Phá Thai vẫn là vấn đề gây nhiều chia rẽ

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Phá Thai vẫn là vấn đề gây nhiều chia rẽ.

(Zenit 27/09/2003) - Nói rằng phá thai vẫn là một đề tài nóng bỏng và gây nhiều chia rẽ trên thế giới hiện nay thì quả thật không sai. Phá thai là một vấn nạn xã hội, một đề tài chính trị được đưa vào các cuộc tranh cử của các chính trị gia, một vấn đề gây tranh cãi và đôi lúc dẫn đến bạo động đáng tiếc giữa những người ủng hộ và chống phá thai. Ngày 17 tháng 9 năm 2003, với 93 phiếu thuận và 0 phiếu chống Thượng Viện Hoa Kỳ đã thông qua thủ tục cuối cùng đưa Hoa Kỳ thêm một bước nữa tới việc nghiêm cấm phá thai bán phần. Cả Thượng Viện lẫn Hạ Viện Hoa Kỳ đều đã thông qua dự luật cấm phá thai bán phần và cuộc bỏ phiếu vừa nói của Thượng Viện là để giải quyết sự khác biệt trong văn bản dự luật của hai phía.

Tuy nhiên, kết quả này vẫn chưa đủ để làm lắng dịu những cuộc tranh cãi về vấn đề phá thai bán phần tại Hoa Kỳ, được phản ánh qua các bài xã luận của báo chí sau cuộc bỏ phiếu của Thượng Viện. Tờ Washington Times, số ra ngày 19 tháng 9 năm 2003 cho rằng, Thượng Viện Hoa Kỳ đã kéo lên thêm một mức nữa cuộc tranh luận dai dẳng và không cần thiết trên một phương pháp giết người đáng ghê tởm. Báo Washington Times mô tả "phá thai bán phần" là một phương pháp độc ác đưa đến sự hủy diệt nhân bản của các bác sĩ hành nghề và những bà mẹ dùng phương pháp này để phá thai. Trong khi bài xã luận của tờ New York Times số ra cùng ngày lại bày tỏ sự thất vọng trước việc nghiêm cấm phá thai bán phần sắp trở thành luật; và gọi sự nghiêm cấm này là một cú đấm khá mạnh vào quyền tự do sanh sản của phụ nữ.

Chúng ta hãy điểm qua tình trạng phá thai tại các nơi khác trên thế giới. Tại Nga, lần đầu tiên trong vòng 50 năm qua chính phủ Nga đang bắt đầu đặt giới hạn cho phá thai. Cũng theo tờ New York Times số ra ngày 24 tháng 8 năm 2003, tuy phụ nữ Nga vẫn có thể phá thai cách dễ dàng trong vòng 3 tháng đầu mang thai, nhưng bộ Y Tế Nga đã giảm từ 13 xuống chỉ có 4 lý do được phép phá thai trong vòng tuần lễ thứ 13 mang thai đến tuần thứ 22. Bốn nguyên nhân này là bị hãm hiếp, đang ngồi tù, chồng chết hoặc bị thương tật nặng, hay khi có án lệnh của tòa rút quyền làm cha mẹ từ người phụ nữ đang mang thai.

Theo ông Aleksandr Chuyev, một dân biểu Hạ Viện, thì đây là bước đầu tiên để giới hạn nạn phá thai tại Nga. Ông Chuyev cũng là tác giả dự luật được đưa ra đầu năm 2003, cấm phá thai sau tuần thứ 12 mang thai. Và ông cũng tham dự vào cuộc thương lượng với bộ Y Tế Nga để soạn ra những giới hạn để phá thai. Nhưng sự thay đổi này sẽ có ảnh hưởng rất nhỏ đối với tổng số vụ phá thai tại Nga. Theo báo New York Times, trong số 1 triệu 700 ngàn vụ phá thai tại Nga vào năm 2002, có 40 ngàn trường hợp phá thai được dựa trên 1 trong số 13 lý do nói trên. Theo thống kê thì tổng số vụ phá thai tại Nga đã giảm từ con số 4 triệu 600 ngàn vào năm 1988, xuống còn 1 triệu 700 ngàn vào năm ngoái. Những thay đổi trong luật lệ cho phép phá thai tại Nga xảy đến giữa lúc có những quan ngại về sự thay đổi về nhân khẩu tại Nga trong tương lai. Thống kê từ Ủy Ban Dân Số Nga cho thầy chỉ trong vòng bảy tháng đầu năm 2003, dân số Nga giảm 0.3%. Dự đoán của Ủy Ban này cho thấy, với đà giảm này thì dân số của Nga sẽ giảm từ con số 145 triệu hiện nay xuống chỉ còn 77 triệu vào năm 2050.

Tại Slovakia, quốc gia mà cho tới ngày ÐTC Gioan Phaolô II đặt chân viếng thăm vào tháng 9 năm 2003, phá thai vẫn còn là đề tài tranh cãi và chia rẽ chưa được giải quyết thỏa đáng. Luật hiện hành tại Slovakia chỉ cho phép phá thai trong vòng 12 tuần đầu tiên mang thai. Mới đây, quốc hội Slovakia thông qua dự luật cho phép phá thai đến tuần thứ 24. Dự luật này làm rung động không ít chính quyền liên minh của thủ tướng Mikulas Dzurinda. Hiện nay thì cuộc tranh luận về luật phá thai này vẫn tiếp diễn. Tòa Bảo Hiến của Slovakia đang cứu xét đơn khiếu nại của các tổ chức chống phá thai. Dù kết quả có thế nào đi nữa, thì thống kê cho thấy tỉ lệ phá thai tại Slovakia đang có chiều hướng giảm. Cách nay một thập niên, Slovakia là một trong số các quốc gia có tỉ lệ phá thai cao nhất trên thế giới, tức là có 40 trong số 1,000 phụ nữ nước này phá thai. Hiện giờ thì tỉ lệ này chỉ còn 10 trên 1,000.

Trở lại Hoa Kỳ thì chắc chắn phá thai sẽ là một đề tài nóng bỏng trong cuộc bầu cử liên bang vào năm 2004. Các nhóm ủng hộ phá thai đang ráo riết vận động gây quỹ cho các ứng cử viên thuộc đảng dân chủ có khuynh hướng ủng hộ phá thai. Kết quả một cuộc nghiên cứu cho thấy ưu thế của đảng Cộng Hòa trong cuộc gây quỹ sẽ bị giới hạn bởi thành công của hơn 500 ủy ban có khuynh hướng ủng hộ phá thai để gây quỹ cho các ứng viên đảng dân chủ. Chiếu theo luật của bộ Thuế Vụ Hoa Kỳ thì các ủy ban này có thể nhận tiền đóng góp vô giới hạn. Kết quả một cuộc nghiên cứu tại Hoa Kỳ cho thấy, từ tháng 8 năm 2000 đến tháng 8 năm 2003, tiền đóng góp cho các tổ chức theo phe Dân Chủ cao gấp đôi so với số tiền mà các nhóm ủng hộ phe Cộng Hòa nhận được. Con số chênh lệch cao hơn 100 triệu Mỹ Kim.

Dựa trên các dữ kiện trên đây, chúng ta thấy hiện tại phe chống phá thai đang đạt được những chiến thắng nhỏ, nhưng cuộc chiến giữa hai bên ủng hộ và chống phá thai tại các nơi trên thế giới vẫn tiếp diễn mà không có dấu hiệu giảm bớt.

 

(Việt Hùng)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page