Hội Nghị về chủ đề

Ðại Học và Giáo Hội Công Giáo tại Châu Âu

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Hội Nghị về chủ đề: "Ðại Học và Giáo Hội Công Giáo tại Châu Âu".

Tin Vatican (VIS 15/07/2003 vaVat. 19/07/2003) - Trong những  ngày từ  thứ Năm, ngày 17 tháng 7 năm 2003 đến chúa nhật 20 tháng 7 năm 2003, một Hội Nghị về đề tài "Ðại Học và Giáo Hội Công Giáo tại Châu Âu" được tổ chức tại hai địa điểm: Giáo Hoàng Ðại Học  Ðường Lateranô ở Roma và Trung Tâm Mariapoli của Phong Trào Tổ Ấm ở  Castel Gandolfo, để mừng 700 năm thành lập Ðại Học Roma "La Sapienza". Một ngàn bốn trăm tham dự  viên Hội Nghị, gồm đủ thành phần Giáo Sư, Sinh Viên, những Nhà Trí Thức nổi tiếng, đến từ  39 quốc gia Âu Châu và phái đoàn đến từ Úc Châu, Á Châu, Phi Châu và Mỹ Châu.  Hội Nghị do Liên Hội Ðồng Giám Mục Âu Châu cùng với Ủy ban Giám Mục của Hội Ðồng Giám Mục Italia đặc trách các Ðại Học, cùng đứng ra tổ chức, với sự cộng tác của Bộ Giáo Dục và Ðại Học của Chính Phủ Italia.

Ðức Cha Cesare Nosiglia, ủy viên của Liên Hội Ðồng Giám Mục Âu Châu đặc trách mục vụ đại học, đã chủ tọa nghi thức Khai Mạc Hội Nghị hôm thứ Năm, ngày17 tháng 7 năm 2003. Kế đó, ÐHY Karl Lehmann, chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Ðức đã thuyết trình về đề tài  "Các Ðại Học và Giáo Hội Công Giáo tại Châu Âu: Ðối Thoại để xây dựng một nền Văn Minh mới".

Và lúc 10.30 sáng thứ Bảy, 19 tháng 7 năm 2003, các tham dự viên Hội Nghị đã được ÐTC tiếp kiến tại Castel Gandolfo. ÐTC đã đọc bài diễn văn đầy ý nghĩa như sau:

 

"Quý vị đã gặp nhau tại Roma nầy nhân dịp cử hành 700 năm của Ðại Học lâu đời nhất của Thành Roma, Ðại Học "La Sapienza". Trong những ngày nầy, từ Roma, tầm nhìn của quý vị được trải rộng ra ôm trọn toàn thể Châu Âu,  để suy tư về tương quan giữa các đại học và Giáo Hội Công Giáo, vào khởi  đầu ngàn năm thứ ba.

Mối tương quan nầy trực tiếp đưa chúng ta vào ngay trung tâm của Châu Âu; tại nơi đó nền văn minh âu châu được kết tựu lại,  để được thể hiện trong những cơ chế nổi tiếng nhất của Châu Âu. Chúng ta trở về lại với thế kỷ thứ 13 và 14,  thời gian trong đó được hình thành chủ thuyết về Nhân Bản, như là một tổng hợp thành công nhất giữa sự hiểu biết thần học và tri thức triết học và những khoa học khác nữa. Ðây là một tổng hợp không thể nào nghĩ đến được, nếu không có kitô giáo, nghĩa là nếu không có công việc rao giảng Phúc âm của Giáo Hội, khi gặp gỡ với những thực tại chủng tộc và văn hóa khác nhau của đại lục âu châu. Ký ức lịch sử nầy là điều rất cần thiết để xây dựng văn hóa của Châu Âu ngày nay và ngày mai; trong công cuộc xây dựng nầy, đại học được mời gọi chu toàn một ơn gọi không thể thay thế được.

Cũng như Châu Âu mới không thể nào được  xây dựng mà không  múc lấy từ những nguồn gốc riêng biệt của mình, thì cũng thế, người ta có thể nói như vậy về các đại học. Thật vậy, Ðại Học là nơi tốt nhất để tìm kiếm sự thật, để phân tích các hiện tượng trong chiều hướng luôn tiến đến tổng hợp càng ngày càng trọn vẹn hơn và phong phú hơn. Và cũng như Châu Âu không thể nào được rút gọn về thị trường kinh tế mà thôi, thì  đại học cũng thế, --- mặc dù phải được hội nhập vào trong  tế bào xã hội và kinh tế, --- nhưng không thể nào bị nô lệ  cho những đòi hỏi của xã hội và kinh tế,  nếu không muốn bị mất đi bản chất riêng của mình, một bản chất chính yếu có tính cách văn hóa.

Giáo Hội tại Âu Châu nhìn về Ðại Học, với lòng mộ mến và tin tưởng, --- như luôn luôn là như thế, --- vừa dấn thân cống hiến sự đóng góp riêng và đa dạng của mình. Trước hết, là đóng góp với sự hiện diện của những giáo sư  và sinh viên biết kết hợp khả năng chuyên môn  và đặc tính rõ ràng của khoa học,  với  đời sống thiêng liêng mạnh mẽ, để có thể linh động môi trường đại học bằng tinh thần phúc âm. Kế đến,  đóng góp nhờ qua các đại học công giáo, trong đó được thực hiện phần gia tài của những  đại học thời cổ, được khai sinh từ trong lòng Giáo Hội "ex corde Ecclesiae". Tôi muốn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của những  Ðại Học, được  gọi là "phòng thí nghiệm của nền văn hóa", một ưu tiên của mục vụ đại học trên bình diện Âu Châu. Trong các "môi trường đại học" nầy, được thực hiện một cuộc đối thoại đầy tinh thần xây dựng giữa đức tin và văn hóa, giữa khoa học, triết học và thần học; và luân lý học  được  xem như là đòi buộc nội tại của việc đi tìm một  công cuộc phục vụ đích thật cho con người.

Tôi xin gởi lời khuyến khích quý vị giáo sư; tôi xin gởi lời khuyến khích các sinh viên hãy dấn thân làm cho  những tài năng của mình được trổ sinh hoa trái tốt; với tất cả mọi người, tôi muốn nói lên mong ước được cộng tác để cổ võ cho đời sống và phẩm giá của con người."

 

Quý vị và các bạn thân mến, vừa rồi là một đoạn trích nội dung chính của bài diễn văn ÐTC Gioan Phaolô II đã đọc cho quý vị tham dự Hội Nghị về "Ðại Học và Giáo Hội Công Giáo tại Châu Âu", sáng thứ Bảy, 19 tháng 7 năm 2003, để mừng 700 năm Ðại Học "La Sapienza", một đại học lâu đời nhất của thành Roma. Hội Nghị kết thúc vào chúa nhật ngày 20 tháng 7 năm 2003, với thánh lễ trong Ðền Thờ Thánh Gioan Latêranô.

 

(ÐTD)

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page