáo. Những thứ ấy ai trong chúng ta bảo mình không thể cho được?

Anh chị em thân mến,

Ngày 25 tháng 02/2003 vừa qua, Ðức Thánh Cha đã lên tiếng kêu gọi ăn chay và cầu nguyện cho hòa bình, Ngài nói:

"Từ nhiều tháng qua, cộng đồng quốc tế đang phải sống trong sự lo lắng lớn lao vì nguy hiểm của một cuộc chiến có thể gây xáo trộn toàn vùng Trung Ðông và tạo thêm những căng thẳng mà, chẳng may, vốn đã hiện diện từ buổi đầu của thiên niên kỷ này.

Bổn phận của người tín hữu, bất kể tôn giáo nào họ thuộc về, là phải công bố rằng họ sẽ không bao giờ có thể thấy hạnh phúc nếu chúng ta chống lại nhau, và rằng tương lai của nhân loại sẽ không bao giờ được bảo đảm bởi chủ nghĩa khủng bố và luận lý của chiến tranh.

Chúng ta, những người Kitô hữu, cách riêng, được kêu gọi trở nên như những tuần canh của hòa bình tại những nơi chúng ta sống và làm việc. Chúng ta được kêu gọi hãy cảnh giác sao cho lương tâm không chiều theo cám dỗ của tự ái, sai lầm và bạo lực.

Do đó, tôi mời gọi tất cả người Công Giáo thánh hiến với một lòng sốt sắng đặc biệt, ngày 5 tháng 3/2003 tới đây, ngày Thứ Tư Lễ Tro, để cầu nguyện và chay tịnh cho hòa bình, đặc biệt hòa bình ở vùng Trung Ðông". (Trích lời kêu gọi của Ðức Thánh Cha ngày 25/02/2003).

Ðể hưởng ứng lời kêu gọi của Ðức Thánh Cha, chúng ta hãy chọn ngày Lễ Tro năm nay (2003) làm ngày toàn giáo phận cầu nguyện cho hòa bình bằng những việc làm sau đây:

1. Chầu Thánh Thể và lần hạt Mân Côi.

2. Ăn chay hãm mình.

3. Và làm việc bác ái.

1. Chầu Thánh Thể và lần hạt Mân Côi.

Trong các nhà thờ, giáo xứ hoặc giáo họ sẽ chầu Thánh Thể cách trọng thể với phép lành nếu có linh mục hoặc cách đơn sơ bằng việc mở cửa Nhà Chầu. Trong giờ chầu sẽ lần hạt Mân Côi bằng bản kinh mới có thêm mầu nhiệm Năm Sự Sáng.

2. Ăn chay hãm mình.

Ngoài việc ăn chay kiêng thịt theo luật chung Giáo Hội, chúng ta có thể tự nguyện làm những việc hãm mình riêng như bớt một sự vui chơi không cần thiết, nhẫn nại khi gặp sự trái ý đau buồn.

3. Làm việc bác ái.

Trong mỗi nhà thờ, chúng ta sẽ đặt một hòm tình thương, những ai có lòng từ thiện sẽ đóng góp ít nhiều tùy theo khả năng để giúp đỡ những người thiếu thốn.

Ðể kết luận, chúng ta nhắc lại đây lời của Ðức Thánh Cha trong Sứ Ðiệp Mùa Chay năm nay: "Ước vọng tha thiết của tôi là các tín hữu sẽ tìm thấy trong Mùa Chay này một thời gian thuận tiện để làm chứng cho Tin Mừng đức ái ở khắp mọi nơi, bởi vì ơn gọi sống đức ái là tâm hồn của mọi nhà truyền giáo chân chính".

Chúng ta hãy nguyện xin Ðức Maria, Nữ Vương Hòa Bình hiện diện giữa chúng ta, cầu xin Mẹ đồng hành với chúng ta trong cuộc hành trình Mùa Chay này, và chuyển cầu cho chúng ta được nhiệt tình làm ngôn sứ của Chúa giữa môi trường chúng ta sinh sống.

 

Hà Nội, ngày 01/03/2003

Tổng Giám Mục Hà Nội

Ðức Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Ðình Tụng

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page