Tiếng kêu từ những Giáo hội đang đau khổ

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Tiếng kêu từ những Giáo hội đang đau khổ.

Radio Veritas Asia [Viết theo Avvenire 2/09/2003] - "Năm 1971, vừa đặt chân đến Hongkong, tôi gặp một sinh viên cũng vừa đào thoát khỏi Trung Quốc, thân thể đày những vết sẹo. Anh hỏi tôi: "Ông là một nhà truyền giáo phải không? Ông phải nói cho tôi biết tôi phải tin gì?" Người thanh niên này suýt bị thiêu sống chỉ vì không chịu bỏ đạo. Cho dẫu không có cơ hội để đào sâu đức tin, anh vẫn không chịu từ bỏ niềm tin mà anh rất trân quí. Ðối với tôi, anh là biểu tượng của những người tín hữu kitô phải sống trong thử thách và thuộc về thiểu số".

Kính thưa quí vị, các bạn thân mến,

Trên đây là chứng từ của cha Giancarlo Politi, một linh mục thuộc Hội Truyền Giáo Pime, đã từng là chủ nhiệm của Báo "Thế Giới và Truyền Giáo" và hiện đang đứng đầu phân bộ đặc trách về Trung Quốc của Bộ Truyền Giáo. Trong bài phát biểu tại Tuần Lễ về tu đức và huấn luyện truyền giáo, do Văn Phòng Hợp Tác Truyền Giáo của Hội đồng giám mục Ý tổ chức hồi tuần qua tại Assisi, miền Trung Nước Ý, cha Politi đã đặc biệt nói đến tình trạng khốn khổ của các tín hữu kitô đang phải sống trong những nước có đa số dân theo những tôn giáo khác hay không có tôn giáo.

Trong tuần lễ hội họp, 180 tham dự viên đã đặc biệt chú ý đến tình trạng của các tín hữu kitô tại Trung Quốc và Thánh Ðịa.

Thánh Ðịa, chiếc nôi của kitô giáo, nay đang phải chứng kiến hiện tượng bỏ nước ra đi của các tín hữu kitô, một phần vì chiến tranh, một phần vì nạn thất nghiệp. Ở bên kia trái đất, Trung Quốc là nơi đã đón nhận Tin mừng ngay từ những thế kỷ đầu của kitô giáo, nay nhìn kitô giáo như một niềm tin hoàn toàn xa lạ.

Tuy nhiên, ngày nay, mặc dù bị bách hại, Giáo hội tại Trung Quốc vẫn tiếp tục phát triển: 12 triệu tín hữu trên tổng số 1 tỷ 3 người. Tuy là một tỷ lệ không đáng kể, nhưng con số tín hữu như thế vẫn chứng tỏ rằng Giáo hội đang có một sức sống mãnh liệt. Cha Politi giải thích: "Dưới thời Mao Trạch Ðông, Giáo hội Công giáo tại Trung Quốc chỉ có 3 triệu rưỡi tín hữu. Vậy mà sau ba chục năm bách hại tàn khốc, chịu những kiểm soát khắt khe của Ðảng, bị hạn chế trong việc thờ phượng, Giáo hội vẫn còn đó và gia tăng đáng kể. Nếu không phải là một phép lạ, thì phải giải thích như thế nào?"

Tại Trung quốc hiện nay, ngày càng có nhiều người tìm hiểu và xin học Ðạo. Ðây là thách đố lớn lao cho Giáo hội, bởi vì không có đủ nhân sự để đáp ứng nhu cầu. Từ thập niên 50 đến thập niên 80, không có thêm một linh mục nào, tất cả các giám mục đều già nua, sự hiểu biết giáo lý chỉ thu hẹp trong nội dung của cuốn giáo lý thời Ðức giáo hoàng Pio X.

Dù vậy, trước câu hỏi: vào thập niên 80, Giáo hội còn hiện hữu tại Trung Quốc không, câu trả lời vẫn dứt khoát là: Giáo hội vẫn còn đó với 143 giáo phận, trong đó có 100 giáo phận đang hoạt động, mặc dù Nhà Nước đã sáng chế ra cái gọi là "Hội Công Giáo Ái Quốc" để kiểm soát Giáo hội. Hiện nay, đa số các giám mục thuộc Hội Công Giáo Ái quốc đều đã nhìn nhận quyền bính của Ðức giáo hoàng.

Ðó là tình trạng của Giáo hội tại Trung Quốc.

Tại Thánh Ðịa, dù phải sống trong một bầu khí tôn giáo, văn hóa và chính trị vô cùng phức tạp, Giáo hội tại đây vẫn thể hiện một sự trung thành cao độ với Tin mừng của Chúa Kitô. Cha Kurzum, người đã làm thư ký trong nhiều năm cho đức cha Marcuzzo, giám mục Nazareth, đã dám khẳng định điều đó. Tuy nhiên, cha cho biết: hiện nay, con số tín hữu kitô tại Thánh Ðịa ngày càng giảm sút. Một số giáo xứ đã hoàn toàn biến mất. Cha Kurzum nói đến các giải pháp mà Ðức thượng phụ công giáo Latinh tại Giêrusalem đề ra là: "cung cấp nhà cửa và việc làm cho người Palestine, mở đại học tại Betlehem".

Ngay cả về mặt đối thoại, công việc cũng rất tích cực. Với nhiều truyền thống và nghi lễ khác nhau, các Giáo hội kitô tại Thánh địa vẫn tiếp tục từng bước một tiến tới trong hiệp nhứt và hiệp thông. Ðối với Giáo hội Công giáo, biến cố nổi bật nhứt vẫn là Thượng Hội đồng gần đây nhứt mà cao điểm là chuyến viếng thăm của Ðức Thánh Cha hồi năm 2000.

Cha Kurzum giải thích rằng chính nhờ thiện chí xây dựng Hòa bình của đức thánh cha mà các tín hữu kitô Á rập đã có thể bày tỏ được chứng tá của tình liên đới với các anh em hồi giáo, ít nhứt là với những ai khước từ bạo động và quyết tâm chống lại khủng bố.

Thánh Ðịa và Trung Quốc, hai thế giới cách biệt và khác biệt nhau, nhưng tiếng kêu từ những Giáo hội đang đau khổ vẫn giống nhau.

 

(Chu Văn)


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page