Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II

và Hồi Giáo

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II và Hồi Giáo.

Radio Veritas Asia - [viết theo Avvenire 21/09/2003] - Vài tháng sau khi Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II được bầu làm Chủ Chăn Giáo hội hoàn vũ, giáo chủ Ayatollah Khomeini khải hoàn  trở về Iran. Hồi Giáo đã chứng tỏ sức mạnh của mình.

Ðức tân giáo hoàng Gioan Phaolô II chưa có kinh nghiệm đặc biệt về người Hồi giáo. Vào khoảng thập niên 50, qua trung gian của cha Charles de Foucauld và nữ tu Magdeleine, người sáng lập dòng Tiểu Muội Chúa Giêsu, có lẽ ngài đã nghe nói đến Hồi giáo. Năm 1963, khi đi hành hương Thánh Ðịa và năm 1973, khi dừng chân tại Philuậttân, hẳn Ngài cũng đã có dịp đọc kinh Coran của Hồi giáo. Ngài cũng có kể lại rằng, lúc còn trẻ, trong một chuyến viếng thăm tu viện Ða minh ở Firenze, ngài đã gặp một người tự xưng là Hồi giáo và hai bên đã trao đổi với nhau. Ðức Karol Wojtyla, vị giáo hoàng tương lai nói rằng đó là cuộc đối thoại đầu tiên giữa Kitô giáo và Hồi giáo.

Sau khi được bầu làm giáo hoàng, Ðức Gioan Phaolô II cho biết rằng qua đức hồng y Pignedoli, cộng tác viên thân cận của Ðức Phaolô VI và đức ông Rossano, người sáng lập Phong Trào Giải Phóng và Hoà Giải, ngài đã thực sự đi vào con đuờng đối thoại với hồi giáo. Dù gặp nhiều khó khăn, hai vị này luôn tin rằng cần phải kiên nhẫn đối thoại với Hồi giáo. Tuy nhiên, cuộc đối thoại mà Giáo hội muốn mở ra với Hồi giáo lại diễn ra vào chính lúc tôn giáo này đang tìm thấy sức mạnh và niềm kiêu hãnh của nó. Ðọc lại những trao đổi giữa giáo chủ Ayatollah Khomeini và Ðức Gioan Phaolô II trong hai năm 1979 và 1980, người ta thấy rõ giọng điệu gây hấn của vị Giáo chủ Hồi giáo này. Ông không ngừng tấn công Ðức Gioan Phaolô II khi nêu lên câu hỏi: tại sao đức giáo hoàng lại phải nhọc công can thiệp cho phái bộ ngoại giao của Hoa kỳ bị bắt làm con tin tại Teheran, nhưng lại làm ngơ trước số phận của vô số người bị ngược đãi trên thế giới? Hệ phái Shiite của giáo chủ Khomeini tự xưng là một thứ "thần học giải phóng" cho các dân tộc bị áp bức.

Kể từ sau năm 1989, Ðức Gioan Phaolô đã thấy trước rằng thách đố của thế giới sẽ là cuộc đối đầu với Hồi Giáo. Cuộc đối đầu lại càng căng thẳng hơn khi phải bênh vực tự do tôn giáo cho các tín hữu kitô tại các nước hồi giáo. Tình trạng của các tín hữu kitô tại Sudan từ nhiều năm qua vẫn là mối quan ngại hàng đầu của Tòa Thánh. Từ Phi châu, các ngài truyền giáo không chỉ ghi nhận sự bành trướng của Hồi giáo, mà còn lo ngại về ảnh hưởng của khuynh hướng Hồi giáo cực đoan tại những nước Hồi giáo vốn có truyền thống khoan nhượng như tại Phi châu. Phải chăng đây không là một thứ chiến tranh lạnh mà Hồi giáo đang gây ra?

Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II và Tòa Thánh không hề muốn tạo ra một bầu khí đối đầu với thế giới Hồi giáo. Trong nhiều cuộc gặp gỡ với những người Hồi giáo, Ðức Thánh Cha luôn muốn đối thoại. Nhưng, kể từ khi chiến tranh lạnh kết thúc, ngài  xác tín rằng Hồi giáo sẽ là vấn đề lớn của thế giới.

Tòa Thánh và Ðức Gioan Phaolô II luôn quan tâm để Giáo hội không bị đồng hóa với thế giới Tây phương. Tòa Thánh và Ðức Thánh Cha đã chống lại chiến tranh Vùng Vịnh. Tòa Thánh và Ðức Thánh Cha đã không ngừng bày tỏ thiện cảm với các Dân tộc Hồi giáo tại Bosnia Herzegovina và kêu gọi thế giới can thiệp nhân đạo để chấm dứt cuộc diệt chủng nhắm vào họ. Tòa Thánh và Ðức Thánh Cha đã lên án cuộc chiến chống Irak do Liên Minh Anh Mỹ chủ trương. Sau cuộc khủng bố 11/09/2001, bên kia những can thiệp chính trị và nhân đạo như thế, Ðức Thánh Cha còn cố gắng kéo thế giới ra khỏi một cuộc đối đầu về văn minh và tôn giáo. Ngày 14/12/2001, vào chính ngày kết thúc tháng chay tịnh Ramadan của nguời Hồi giáo, Ðức Thánh Cha kêu gọi tất cả các tín hữu kitô trên toàn thế giới hãy ăn chay để cầu nguyện cho hòa bình. Ngày 24/01/2002, ngài lại mời các vị lãnh đạo của các Giáo hội Kitô, Do thái giáo, Hồi giáo và các tôn giáo tại Á châu về Assisi để cầu nguyện cho hòa bình và thuyết phục các tín đồ của mọi tôn giáo chống lại mọi cuộc chiến tranh tôn giáo.

Ðức Gioan Phaolô II kêu gọi mọi người, Kitô hữu cũng như Hồi giáo, hãy vượt qua thái độ đối đầu. Với các bạn trẻ được quốc vương Hassan II của Maroc tập trung tại Casablanca hồi năm 1985, Ðức thánh cha đã nói như sau: "Chúng ta đã từng đứng ở hai vị thế đối nghịch nhau. Chúng ta đã từng tiêu hao bao nhiêu năng lực cho những cuộc bút chiến và chiến tranh. Cha tin rằng hôm nay Chúa mời gọi chúng ta hãy thay đổi những thói quen cũ của chúng ta.Chúng ta phải tôn trọng nhau.Chúng ta phải khuyến khích nhau làm điều thiện".

Qua những lời này, chúng ta nghe vọng lại chính giáo huấn của kinh Coran. Thật thế, kinh Coran giải thích rằng ý Chúa muốn có sự khác biệt giữa các tín hữu và mời gọi mọi người hãy cộng tác với nhau để làm việc thiện. Nhưng đây cũng chính là triết lý sống của Ðức Gioan Phaolô II. Thật thế, đối với vị giáo hoàng này, cần phải chung sống với nhau. Ðối thoại là khí cụ để hiểu nhau, tôn trọng nhau và cổ võ cho "tình thân hữu và sự hiệp nhứt giữa con người và các dân tộc". Ðây cũng chính là thứ chính trị mà Ðức Gioan Phaolô II đang đeo đuổi. Lẽ khôn ngoan và kinh nghiệm lâu dài của Giáo hội gợi lên con đường ấy.

 

(Chu Văn)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page