Những lý do để bênh vực

cho luật độc thân linh mục

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Những lý do để bênh vực cho luật độc thân linh mục.

(Tin Hoa Kỳ, National Catholic Register, 31/08/2003) - Ngày 19/08/2003, 163 linh mục thuộc tổng giáo phận Milwaukee, bang Wisconsin, Hoa kỳ đã ký tên vào một thỉnh nguyện thư gởi lên Hội đồng giám mục Hoa kỳ để yêu cầu bãi bỏ luật độc thân linh mục và cho các ứng sinh vào chức linh mục được tự do chọn lựa sống độc thân hay bậc vợ chồng.

Tuần báo công giáo "National Catholic Register" số ra từ ngày 31/08/2003 đến 6/09/2003 đã dành bài xã luận để trình bày những lý do tại sao Giáo hội cần duy trì luật độc thân linh mục. Sau đây là bài tóm lược của chúng tôi.

Có nhiều vấn đề được nêu lên trong thỉnh nguyện thư của 163 linh mục thuộc tổng giáo phận Milwaukee.

- Câu hỏi đầu tiên cần được đặt ra là: Ðây là một lá thư hay là một tuyên ngôn trên báo chí? Tuy được viết theo hình thức một lá thư, nhưng thỉnh nguyện thư lại được gởi đến cho các ký giả trước, cho nên nó là một "lá thư truyền thông" hơn là một thỉnh nguyện thư gởi cho giới chức có thẩm quyền.

- Lá thư lại nêu lên một vấn đề khác khi khẳng định rằng, trước thế kỷ thứ 11, độc thân linh mục chỉ có tính cách nhiệm ý trong Giáo hội. Một khẳng định như thế hoàn toàn không đúng với sự thật. Những người đầu tiên nêu lên vấn đề độc thân không ai khác hơn là các tông đồ và người đầu tiên trả lời là chính Chúa Giêsu. Chính Chúa Giêsu đã thúc đẩy các tông đồ sống độc thân. Từ thánh Phaolô cho đến các thánh Giáo phụ, tất cả đều kêu gọi các linh mục sống độc thân.

Nhưng dĩ nhiên, Giáo hội chỉ thiết lập bậc độc thân thành luật vào năm 1123 mà thôi, nghĩa là kể từ thời Công Ðồng Laterano thứ nhứt. Lý do khiến Giáo hội  buộc các linh mục phải sống độc thân là bởi vì các linh mục có gia đình gây ra quá  nhiều tai tiếng liên quan đến tình dục. Câu trả lời của Giáo hội trước những vụ tai tiếng về tình dục hiện nay cũng không hề thay đổi: cần phải đề cao hơn là hạ giảm bậc độc thân.

Một cuộc nghiên cứu do Báo New York Times thực hiện cho thấy rằng những vụ tai tiếng về tình dục trong hàng giáo sĩ tại Hoa kỳ xảy ra giữa hai thập niên 60 và 70: đây là giai đoạn các chủng viện tại Hoa kỳ đã quá lơ là trong việc huấn luyện các chủng  tuân giữ bậc độc thân. Ngay cả ngày nay, tại một vài chủng viện, vẫn còn có một số giáo sư đem bậc độc thân ra làm đề tài chế diễu.

Chúng ta không nên ngạc nhiên khi thấy những linh mục được đào tạo trong bầu khí đó không muốn tuân giữ luật độc thân. Do đó, lỗi không phải do luật độc thân, mà do chính các chủng viện không muốn chấp nhận và huấn luyện chủng sinh sống bậc độc thân.

Luận cứ chính trong lá thư của các linh mục thuộc tổng giáo phận Milwaukee là cho rằng nếu bậc độc thân không còn có tính cưỡng bách nữa, thì Giáo hội sẽ giải quyết được nạn khan hiếm ơn gọi. Luận cứ này không đứng vững, bởi vì ngay cả trong một Giáo hội mà giáo sĩ được sống bậc gia đình như Anh Giáo hay Chính Thống chẳng hạn, ơn gọi vẫn thiếu. Và ngày nay, tại Hoa kỳ, những chủng viện trung thành với kỷ luật và Giáo huấn của Gíao hội lại là những chủng viện có nhiều ơn gọi hơn cả.

Phải chăng Gíao hội quá ngây ngô khi đề cao luật độc thân linh mục? Chúng ta hãy lắng nghe chứng từ của chính các linh mục đang sống bậc hôn nhân.

Cha James Parker, thuộc giáo phận Charleston, bang South Carolina, trước kia là một mục sư Tin lành, nay trở lại công giáo, chịu chức linh mục và được phép tiếp tục sống bậc hôn nhân. Cha Parker nói như sau:  "Những ai nghĩ rằng độc thân là một điều khó khăn và không nên buộc linh mục phải tuân giữ, là những người không hiểu gì về bí tích hôn phối hay bản chất của chức linh mục".

Một linh mục có gia đình khác là  cha Richard Bradford, thuộc giáo phận Brighton, bang Massachusetts, nói với tuần báo National Cathalic Register như sau: "Judie, vợ tôi cương quyết bảo vệ luật độc thân, vì bà cho rằng đó là trách nhiệm đầu tiên của tôi đối với Gíao hội".

Linh mục có gia đình thuộc Giáo hội Công giáo Melkite là cha Miguel de Peralta cũng nói rằng "những kẻ ủng hộ cho hàng giáo sĩ có gia đình là những người nghĩ rằng bậc hôn nhân không hề có căng thẳng. Tôi thấy có nhiều điểm tương đồng giữa đời sống gia đình và bậc độc thân. Sống cho đến cùng những cam kết trong bậc sống của mình là đòi hỏi khủng khiếp".

Bà Ana, vợ của linh mục Peralta nói như sau: "Ít có người hiểu hay biết một linh mục và gia đình của ông phải hy sinh như thế nào. Hy sinh mà người vợ của linh mục phải làm là thường phải tự đặt mình vào chỗ thứ hai hay ngay cả thứ ba. Những bổn phận mục vụ phải luôn luôn được đặt lên hàng đầu".

Dù xét dưới khía cạnh nào, bậc độc thân vẫn là một điều tốt cho chức linh mục. Ơn gọi gia tăng nơi nào bậc độc thân được đề cao. Giáo hội dạy rằng đời sống độc thân của linh mục phản ánh tình yêu không chia sẻ của Chúa Giêsu đối với Giáo hội. Kinh Thánh ghi lại rằng Chúa Kitô và thánh Phaolô khuyên các thừa tác viên có chức thánh nên ở độc thân. Lịch sử Giáo hội cho thấy bậc độc thân là câu trả lời thỏa đáng nhứt cho những tai tiếng về ly dị, đa thê và những tội có liên quan đến tình dục của hàng giáo sĩ. Và cuộc sống ngày nay cũng chứng tỏ rằng các linh mục có gia đình tự chuốt lấy không biết bao nhiêu khó khăn cho bản thân, cho vợ con và công việc mục vụ của mình.

Ðã đến lúc cần phải đề cao chức linh mục hơn bao giờ hết.

 

(Chu Văn)


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page