Thư Mục Vụ Mùa Chay 2003

của Ðức Tổng Giám Mục Phạm Minh Mẫn

Tổng Giáo Phận Sàigòn

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Tòa Tổng Giám Mục

Thành Phố Saigon

Ngày 1/03/2003

 

Lá Thư Mục Tử Mùa Chay 2003

"Cho thì có phúc hơn là nhận" (Cv 20,35)

 

Kính gởi : Anh em linh mục

Anh chị em tu sĩ và giáo dân

thuộc giáo phận thành phố Saigon

Anh chị em thân mến,

Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã gởi cho toàn thể Hội Thánh Công giáo một lá thư Mùa Chay, trong đó ngài đề nghị chúng ta suy niệm và thực hành Lời Chúa dạy trong sách Công vụ Tông Ðồ "cho thì có phúc hơn là nhận " (Cv 20,35), như một phương thế để đổi mới tâm hồn con người và cải thiện tương quan giữa con người với con người, chống lại cám dỗ sống ích kỷ, lòng ham muốn chiếm hữu vô giới hạn, sự gắn bó quá đáng với tiền bạc, thể hiện đức ái chân chính do Thiên Chúa ban.

Hưởng ứng lời mời gọi này của Ðức Thánh Cha, tôi xin gởi tới anh chị em một vài suy nghĩ và đề nghị một vài điều thực hành như là chương trình sống Mùa Chay của giáo phận.

 

Trước hết chúng ta cùng mở Sách Thánh để hiểu rõ ý nghĩa của việc chia sẻ của cải vật chất và cách thực hành của Hội Thánh thời ban đầu như sách Công vụ và các thư của thánh Phaolô cho thấy.

Trong Cựu Ước, Thiên Chúa đã giải thoát một dân tộc quằn quại dưới ách nô lệ ở Ai Cập (x. Xuất hành 1,8-11), ban cho họ một miền đất, dạy họ phân chia đất đai cho công bằng để mọi gia đình, mọi người có thể sống xứng phẩm giá con người (x. Dân số 32-36). Nhưng nhiều nguyên nhân có thể đưa tới chỗ người này người kia phải cầm cố đất đai, phải làm tôi tớ, phải bán vợ đợ con...

Năm toàn xá (năm mươi năm một lần) và năm sabát (bảy năm một lần) được lập ra để điều chỉnh tình trạng này với luật tha nợ, phóng thích nô lệ và hoàn trả đất đai, nhà ai nấy ở, ruộng ai nấy cày như thuở mới phân chia (x. Lêvi 25 và Ðệ nhị luật 15 ).

Dân Chúa luôn được nhắc nhớ rằng cảnh áp bức bóc lột họ đã phải chịu xưa kia thì đừng lặp lại đối với người khác (x. Xh 23,9).

Nếu dân sống đúng lời Chúa dạy thì giữa họ sẽ không có người nghèo (x. Ðnl 15,4-5), nhưng thực tế lại khác, sự có mặt của người nghèo là không thể tránh được, đến nỗi Chúa Giêsu đã nói: "người nghèo thì bên cạnh anh em lúc nào cũng có " (Gioan 12,8). Vì thế sách Ðệ nhị luật đã đưa ra chỉ thị sau đây: "Nếu giữa anh em, trong một thành nào của anh em, trên đất mà Ðức Chúa, Thiên Chúa của anh em, ban cho anh em, có một người anh em nghèo, thì anh em đừng có lòng chai dạ đá, cũng đừng bo bo giữ của không giúp người anh em nghèo túng; nhưng phải mở rộng tay, và cho họ vay mượn tất cả những gì họ thiếu... Anh em phải cho họ cách rộng rãi, và khi cho thì đừng miễn cưỡng... Vì trong đất của anh em sẽ không thiếu người nghèo, nên tôi truyền cho anh em: hãy mở rộng tay giúp người anh em khốn khổ, nghèo khó của anh em, trong miền đất của anh em " (Ðnl 15,7-11).

Trong sách Công vụ Tông Ðồ, thuở ban đầu, cộng đoàn tín hữu ở Giêrusalem đã để mọi sự làm của chung và thực hiện được lý tưởng như sách Ðệ nhị luật đã đề ra là "trong cộng đoàn, không ai phải thiếu thốn " (Cv 4,34). Nhưng tình trạng đó không bền... Song ngay khi cộng đoàn Antiôkhia xuất hiện, chúng ta thấy một cách thể hiện mới của sự hiệp thông và chia sẻ. Lúc xảy ra nạn đói tại Giêrusalem thì "các môn đệ (ở Antiôkhia) quyết định là mỗi người tuỳ theo khả năng, sẽ gởi quà giúp đỡ anh em ở miền Giuđê. Và họ đã làm việc ấy: gởi đến cho hàng kỳ mục qua tay ông Banaba và ông Saolô " (Cv 11,29-30). Và từ đó chúng ta thấy cách thực hành này trở nên quen thuộc giữa các cộng đoàn Hội Thánh khác trong tình liên đới với Giêrusalem...

Chính Chúa Giêsu là mẫu gương cho sự quảng đại chia sẻ trong mầu nhiệm Nhập Thể: "Anh em biết Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, đã có lòng quảng đại như thế nào: Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có" (2 Cr 8,9).

Thánh Phaolô khẳng định mình đã sống theo gương Chúa Kitô và khuyên nhủ các tín hữu thực hành lời Chúa dạy: "Tôi luôn tỏ cho anh em thấy rằng phải giúp đỡ những người đau yếu bằng cách làm lụng vất vả như thế, và phải nhớ lại lời Chúa Giêsu đã dạy: cho thì có phúc hơn là nhận" (Cv 20,35). Tại sao cho lại có phúc hơn là nhận? Thư II Côrintô giải thích như sau: Trước hết thánh Phaolô đưa Chúa Giêsu ra làm gương (8,9), rồi ở phần cuối đoạn nói về việc quyên góp này, ngài đề ra những lợi ích của cuộc lạc quyên. Trước hết là chính Thiên Chúa sẽ đáp trả: gieo ít thì gặt ít; gieo nhiều thì gặt nhiều. Thiên Chúa có đủ quyền năng ban cho anh em không những đầy đủ mà còn dư thừa. Thiên Chúa sẽ làm cho đức công chính của anh em sinh hoa kết quả dồi dào. Sự chia sẻ này là nguồn phát sinh bao lời cảm tạ dâng lên Thiên Chúa. Cuối cùng những người được giúp đỡ sẽ cầu nguyện cho những người giúp đỡ (x. 9,6-15). Xét về tương quan giữa con người với của cải vật chất thì cho đi là cách thể hiện quyền làm chủ trọn vẹn nhất và sự tự do tuyệt vời nhất, nó đem lại cho ta sự "toại nguyện sâu xa trong tâm hồn" (Sứ điệp Mùa Chay). Xét về tương quan với Thiên Chúa thì sự cho đi làm cho ta nên giống Chúa Giêsu, Ðấng đã trao ban chính mình cho chúng ta, và giúp ta cùng với Chúa Giêsu làm chứng về tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi đối với con người. Cho đi một cách vô vị lợi là phương thế chống lại lòng tham lam, khuynh hướng thích sở hữu, tính ích kỷ cố hữu nơi con người.

Mùa Chay là thời gian để chiến đấu và canh tân đời sống bản thân và gia đình nhờ ăn chay, cầu nguyện và chia sẻ của cải vật chất. Trong Tin Mừng theo thánh Mátthêu, bố thí được kể trước cầu nguyện và ăn chay. Ăn chay chỉ liên hệ tới bản thân, cầu nguyện là thể hiện tương quan với Thiên Chúa, chẳng ai biết được tương quan ấy có thật tới mức nào, nhưng bố thí bộc lộ tương quan của chúng ta với của cải vật chất và với anh em đồng loại. "Ðồng tiền liền khúc ruột ", nên bố thí là dứt ruột ra để nối kết mình với tha nhân. Bố thí là cách thiết thực nhất để mỗi người và mỗi gia đình bộc lộ tình yêu thương chân thành đối với đồng bào và đồng loại của mình (x. 1 Ga 3,18 ; Gc 2,15-16).

Trong thực hành của cộng đoàn tín hữu thời ban đầu, chúng ta thấy sự chia sẻ giữa các cộng đoàn Hội Thánh là hành vi cộng đoàn chứ không phải cá nhân, nó tạo sự liên đới ở cả hai phía, người cho và người nhận, và gia tăng hiệu quả: "Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao." Khi chúng ta bố thí lẻ tẻ ngoài đường phố, chúng ta chỉ giúp được một người có miếng cơm, còn khi chúng ta góp lại với nhau, liên đới với nhau, chúng ta có thể cùng nhau xây dựng những công trình phúc lợi góp phần vào công cuộc phát triển và chăm lo sức khoẻ cho nhiều người. Năm 2000 chúng ta đã xây dựng được 200 căn nhà tình thương, giúp cho 200 gia đình thuộc thành phố có nơi sinh sống. Năm 2001 chúng ta đã góp phần đem lại ánh sáng cho nhiều trăm người mù loà. Năm 2002 chúng ta đã lập được quỹ học bổng giúp cho nhiều trăm trẻ em được cắp sách đến trường để được mở mang trí tuệ.

Năm nay chúng ta sẽ hướng về những đồng bào ở vùng sâu vùng xa, không có nổi một mái nhà lành lặn để che nắng che mưa. Vậy tôi xin đề nghị với anh chị em chương trình cụ thể cho việc chia sẻ của cải vật chất trong Mùa Chay năm 2003: chúng ta nhắm tới việc Giúp Cho Các Ðồng Bào Nghèo Ở Vùng Sâu Vùng Xa Những Mái Nhà Tình Thương.

Xin anh chị em đón nhận kế hoạch nhỏ này để sống Mùa Chay một cách thiết thực hơn: giảm bớt ăn uống, chi tiêu để chia sẻ cho những anh chị em nghèo khổ thiếu thốn, giúp họ có nơi trú nắng đụt mưa, có nơi cho gia đình được ngon giấc sau một ngày lao động vất vả. Việc ăn chay như thế sẽ giúp chúng ta thể hiện đúng tư cách con cái Thiên Chúa, môn đệ của Chúa Giêsu, làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa và bày tỏ tình liên đới đối với các gia đình túng thiếu nghèo khổ. Và ngày lễ Phục Sinh, chúng ta được hân hoan mừng Ðấng đã chết và sống lại vì chúng ta để chúng ta được sống một đời sống mới.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho anh chị em và thương ban cho mỗi người, mỗi gia đình tràn đầy Chúa Thánh Thần là nguồn suối tình yêu để Người đổi mới chúng ta thành chứng nhân tình yêu.

 

Gioan B. Phạm Minh Mẫn

Tổng Giám Mục

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page